ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT VÀ PHẬT GIÁO QUYỀN NĂNG

13/ 11/ 2017 10:39:27

ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT  VÀ PHẬT GIÁO QUYỀN NĂNG

 TS.Nguyễn Mạnh Cường

                                                Viện Nghiên cứu Tôn giáo

Phật giáo quyền năng được sử dụng ở đây là khái niệm chỉ những nhà sư, những người thực hành các tôn giáo tham gia vào công tác quyền lực (chính quyền) nhằm bình ổn xã hội và bảo vệ đất nước trước nạn ngoại xâm. Sở dĩ nói Phật giáo là vì những người tham gia vào chính quyền và bản thân các nhà vua đều là những người tu hành Phật giáo. Họ có thể là sư, có thể là các cư sĩ vừa tu hành vừa tham gia công tác chính quyền. Trong lịch sử nước nhà chúng ta không thiếu những con người như thế này, nhất là vào thời Đinh, Lê, Lý – Trần.

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội và 999 năm nhà sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu) viên tịch, chúng ta thử nhìn nhận lại Phật giáo thế kỷ X và những đóng góp to lớn của các nhà sư trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua mở ra một vương triều mới – Vương triều Lý thì nhiều tư liệu khẳng định rằng, mẹ của Lý Công Uẩn là Phạm Thị đã từng là Phật tử ở chùa Cổ Pháp và trong một lần do ngủ quên để sư bước qua người có chửa sinh ra Lý Công Uẩn. Do vậy khi Công Uẩn lên ngôi vua – trở thành Lý Thái Tổ chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long cũng vừa là để gần với quê hương Cổ Pháp, lại có những mối quan hệ nương tựa vào Đạo Phật. Có nhiều nhà sư thời Lý và trước đó đã tham gia vào chính trường và làm chính trị, thậm chí có nhà sư trở thành nhà vua. Nhà Lý lấy Phật giáo làm tôn giáo chủ đạo quốc gia. Chỉ có điều Phật giáo vốn là một tôn giáo ngoại sinh lại chủ trương không sát sinh nên khi nắm quyền – trở thành một tôn giáo quyền năng liệu có gì trái với bản tính vốn có của tôn giáo ấy? Đạo Phật trong giai đoạn này, bắt đầu nhập thế và là một tôn giáo có nhiều tư tưởng, chính sách làm điểm tựa cho chính quyền.

Trong lịch sử Việt Nam thì không chỉ thời Đinh, Lê, Lý mà trước đó nhiều thời gian, Phật giáo vốn đã trở thành một tôn giáo có quyền năng và đã nhiều lần tham dự triều chính.

Giao Châu là một vùng đất mang tín ngưỡng đa thần giáo – nghĩa là thần linh phổ biến khắp nơi như Thần Mây, Thần Mưa, Thần Sấm, Thần Sét, Thần Núi, Thần Rừng, Thần Nước, Thần Rắn… Người dân bản địa quan niệm về sống và chết là linh hồn không những tồn tại mãi mãi sau khi thân xác đã tan rữa mà còn luôn phù hộ độ trì cho người đang sống. Theo Lĩnh Nam Chích quái: “Con người là một thực thể bất diệt nên sẽ trở về nơi trường sinh, xác thịt có thể tàn tạ nhưng linh hồn thì bất diệt”[1]. Tín ngưỡng bản địa hình thành triết lý siêu linh trong dân gian, song chưa thỏa mãn nhu cầu tâm linh của cộng đồng. Phật giáo từ Ấn Độ truyền qua đem lại một luồng sinh khí mới, đáp ứng nhu cầu tâm linh và được mọi người đón nhận nồng nhiệt. Sự tiếp nhận đạo Phật trên cái nền của tín ngưỡng thờ nữ thần Nông nghiệp đã làm cho đời sống tâm linh người Việt buổi đầu công nguyên bước sang một trang mới – Phật giáo Tứ Pháp. Nói là Phật giáo nhưng nhiều cung cách hành đạo của nhà sư Khâu Đà La vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố kì dị, bùa chú, khổ hạnh của người tu hành Bàlamôn giáo. Có nhiều nhà nghiên cứu, nhất là GS Hà Văn Tấn thì cho rằng, không chỉ Khâu Đà La – Man Nương mà ngay cả vị thần Thiên đế ở chùa Vua chính là Indra một vị thần Bàlamôn giáo mang nhiều ảnh hưởng của Siva giáo[2].

