DI LẶC DU XUÂN

11/ 11/ 2017 15:34:20

                                      DI LẶC DU XUÂN

 

Phật tử Mai Thị Dần

 

        Xuân về vui Tết muôn hoa nở. Tô điểm non sông đẹp bội phần. Lung linh mây trời xuân thắm tươi. Lắng lòng thanh tịnh chúc mừng xuân. Xuân Di Lặc là mùa xuân chan hoà đạo vị! Hãy vui lên hoà cùng ánh ban mai, cùng hưởng  trọn mùa xuân an lạc!

Theo lịch sử của Phật giáo Đức Di Lặc Bồ tát là vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp, nối tiếp Đức Phật Thích Ca hoá độ chúng sinh, nhân duyên chưa đến, Ngài ở cung trời Đâu Suất thường hoá hiện trong mười phương thế giới thuyết pháp độ sinh, nên hình tướng Ngài xuất hiện nơi nhân thế rất gần gũi, hiền hoà và thân thiện với hết thảy chúng sinh, nếu ai có duyên lành niệm danh hiệu của Ngài thường được Ngài gia hộ độ cho gặp nhiều may mắn trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh thành đạt ước mơ. Khi nói đến Ngài chúng ta không thể không nói đến nụ cười Đại hoan hỷ của Ngài, là nụ cười tượng trưng cho Hạnh phúc bất tận nơi thế gian này.

Ngài là vị Phật tương lai với pháp hiệu Di Lặc có nghĩa là Từ Thị, là lòng Từ bi rộng lớn đem đến nguồn hạnh phúc vô tận cho chúng sinh. Ngài đã trải qua nhiều kiếp hoá hiện muôn vàn thân tướng trong cõi Sa Bà để trao truyền đạo giác ngộ giải thoát cho mọi người và mọi loài. Hạnh nguyện vô biên, vô lượng của Ngài là chuyển hoá đau khổ của thế gian thành cuộc sống an lạc, hạnh phúc; chuyển hóa thế giới loạn lạc thành đại đồng; chuyển hoá thế gian ô trược thành tịnh độ – lý tưởng của Đức Di Lặc là lý tưởng cứu khổ ban vui, luôn luôn hướng nhân loại đến một tương lai thánh thiện “Chân Thiện Mỹ”. Ngài có công năng khiến cuộc sống hiện tại như thiên đường, như rừng Thiền bừng Hoa Giác, rừng Hạnh phúc bát ngát nơi trần gian. Đó là một nếp sống có văn hoá, văn minh tạo cho chính mình nguồn hạnh phúc chân thật từ đó lan toả nhân lên hoà cùng mùa xuân Di Lặc.

Đức Di Lặc trong văn hóa dân gian mang hình tượng ông bụng phệ, miệng cười an nhiên tự tại thể hiện trên gương mặt phúc hậu, hoá ngàn vạn thân hình, đại từ bi, đại hoan hỷ giữa dòng đời chung sống với “sáu trẻ nhỏ”, thường quậy phá, ngỗ nghịch, đứa thì kéo tai, đứa thì rờ bụng, đứa thì chọc mũi v.v mà Ngài vẫn cười vui. Không giận, không nổi khùng, không trách mắng v.v vẫn an nhiên thể hiện “chân tâm thường trụ thể tính tịnh minh” hay “chế tâm nhất xứ vô sự bất biện”. Nét mặt Ngài luôn nở nụ cười hoan hỷ, tai dài, bụng to, hở bụng, tay cầm Thiền trượng quảy túi vải du xuân khắp thiên hạ, bốn mùa đều là xuân “Xuân đi hoa vẫn nở, Xuân ở hoa vẫn tàn. Bận lòng chi rơi nở. Tự tại thả thuyền chơi ” (Trích bài kệ của Hoà Thượng Thích Thông Bửu). Thuyền Bát nhã – Thuyền Trí tuệ chơi vơi giữa dòng đời vạn biến. Ngài cứu khổ độ sinh. Nụ cười trên gương mặt biểu hiện vô lượng từ tâm, bất luận là ai (già, trẻ, hay trai, gái) có duyên gặp được gương mặt ngài đều mong muốn được hoà đồng nụ cười hoan hỷ an nhiên.

