Hội thảo khoa học kỷ niệm 999 năm ngày Quốc sư Khuông Việt viên tịch (1011- 2010 )

13/ 11/ 2017 09:23:35

 

Hội thảo khoa học

kỷ niệm 999 năm ngày Quốc sư Khuông Việt viên tịch (1011- 2010 )

Ngày 30 – 3 – 2010 tại chùa Non  Học viện Phật giáo tại Hà Nội, Tạp chí Khuông Việt tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 999 năm ngày Quốc Sư Khuông Việt viên tịch. Đây là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực tiến tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Chư tôn đức và các đại biểu làm lễ dâng hương tại Chùa Non.

 

Sau lễ dâng hương tại chùa Non, chư tôn đức cùng các quan khách, đại biểu tham gia Hội thảo tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội. Chứng minh buổi lễ có HT. Thích Thanh Tứ – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tổng biên tập Tạp chí Khuông Việt; TT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch HĐTS; Chư tôn đức Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Hà Nội TT. Thích Thanh Duệ, TT. Thích Thanh Đạt, TT. Thích Thanh Quyết, ĐĐ. Thích Minh Tiến – Phó Văn phòng I TƯGH, Phó Văn phòng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

Quang cảnh trong Hội thảo

Về phía đại biểu có ông Hà Văn Núi – Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Lê Ngọc Hoàn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch UBNDTP Hà Nội cùng các học giả, trí thức thuộc các Viện nghiên cứu, các trường đại học tại Hà Nội tới tham dự.

 

Mở đầu Hội thảo, HT. Thích Thanh Tứ đọc diễn văn khai mạc chào mừng các vị đại biểu và các học giả tới tham dự Hội thảo. Tiếp đó, TT. Thích Thanh Quyết đọc Báo cáo đề dẫn Hội thảo (có văn bản kèm theo).

 

Trong Hội thảo, khía cạnh đầu tiên quan trọng nhất trong những nhìn nhận về Đại sư Khuông Việt và được các báo cáo tập trung xoay quanh làm rõ là vai trò và đóng góp to lớn của Ngài đối với nền độc lập tự chủ non trẻ của dân tộc với các tham luận của PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng – Đại học quốc gia Hà Nội Khuông Việt Đại sư (933-1011) vai trò của ông trong thời kỳ đầu quốc gia tự chủ”, GS Nguyễn Hải Kế – Đại học Quốc gia Hà Nội “Sáng mãi ngọn lửa thiêng Khuông Việt của Đại sư Ngô Chân Lưu (933 -1011)”, GS,TS Trần Thị Băng Thanh “Vai trò Khuông Việt của đại sư Ngô Chân Lưu buổi đầu thời kì độc lập”, từ đó mở rộng sang đánh giá vai trò của đội ngũ trí thức Phật giáo đối với sự phát triển dân tộc thời kì đầu độc lập nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng: Khuông Việt đại sư và vai trò tầng lớp trí thức Phật giáo thế kỉ X – PG,TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội.

 

 

 

PGS, TS Nguyễn Kim Sơn phát biểu về Khuông Việt đại sư và tầng lớp trí thức Phật giáo thế kỉ X

 

Tiếp đến các tham luận còn đi sâu phân tích vị trí của ông trong sự nghiệp văn hoá – tư tưởng dân tộc, trong đó là vai trò to lớn đối với sự hình thành nền Phật giáo Việt Nam qua các tham luận của TT.Thích Thanh Nhiễu “Những đóng góp của Thiền sư Khuông Việt cho Phật giáo Việt Nam”, PGS. TS Trần Ngọc Vương Những suy nghĩ về vai trò của vị Quốc sư tạo dựng diện mạo của Phật giáo thế kỷ X”, PGS,TS Đỗ Thị Hoà Hới – Đại học Quốc gia Hà Nội với bài tham luận “Tư tưởng khoan dung của Ngô Chân Lưu nhìn từ thế kỷ XXI”, TS Nguyễn Mạnh Cường – Viện Nghiên cứu Tôn giáo “Đại sư Khuông Việt và Phật giáo quyền năng”, ThS. Trần Trọng Dương – Đại học Văn hoá “Khuông Việt Thiền sư – Phức thể dung hội Nho, Phật”; các bài viết còn đánh giá cao tài năng nghệ thuật và sự nghiệp văn trị của Ngô Chân Lưu như PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn – Viện Văn học “Về giấc mơ của Đại sư Khuông Việt và một mô tip nhân vật độc đáo”, ThS Phạm Văn Ánh – Viện Văn học “Ngôn ngữ và cách lập ý trong bài từ “Nguyễn lang quy” của Khuông Việt Đại sư” v.v.