Khi Khâu Đà La sang Việt Nam, ngoài tu đứng một chân, nhà sư này còn cho huyền thoại về Man Nương một phong cách rất phù thủy với nhiều phép lạ. Chính những phép lạ này đã tạo nên hệ thống tứ Pháp với Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện v.v nửa Phật giáo nửa tín ngưỡng truyền thống hay nói hoa mỹ hơn là những người này nửa Thần nửa Phật.

Sự hỗn dung Phật giáo với tín ngưỡng bản địa truyền thống thể hiện thông qua: thuyết nhân quả, nghiệp báo phù hợp với quan niệm ông trời trừng trị những kẻ làm điều ác, ban thưởng, cứu giúp người hiền. Điều này được chứng minh qua kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có chứa đựng nhiều chất huyền thoại Ấn Độ, tạo nên một cơ tầng văn hóa Việt – Ấn. Cơ tầng văn hóa này là nền tảng lưu tưởng để dân tộc ta đứng vững trước trào lưu Hán hóa của quân xâm lược phương Bắc suốt gần 1000 năm đô hộ. Truyện Tấm Cám quan niệm về nhân quả – nghiệp báo, trong đó Bụt đóng vai trò ông Trời, Ngài từ bi cứu giúp người hiền lành, trừng trị kẻ ác. Truyện Ông Gióng với bà mẹ ướm thử bàn chân ngoài vườn cà làng Phù Đổng sau đó mang thai sinh ra vị anh hùng dân tộc có gì đó na ná như truyện Man Nương đẻ ra Tứ Pháp, truyện bà mẹ vua Lý Công Uẩn sau này cũng mang thai nơi cửa Phật vì bàn chân đó chính là biểu tượng Phật trước khi có tượng thờ…  Như vậy, từ một góc nhìn nào đó thì Phật giáo nguyên thủy – Phật giáo Ấn Độ buổi đầu đã có tác động mạnh tới huyền thoại Việt Nam và đã ít nhiều góp phần tạo nên các vị thần của người Việt.

Phật giáo Ấn Độ đã có mặt ở Việt Nam từ bao giờ? Theo các tài liệu sử cũ còn ghi chép lại được thì Phật giáo có mặt ở nước ta từ thế kỷ II SCN tại Luy Lâu (khu vực Dâu). Còn có nhiều tài liệu khác khi nghiên cứu các tháp ở Đồ Sơn (Hải Phòng), tác giả L. Madrolle trong tiểu luận Bắc kỳ thời cổ cho rằng Phật giáo có mặt tại Đồ Sơn vào khoảng thế kỷ III TCN – có nghĩa là Phật giáo vào Việt Nam dưới thời vua Asoka[3]. Cho dù Phật giáo vào nước ta dưới thời nào thì mảnh đất Luy Lâu (Thuận Thành- Bắc Ninh) vẫn là một địa điểm giao lưu và chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ từ rất sớm. Từ thế kỷ II SCN trở về sau, mảnh đất Dâu (Luy Lâu) trở thành mảnh đất lành cho nhiều học giả nhiều nhà sư Trung Hoa sang lánh nạn và tu hành ở Việt Nam. Theo nhận xét của GS Trần Quốc Vượng: Thuyết nhân quả – nghiệp báo của Phật giáo phù hợp với tín ngưỡng dân gian Việt Nam về việc ông Trời trừng trị kẻ ác, cứu giúp ban thưởng người lành. Thuyết luân hồi cũng phù hợp với quan niệm linh hồn tồn tại sau khi xác thân tiêu hoại[4]. Cho nên, Phật giáo thời kỳ này gọi là Phật giáo quyền năng để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thần linh bản địa của một xã hội nông nghiệp và điều quan trọng hơn là để bảo vệ tổ quốc, đặc biệt là để bảo vệ sắc thái văn hóa dân tộc đang trong thời kỳ bị cai trị[5]. Quan điểm này xuất hiện trong Lý hoặc Luận ở điều 14 của Mâu Tử với câu: Kinh Phật giảng dạy, trên dưới trùm khắp, loại vật hàm huyết đều thuộc về Phật[6]. Đức Phật được quan niệm như một đấng Toàn năng, huyền bí, siêu nhiên. Thời ấy, con người đã có chỗ đặt niềm tin trong cuộc sống, người theo Phật phải quy y Tam bảo (Phật – Pháp – Tăng), giữ gìn 5 giới và thực hành 10 điều lành nhằm nâng cao giá trị đạo đức phẩm chất của con người.