Vào thời kỳ nhà Hậu Lương thuộc về đời Ngũ ại bên Trung Quốc, ở Châu Minh huyện Phụng Hoá, tỉnh Chiết Giang xuất hiện một vị hoà thượng thường mang túi vải đi khắp thiên hạ, hình tướng khác người thế tục, người đời quen gọi là “Bố Đại hoà thượng”. Vị tăng kỳ lạ này miệng thường nở nụ cười, bụng to, nói năng hoạt bát, đi đâu cũng lấy đất làm nhà nghỉ. Ngài đi đây đi đó vô định tuỳ chốn mà ăn, có lúc vùi thân trong tuyết ngủ mà tuyết vẫn không bám vào thân, sống đời rất tiêu diêu tự tại, thuở ấy có người cư sĩ họ Trần hỏi ngài: Bạch Hoà thượng Ngài có pháp hiệu là gì? Ngài liền đáp bài kệ: “Ta chỉ có túi vải, như hư không vô ngại, mở ra trùm khắp mười phương, nhập vào thấy tự tại”, cái túi vải thần kỳ này được gọi là “Bách bảo càn khôn đại, túi chứa đựng tất cả bảo vật trong trời đất, bẩy báu trong vũ trụ”. Ông Trần cư sĩ lại hỏi “Hoà thượng đi có đem hành trang gì không?” Ngài đáp bài kệ: “Bát cơm chung ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa, mắt xanh trông người thế, mây trắng hỏi đường qua”. Ông Trần Cư sĩ lại thưa “Đệ tử rất ngu, biết làm sao cho đặng thấy tánh Phật”, Ngài bèn đáp bài kệ: “Phật tức tâm tâm ấy là Phật, Mười phương thế giới là linh vật. Tung hoành diệu dụng biết bao nhiêu, cả thẩy chẳng bằng tâm chân thật”. Lúc sắp viên tịch ngài kệ  rằng: “Ta chính là Di Lặc, thị hiện muôn ngàn thân, thường giáo hoá cho người, mà người đời không biết”. Sau khi Ngài viên tịch người ta mới biết vị hoà thượng thường vân du đó chính là hoá thân của Di Lặc Bồ tát.

Trong niềm tin dân gian, hình ảnh Đức Di Lặc tượng trưng cho sự may mắn, cho sự thành đạt an vui hạnh phúc nên được mọi người tín kính ngưỡng mộ Ngài, Ngài là một nhân vật lịch sử trong Phật giáo, tại các ngôi chùa thường thờ hình tượng Ngài để mỗi lần chúng ta lên chùa dâng hương lễ Phật tâm chúng ta được đón nhận nụ cười an nhiên tự tại của Ngài truyền cảm qua tâm thanh tịnh đem lại niềm vui diệu kỳ nơi đời. Hình tượng an nhiên tự tại của Ngài đã có mặt ở khắp mọi nơi tại các văn phòng công ty, cửa hàng kinh doanh, ngân hàng, rồi các nhà máy, công trường, rồi quán chợ, núi non, sông biển mọi nơi, mọi chốn không đâu không có hình tướng của Ngài hoá hiện. Mỗi độ xuân về người người náo nức đón xuân  hoà cùng hương sắc trời xuân, ai ai cũng cố gắng hoàn tất công việc cuả mình  để đón một mùa xuân an lạc thật sự. “Xuân đi trăm hoa rơi. Xuân đến trăm hoa nở. Xem chuyện đời trước mắt. Tóc trên đầu đã phai. Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một nhành mai” ( trích bài kệ của Thiền sư Mãn Giác, thi sĩ Võ Đình dịch).

Tượng Phật Di Lặc chính là vị bồ tát Di Lặc được nhiều dân tộc sùng kính, hình tượng ngài không chỉ phổ biến ở Đông Nam Á như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan v.v mà còn nhiều quốc gia trên thế giới tín ngưỡng Ngài, hình tướng Ngài qua sự hoá thân xuất hiện thần kỳ như một vị cứu tinh đem lại sự bình an cho hết thảy  những ai có duyên với Ngài sống an nhiên tự tại, không một sự ràng buộc hoà mình với thiên nhiên trời đất, hoà mình vào mọi người, với lòng từ bi mà không vướng bận. Mười tám trẻ nhỏ đua nhau quậy phá quấy nghịch trêu ghẹo Ngài, Ngài tức cười – cười mãi – Cười an nhiên tự tại trong “Phật tính”. Ngài tu pháp Duy thức quán, Ngài đã chứng ngộ được nên Ngài quán sát các pháp đều do tâm biến hiện “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” liễu ngộ được chân lý này Ngài nhận thấy cảnh giầu sang phú quý danh vong quyền tước v.v đều như mây trôi ngang trời, như trăng dưới nước, tất cả là do tâm thức biến hiện, nên Ngài đã dẹp được vọng tưởng si mê về giả cảnh. Với chân lý rốt ráo là nền tảng kim cương Ngài đã tuỳ duyên vân du, tuỳ duyên du xuân hoá độ, Ngài là mùa xuân bất tận – Ngài là mùa xuân an lạc! Với Ngài, bốn mùa xuân, hạ, thu , đông vẫn là xuân! Nên Ngài đã hoá hiện ngàn vạn thân du xuân cảnh giới Ta Bà phổ độ chúng sinh.

