ĐỆ TAM TỔ HUYỀN QUANG- MỘT THIỀN SƯ, MỘT THI SĨ

11/ 11/ 2017 15:36:47
  • ĐỆ TAM TỔ HUYỀN QUANG- MỘT THIỀN SƯ, MỘT THI SĨ
  • TT.THÍCH BẢO NGHIÊM

                                           Trưởng ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội

Thời Trần là giai đoạn lịch sử đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, bởi triều Trần không chỉ là điểm son rực rỡ nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, với những chiến công chống giặc ngoại xâm oanh liệt, hào hùng mà còn là thời kỳ ra đời một Thiền phái Phật giáo của riêng người Việt, niềm tự hào của tăng ni, Phật tử Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử. Có thể nói, Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của 4 dòng Thiền đã có mặt ở nước Việt: Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (thế kỷ VI), Vô Ngôn Thông (thế kỷ XI), Thảo Đường (thời Lý) và Lâm Tế ( thế kỷ 13). Không chỉ là sự kết hợp giữa các dòng Thiền, chúng ta còn có thể thấy giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu Việt của Phật giáo với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” v.v. Tổng hoà nhiều luồng tư tưởng, rồi nâng cao thêm về phương diện bác học và đưa Thiền học vào cuộc sống bằng cách coi trọng yếu tố thực tiễn của Việt Nam, như vậy, chỉ riêng sự ra đời của dòng Thiền này cũng đã thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết của người Việt Nam. Nãi mét c¸ch kh¸c, ThiÒn ph¸i Tróc L©m lµ mét biÓu hiÖn cô thÓ vµ sinh ®éng b¶n s¾c v¨n ho¸ cña ng êi ViÖt Nam.

Thiền phái Trúc Lâm đề cao sự tự ngộ, sự  nỗ lực rèn luyện của hết thảy mọi người. Dù  xuất gia hay tại gia, sống trong chùa hay ở ngoài  đời, miễn là biết tu tập, cải tạo tâm từ ác chuyển thành thiện, biết phá trừ vô minh, tham dục thì đều đi đến con đường giác ngộ. Nhắc tới Thiền phái Trúc Lâm còn là nhắc tới tinh thần “nhập thế” của Phật giáo với tư tưởng “hoà quang đồng trần”. Đó “là Phật giáo của mọi người, nó không hạn chế trong tăng sĩ, cũng không hạn chế trong chùa chiền. Ai cũng biện tâm được, không kể là xuất gia hay tại gia. Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rất rộng rãi. Đó là sức mạnh của số đông”1.

Thiền Trúc Lâm đi thẳng vào thế giới, thực chứng bằng cách tháo bỏ mọi hàng rào khái niệm, đó thực sự là biện pháp “đốn ngộ” mà Vô Ngôn Thông đã nhắc đến, nhưng nhấn mạnh đến yếu tố “Tâm”, phá bỏ những ảo tưởng, khuyến thiện bằng cách lấy cá nhân và đời sống thực tại làm trọng. Chính vì vậy Trúc Lâm Thiền phái đã góp phần xây dựng triều đại Trần, tổ chức xã hội và bồi đắp nhân cách Đại Việt lúc đương thời.

Dòng Thiền này truyền qua 3 đời: sơ Tổ là đức vua Trần Nhân Tông, tiếp đến là Pháp Loa (đệ nhị Tổ) và Huyền Quang (đệ tam Tổ), nhưng rồi bị ngắt quãng cùng với thời kỳ Phật giáo suy vong, Nho giáo thống trị Đại Việt. Khoảng thời Lê Trung Hưng, có phong trào phục hưng Thiền phái Trúc Lâm, do xã hội Nho giáo suy yếu, song nền tảng cơ sở không đủ đưa Trúc Lâm trở lại những ngày rực rỡ như ở thế kỷ 13, 14. Đến giữa thế kỷ 20, cùng với phong trào Chấn hưng Phật giáo, nhiều vị Thiền sư có ý tái lập Thiền Trúc Lâm, nhưng đây còn là vấn đề học thuật đang tranh luận.

