Đền Hỏa Thần

11/ 11/ 2017 15:52:06

                               Đền Hỏa Thần

 

  1. Quảng Tuệ

 

Từ Trung tâm Bưu điện Bờ Hồ, theo phố Đinh Tiên Hoàng vào phố Hàng Đào, hết phố rẽ trái qua Hàng Bồ đến Bát Đàn rồi rẽ trái là phố Hàng Điếu, thuộc phường Cửa Đông quận Hoàn Kiếm. Ngôi đền thờ Thần Lửa (Hỏa Thần) nằm trong ngõ số nhà 30 phố Hàng Điếu là điểm di tích độc đáo của Thăng Long – Hà Nội, đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tìm hiểu đền Hỏa Thần giúp chúng ta có một cái nhìn đầy đủ hơn về lịch sử hình thành, đời sống kinh tế xã hội, sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo … của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm lịch sử.

Tổng quan qui hoạch kiến trúc Thăng Long xưa gồm có ba vòng thành là:

– Kinh thành, có chu vi trên 30 Km, gần trùng với thành Đại La cũ, được qui hoạch theo quan niệm địa lý phong thủy đồng thời là thành lũy quân sự phòng ngự từ xa, là đê ngăn nước sông Hồng và sông Tô Lịch, có các cửa ô được bố trí canh phòng nghiêm mật thông ra Tứ trấn. Giữa Kinh thành và Hoàng thành là nơi dân cư sinh sống, sản xuất và buôn bán phục vụ nhu yếu phẩm cho quan lại và binh lính, cũng có chùa miếu và cung điện phủ các phục vụ nhu cầu tâm linh và vui chơi giải trí của vua quan …

– Hoàng thành là nơi ở của quan lại cao cấp và nơi làm việc của triều đình. Thành mở bốn cửa tiếp xúc với cư dân Kinh thành: cửa Tường Phù phía đông (Cửa Đông), cửa Diệu Đức phía tây (cửa Bảo Khánh), cửa Đại Hưng phía nam (Cửa Nam), và cửa Quảng Phúc phía bắc (Cửa Bắc).

– Cấm thành là nơi ở của vua, hoàng hậu,  các phi tần cung nữ và hoàng thái tử.

Qui hoạch dân cư của Thăng Long xưa, phía nam chủ yếu là khu ở, đồn trại binh lính, nay còn địa danh Hàng Cỏ (khu ga Hà Nội) nơi cung cấp cỏ cho voi ngựa của kinh thành; phía đông và phía tây là khu dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất. Cửa phía đông Hoàng thành mở ra nơi sông Tô Lịch tiếp nước sông Hồng, tạo nên một vùng sông nước, trên bến dưới thuyền, “chợ búa – chợ bến sông” nhộn nhịp, chính là trung tâm kinh tế – văn hóa của Thăng Long – Hà Nội xưa.

Từ khi trở thành kinh đô, Thăng Long là nơi đô hội phồn hoa bậc nhất, đồng thời cũng hơn đâu hết, là nơi phải hứng chịu những tàn phá khốc liệt của hỏa hoạn. Nguyên nhân có nhiều: giặc ngoại xâm và nội chiến giữa các tập đoàn phong kiến đốt phá; nhà cửa được xây dựng liền sát nhau, với vật liệu chủ yếu bằng tranh tre, nứa lá, khí hậu hanh khô và sự bất cẩn của người dân trong sử dụng, sản xuất… Để đề phòng và khắc phục hỏa hoạn, người Thăng Long đã sớm có những biện pháp tích cực, tối ưu, cả về hành chính lẫn tâm linh cho phòng cháy và chữa cháy. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ (1768 – 1839) viết  “Đất kinh thành đông đúc, nhà ở liền nhau, thường có hỏa hoạn … Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải chịu thuế dung, thuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc. Họ phải thay phiên nhau sắm đủ dây đòn, câu liêm, thang tre, bó đuốc, thùng gánh nước để theo quân quan Đề lĩnh đi túc trực các nơi điếm canh, phòng khi sai khiến” (1). Về tâm linh, người Thăng Long còn huy động cả Thành hoàng, vị thần bảo trợ tâm linh của cộng đồng, cùng tham gia phòng cháy chữa cháy. Khi Lý Công Uẩn định đô, thần Bạch Mã vốn là Thành hoàng Long Đỗ của thành cũ Đại La được nâng cấp là Thành hoàng của Kinh đô, của cả nước (Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương). Bài thơ của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (1241 – 1294) đề ở đền Bạch Mã (số nhà 76 phố Hàng Buồm) ca ngợi uy linh và công lao của Thần trong việc trấn trừ hỏa tai, đuổi giặc phương Bắc, bảo vệ kinh thành:

……

Hỏa tụ tam khu phần bất cập

Phong trần nhất trận phiến nan khuynh

…..

Nguyện phục dư uy thôi Bắc địch

Đốn kim hoàn vũ yến nhiên thanh

(Lửa nổi ba khu không cháy được, Phong trần một trận chẳng hề nghiêng … Nhờ cậy uy linh trừ giặc Bắc, Giúp cho đất nước được thanh bình).

Khu phố cổ Hàng Điếu, Nhà Hỏa, Bát Đàn, Hàng Nón, Hàng Gà nay, xưa thuộc thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau là tổng Thuận Mĩ), huyện Thọ Xương, nơi tụ cư đông đúc, nhà cửa sát nhau, của cư dân xóm chợ. Các cụ cao niên dân gốc nơi đây còn được nghe kể lại, trước đây là thôn Nhà Hỏa, có một ngôi đình lớn ở giữa làng, theo lệ hàng năm cứ đến ngày hội làng phải dâng cúng thần Thành hoàng đủ lễ vật là 3 thủ: lợn, gà, vịt, sau đó rước thần đi khắp các ngõ xóm để trị tà ma, cầu phúc, trừ hỏa tai cho dân làng. Năm 1804 Gia Long cho phá Hoàng thành, thời Pháp Hoàng thành được qui hoạch lại hẹp hơn nhiều, hình thành những phố được xác định tên gọi theo mặt hàng buôn bán và nghề thủ công. Như vậy đã rõ, cùng với quá trình qui hoạch lại Hoàng thành, làng Nhà Hỏa được “đô thị hóa” thành phố Nhà Hỏa – Hàng Điếu, Thành hoàng làng trở thành Thần hỏa, mà ảnh hưởng của nó không chỉ bó hẹp trong phạm vi của cộng đồng thôn làng mà mở rộng ra cả khu vực Cửa Đông của Hoàng thành.