Quan niệm về Phật thời bấy giờ là một đấng sáng tạo có mọi quyền năng chi phối toàn vũ trụ, có thể làm chấn động thiên địa, có thần thông biến hóa khắp nơi và làm quỷ thần khiếp sợ. Chính đức tin này là cơ sở của niềm tin vào khả năng chống giặc. Dân tộc ta không những đã thẩm thấu sức mạnh quyền năng siêu việt ấy mà còn biến nó thành chỗ dựa tinh thần cho mình, trong khi đang đánh mất niềm tin vào năng lực bản thân. Đồng thời đây cũng là một bước chuyển nhận thức. Nó không chỉ tạo ra niềm tin vào giá trị truyền thống vốn có của dân tộc mà còn có cả sự chuyển hóa trong quá trình tự ý thức của mỗi người. Nó đã biến sức mạnh tiềm năng thành sức mạnh bản thân: Đây là một nội dung cốt tủy của ý thức mới làm cơ sở cho vận động và xưng đế của Lý Bôn sau này[7]. Chính sức mạnh của Phật giáo quyền năng đã ảnh hưởng đến tinh thần và đời sống của cả dân tộc trong giai đoạn này. “Nền Phật giáo do Mâu Tử và Khương Tăng Hội truyền đạt vẫn mang tính Việt Nam, vì nó do người Việt nhận thức, tiếp thu và truyền thụ, vì thế mang sắc thái văn hóa Việt Nam”[8]. Khương Tăng Hội đã dịch và chú giải các kinh điển của Phật giáo, tiêu biểu nhất là Lục độ tập kinh.

Xét từ góc độ lịch sử, Khương Tăng Hội thông qua Lục độ tập kinh là người bảo lưu đầu tiên hiểu biết của truyền thuyết trăm trứng của dân tộc ta. Truyền thuyết chắc hẳn đã lưu hành rộng rãi vào thời Lục độ tập kinh trong dân tộc Việt để giải thích cho nguồn gốc Bách Việt của họ. Rồi trong quá trình Việt hóa Phật giáo, những trí thức Phật giáo đã dựa vào đó để cải biên; do đó sự tương quan giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa Việt trên đất Việt đã tìm ra một lý thuyết làm nền tảng cho quá trình Việt Ấn chống lại sự Hán hóa của phương Bắc.

Cuối thế kỷ V, Phật giáo đối diện với một thách thức mới vì Phật giáo quyền năng không còn đáp ứng được nhu cầu của sự vận động chung trong lịch sử nên để tồn tại và phát triển, Phật giáo phải mang một sắc thái mới. Đó là sự xuất hiện của dòng thiền mới – dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi tại Dâu (Luy Lâu) ở thế kỷ V SCN. Như vậy kể từ đây Phật giáo quyền năng kết hợp với thiền hữu tông là sự hội tụ của hai yếu tố tư tưởng:

– Phật giáo quyền năng là giá đỡ cho niềm tin vào sức mạnh thiêng liêng.

– Dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi ở cấp tư duy cao hơn giúp cho con người làm chủ chính mình, ý thức được bản thân mình cũng như làm chủ vận mệnh dân tộc.

Đây cũng là tiền thân cho các nhà nước phong kiến Việt Nam mang nặng tư tưởng Phật giáo trong thế kỷ sau.

Sau khi xưng đế, Lý Nam Đế khẳng định nền văn hóa dân tộc, đồng thời cho xây dựng chùa Khai Quốc (nay là chùa Trấn Quốc) với hàm nghĩa là mở nước, dựng nước, khai sáng một đất nước đã có chủ quyền. Điều đó cho thấy Phật giáo là một yếu tố góp phần chống lại sự đồng hóa phương Bắc nhằm ổn định chính trị, củng cố chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Theo Lê Mạnh Thát: Phật giáo từ thời Hai Bà Trưng đến Lý Nam Đế, nét nổi bật là tập trung chống lại nền văn hóa nô dịch của phương Bắc và khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt Nam[9], đến Lý Thái Tông xây chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) năm 1049 với ý nghĩa là độc lập dân tộc và tồn tại lâu dài.

