Đức Di Lặc và Tịnh độ Đâu Suất

11/ 11/ 2017 15:41:33

Đức Di Lặc và Tịnh độ Đâu Suất

 

Trần Thị Thuý Ngọc

 

1, Sự tích về Đức Di Lặc

Di Lặc (彌勒) là phiên âm của chữ maitreya (hệ sankrit), dịch nghĩa là Từ Thị (慈氏), “người có lòng từ”, cũng có tên khác là Vô Năng Thắng (無能勝, sa: ajita), phiên âm Hán Việt là A dật đa, là một vị Bồ tát [1] và cũng là vị Phật tương lai sẽ xuất hiện trên trái đất. Trong Phật giáo Tây Tạng, Bồ tát Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Cõi giáo hóa của Bồ tát hiện nay là trời Đâu Suất (sa. tuṣita).

Đức Di Lặc là vị Phật thứ năm trong Hiền kiếp[2] (Bốn vị Phật trong Hiền kiếp đã ra đời, kể ra sau đây: 1. Đức Câu Lưu Tôn, 2. Đức Câu Na Hàm, 3. Đức Ca Diếp, 4. Đức Thích Ca Mâu Ni) để nối ngôi Phật Thích Ca, ra đời mà giáo hóa chúng sinh.

Theo Kinh Di Lặc hạ sinhTrường A hàm, thì khi Ðức Di Lặc giáng sinh, mực nước biển giảm xuống để lộ thêm 3.300 du thiện na [3] đất liền, châu Nam Thiệm Bộ chu vi rộng được một vạn du thiện na.

Đại khái, nhân loại thời đó đều xinh đẹp sống lâu, trai gái 500 tuổi mới có vợ chồng. Cảnh vật trong nước sáng sủa tốt tươi, không có các loài ruồi muỗi rắn rết độc trùng; gạch ngói sạn đều biến thành lưu ly. Con người thuở ấy không bị khổ vì chiến tranh, khỏi lo nhọc về sự ăn mặc. Tất cả đều hiền lành, tu mười nghiệp thiện, sau khi chết phần nhiều được sinh lên cõi trời. Nhưng phúc đức chưa được đầy đủ, nên bấy giờ loài người vẫn còn các nghiệp tướng như: nóng, lạnh, đói, khát, tiểu tiện, đại tiện, tham dục, thích ăn uống, già yếu. Tuy nhiên, do phúc nghiệp nên khi đại tiểu tiện xong, đất chỗ ấy nứt ra rồi khép lại che giấu uế vật, hoa sen đỏ liền ló lên tuôn ra mùi thơm đánh tan xú khí.

Vị Luân vương thời này tên là Hướng Khê. Vua cai trị bốn châu, có bảy báu, một ngàn người con và đủ cả bốn binh. Trong nước có bốn kho tàng lớn; mỗi kho chứa trăm vạn ức châu báu. Vị Quốc sư đại thần đương triều là Thiện Tịnh Bà la môn, ông này có bà phu nhân xinh đẹp tên là Tịnh Diệu. Di Lặc Bồ tát từ cõi trời Đâu Suất giáng sinh làm con trai của vợ chồng Quốc sư. Bồ tát lúc sinh ra, có đủ 32 tướng tốt, thân hình đầy đặn, khuôn mặt đoan trang tươi sáng như trăng rằm, đôi mắt trong đẹp như cánh hoa sen xanh.

Khi Bồ tát lớn lên, ngài thông thuộc các nghề, kẻ tùy học được 84.000 người. Một năm nọ, vua Hướng Khê làm tràng Diệu bảo để mở hội Thí vô giá, các phạm chí (Bà la môn) vì giành giật châu báu làm gãy nát bảo tràng. Bồ tát thấy thế ngộ lý vô thường, xuất gia tu thành Phật, hiệu là Từ Thị Như Lai.

Đức Di Lặc là vị Phật được tôn xưng dưới tên “Long Hoa Giáo chủ Đương lai Hạ sinh Di Lặc Tôn Phật”. Lúc Ðức Di Lặc thành chính giác, Ngài ngồi dưới một gốc đại thụ, cành cây như mình rồng, hoa nở tủa ra bốn bên như những đầu rồng, nên gọi cây này là Long Hoa bồ đề. Sau khi thành đạo quả, Phật Di Lặc cũng ngồi nơi đây mà thuyết pháp, nên lại có tên gọi Long Hoa pháp hội.

