GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM SẼ LÀM HẾT SỨC MÌNH ĐỂ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ VI TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

11/ 11/ 2017 15:02:51

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM SẼ LÀM HẾT SỨC MÌNH

ĐỂ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH PHẬT GIÁO THẾ GIỚI LẦN THỨ VI

TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Đại đức Thích Minh Tiến

Uỷ viên Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN

Năm 2010 là một năm đất nước ta có nhiều sự kiện quan trọng, trong đó sự kiện đặc biệt nhất là cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Trong không khí đó, được sự bảo trợ của Nhà nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI tại Hà Nội. Phải nói đây là cái duyên của Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Quốc tế, được tổ chức Hội nghị tại Thủ đô của một nước có lịch sử 1000 năm.

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới được tổ chức tại Hà Nội không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Tăng ni, Phật tử thế giới hội tụ về đây để làm sáng tỏ tư tưởng trong sáng của giáo lý đạo Phật và phát huy trong cuộc sống nhân gian của mỗi nước trên thế giới, từ đó củng cố mối quan hệ đoàn kết truyền thống hữu nghị, kêu gọi bảo vệ hòa bình cho nhân loại giữa các quốc gia và thế giới mà còn là dịp để quốc tế biết đến Việt Nam một đất nước có nền văn hóa lâu đời, yêu chuộng hòa bình, giàu bản sắc dân tộc và qua đó thấy được chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về tôn trọng và bảo đảm tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân.

Với ý nghĩa đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định đây là Phật sự trọng tâm trong hoạt động Phật giáo Quốc tế năm 2010. Để thực hiện việc này, Trung ương Giáo hội đã có Nghị quyết giao cho các ban ngành chức năng của Trung ương Giáo hội để xây dựng đề án tổ chức Hội nghị. Giáo hội cũng đã chủ động mời đại diện lãnh đạo Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo (có trụ sở tại Nhật Bản) sang Việt Nam trao đổi thống nhất những nội dung liên quan, làm việc với cơ quan chức năng của Nhà nước để xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác tổ chức. Tiếp đó Trung ương Giáo hội đã hoàn chỉnh tờ trình Chính Phủ về đề án tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI, trong đó tập trung vào những hoạt động chính: Nghi thức khai mạc, bế mạc, Hội thảo trao đổi học thuật, tổ chức các hoạt động lễ nghi cầu nguyện hòa bình thế giới và tham quan các danh thắng Phật giáo và danh thắng đất nước. Có thể khẳng định rằng, những nguyên tắc căn bản và chương trình nghị sự chính của Hội nghị đến nay đã cơ bản hoàn tất.

Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới là Hội nghị của những người con Phật đang hoạt động Phật sự vì đạo pháp và sự trường tồn, xương minh của đạo pháp trong tinh thần phụng sự quốc gia xã hội. Cho nên mỗi người đều thấy được trách nhiệm của mình và để có thể đóng góp, tham dự Hội nghị. Hoạt động lễ nghi tôn giáo là hoạt động của quần chúng tín đồ và chính họ là người làm nên thành công của sự kiện. Thông qua nhiều hoạt động Phật sự lễ nghi của Giáo hội trong nhiều dịp tổ chức Đại hội Phật giáo toàn quốc hay năm 2008 Giáo hội tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc, thì thấy rằng số lượng đại biểu đến tham dự là rất lớn. Số lượng Tăng ni, tín đồ Phật tử không chính thức đến chào mừng, dự thính, quan sát còn lớn hơn nhiều lần số lượng đại biểu chính thức ngồi trong hội trường và chính họ đã góp phần to lớn cho việc tổ chức thành công mỗi sự kiện.

Đối với Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI tới đây, số lượng đại biểu chính thức được tính theo hai thành phần: Đại biểu Tăng ni, Phật tử trong nước và Đại biểu Tăng ni, Phật tử quốc tế. Trong đó số lượng đại biểu trong nước là căn bản, Ban tổ chức sẽ phân bổ theo từng địa phương cho thích hợp và trong đó cũng có những khách mời tiêu biểu của Giáo hội. Đại biểu khách mời quốc tế có trên 30 nước tham dự, bên cạnh đó có hàng nghìn đại biểu không chính thức đi tùy tùng và hoạt động tác nghiệp đưa tin về hoạt động của Hội nghị. Cho nên có thể nói rằng số lượng đại biểu tham dự Hội nghị cũng rất phong phú về thành phần và đông đảo về số lượng.

Như trên đã đề cập, bên cạnh hoạt động nghị sự ở hội trường còn có các hoạt động lễ nghi cầu nguyện, tham quan danh thắng văn hóa lịch sử của dân tộc và Phật giáo. Đây cũng là những hoạt động nằm trong chương trình nghị sự chung của mỗi đại biểu tham dự Hội nghị. Giáo hội đã tính đến 2 địa phương để tổ chức các hoạt động này, đó là tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình. Tại Quảng Ninh, sẽ tổ chức cho đại biểu tham quan khu danh thắng Yên Tử và vịnh Hạ Long. Tại Ninh Bình, sẽ tổ chức đại biểu tham quan chùa Bái Đính và khu du lịch sinh thái Tràng An. Đây là những địa danh di tích lịch sử văn hóa lớn của đất nước, là di sản văn hóa thế giới. Khu danh thắng Yên Tử gắn liền với cuộc đời sự nghiệp tu hành của đức vua Trần Nhân Tông và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, đại biểu đến thăm và tổ chức cầu nguyện hòa bình thế giới ở đó sẽ là một cơ duyên tốt để quảng bá về đất nước và con người Việt Nam. Hoặc tại chùa Bái Đính, một công trình lớn,  là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại và đang được hoàn thiện trở thành một ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.

Từ nay đến lúc tổ chức Hội nghị là không còn nhiều thời gian, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhất định sẽ làm hết sức mình để tổ Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI được tổ chức tại Việt Nam thành công tốt đẹp.