Năm 580 SCN, Thiền sư Tỳ ni đa lưu chi (Vinitarruci) – vùng nam Ấn Độ đến Việt Nam truyền giáo. Ngài ở lại chùa Dâu (Pháp Vân tự) thuộc làng Cổ Châu thành lập dòng thiền đầu tiên của Việt Nam. Dòng thiền này tồn tại và phát triển từ năm 580 đến năm 1216 đã truyền thừa qua 19 thế hệ. Đây là một thiền phái rất có tính cách dân tộc Việt, vừa biểu lộ được sinh hoạt tâm linh siêu việt của Phật giáo vừa biểu lộ được đời sống thực tế và đơn giản của quần chúng nghèo khổ[10]. Những vị thiền sư nhập thế giúp đời tích cực như: Định Không (730-808), Trưởng lão La Quý An (852- 936), Pháp Thuận (914-991), Pháp Bảo, Sùng Phạm, Vạn Hạnh, Sùng Nghiêm, Huệ Sinh, Minh Không, Bảo Tịnh, Khánh Hỷ, Viên Thông v.v. Dòng thiền này không chỉ trực tiếp tham gia vào việc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ nền độc lập mà còn sản sinh ra nhiều “nhân tài – trú xuất” đóng góp tích cực vào sự nghiệp chung cho cả dân tộc.

Theo quan điểm của Mật tông, những vị thiền sư như Định Không, La Quý An, Pháp Thuận v.v với phương pháp cơ bản là chuyên về trì chú, sấm vĩ… mục đích là nương nhờ tha lực hỗ trợ để đi đến giác ngộ, và dùng công năng của mình để giúp đời, góp phần xây dựng nền độc lập. Như các thiền sư của dòng Tỳ ni đa lưu chi đã thể hiện… gần với tín ngưỡng phong thủy, sấm ký, cầu đảo, điều phục tà ma, bốc thuốc chữa bệnh rất thịnh hành ở Trung Quốc và Việt Nam[11]. Trong đó Trưởng lão Định Không vận dụng Mật tông hòa quyện với tín ngưỡng dân tộc, hình thành chủ nghĩa Địa Linh: Theo Thiền Uyển tập anh có ghi:

Thiền sư Định Không chùa Thiền Chúng, hương Dịch Bảng, Phủ Thiên Đức, người Cổ Pháp, họ Nguyễn, mấy đời là vọng tộc. Con người sư hiểu rõ thế số, hành động đúng phép, người làng tôn thờ, đều gọi là Trưởng lão. Tuổi già bèn đến pháp hội của Nam Dương ở Long Tuyền để nghe giảng, hiểu được ý chỉ, do đó sư trở lòng về với đạo Phật. Trong khoảng Đường Lâm ở làng mình, khi mới đào đất đắp nền, gặp một lư hương và 10 cái khánh. Sư sai người đem xuống sông rửa. Một cái lặn mất, đến đáy mới dừng. Sư giải thích rằng thập và khẩu là chữ Cổ, thủy và khứ là chữ Pháp. Thổ là bản thổ, chỉ nơi ta ở. Nhân đó mới đổi tên hương là hương Cổ Pháp (tên cũ là Diên Uẩn). Lại làm bài tụng:

Đất trình pháp khí

Một món đồng ròng

Để Phật pháp được hưng long

Đặt tên hương là Cổ Pháp

(Địa trình pháp khí, Nhất phẩm tinh đồng, Trí Phật pháp chi hưng long, Lập hương danh chi Cổ Pháp).

Sư lại nói :

Hiện ra pháp khí

Mười khẩu chuông đồng

Họ Lý hưng vong

Ba phẩm thành công

(Pháp khí xuất hiện, Thập khẩu đồng chung, Tính Lý hưng long, Tam phẩm thành công).

Lại nói :

Mười khẩu xuống đất nước

Cổ Pháp ấy tên hương

Gà sau tháng chuột ở

Chính lúc Tam bảo hưng.