Tuy tồn tại trong khoảng thời gian không dài, song có thể khẳng định: về phương diện lịch sử tư tuởng, Thiền phái Trúc Lâm có tầm quan trọng đặc biệt đến sự phát triển tư tưởng của dân tộc Việt. Cả 3 vị Tổ của Trúc Lâm đều là những nhân vật đặc biệt, có nhiều đóng góp trong lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nếu đức đệ nhất Tổ (đồng thời là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm) là một Thiền sư đắc đạo, một hoàng đế đặc biệt đã có nhiều đóng góp quan trọng trong cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước và mở mang bờ cõi Đại Việt ở thế kỷ 13, thì Pháp Loa cũng là người có công lớn trong việc mở mang, xây dựng tự viện, phát triển giáo hội, trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến việc ấn hành Đại Tạng kinh. Còn Huyền Quang, tuy chỉ gánh vác trọng trách đứng đầu giáo hội Trúc Lâm 4 năm nhưng những gì mà Ngài để lại vẫn cho ta thấy những đóng góp không thể thay thế đối với Phật giáo thời Trần nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Theo các tài liệu thư tịch cổ, Huyền Quang tên thật là Lý Đạo Tái (Tải Đạo), sinh năm Nguyên Phong thứ 4 (1254) đời vua Trần Thái Tông tại Vạn Tư, huyện Gia Định, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Bình- tỉnh Bắc Ninh). Ngài vốn dòng dõi quý tộc quan lại nhà Lý, cha mẹ của Ngài là Lý Huệ Tổ và bà Lê Thị. Bà làm nghề hái thuốc nam, hai ông bà muộn con nên đã về chùa Ngọc Hoàng cầu tự. Một hôm bà đi hái thuốc ở núi Châu Sơn, buổi trưa vào nghỉ ở miếu Cô Ma Tiên, trong giấc mơ bà thấy Vũ Hầu Tướng hoàng y đại quan, bưng một mâm mặt trời đỏ đáp vào bà, bà có thai, sau 12 tháng sinh được một con trai, đặt tên là Lý Đạo Tái. Truyền rằng khi Ngài mới sinh có hào quang toả sáng, hương thơm sực nức đầy nhà, thể mạo của Ngài dĩnh dị, có chí khí của bậc vĩ nhân, cha mẹ Người rất yêu quý dậy cho học văn chương. Lý Đạo Tái thông minh học một biết mười, có tài của Nhan Hồi Á Thánh. Lên 9 tuổi biết làm thơ, năm 20 tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương, năm 21 tuổi đỗ thủ khoa kỳ thi Hội (Khôi nguyên), vua Trần thấy Ngài là người có đức độ học rộng tài cao, mang công chúa Liễu Nữ (cháu của An Sinh Vương) gả cho nhưng Ngài không nhận.

Trong những năm làm quan, Ngài được Vua cử làm việc ở Viện Hàn Lâm thường xuyên giao thiệp với sứ thần, văn thư đi lại viện dẫn kinh điển, ứng đối lưu loát, ngôn ngữ hay hơn cả sứ thần, văn nhân Trung Quốc và các nước láng giềng.