PGS, TS. Trần Ngọc Vương phát biểu về vai trò của vị quốc sư tạo dựng diện mạo Phật giáo thế kỉ X

 

 

Thư kí Toà soạn Tạp chí Khuông Việt – Cư sĩ Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh tổng kết Hội thảo.

 

Cuối Hội thảo, cư sĩ Quảng Tuệ Lương Gia Tĩnh, Uỷ viên HĐTS, Thư ký toà soạn Tạp chí Khuông Việt tổng kết buổi hội thảo:

– Từ góc độ của các chuyên ngành khác nhau, các tham luận đều tập trung làm rõ thêm, đưa ra những cứ liệu thuyết phục về quê hương, hành trạng của Quốc sư Khuông Việt, cũng như những đóng góp của Ngài và thế hệ Ngài trong thế kỉ X – thế kỉ bản lề oai hùng của dân tộc.

– Tuy đây đó còn có những ý kiến khác nhau (đó là một điều bình thường trong sinh hoạt khoa học) nhưng sự khẳng định là tiếng nói chung và chủ đạo trong các tham luận và tọa đàm của các nhà khoa học.

– Qua quá trình chuẩn bị và ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo, Ban tổ chức nhận thấy những vấn đề của thế kỉ X đặt ra và cần giải quyết quả là rât rộng lớn và cần thiết, không hi vọng có được câu trả lời đầy đủ, thỏa đáng ngay trong Hội thảo này. Những vấn đề còn chưa thống nhất, những giả thiết khoa học được đăt ra trong Hội thảo, và những gợi ý trong Báo cáo đề dẫn của Ban tổ chức v.v sẽ là nội dung của cuộc Hội thảo tiếp theo.

Buổi Hội thảo kết thúc tốt đẹp với lời ước hẹn ngày này năm sau, cũng tại nơi này, Hội thảo kỉ niệm 1000 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch (1011 – 2011) sẽ được tổ chức với quy mô rộng lớn hơn, chu đáo hơn và có chiều sâu học thuật hơn nữa.

 

  1. Tiến Anh thực hiện.

Ảnh Anh Châu, Cẩm Vân
Diễn văn khai mạc Hội thảo 999 năm ngày Quốc sư Khuông Việt viên tịch của HT. Thích Thanh Tứ

 

Kính thưa quí liệt vị!

Thay mặt Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam – tại Hà Nội, Tạp chí Khuông Việt, và nhân danh cá nhân, Tôi có lời chào mừng, chân thành cảm ơn Quí vị Giáo sư, thiện trí thức, Quí ngài lãnh đạo các ban ngành Trung ương, huyện Sóc Sơn, xã Phù Linh, và các bạn đạo tâm, đã bớt chút thời gian tới dự Lễ dâng hương tưởng nhớ 999 năm ngày Quốc Sư Khuông Việt viên tịch, và tham gia buổi Tọa đàm khoa học này.

Thưa Quí vị!

Tăng thống – Quốc sư – Nhà văn hóa – Quân sự – Ngoại giao Khuông Việt được khắc ghi đậm nét trong Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam như là một biểu trưng sống động về truyền thống đạo pháp gắn bó cùng dân tộc, tinh thần “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam. Có đại thuận duyên, Học viện Phật giáo Việt Nam vinh hạnh được tọa lạc ngay trên vùng đất quê hương Ngài. Học viện là cơ sở  đào tạo – nghiên cứu Phật học có uy tín trong nước và khu vực. Tạp chí của Hoc viện lấy tên là Khuông Việt, với ý nghĩa nguyện noi theo tấm gương Hạnh – Tuệ của Ngài. Lịch sử Việt Nam, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo với Thăng Long – Hà Nội là hướng ưu tiên trong cơ cấu của chương trình đào tạo và nghiên cứu của Học viện trong những năm qua.

Trên tinh thần đó, trong không khí cả nước hào hứng tiến tới Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại lễ Phật giáo kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tôi cho rằng việc tổ chức Hội thảo khoa học về thời đại, thân thế và sự nghiệp của Quốc sư Khuông Việt là việc làm cần thiết, có ý nghĩa khoa học  cao. Tôi cũng hy vọng, qua Hội thảo khoa học này, những vấn đề của lịch sử sẽ được làm sáng tỏ; hoặc những gợi ý, những giả thiết khoa học sẽ được các nhà khoa học đặt ra, để đến ngày này năm sau, Hội thảo kỉ niệm 1000 năm ngày mất của Ngài chúng ta sẽ có những kết luận mới hơn, ngày càng tiếp cận chân lý của lịch sử hơn. Điều quan trọng là, qua đó, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm từ lịch sử, vận dụng nó trong những điều kiện mới, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện mục tiêu muôn thuở là: “Quốc thái Dân an – Thế giới hòa bình”!