(Thập khẩu thủy thổ khứ, Cổ Pháp danh hương hiệu, Kê cư loan nguyệt hậu, Chính thị hưng Tam bảo).

Khi sắp tịch, sư gọi đệ tử Thông Thiện dạy rằng : Ta muốn mở rộng làng xóm, nhưng e nửa chừng gặp họa nạn. Chắc có kẻ lạ đến phá nước ta[12]. Sau khi ta mất. Gặp người họ Đinh thì truyền, nguyện ta mãn vậy. Nói xong sư cáo biệt mà mất, thọ 79 tuổi. Lúc ấy là năm Mậu Tý – Đường Nguyên Hòa thứ 3 (808). Thông Thiện dựng tháp thờ ở phía tây chùa Lục Tổ, vừa ghi lời phú chúc của nhà sư mà chôn giấu đi[13].

Sư Định Không đã dự đoán sự việc xẩy ra trong tương lai thông qua hiểu biết về Kinh Dịch cũng như thể nghiệm trong đời sống Mật tông, do vậy Định Không được người đời kính, tôn xưng làm Trưởng lão Định Không. Ông tiên đoán được Lý Công Uẩn lên làm vua thì đất nước thinh vượng. Định Không là người đặt nền tảng xây dựng nên thuyết Địa Linh, với mục đích là mở rộng làng xóm và đề phòng giặc phương Bắc đến xâm lược nước ta. Sự kiện cho chúng ta thấy Phật giáo Thiền tông đã góp phần xây dựng đất nước, trong bối cảnh hiện thực của đất nước, của dân tộc. Điều này chúng ta đọc được từ những nhà sư như Khuông Việt đại sư, Pháp Thuận và Vạn Hạnh. Tất cả đã diễn ra một cách khá rõ rệt tính chất dân tộc của những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm do dân ta thực hiện trong những ngày tháng đầu của thưở mới lập quốc qua sự tham gia tích cực và trực tiếp của hầu hết mọi tầng lớp người[14] ; đồng thời, bảo tồn một vùng đất gọi là địa linh nhân kiệt của Việt Nam.

Sau khi Lý Nam Đế mất, Lý Phật Tử và Triệu Quang Phục tranh nhau ngôi vương. Cuối cùng Lý Phật Tử cũng trở thành vua và duy trì nền độc lập dân tộc trong một thời gian. Trong giai đoạn này, tình hình xã hội có nhiều biến động sâu sắc. Cùng lúc đó, Nhà sư Tỳ ni đa lưu chi sang truyền giáo tại Việt Nam cho dịch khá nhiều kinh như Đại Phương quảng tổng trì hay Kinh Kim Cương nhằm chuyển biến hệ tư tưởng từ Đức Phật cho ta tới Đức Phật tự ta – Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tính nghĩa là trong mỗi con người ta đều có Phật tính và trong ta mỗi người có một đức Phật ngự trị. Điều này củng cố thêm cái quyền năng của Phật giáo. Ý thức hệ của những bộ kinh mới này đã góp phần củng cố lý luận, xây dựng đoàn kết nội bộ để giữ gìn và bảo vệ quốc gia. Trong Kinh Kim Cương xuất hiện tư tưởng Phật giáo nhập thế.

Tư tưởng chủ đạo là hết thảy các pháp đều là Phật pháp. Những người kế thừa nhà sư Thanh Biện thực hiện tư tưởng này như sư Định Không, La Quý An, Pháp Thuận, và trội nhất là Vạn Hạnh, khi ông vận dụng thành công những tư tưởng này trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ. Các vị thiền sư trên là những người đã tích cực tham gia vào phong trào vận động cho chủ quyền và độc lập của đất nước qua những phương thức sấm vĩ, phong thủy. Phải nói đây là những nét mới không những của lịch sử Phật giáo Việt Nam nói riêng mà của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Chính những nét mới này đã thể hiện cho ta thấy thế nào là những đóng góp của thiền sư Thanh Biện đối với dòng thiền Tỳ ni đa lưu chi qua kinh Kim Cương.