Năm 1305 (52 tuổi) Ngài đã dâng biểu xin vua Trần Anh Tông được xuất gia, được vua y cho. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận: Ngài thụ giới sa di ở chùa Vũ Ninh với Thiền sư Bão Phác. Năm sau (1306), khi Pháp Loa được tổ chức lễ lập làm giảng sư tại chùa Siêu Loại, Bão Phác đem Huyền Quang vể dự lễ này. Vua Trần Nhân Tông và cũng là Đệ nhất Tổ của Thiền phái Trúc Lâm gặp lại Huyền Quang trong hình thái tăng sỹ thì rất vui mừng, biết Huyền Quang là một văn tài liền đề nghị Bảo Phác để Huyền Quang ở lại phụ tá với mình. Từ đó Ngài tuỳ tùng cho Đệ nhất Tổ trong cuộc sống hành đạo. Huyền Quang chỉ được học đạo và phụ tá Đệ nhất Tổ trong 2 năm bởi vì cuối năm 1308 thì Đệ nhất Tổ viên tịch. Trong 2 năm đó Huyền Quang đã giúp Đệ nhất Tổ soạn những sách thực dụng để lưu hành trong giáo hội Trúc Lâm như:

– Chư  phẩm kinh (tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và  thực dụng).

– Công văn tập (tuyển tập những bài văn sớ điệp dùng trong nghi lễ Phật giáo).

– Thích giáo khoa (tập sách giáo khoa về đạo Phật)

Huyền Quang được Trần Nhân Tông cho đi vân du khắp nước, thăm các danh lam thắng cảnh, thỉnh thoảng đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được Trần Nhân Tông cho ngồi lên pháp toà làm bằng trầm hương của mình để giảng kinh, sau đó lập Huyền Quang làm trụ trì chùa Vân Yên núi Yên Tử. Mến phục sức học quảng bác của Người những người theo về học có đến ngàn người.

Sau thời gian ở chùa Vân Yên, Ngài về chùa Thanh Mai – Côn Sơn (Hải Dương). Ở Côn Sơn, Ngài lập đàn Cửu Phẩm liên hoa (đài có chín tầng tám mặt có thể xoay được) và biên tập kinh sách để đời sau.

Sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký còn chép rằng: Huyền Quang đã đi thăm nhiều chùa trong đó có chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự). Tại đây Người đã xây dựng một toà Cửu Phẩm liên hoa và cho khắc in nhiều kinh điển. Đây là một toà tháp có thể xoay tròn được. Tháp có 9 tầng 8 mặt, mỗi mặt của tầng đều chạm nổi hình sự tích Phật, có lẽ toà Cửu phẩm ở Côn Sơn cũng như vậy.

Tam Tổ Huyền Quang là một vị Thiền học uyên thâm, Người không vân du thuyết pháp nhiều như Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông và không xây nhiều chùa, đúc nhiều tượng như Đệ nhị Tổ Pháp Loa mà Người tập trung vào giảng dậy trong các tu viện cho các tăng sỹ, tập trung thì giờ dạy giáo lý, biên tập kinh điển. Trải qua 25 năm tu học, 4 năm lãnh đạo Thiền Trúc Lâm và với vốn kiến thức sẵn có trước khi xuất gia Người đã trở nên một hoà thượng đạo cao đức trọng. Mến sức học của ông, tăng ni về theo học có đến khoảng 1.000 người.

Ngài không chỉ là một Thiền sư đạo cao đức trọng mà còn được biết đến là một thi sĩ nổi tiếng. Số bài thơ của Ngài được lưu giữ cho đến ngày nay còn khoảng 23 bài.

Qua một số bài thơ của Thiền sư để lại khi phân tích thơ có nhiều nét tiêu biểu, trước hết là tư tưởng Thiền học. Thiền sư thấy  ma cung cũng là cảnh Phật, thoát ly quan điểm nhị biên, ma Phật, mê ngộ, thị phi đối đãi. Thiền sư giữ tâm hồn an tĩnh, trở về với thực tại nhiệm màu, không có thành ngăn tục luỵ, phiền não, mắt nhìn xa trông rộng. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ:

Thành ngăn tục luỵ trần không vướng,

Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm

Thấy  được thị phi cùng một tướng,

Cung ma Phật quốc cũng ngồi chung

(Làm ở chùa Diên Hựu- Nguyễn Lang dịch)

Hay:

Biết được tính ta nên Bụt thật

            Ngại chi non nước cảnh đường xa

(Vịnh chùa Hoa Yên)

Ngoài các bài thơ mang tính Thiền học, đức từ bi, thích cảnh núi rừng an nhàn, thanh thoát yêu hoa, Thiền sư  còn tức cảnh, sáng tác nhiều bài thơ, với những hình ảnh đẹp, tươi mát, bình dị…Có cảnh nào đẹp bằng cảnh được Ngài gợi ra trong bài Đầu thu:

“Hương đem mát dịu, bình phong lạnh,

  Xào xạc thu sang lá  động cành.