Có lẽ việc điếu đóm liên quan tới củi lửa cho nên dân làm – bán điếu tụ cư nơi đây, làng Nhà Hỏa xưa, rồi thành phố, thành hàng. Hàng Điếu xưa bày bán điếu hút thuốc lào, đủ loại điếu bát, điếu cày, điếu ống … Theo tấm bia “Hỏa thần miếu bi kí” do Vũ Tông Phan tiến sĩ khoa Bính tuất (1826), người thôn Tự Tháp (phường Hàng Trống nay) soạn năm Tân sửu Thiệu Trị (1841), hiện còn được lưu giữ tại đền, chúng ta được biết: đền được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), lúc đầu bằng tranh nứa sơ sài; năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) đền được trùng tu với qui mô rộng rãi hơn, gồm hai nếp nhà ngang bằng vật liệu bền vững, lại được Tổng đốc Sơn Tây họ Nguyễn trích 6 mẫu ruộng công gần đền làm ruộng hương đăng thờ cúng; năm 1848 lại xây thêm nhà phương đình nối liền hai nếp nhà, tạo thành tổng thể kiến trúc của đền hình chữ “công” (工). Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, khu phố Tây được thành lập, khu xóm chợ Cửa Đông cũng được đô thị hóa mạnh mẽ, đền Hỏa thần bị thu hẹp nằm lọt giữa khu phố xá đông đúc. Thời kì này nhân dân cũng xây thêm một điện thờ chư vị Thánh Mẫu trong khuôn viên của đền, thiết ban thờ Phật ở gian phương đình, đền Hỏa thần là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, nơi lễ Phật cầu thần cầu thánh ban phúc trừ tai của dân kinh thành. Những thập niên gần đây đền bị xâm lấn, đổ nát hư hỏng nhiều, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong phường và thập phương tín hữu, các cấp chính quyền địa phương đã nhất trí chủ trương, phát huy nội lực trong nhân dân, đảo mái và tôn lát nền mới. Đền được tu bổ khang trang, năm 1997 chính quyền, Ban quản lí di tích và nhân dân địa phương đón nhận “Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa đền Hỏa thần”. Năm 2000 UBND phường và nhân dân rước ban thờ Thánh Mẫu vào trong phương đình, trên vị trí ban thờ cũ dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ của phường, tạo nên một nét văn hóa – lịch sử – tâm linh mới của di tích. Theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, năm 2009 Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thành hội Phật giáo Hà Nội đã bổ nhiệm Đại đức Thích Minh Sơn về trụ trì, trực tiếp trông coi và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Xét trên phương diện tín ngưỡng tôn giáo, lịch sử quá trình du nhập và phát triển Phật giáo ở Việt Nam là lịch sử của quá trình bản địa hóa, quá trình Phật giáo hóa tín ngưỡng dân gian và tín ngưỡng dân gian hóa Phật giáo. Tư tưởng cao diệu của giáo lí nhà Phật thường được trình bày đơn giản dễ hiểu mà thiết thực đối với quảng đại quần chúng, nghi thức được kết hợp hài hòa với tín ngưỡng dân gian bản địa, không ngoài mục đích cao nhất là “Hộ quốc an dân”; thông qua đó, tín ngưỡng dân gian cũng được nâng lên về tầm lí luận, chuẩn hóa về nghi thức. Do vậy, cấu trúc trong xây dựng cũng như bài trí ban thờ “Tiền Phật hậu Thánh/Thần” là cấu trúc phổ biến trong chùa cũng như đền miếu ở miền Bắc nước ta. Nội dung thờ cúng và phong cách bài trí của đền Hỏa thần phản ánh khá rõ đặc điểm đó.

Đền Hỏa thần hiện nay tọa lạc trên mảnh đất có diện tích khoảng 200 m2, khuôn viên chính của đền gồm 3 nếp nhà, được kết cấu theo kiểu chữ “công” (工): nếp nhà ngang đầu tiên là tòa tiền tế, nối liền tòa tiền tế với hậu cung là tòa phương đình, tòa hậu cung là nơi bài trí những ban thờ chính. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trưng của phong cách kiến trúc, mĩ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỉ XIX, đầu XX, có sự kế thừa của các thế kỉ trước: kết cấu chủ đạo là chồng giường kê đấu, giá chiêng, với hệ thống đầu bẩy vì kèo, quá giang đỡ mái; ở các đầu đao, đầu bẩy, câu đầu, cửa võng … được các nghệ nhân dân gian đục bong đục lộng, chạm khắc tinh xảo, sinh động những họa tiết hình thú, mây, hoa, lá ….