Về tư tưởng Vô trụ được bắt nguồn từ Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm, Vô trụ là trạng thái không bám víu vào các sự vật hiện tượng, dù đó là vô hình hay hữu hình. Khi người tu đạt đến trình độ này thì hành động và suy nghĩ đã đạt đến sự giải thoát, tự tại trong cuộc sống, không còn chấp vào ngã pháp. Vô trụ nghĩa là thật tướng, thật tướng là tính không … Trên tinh thần ấy, các Thiền sư đã tích cực nhập thế cũng có nghĩa là họ đã tham gia vào mọi công việc xã hội, phục vụ cho lợi ích của nhân dân mà không sợ bị mang tiếng vụ lợi cho bản thân.

Khoảng 300 năm sau, vào thế kỷ IX, Việt Nam xuất hiện một dòng thiền khác – dòng thiền Vô Ngôn Thông vào năm 802 tại chùa Kiến Sơ. Cũng giống như bao tôn giáo khác, các phái luôn có xu hướng tự tách nhỏ để phát triển thì Thiền phái ở Việt Nam và Trung Quốc cũng vậy. Từ khoảng thế kỷ VI – VII trở về sau Thiền chia thành hai nhóm Thiền phía Bắc và Thiền phía Nam; các nhà nghiên cứu quen gọi thiền hữu tông và thiền không tông. Nếu nhà sư Tỳ ni đa lưu chi mang sang Việt Nam dòng thiền gọi là thiền Hữu tông thì Vô Ngôn Thông lại mang sang nước ta dòng thiền Không tông. Ngay bản thân tên gọi nhà sư Vô Ngôn đã nói lên tính không của thiền phái này. Như vậy, nước ta có 2 phái thiền : Phái Ấn là Tỳ ni đa lưu chi vào nước ta từ sớm và có ảnh hưởng sâu đậm Phật giáo nguyên thủy tại Dâu chịu nhiều ảnh hưởng của Bàlamôn giáo, gần với Mật tông. Còn phái Vô Ngôn Thông mang nậng ảnh hưởng Trung Hoa song ngay cả Vô Ngôn Thông sau này cũng phải thừa nhận rằng, thiền phái của ông không còn lệ vào Trung Hoa bao nhiêu. Các học trò của Vô Ngôn Thông đã cố gắng tu hành theo kiểu Việt Nam và sớm trở thành một phái mang tính độc lập gắn với độc lập dân tộc. Vì vậy tuy rằng Thiền phái dù hữu tông hay không tông, dù là thiền hay tịnh và mật thì thông qua lăng kính của các nhà sư Việt Nam đã biến hóa chúng thành những yếu tố văn hóa đặc sắc Việt Nam. Đây là những tiên đề quan trọng cho quá trình hình thành và phát triển Phật giáo quyền năng ở thế kỷ X. Khi nói về dòng thiền Vô Ngôn Thông và chùa Kiến Sơ, Lê Mạnh Thát viết : “Sự xuất hiện của Phù Đổng Thiên Vương từ chùa Kiến Sơ một lần nữa làm chứng cho sự trưởng thành của một tư duy và nhận thức mới về vai trò Phật giáo trong cuộc sống cộng đồng của dân tộc Việt Nam. Nó báo hiệu cho sự có mặt Phật giáo trên vũ đài chính trị sắp tới theo một cung cách mới từ nền Phật giáo quyền năng qua một nền Phật giáo chính trị xã hội” [15].

Dòng Thiền Vô Ngôn Thông được truyền thừa 15 thế hệ, gồm tất cả 40 vị với thiền sư Cảm Thành là sơ tổ. Dòng thiền này có những vị thiền sư tiêu biểu như Định Hương, Khuông Việt (1011), Viên Chiếu, Cứu Chỉ, Thông Biện, Mãn Giác, Ngộ Ấn, Không Lộ, Quảng Nhiên, Thường Chiếu. . . là những người đã hiến trọn cuộc đời phuc vụ cho đạo pháp và dân tộc.