Trong hội thuyết pháp đầu tiên, Ðức Từ Tôn độ được 96 ức [4] người thành đạo quả; hội thứ hai độ được 94 ức người và hội thứ ba độ được 92 ức người. Nơi Thiền môn, vào tới kì tụng niệm về Ðức Di Lặc, chư tăng ni thường đọc bài tán, trong ấy có câu: “Long Hoa tam hội nguyện tương phùng” (Ba hội Long Hoa mong được gặp). Câu này là chỉ cho ba pháp hội đã nói trên. Nhưng thật ra, Ðức Từ Thị Như Lai thuyết pháp rất nhiều hội, chứ không phải chỉ có ba hội ấy. Sở dĩ trong kinh nói có ba là muốn nêu ra tính chất quan trọng và lớn lao nhất của ba hội trong nhiều pháp hội đó thôi.

Người nào muốn dự ba hội Long Hoa, nên thực hành đúng ba điều kiện, theo lời nguyện của Ðức Di Lặc như sau:

  1. Những vị tăng ni xuất gia trong giáo pháp của Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu có thể giữ gìn giới hạnh trang nghiêm, tương lai sẽ được tham dự và độ thoát trong pháp hội đầu tiên của ta.
  2. Hàng Phật tử tại gia, nếu giữ đúng Ngũ giới, Bát quan trai giới, phụng thờ và cung kính cúng dường ngôi Tam bảo, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ hai của ta.
  3. Những kẻ tuy chưa giữ giới, nhưng có lòng chính tín đối với ngôi Tam bảo biết kính lễ Phật và đem tâm thành cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ ba của ta.

Trong 1.000 năm đầu, chúng tăng ở cõi Phật Di Lặc không có lỗi lầm, trải qua 1.000 năm sau sẽ có người phạm giới, Phật thiết lập ra giới cấm. Di Lặc Như Lai thọ 84.000 năm. Sau khi Phật nhập Niết bàn, giáo pháp của Ngài tồn tại đến 84.000 năm. Chúng sinh lúc ấy đều lợi căn. “Những người thiện nam hay thiện nữ nào muốn được gặp Phật Di Lặc, ba hội chúng Thanh văn và thành Sí đầu, muốn gặp vua Nhương Khứ cùng 4 kho trân bảo lớn, muốn ăn lúa gạo ngon tự nhiên và mặc y phục tự nhiên, sau khi chết được sinh lên trời, thì những người thiện nam, thiện nữ ấy không nên lười nhác mà hãy nỗ lực tinh tấn, hãy cúng dường hầu hạ các pháp sư, cúng dường các loại vật dụng, hoa hương … chớ để thiếu sót” [5].

Tại Trung Quốc, thời Đông Tấn, sư Đạo An (312-385) đã khuyếch trương tín ngưỡng Di Lặc, cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất. Khi ngài Huyền Trang (596-664) du học Ấn Độ đã học tập và kế thừa trọn vẹn tư tưởng Duy thức [6] và mang tín ngưỡng Di Lặc về truyền bá sâu rộng ở Trung Quốc và các nước Đông Á. Trong khoảng từ thế kỷ V đến thế kỷ VIII, tư tưởng cầu sinh Tịnh độ Đâu Suất phát triển rực rỡ.

Khi Ngài ứng tích tại Song Lâm, thì tên của Ngài là Phó Đại Sĩ, và lúc Ngài hóa thân ở Nhạc Lâm, thì hiệu của Ngài là Bố Đại Hòa Thượng.

Công việc hành tàng bước đường lai khứ trong hai khoảng chuyển sinh ấy, nào là lời phương tiện quyền xảo, nào là lời vi diệu pháp âm, làm cho người đời đều tỉnh giấc mộng mà quay đầu về Chính giáo.

Nay xin lược thuật sự tích lúc Ngài hóa thân làm vị Bố Đại Hòa Thượng ra sau đây cho quý vị độc giả cùng theo dõi.