Trong cùng của tòa hậu cung là ban thờ Thần hỏa: tượng Ngũ Hiển Hoa Quang Đại Đế được đặt trong khám thờ lớn, với hình dáng phương phi, vẻ mặt uy nghi của bậc vương giả mà phúc hậu, từ bi thông tuệ của Phật; phía ngoài hai bên là hai pho thị giả, Thiên Lí Nhãn (nhìn thấy khắp nơi) và Thuần Phong Nhĩ (nghe thấu mọi điều), theo phong cách dân gian, dữ tợn, phóng khoáng; ở ngoài khám, trước tượng Ngũ Hiển Hoa Quang Đại Đế là tượng Quang Hoa Mã Nguyên Súy (3), tượng đồng vẻ mặt quắc thước, tai to thùy châu chảy dài, vận võ phục, một chân phải đạp lên đầu rồng (cách điệu hóa cá chép hóa rồng), tay phải bắt ấn, tay trái cầm quả cầu lửa, chân trái co hất ra sau bàn chân nâng lư hương, dáng như bay lên. Trước hậu cung còn vế đối ca ngợi công đức và uy linh của Thần : Mục dân toàn lại tý dân, mi thần bất cử ( Chăn dân cốt là che chở cho dân, việc làm của Thần vô cùng linh diệu). Tài liệu văn tự còn lưu giữ trong đền là hệ thống câu đối, hoành phi, hai tấm bia đá và 4 đạo sắc phong. Đạo sắc phong năm Tự Đức thứ 33 (1880) và năm Khải Định thứ 9 (1924) đều phong Thần là “Bản cảnh thành hoàng chi thần”.

Tiếp theo, trong cùng của tòa phương đình là ban thờ Mẫu, có đủ Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Chính giữa của phương đình là ban thờ Phật, có tượng Phật Quan Âm, tượng Thích Ca niêm hoa, tượng Quan Âm Thị Kính, hệ thống tượng được bài trí trang nghiêm chính tắc. Hai bên có đôi câu đối thể hiện tư tưởng Phật giáo Việt Nam:

法 現 五 通 赫 濯 靈 聲 滕 北 地

Pháp hiện ngũ thông, hách trạc linh thanh đằng Bắc địa

道 成 三 昧 恩 波 德 澤 普 南 天

Đạo thành tam muội, ân ba đức trạch phổ Nam thiên

( Phật pháp thần thông, tắm tưới muôn nơi tràn đất Bắc. Đạo thành chính quả, ân đức sâu dày  khắp trời Nam).

Ngoài những ngày lễ chính hàng năm như các đình đền chù miếu khác trong nước, đền Hỏa thần còn trịnh trọng tổ chức lễ tế vào ngày sinh (28 tháng 3) và ngày hóa (28 tháng 9) cảu Thần.

Không biết miếu thành hoàng thờ Thần lửa của thôn Nhà Hỏa – An Nội có từ bao giờ, nhưng chắc chắn từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838)  đến nay nó trở thành một trung tâm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo, cầu phúc trừ tai của cộng đồng cư dân Cửa Đông nói riêng và kinh thành nói chung. Trước ngưỡng cửa của Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, chính quyền và nhân dân địa phương cùng Đại đức trụ trì đang khẩn trương tích cực qui hoạch lại tổng thể di tích, tu tạo, bổ sung hệ thống tượng pháp… , đền Hỏa thần sẽ là nơi đáp ứng nhu cầu của đời sống văn hóa tâm linh của cư dân khu phố cổ đông đúc nhộn nhịp, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, uống nước nhớ nguồn, tạo nên nét phong phú đa dạng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thủ Đô hôm nay.

 

 

Chú thích.

  1. Phạm Đình Hổ. Vũ trung tùy bút. Nxb Trẻ. Hà Nội, 1989, tr. 14, 15.

2.Cho đến đầu thế kỉ XX đoạn nửa đầu phố Hàng Điếu nay vẫn gọi là phố Nhà Hỏa, còn phố Nhà Hỏa nay gọi là ngõ Nhà Hỏa.

  1. Theo Phật thoại, Quang Hoa Mã Nguyên Súy vốn là thần tướng Dạ xoa được giáo hóa bảo vệ Phật pháp và chúng sinh, chống thú dữ, chiến tranh và hỏa hoạn.

.