Sau chiến thắng trên sông Bạch Đằng vào năm 938, Ngô Quyền bắt tay vào xây dựng một nhà nước độc lập non trẻ. Những trí thức những nhà sư lúc đó đóng vai trò quan trọng.  Năm 970, Đinh Tiên Hoàng xưng đế, lấy niên hiệu Thái Bình nguyên niên, bắt đầu phân định lại triều chính, chiêu tập các hiền tài đến giúp rập đất nước. Đồng thời vua Đinh cho triệu tập các tăng sĩ lỗi lạc vào tham dự công việc triều chính. Vua đã tấn phong Thiền sư Khuông Việt, tức Ngô Chân Lưu (933-1011) làm Thái sư, Tăng Thống. Như vậy các nhà sư Việt Nam đến lúc này đã và đang phát huy cái quyền năng Phật giáo của mình. Đưa quyền năng chuyển dần sang chính trị xã hội tham gia vào công tác quản lý đất nước vì lợi ích nhân dân, vì độc lập dân tộc trước sự xâm lăng nước ngoài. Bản thân các nhà sư lúc này cũng cần có một tổ chức thích ứng với triều đình để đáp ứng được nhu cầu vừa tu hành vừa tham gia công tác xã hội làm lợi lạc dân sinh. Lịch sử lúc ấy chưa cho chúng ta những sử liệu thích đáng để khẳng định các nhà sư thời Đinh, Lê, Lý, Trần có một tổ chức giáo hội Phật giáo như ngày nay. Song chắc cũng phải có một tổ chức tương đương bởi nhà Đinh có chức Tăng Thống là người đứng đầu tổ chức Phật giáo lúc ấy. Như vậy ngay từ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI ở Việt Nam ta đã có những tổ chức Phật giáo giúp cho chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội vì độc lập tự do của dân tộc Việt[16].

Ở đây, cho phép tôi nói về tiểu sử của thiền sư Khuông Việt như một lời tri ân với tiền nhân.

Theo Thiền uyển tập anh thì Đại sư Khuông Việt (933-1011) ở chùa Phật Đà quê ông hương Cát Lị, huyện Thường lạc họ Ngô tên là Chân Lưu, là hậu duệ của Ngô Thuận Đế. Ông dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, có chí khí cao xa. Thưở nhỏ theo học Nho, lớn lên theo đạo Phật cùng bạn đồng học Trụ Trì đến chùa Khai Quốc thụ giới cụ túc với thiền sư Vân Phong, nhờ đó được đọc rộng kinh điển nhà Phật, hiểu sâu yếu chỉ thiền học. Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong giữ chức tăng thống. Năm thứ 2 niên hiệu Thái Bình (971) sư được ban hiệu Khuông Việt đại sư. Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ, thích nơi đây cảnh trí đẹp, thanh u, muốn dựng am để ở. Ban đêm sư chiêm bao thấy thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục tên quân hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo với rằng : ‘‘Ta là Tì Sa Môn thiên vương, quân hầu theo ta đây đều là bọn quỷ Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này giữ gìn biên giới để cho phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ngươi nên đến đây để nhờ cậy’’. Sư giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét thì lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng mười trượng cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có đám mây lành che bóng. Sư nhân đó thuê thợ đốn cây ấy lấy gỗ tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ phụng.

Năm Thiên Đức thứ nhất (981), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đển cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy.

Năm Thiên Phúc thứ 7 (986) nhà Tống sai Lý Giác sai sứ sang nước ta. Bấy giờ Pháp sư Đỗ Thuận cũng có danh tiếng lớn. Vua sai Pháp sư cải trang làm Giang lệnh đón tiếp sứ giả ở bến sông. Giác thấy giang lệnh có tài nói chuyện bèn làm thơ tặng, trong đó có câu : Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu (ngoài trời lại có trời soi nữa). Vua bảo Đỗ pháp sư đưa cho Khuông Việt xem. Khuông Việt xem xong nói : Sứ Bắc tôn kính bệ hạ không kém gì vua Tống. Khi sứ trở về sư làm bài thơ Ngọc Lang Quy đưa tiễn, được xem là tác phẩm mở đầu của dòng thơ bang giao trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Về sau sư lấy cớ già yếu xin cáo quan trở về dựng chùa ở núi Du Hí thuộc quận nhà, rồi trụ trì ở đấy, người các nơi đến theo học rất đông. Một hôm đệ tử thân cận là Đa Bảo hỏi sư :

Thế nào là thủy chung của đạo học?

Sư đáp :

Thủy chung không vật thảy hư không

Hiểu được chân như thế ắt đồng.

(Thủy chung vô vậy diệu hư không

Hội đắc chân như thế tự đồng).