Đương thời kỳ nước Lương thuộc về đời Ngũ đại, Ngài hiện thân ở Châu Minh, tại huyện Phụng Hóa, thân hình khác hơn người thế tục, trán thì nhăn, bụng thì lớn, và hình vóc mập mạp. Lúc đó không ai biết tên họ của Ngài, chỉ thấy Ngài thường mang theo một cái túi vải mà thôi, nên người kêu là: Bố Đại Hòa Thượng. Tính Ngài hay khôi hài và chỗ ăn và nằm ngày đêm không nhất định, mà Ngài đi đâu rồi cũng thấy trở về chùa Nhạc Lâm trú ngụ. Vào chợ, vào xóm, thấy cái gì là xin cái đó, bất kể cá ươn hay rau thối. Xin được, bỏ vào miệng; còn lại thì cho vào túi.

Có lần Ngài nằm trong tuyết, mà tuyết không thấm ướt đến mình. Người ta thấy thế cho rằng Ngài là một nhân vật kỳ lạ. Nếu Ngài đến xin hàng bán của ai, hàng đó nhất định sẽ bán chạy. Trời đang nắng ráo mà người ta thấy Ngài mang đôi giày cỏ đẫm ướt đi bươn bả trên đường, chắc chắn sắp sửa có mưa. Lúc trời mưa, nhưng Ngài treo cao đôi guốc gỗ trên cầu, nằm co chân mà ngủ thì hứa hẹn đó sẽ là ngày nắng ráo, rất linh ứng. Cư dân lấy đó mà nghiệm thì có thể biết thời tiết thay đổi.

Về vị Phật dân gian này còn rất nhiều câu chuyện mang màu sắc của Thiền tông. Chuyện kể rằng: Một thầy Tăng đi phía trước Ngài. Ngài chạy tới vỗ vào lưng. Thầy Tăng quay đầu lại, Ngài nói: – Cho xin một quan tiền. Thầy Tăng trả lời: – Nói được thì tôi cho Ngài một quan tiền ngay. Ngài bỏ túi xuống, chắp tay đứng im.

Lần nọ, Hòa thượng Bạch Lộc hỏi Ngài: – Túi Vải (Bố Đại) là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, đứng chắp tay. Hòa thượng Bạch Lộc lại hỏi nữa: – Việc dưới túi vải là thế nào? Ngài bèn vác túi lên vai mà đi. Lần khác, Hòa thượng Tiên Bảo Phúc hỏi: – Chỗ cốt yếu của Phật pháp là thế nào? Ngài bỏ túi vải xuống, chắp tay đứng. Bảo Phúc nói: – Chỉ có vậy, hay có cái gì khác hơn nữa? Ngài liền quảy túi lên vai bỏ đi.

Những hành động khó hiểu đó của Ngài có lẽ được giải thích phần nào qua bài kệ dưới đây:

只個心心心是佛,十方世界最靈物。
縱橫妙用可憐生,一切不如心真實。
騰騰自在無所為,閒閒究竟出家兒。
若睹目前真大道,不見纖毫也大奇。
萬法何殊心何異,何勞更用尋經義?
心王本自絕多知,智者只明無學地。
非聖非凡復若乎,不強分別聖情孤。
無價心珠本圓淨,凡是異相妄空呼。
人能弘道道分明,無量清高稱道情。
攜錦若登故國路,莫愁諸處不聞聲。

(Chính đó tâm tâm tâm là Phật, Mười phương thế giới nó linh nhất

Dọc ngang diệu dụng có gì đâu, Tất cả sao bằng tâm chân thật [7]

Ngời ngời tự tại chẳng làm chi, Phới phới rồi xa xuất gia thấy

Nếu thấy trước mắt đạo lớn thật, Không thấy tơ hào mới quá kỳ

Vạn pháp y nhiên tâm vẫn vậy, Nhọc gì mà phải tìm nghĩa kinh

Tâm vương vốn đã biết cùng khắp, Người trí chỉ cần cái không học

Chẳng phàm, chẳng Thánh, kể mà chi, Chớ gượng phân biệt thì rõ Thánh

Tâm châu vô giá vốn tròn sáng, Phàm là dị tướng tạm gọi không

Người nay hoằng đạo, đạo phân minh, Vô lượng thanh cao xứng đạo tình

Quảy gánh bước lên đường cố quốc, Lo gì khắp chốn chẳng nghe danh)