 

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

        Nguyện cầu hồng ân Tam Bảo gia hộ, chúc Quí vị :    Vô lượng an lạc – Vạn sự cát tường như ý.

 

NAM MÔ THƯỜNG TINH TIẾN BỒ TÁT MA HA TÁT

 

Báo cáo đề dẫn của TT. Thích Thanh Quyết trong

Hội thảo kỉ niệm 999 năm Quốc sư Khuông Việt viên tịch

 

Quốc sư Khuông Việt, thế danh Ngô Chân Lưu, dòng dõi Ngô Vương, Ngài sinh năm 933, viên tịch nhằm ngày 15 tháng 2 năm Tân Hợi (1011). Ngài là Tăng Thống – Quốc sư, là cố vấn chính trị – quân sự – ngoại giao xuất sắc của hai triều đại Đinh – Lê, những năm tuổi già, Ngài về quê nhà, hương Cát Lợi (vùng đất Vệ Linh/ Phù Linh, Sóc Sơn nay) dựng chùa tu trì, mở trường dạy học.

Hôm nay, Chùa Non, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tạp chí Khuông Việt tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ ngày viên tịch của Ngài và tọa đàm khoa học về thời đại, thân thế, sự nghiệp của Quốc Sư Khuông Việt và những vấn đề lịch sử của thế kỉ X. Đây cũng là một hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực tiến tới Đại lễ Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

Kính bạch chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa.

Kính thưa quí liệt vị!

Thế kỉ thứ X là thế kỉ đầy ắp những biến động lịch sử, là thế kỉ bản lề trong tiến trình lịch sử của dân tộc nói chung, và của Phật giáo Việt Nam nói riêng. Đó là thế kỉ nhân dân ta lật đổ hoàn toàn, vĩnh viễn ách đô hộ của ngoại bang, đập tan mọi âm mưu và hành động quay trở lại của chúng, và xây dựng nền móng vững chắc cho một quốc gia dân tộc thống nhất độc lập vững mạnh, tạo ra tiền đề trực tiếp cho sự phát triển của nền văn minh Đại Việt – nền văn hóa Thăng Long huy hoàng ở thế kỉ tiếp theo.

Đó là thời đại của một “Đinh Tiên Hoàng đứng lên mà dẹp yên nước, nổi tiếng anh hùng Vạn Thắng, gồm được cả đất đai mười hai sứ quân. Nước bị chia xẻ đã lâu, nay thành thống nhất” (sách Việt sử tiêu án), và Ông cũng là người “bắt đầu định giai phẩm cho các quan văn võ và Tăng đạo” (Đại Việt sử kí toàn thư).

Đó là thời đại của một Thiền sư Pháp Thuận (mất năm 990, thuộc thế hệ thứ 10 dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu) có nhãn qua chính trị sâu rộng và niềm tin mãnh liệt cho nên trong cảnh “cạnh đầu đa hoành tử, đạo lộ tuyệt nhân hành”, Sư vẫn lạc quan dự báo “Nam thiên lý thái bình”, và khuyên vua Lê Hoàn hãy thực hiện “ vô vi cư điện các” thì “xứ xứ tức đao binh”. Ngài ung dung chèo đò, thù ứng thơ khiến viên sứ giả – bác sĩ Quốc tử giám Lý Giác – phải giật mình khâm phục và e nể.

Có Tăng Thống – Quốc Sư  Khuông Việt (được vua Đinh phong, với nghĩa, người sửa sang, chống đỡ cho nước Việt), thuộc thế hệ thứ 5 dòng Thiền Vô Ngôn Thông, là cố vấn chính trị – quân sự của hai triều đại Đinh – Lê, làm thất bại âm mưu và hành động xâm lược quân sự bạo liệt của ngoại bang, đồng thời chủ trương và thực hiên thắng lợi công tác ngoại giao mềm dẻo, hòa bình thân thiện nhưng cương quyết giữ thể diện quốc gia để buộc kẻ thù phải thừa nhận quyền độc lập mà chúng ta vừa giành được bằng bạo lực chính trị và quân sự. Sử gia Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí đã nhận xét xác đáng về công lao của Thiền sư Pháp Thuận và Khuông Việt trong ngoại giao như sau: “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể được thêm tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục. Sau này mỗi khi sứ Trung Quốc về nước đều có thơ đưa tiễn tống để khoa trương văn hóa, bắt đầu thực sự là bắt đầu tự đây”. Có lẽ hơi thở của cuộc sống, yêu cầu bức thiết của thời đại, của dân tộc, đã khiến Quốc sư (cũng như những Thiền sư cùng thời với Ngài) để lại cho chúng ta không nhiều những tác phẩm về Thiền học, nhưng chỉ một bài kệ ngắn với học trò Đa Bảo nói về mối quan hệ “Thủy – Chung” (Đầu – Cuối), và bài kệ trước khi thị tịch, dùng hình tượng “cây” và “lửa”, để trình bày quan điểm của mình về vấn đề uyên nguyên rốt ráo của cái bản thể – chân như … cũng đủ cho chúng ta kinh ngạc về tầm sâu sắc Phật lý, triết học bản thể của Ngài, và hẳn rằng còn phải không ít thời gian, giấy mực để tìm hiểu, khai thác.