Đa Bảo hỏi :

Lấy gì bảo chứng ?

Sư đáp :

Không có chỗ cho người hạ thủ

Đa Bảo thưa :

Hòa thượng nói rõ rồi.

Sư đáp :

Người hiểu thế nào ?

Đa Bảo bèn hét lên một tiếng,

Ngày mười lăm tháng hai niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1011 – đời Lý Thái Tổ) trước lúc quy tịch, sư gọi Đa Bảo đến đọc lời kệ rằng :

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa phục hoàn sinh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toàn toại hà do manh ?

Dịch:

Lửa trong cây có sẵn

Dù tắt lại bùng ngay

Nếu bảo cây không lửa

Xát mạnh sao cháy cây?

Nói xong sư ngồi kiết già mà qua đời, thọ 52 tuổi (có người nói thọ 79 tuổi)[17].

Nếu căn cứ vào các sự kiện lịch sử và ghi chép về thế cuộc của đại sư Khuông Việt thì Ngài phải thọ tới 79 tuổi mới đúng. Khuông Việt đại sư cùng với các đại sư như Định Không, Pháp Thuận, Đa Bảo, Vạn Hạnh…. là những gương mặt những cuộc đời làm rạng danh Phật giáo Việt Nam thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam.

Sang đến thời Lý, các vua Lý dựa hẳn vào Phật giáo để giải quyết nhiều vấn đề quyền lực và chống giặc ngoại xâm. Khi Lý Công Uẩn lên ngôi dựng vương triều Lý – điều này đã nằm trong sự tiên đoán của các sư hay nói đúng hơn là vai trò của các nhà sư lúc đó rất lớn trong việc dưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua. Sau khi lên ngôi Lý Công Uẩn chuyển đô từ Hoa Lư về Thăng Long cho xây dựng đền đài cung điện và không quên xây trong cung cấm một ngôi chùa có tên là chùa Vạn Tuế – đánh dấu sự trưởng thành của nhà nước Phong kiến tự chủ, độc lập sánh cùng với nhà nước Phong kiến Trung Hoa.

 

[1] Trần thế Pháp : Lĩnh Nam chích quái. (Bản dịch Lê Hữu Mục). Nxb Khai Trí. Sài Gòn.

[2] Nguyễn Mạnh Cường: Chùa Dâu – Tứ pháp và Hệ thống các chùa Tứ Pháp. Nxb KHXH Hà Nội 2000.

[3] L. Madrolle: Bắc Kỳ thời cổ. BEFEO năm 1936

[4] Trần Quốc Vượng : Lịch sử Việt Nam, tập I. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Hà Nội 1983, tr : 96.

[5] Giác Dũng : Phật Việt Nam dân tộc Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội năm 2003. tr : 77.

[6] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập I, từ  khởi nguyên tới thời Lý Nam Đế. Nxb Thuận Hóa, Huế năm 1999, tr : 189.

[7] Lê Mạnh Thát. . . đã dẫn, tr : 568-569.

[8] Lê mạnh Thát : Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, tập II. Nxb Tp Hồ Chí Minh, năm 2001, tr : 254.

[9] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập III, từ Lý Thánh Tông (1054) tới Trần Thánh Tông (1278). Nxb Tp Hồ Chí Minh, năm 2002, tr : 260-261.

[10] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. Nxb Văn học và Cty Phát ahnfh sách Hà Nội 1992, tr : 164.

[11] Nguyễn Hùng Hậu (Minh Không) : Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam. Nxb KHXH Hà nội 2002, tr : 63.

[12] Sau Cao Biền nhà Đường đến trấn, quả đúng.

[13] Lê Mạnh Thát: Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập II. Nxb Tp Hồ Chsi Minh, năm 2001, tr : 242-243.

[14] Lê Mạnh Thát: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh. Nxb Tp Hồ Chí Minh, năm 1999, tr : 11.

[15] Lê Mạnh Thát: sách đã dẫn. ..  tr : 347.

[16] Xem thêm Đỗ Ngây: Tư tưởng triết học Phật giáo thời Lý (khoảng đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XII). Luận văn thạc sĩ triết học. Tp Hồ Chí Minh – 2005.

[17] Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Thiền uyển tập anh; do Nxb Văn học ấn hành năm 1990. tr: 42-46.