 

Ngài còn làm bài kệ khác nữa:

一缽千家飯,

孤身萬里游。

青目睹人少,

問路白雲頭。

(Chiếc bát cơm ngàn nhà

Thân côi muôn dặm xa

Mắt xanh nào ai có

Hỏi đường mây trắng qua)

Đời Lương, niên hiệu Trinh Minh thứ ba (917), Ngài ngồi dưới hiên phía đông chùa Nhạc Lâm và đọc một bài kệ trước khi thị tịch:

彌勒真彌勒,

分身千百億,

時時示時人,

時人自不識。

(Di Lặc thật Di Lặc

Hóa thân trăm nghìn ức

Thường hiện trước người đời

Mà người đời chẳng thấy)

Nói xong liền an nhiên toạ hoá.

Người đương thời cho rằng Ngài là Đức Di Lặc chuyển sinh. Năm 1104, đời Tống Sùng Ninh năm thứ 3, vị trụ trì chùa Nhạc Lâm cho tạc tượng Bố Đại Hoà thượng. Từ đó, cả một dải Chiết Giang rất nhiều chùa chiền đều cho tạc tượng Phật Di Lặc bụng to, miệng cười lớn, chính là dựa theo hình tượng của vị Bố Đại Hoà thượng này. Sau này, tượng Đức Di Lặc bụng to được để ngay tại sơn môn, để khách lên vãn cảnh chùa đều có thể cảm thấy ngay sự chào đón an lạc, vui vẻ toả ra từ tượng Phật, hình tượng Đức Di Lặc dân gian vì vậy rất được dân chúng ưa thích, và tín ngưỡng Di Lặc trở thành tín ngưỡng phổ biến tại Trung Quốc, Việt Nam. Đến giới nghiên cứu phương Tây cũng phải thừa nhận đây là “sự tiếp biến đáng kinh ngạc của Phật giáo Trung Quốc, họ đã sáng tạo nên hình tượng một vị Phật đầy an lạc và từ bi rất Trung Quốc” [8]. Người Trung Quốc thường mô tả về Đức Phật Di Lặc là:

大腹能容,容天下難容之事;慈顏常笑,笑世間可笑之人.

Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ

Mặt hiền thường cười, cười những việc đáng cười trên thế gian.

 

 

 

2, Cõi Tịnh độ Đâu Suất

Cõi Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc là một trong nhiều cõi Tịnh độ khác nhau trong pháp giới như Tịnh độ Đông phương Diệu Hỷ của Phật A Súc, Tịnh độ Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà v.v. Tịnh độ là quốc độ thù thắng trang nghiêm thanh tịnh, là y báo của chư Phật trải qua vô lượng kiếp tu tập thiện nghiệp và thực thi đại nguyện lợi ích chúng sinh. Theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng cầu sinh về Tịnh độ Đâu Suất có trong Phật giáo Nguyên thủy và đây cũng chính là nền tảng của tư tưởng vãng sinh Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa.

Trong Kinh Di Lặc thượng sinh Đâu Suất, Đức Thích Ca đã mô tả cõi trời này vô cùng đẹp đẽ, tráng lệ, thanh tịnh và trang nghiêm. Đại lược như: cung điện, tường thành, mặt đất, hàng cây, hoa sen cho đến thiên nữ đều bằng bảy báu. Âm nhạc vi diệu diễn nói về hạnh Bất thối chuyển. Khi gió trời thổi lay động hàng cây báu, âm nhạc trỗi lên, thiên nữ tự nhiên cầm những nhạc khí đua nhau ca múa. Họ ca ngâm, diễn nói các pháp Ba la mật và khổ, không, vô thường, vô ngã cùng 10 pháp lành, 4 thệ nguyện lớn. Chư thiên nghe được đều phát tâm vô thượng Bồ đề v.v. Đức Bồ tát Di Lặc hiện đang ở cõi trời Đâu Suất, tầng thứ tư của cõi trời Dục giới. Cõi trời này chia thành hai viện nội ngoại, Ngoại viện là nơi ở của hàng phàm phu dục lạc, Nội viện là Tịnh độ của Đức Di Lặc.