Trúc đường thong thả, hương vừa  đốt,

Cành cây giăng vọng lọt trăng thanh”

Và  còn rất nhiều những bài thơ hay có giá trị mà người đời sau còn lấy đó làm những áng thơ tuyệt diệu.

Có  thể thấy Ngài là người rất uyên thâm Phật đạo, những triết lý Phật giáo vô cùng cao siêu, huyền diệu mà người nghiên cứu phải bỏ rất nhiều công sức mới có thể lĩnh hội đã được Thiền sư lồng vào những câu thơ một cách bình dị, đơn giản, để mọi người dễ dàng lĩnh hội ý chỉ của đạo Phật. Tuy vậy, dù được nối nghiệp đức Phật hoàng và đệ nhị tổ Pháp Loa, cầm ngọn đèn của rừng trúc, soi rọi cho những người quy Phật, nhưng dường như Ngài cũng gặp khó khăn trong việc lãnh đạo giáo hội Trúc Lâm, điều đó được thể hiện qua đoạn thơ:

Đức bạc thẹn mình nối Tổ đăng

Học theo Hàn Thập dứt  đa đoan

Hãy  đi với bạn về non vắng

Rừng núi bao quang mấy vạn từng

                              (Nguyễn Lang dịch)

Chúng ta đều biết, lúc bấy giờ, số tăng sĩ bên ngoài có thể đã gấp đôi số tăng sĩ trong giáo hội Trúc Lâm, và dù có những ảnh hưởng quan trọng đến đời sống xã hội, giáo hội Trúc Lâm cũng chưa đủ sức để trở thành một giáo hội thống nhất tuyệt đối, quy tụ được toàn bộ tăng sĩ lúc bấy giờ. Bởi thế, phản ứng của những tăng sĩ bên ngoài đối với sự lãnh đạo của giáo hội có thể là khá công khai và mạnh mẽ. Câu thơ đầu, Huyền Quang đã tự trách mình vì đức mỏng nên không thể kế nghiệp Tổ lãnh đạo giáo hội. Nhưng có lẽ, việc dòng Thiền Trúc Lâm sau một thời gian ngắn hưng thịnh đã nhanh chóng suy tàn không chỉ bởi sự lãnh đạo của Huyền Quang mà còn bởi ý thức hệ xã hội cuối thời Trần đã có sự phân hóa, chia rẽ và Nho giáo đang dần phát huy ảnh hưởng của mình trong đường hướng trị quốc của triều Trần.

Đức đệ tam tổ Huyền Quang viên tịch ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất triều vua Hiến Tông, niên hiệu Khai Hựu thứ sáu (1334), tại chùa Côn Sơn, thọ 81 tuổi. Sau khi Ngài viên tịch, vua Trần Minh Tông ban hiệu cho là “Trúc Lâm Đệ Tam Đại tự pháp Huyền Quang tôn giả”. Vua cúng dường 10 lạng vàng để xây tháp cho Ngài sau chùa Côn Sơn gọi là Đăng Minh bảo tháp.

Đã 675 năm trôi qua kể từ ngày Ngài thị tịch, vũ trụ vẫn xoay vần, vạn vật luôn biến đổi, song trước một bậc Thiền sư lỗi lạc, đa văn, sành văn học, giỏi thi ca và một giáo thọ sư hết sức mô phạm như Ngài, chúng ta không thể không cúi đầu tưởng nhớ.