Hoà chung không khí náo nhiệt mừng xuân Canh Dần 2010 trên quê hương đất Việt, miền đất địa linh – đất tổ vua Hùng, huyền thoại về mẹ Âu Cơ, huyền thoại về Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương, một dân tộc có truyền thống dựng nước và giữ nước để lại nhiều kỳ tích rạng rỡ non sông, ấn son vàng sáng chiếu hồn dân tộc kết nối đạo đời bất khả ly. Niềm tự hào của dân tộc đã và đang dựng xây, phát triển đất nước ngày một phồn vinh, đem lai cuộc sống thanh bình cho mọi ngưòi, mọi nhà ngày một an vui hơn, hạnh phúc hơn. Xuân 2010 cả đất nước đang náo nức đón mừng  ngày Đại lễ Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến, là Phật tử chúng con khát ngưỡng nụ cười đại hoan hỷ của Đức Di Lặc du xuân, hoằng dương Phật pháp hoá độ chúng sinh trong ngày xuân, với tánh khôi hài, nụ cười đại hoan hỷ, tâm Từ bi rộng lớn chứa đựng mọi điều trong thiên hạ, đối với kẻ trí hay người thường, kẻ nghèo hay người giầu v.v Ngài đều đem tâm bình đẳng bố thí độ cho thoát khỏi màn đêm u ám biển khổ trầm luân bởi lòng tham, sân, si, tạo thụ. Với hạnh nguyện của Ngài cứu khổ ban vui, Ngài thâu nhiếp cảnh chúng sinh tất bật nơi nhân thế nhất là ngày xuân: cảnh phố phường chật hẹp người đông đúc – nào người, nào xe các loại đua nhau nhả khói mờ đường, cảnh chen lấn ngột ngạt, ồn ào qua lại mua sắm rộn rực áo quần, nào quà tặng , nào bánh mứt kẹo, nào hoa trái v.v, kẻ thì đang vui say chè chén trong các quán nhậu: uống rượu, ăn thịt; còn nơi góc chợ, ngõ ngách, gầm cầu dành cho những người bần cùng nghèo khó, những trẻ nhỏ lang thang không nơi nương tựa đến trú ngụ trong đêm tối hoặc dưới trời mưa rét hay nắng gắt; cảnh say tiền trên các sàn chứng khoán, say bạc trong các cuộc cá độ, say danh lợi, say tình; bỗng giật mình thoáng nhận thấy nụ cười của Đức Di Lặc thanh thoát như dòng nước cam lồ tưới mát dịu cơn say; bầu không khí trong lành ào về qua hơi thở nhè nhẹ như làn gió xuân mang bình an về cho mọi người và mọi loài cùng vui chung mùa xuân trong tỉnh thức, với câu kệ “Đất đai nọ chẳng vững vàng. Thân tứ đại khổ muôn đường. Bởi ngũ uẩn làm mơ màng. Biển ác nọ Tâm là nguồn. Rừng tội đó thân phải mang…” (trích trong kinh Bát đại Nhân giác); hay “Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm làm chủ Tâm tạo tác .Tâm lánh ác Tâm làm lành” (trích trong kinh Pháp Cú).

Khi nhận thức được chân lý cuộc sống “Phật tức Tâm – Tâm tức Phật”: Không bận lòng lo âu phiền não, không vướng mắc nơi đời, không vui theo xuân thời gian mùa tiết đến, đi, mà mãi vui mùa xuân bất tận – xuân an nhiên tự tại; phát triển bản tâm thánh thiện giữa dòng đời xuôi ngược chốn hồng trần, xuân đến ngàn hoa nở, chim ca hót líu lô, lòng người náo nức mừng xuân, nhưng xuân đến rồi xuân lại đi, hoa nở rồi hoa lại tàn, xuân lệ thuộc thời gian, bốn bề mây bay gió thổi, thênh thang thênh thang, cảm giác nhẹ nhàng, giải thoát ưu phiền, an vui hạnh phúc!  Phố phường đường xá, nhà cửa ruộng nương, tiền tài danh lợi… bỗng dưng lùi vào cõi xa xăm. Hiện tại sống vui với trời xuân lồng lộng, với nụ cười Di Lặc, chúc mừng xuân về, mùa xuân đạo vị! Di Lặc Du Xuân!

Xuân Canh Dần 2010