Tới đây, chúng tôi xin rộng bàn đôi chút. Đức Di Lặc sẽ là người kế thừa Đức Thích Ca để thành Phật trong tương lai, vậy chúng ta có nên cầu vãng sinh về cõi Đâu Suất để diện kiến Đức Di Lặc?

Cầu về Đâu Suất cũng có thể nghe đạo, thấy Phật giống như cõi Tây phương. Song không dễ để chuyển sinh lên cõi trời Đâu Suất. Dù có tu theo thập thiện cũng chưa chắc đã vãng sinh được. Trong Kinh Di Lặc thượng sinh Đâu Suất nói: “Những chúng sinh nào nếu tu các nghiệp thanh tịnh, thực hành 6 pháp hòa kính, kiên định không nghi ngờ sẽ được sinh lên trời Đâu Suất, gặp Bồ tát và theo Bồ tát Di Lặc xuống lại cõi Diêm Phù Đề, được nghe pháp đệ nhất, vào đời tương lai được gặp tất cả chư Phật ở đời Hiền kiếp. Đến kiếp Tinh Tú [9] cũng được gặp chư Phật Thế Tôn, được các đức Phật thọ ký đạo quả giác ngộ”. “Này Ưu Ba Ly! Như có Tỳ kheo và tất cả đại chúng nào muốn sinh lên cõi trời ấy thì đừng nhàm chán sinh tử, tâm luôn hướng về tuệ giác vô thượng, muốn làm đệ tử Bồ tát Di Lặc thì hãy quán tưởng thế này: Giữ trọn vẹn 5 giới, 8 giới Bát quan trai và giới Cụ túc, thân tâm tinh tấn, không cầu đoạn kiết sử, tu pháp 10 điều thiện, luôn luôn tư duy về sự an vui tốt đẹp bậc nhất ở cõi trời Đâu Suất. Quán như vậy gọi là Chính quán.

Hãy nên chính niệm, nghĩ nhớ Phật và hình tượng, danh hiệu Đức Di Lặc. Người như vậy, hoặc trong khoảng một niệm thọ trì 8 trai giới, tu các thiện nghiệp, phát thệ nguyện rộng lớn, sau khi qua đời, chỉ trong khoảnh khắc liền được vãng sinh lên cõi trời Đâu Suất” [10].

Khi được sinh về Tịnh độ Đâu Suất, không chỉ hưởng phước trời mà còn tu hành cùng Bồ tát Di Lặc. Đợi đến lúc Bồ tát Di Lặc hạ sinh, chư thiên ở Nội viện Đâu Suất đều theo Ngài giáng sinh xuống nhân gian, ở trong Long Hoa tam hội và đều được giải thoát. Do đó, dù sinh lên cõi trời (chưa ra khỏi ba cõi) nhưng nếu nguyện vào Tịnh độ Đâu Suất của Bồ tát Di Lặc và diện kiến Đức Di Lặc thì đã bảo đảm được giải thoát rốt ráo. Các cao tăng như Pháp sư Đạo An, Đại sư Huyền Trang, Đại sư Khuy Cơ đời Đường cho đến Đại sư Thái Hư, Pháp sư Từ Hàng v.v đều phát nguyện sinh về Tịnh độ Đâu Suất và trở lại giáo hóa chúng sinh.

Không như việc cầu về Tây phương Cực lạc, các Phật tử chỉ cần chuyên tâm niệm hồng danh Đức A di đà là sẽ cảm ứng và được Ngài tiếp dẫn, việc chuyển sinh lên cõi trời Đâu Suất của Đức Di Lặc đòi hỏi sự nỗ lực toàn diện của hành giả nhiều hơn.