Còn có Quốc Sư – Tể tướng Vạn Hạnh (mất năm 1018, thế hệ thứ 12 dòng Tì Ni Đa Lưu Chi), người cha tinh thần, là kiến trúc sư của vương triều Lý. Ông là người vạch ra chiến lược cho Lê Hoàn trong cuộc kháng chiến chống Tống. Đồng thời, với tầm nhìn địa – chính trị, địa – kinh tế và địa – văn hóa chiến lược, Ngài đã khuyên Lý Công Uẩn dời đô, mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc – kỉ nguyên Thăng Long – Đại Việt huy hoàng. Bài Cáo tật thị chúng của Quốc sư Vạn Hạnh lâu nay vẫn là đối tượng khai thác quen thuộc của các ngành văn học sử, Phật giáo sử và Lịch sử tư tưởng Việt Nam.

Kính thưa quý liệt vị!

Nội dung trung tâm của Hội thảo khoa học này là về Quốc Sư Khuông Việt, về Phật giáo Việt Nam thế kỉ thứ X, nhưng rõ ràng Thế kỉ X là thế kỉ vĩ đại, là thời đại tích chứa, dồn nén những giá trị văn hóa, lịch sử của nghìn năm, để rồi thăng hoa hào hùng khẳng định và thực hiện: Dân tộc độc lập – Quốc gia thống nhất – Văn minh Đại Việt! Tìm hiểu những giá trị làm nên  thế kỉ X vĩ đại, chứng minh tính lô-gich ở bước ngoặt của lịch sử đó, còn là đòi hỏi lớn  đối với giới khoa học, nghiên cứu chuyên ngành hoặc liên ngành về nhiều mặt, nhiều vấn đề của lịch sử, trong đó có Phật giáo. Đó là lý do mà Ban tổ chức trân trọng kính mời, và hôm nay hân hạnh được diện kiến đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia về các lĩnh vực của thời kì cổ – trung đại Việt Nam như sử học, văn học, triết học, khảo cổ học, Phật giáo Việt Nam, cùng các vị quan tâm.

Như vậy vấn đề đặt ra là rất rộng, Ban tổ chức Hội thảo tạm phân làm 3 nhóm vấn đề lớn:

  1. Những vấn đề về kinh tế – xã hội, lịch sử, văn hóa, tư tưởng.
  2. Những đóng góp của Quốc Sư Khuông Việt và các Thiền sư thế hệ Ngài (và Phật giáo nói chung).
  3. Phật giáo Việt Nam trước thế kỉ X.

Tất nhiên, sự phân bố này chỉ có ý nghĩa tương đối, nội dung các nhóm vấn đề không tránh khỏi sự xuất nhập lẫn nhau, không ngoài mục tiêu làm rõ hơn, phong phú hơn diện mạo, thần thái của thế kỉ X, đặt trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.

Ban tổ chức chân thành mong các nhà khoa học, quí vị khách mời lượng thứ về sự vội vàng gấp gáp, và chắc chắn còn nhiều thiếu sót trong công tác tổ chức. Chúng tôi cho rằng, những vấn đề mà các nhà khoa học nêu ra hôm nay như là một cách đặt vấn đề, một gợi mở để chúng ta cùng suy ngẫm, nghiên cứu, và đến ngày này năm sau, ở tại địa điểm này, Học viện Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Khuông Việt sẽ tổ chức Hội thảo khoa học kỉ niệm 1000 năm ngày viên tịch của Quốc sư Khuông Việt với qui mô sâu rộng hơn, chu đáo hơn. Chúng tôi mong nhận được sự lưu tâm, cộng tác của các vị.

 

Kính chúc Chư tôn giáo phẩm thân tâm thường lạc, Phật sự viên thành !

Kính chúc quí liệt vị thân tâm an lạc, vạn sự cát tường!

 

NAM MÔ HOAN HỈ TẠNG BỒ TÁT MA HA TÁT.