Song, dù trang nghiêm và đẹp đẽ tới đâu thì Đâu Suất vẫn thuộc về Dục giới[11]. Nơi đây vẫn có người nữ làm cho chư thiên đắm mê và thậm chí có thể khiến hành giả thoái vị trên đường tu đạo. Điều này khác hẳn với cõi Tịnh độ của Đức Phật A di đà. Thứ nữa là lên tới trời Đâu Suất thì chưa hẳn đã diện kiến được Đức Di Lặc nên không chắc sẽ chứng ngộ sự giải thoát hoàn toàn. Trong Phật giáo thường kể một câu chuyện về việc vãng sinh lên cõi trời Đâu Suất như sau:

“Có ba vị Bồ tát là Vô Trước, Thế Thân, Sư Tử Giác thâm tu Thiền định quyết chí đồng sinh về Đâu Suất. Ba vị đó cùng ước hẹn, nếu ai sinh lên Nội viện được thấy Đức Di Lặc trước, phải trở về báo tin cho huynh đệ biết. Ngài Sư Tử Giác quy tịch trước, trải qua thời gian khá lâu, không trở lại báo tin. Kế đó là ngài Thế Thân, khi lâm chung, Vô Trước Bồ tát dặn rằng: “Sau khi đệ bái kiến Đức Di Lặc, phải trở xuống cho huynh biết ngay”. Thế Thân Bồ tát tịch rồi ba năm sau mới trở lại báo tin. Ngài Vô Trước hỏi: “Tại sao đệ thông báo muộn như thế?” Thế Thân đáp: “Sau khi lễ kiến Đức Di Lặc, vừa nghe Ngài thuyết pháp chỉ dạy xong, đệ cung kính đi vi nhiễu ba vòng rồi trở xuống đây báo tin ngay. Vì một ngày đêm ở Đâu Suất bằng 400 năm nơi hạ giới, nên mới trễ đến ba năm”. Vô Trước lại hỏi: “Còn Sư Tử Giác hiện ở đâu?” Thế Thân đáp: “Sư Tử Giác bị lạc vào Đâu Suất Ngoại viện, đang say đắm cảnh ngũ dục, từ khi sinh lên đến nay, chưa được thấy Đức Di Lặc” [12].

Xem thế thì biết các bậc tiểu Bồ tát sinh về Đâu Suất còn bị mê lạc, huống nữa là phàm phu. Chỉ có trong cõi Tịnh độ của Đức A di đà là người tu sẽ chứng nghiệm được quả Vô sinh pháp nhẫn, không một ai thoái chuyển[13] đoạ về tam giới, bị sinh tử buộc ràng nữa.

Như vậy, ta có thể thấy thêm được nguyên do vì sao mà tư tưởng vãng sinh Tịnh độ Tây phương Cực Lạc lại hưng thịnh hơn và được phổ biến nhiều hơn tư tưởng vãng sinh Tịnh độ Đâu Suất: 1- Về thanh tịnh trang nghiêm thì Tịnh độ Đâu Suất tuy đầy đủ y báo và chính báo nhưng không siêu việt thù thắng bằng cõi Tây phương Tịnh độ. 2- Điều kiện vãng sinh Tịnh độ của Bồ tát Di Lặc và Tịnh độ của Phật A Súc là rất cao, chủ yếu là tự lực, trong khi điều kiện vãng sinh Tịnh độ của Phật Di Đà đơn giản hơn và đặc biệt là được nương nhờ tha lực “tiếp dẫn vãng sinh” của chư Phật và Thánh chúng.

*

Hội Long Hoa của Đức Di Lặc là sự mở đầu cho một vận hội mới tốt đẹp và hạnh phúc dài lâu cho loài người, cũng tựa như mùa xuân là mở đầu tốt đẹp cho một năm. Đức Di Lặc dân gian thể hiện cho niềm hạnh phúc viên mãn mà chúng sinh hằng ước ao qua nụ cười bất diệt. Ngày mở đầu của một năm, mùng 1 tháng Giêng còn là ngày vía của Đức Di Lặc, vì thế mà Phật giáo dân gian thường coi mùa xuân là mùa xuân Di Lặc để thể hiện niềm mong ước rằng trọn năm sẽ được chung hưởng niềm vui an lạc kéo dài của mùa xuân.

Nam mô Long Hoa Giáo chủ Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật!

 

Tài liệu tham khảo:

1, Báo Giác ngộ phiên bản điện tử, www.giacngo.vn.

2, Thích Thiền Tâm dịch, Trí Giả Đại sư, Tịnh độ thập nghi luận, www.tinhdo.net.

3, Thích nữ Như Phúc dịch, Phật thuyết kinh Di Lặc hạ sinh, www.quangduc.com.

4, Thích nữ Như Phúc dịch, Phật thuyết Kinh Di Lặc thượng sinh Đâu Suất, www.quangduc.com.

5, Thích Nhuận Châu dịch, Phật thuyết Kinh Pháp diệt tận, www.tangthuphathoc.com.

6, Thích Tuệ Sĩ dịch, Kinh Trường A hàm, www.phatviet.com.

7, Thích Như Điển dịch, Huyền Trang, Đại Đường Tây vực kí, e-book.

8, Thích Như Điển dịch, Kinh Đại bi, www.quangduc.com.

[1] Tiếng Phạn là Bodhisattva, nghĩa là cứu độ tất cả mọi người. Vị này còn một bậc nữa là thành Phật. Đức Di Lặc là vị Phật mà vì lòng Từ bi thương nhân loại nên Ngài hạ mình giáng sinh để tận độ chúng sinh.

[2] Hiền kiếp là Đại kiếp hiện tại, tính theo thời gian quá khứ, hiện tại và tương lai. Tương truyền, mỗi một Đại kiếp sẽ có 1000 vị Phật ra đời ở Trung kiếp Trụ, như thế nghĩa là sau Phật Di Lặc sẽ còn 995 vị Phật nữa xuất hiện trong Hiền kiếp. 1 Đại kiếp = 4 Trung kiếp (Thành, Trụ, Hoại, Không), 1 Trung kiếp = 20 Tiểu kiếp, 1 Tiểu kiếp = 16 triệu năm. Tính ra 1 Đại kiếp là khoảng thời gian vô cùng dài, tương đương 1 tỉ 280 triệu năm.

[3] Khoảng 30 dặm, mỗi du thiện na là khoảng cách giữa 2 trạm ngựa. Có chỗ còn sử dụng “do tuần” với nghĩa này để đo chiều dài.

[4] 1 ức là 100.000.000.

[5] Thích nữ Như Phúc dịch, Phật thuyết kinh Di Lặc hạ sinh, www.quangduc.com.

[6] Ngài Di Lặc ở Nội viện của cung trời Đâu suất được tôn xưng là Tổ sư của Duy Thức tông, tương truyền là tác giả năm bộ luận nổi tiếng làm nền tảng cho Duy thức học Phật giáo phát triển đến hoàn thiện.

[7] Quan điểm Duy thức tông, cho rằng “Nhất thiết duy tâm tạo” (Tất cả đều do Tâm tạo ra), nếu để Tâm điên đảo, vọng tưởng, thì chúng ta mãi mãi là chúng sinh trôi lăn trong luân hồi, nhưng nếu Tâm thanh tịnh, không bị xao động theo trần ai vô thường thì lập tức sẽ thành Phật. Nên nhìn từ góc độ bản thể luận, Phật với chúng sinh là bình đẳng, không có gì sai biệt.

[8] Theo Phật Quang đại từ điển, phiên bản điện tử.

[9] Kiếp Tinh Tú: Trong một Đại kiếp, ba Trung kiếp Thành, Hoại, Không đều không có chúng sinh ở. Khí thế giới và hữu tình giới chỉ thể hiện đầy đủ trong kiếp Trụ. Cứ theo ba thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai thì Đại kiếp trong quá khứ tên là Trang Nghiêm, Đại kiếp hiện nay gọi là Hiền kiếp hay Thiện Hiền, Đại kiếp sẽ đến tên là Tinh Tú.

[10] Thích nữ Như Phúc dịch, Kinh Di Lặc thượng sinh, www.quangduc.com.

[11] Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Đâu Suất là tầng trời thứ tư trong sáu tầng trời thuộc cõi Dục của tam giới.

[12] Thích Như Điển dịch, Huyền Trang, Đại Đường Tây vực kí, sách e-book.

[13] Còn gọi là “thối chuyển”, “thối đoạ”, nghĩa là tụt lùi, rơi trở lại, trái ngược với “tinh tấn” là tiến về phía trước, tiến lên trên, ý chỉ người tu không vượt được ngưỡng để lên cảnh giới cao mà bị rơi trở lại các bước tu thấp hơn.