KHÁI QUÁT VỀ TANG CHẾ TRONG PHẬT GIÁO (Tiếp theo kỳ trước )

06/ 12/ 2017 08:54:17

KHÁI QUÁT VỀ TANG CHẾ TRONG PHẬT GIÁO (Tiếp theo kỳ trước )

                                                                                     TT.THÍCH THANH DUỆ

 

Ngày nay các gia đình theo đạo Phật có những nghi thức khâm liệm khác nhau cho phù hợp phong tục, tập quán từng vùng. Có vùng, miền ảnh hưởng giao thoa với đạo Lão nên có bùa, chú, trấn, yểm quan tài ở gia đình, hoặc mộ phần. Có nơi đóng đồ bổ khuyết bằng bông, bấc, vải hoặc bằng gỗ mỏng vào khoảng trống cho chặt chẽ, khi di quan không bị xô lệch thi hài. Có nơi còn bỏ gạo, tiền, vàng, bạc vào miệng người chết hoặc bộ bài Tổ tôm vào quan tài…. Đó là những hình thức pha tạp, tín ngưỡng, không có trong Phật giáo. Nhìn chung các hình thức khâm liệm đã được kết hợp giữa tín ngưỡng dân gian với Phật giáo. Như theo Mật tông, Tịnh độ tông cầu mong người đã khuất được sinh về thế giới Tây phương Cực Lạc mà sáng tác áo Lục thù, Hải hội mặc cho người mất. Đây là phỏng theo cách ăn mặc của chư thiên trên cung trời, mặc áo mỏng chỉ có 6 thù (Lục thù). Áo có hình hoa sen, có bùa chú; trên phía đầu hình tròn (Thiên viên), dưới phía chân hình vuông (Địa phương), quan tả hữu có Thanh long, Bạch hổ – Chu tước, Huyền vũ. Trên có hình Bồ tát, Kim cương và nhiều hình tượng như kinh A di đà miêu tả cảnh Tây phương Cực lạc nên gọi là áo Lục thù , Hải hội… Kể cả hình thức rỡ mái nhà, hú hồn, hú vía, chọn giờ khâm liệm, nhập quan. Xem ngày giờ có phạm Trùng tang, Thiên di, phạm Nhất xa, Nhị xa, Tam xa hay được Nhập mộ, kiêng người hợp tuổi không được có mặt trong lúc khâm liệm v.v. Thật sự, trong kinh Phật không có chỗ nào nói cụ thể về nghi thức khâm liệm, kiêng khem mà chỉ khuyên người nhà biết được hiệu lực của “Cận tử nghiệp” để tạo thêm nhân lành, niệm Phật trợ duyên cho người đã khuất chứ không có nghi thức rườm rà, phức tạp như hiện nay.

Sau khi khâm liệm, thi thể được đặt trong quan tài, tiến hành trang trí bàn thờ vong, nơi tổ chức tang lễ, cho khách đến phúng viếng.

Từ xưa mỗi dân tộc, mỗi vùng miền nghi thức có khác nhau. Đến thời Trần, Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang thiền sư, biên soạn một số nghi thức về việc hiểu để “ứng phó” với nhu cầu cúng bái hàng ngày. Bộ Công văn bài biện, ứng phó, bộ nghi thức Thủy lục chư khoa v.v thống nhất nghi thức để cúng lễ cầu siêu, cầu an, cầu nguyện cho Quốc thái, Dân an, Âm siêu, Dương thái.

Trong sách Thích Ca chính độ thực lục mọi người quen gọi Thích Ca hành táng,  có hướng dẫn Nghi thức khâm liệm như sau: Nếu người bệnh mới tắt thở (khi lâm chung) có thể chưa chết hẳn hoặc chết lâm sàng, người thân không nên lưu luyến khóc than, kể lể làm trở ngại đến sự siêu thoát của người thân. Nên khuyên họ lễ Tam bảo, sám hối, quy y, niệm Phật, hồi hướng, phát nguyện, phó chúc… để trợ giúp cho “Cận tử nghiệp”, nhờ thiện duyên mà tạo thêm phúc lành. Nếu đã chết hẳn thì nhờ Chính niệm được rõ ràng mà xả báo thân được nhẹ nhàng vãng sinh Tịnh độ. Kế tiếp nói về Tam tụ tịnh giới, tụng kinh Vô thường, niệm danh hiệu đức Phật A di đà, các vị Bồ tát, tiếp đến sám hối cho người sắp mất. Người ta sinh ở đời, ai không có tội lỗi, khi mệnh chung tử tướng hiện tiền phải sám hối cho thân tâm thanh tịnh mới có thể được đới nghiệp vãng sinh và phó chúc (dặn dò) cho họ giữ chính niệm, không bị hoảng loạn. Trước  khi khâm liệm, tắm gội cho người chết sạch sẽ, cha thì nam tắm, mẹ thì con gái tắm, sau đó mới bó gói khâm liệm.

Phép Phạn hàm đề hồ là: Cho một ít gạo và 3 đồng tiền vào miệng người chết, 3 lần cầu nguyện cho họ đời đời, kiếp kiếp không bị đói khổ, thiếu thốn… . Mỗi lần đọc xúc 1 thìa gạo và 1 đồng tiền bỏ vào miệng cho họ.

Để phù hợp với thời gian tổ chức tang lễ và công việc xã hội phần nghi thức tụng niệm nhập quan có thể tiến hành cùng lúc với khâm liệm. Bàn thờ vong (Thiết linh sàng) được bày phía trước quan tài để mọi người phúng viếng. Phía trên quan tài bố trí theo bản đồ Thất tinh, theo mùa để thắp 7 ngọn đèn hoặc nến, quay lên hay quay xuống. Đặt bát cơm, quả trứng, đũa bông và một bát hương…

Xưa kia còn có đến 10 nghi thức riêng biệt dành cho người mất rơi vào những trường hợp bất đắc kỳ tử như: chết do bị sét đánh, bị đâm chém, bị ác thú, bị bệnh truyền nhiễm nan y, bị thai sản, tự vẫn (tự tử – tự ải), bị chết đuối, ngã cây, trâu bò húc v.v, ngày nay không dùng những nghi thức ấy nữa. Tuỳ theo từng địa phương mà bố trí quan tài khác nhau. Có nơi đặt quay ra, quay vào hoặc đăt nằm ngang nhà. Sau khi đặt quan tài, bày ban thờ vong, tiến hành nghi thức Thành phục là lễ chịu tang, phát khăn, áo tang, đồ tang chế cho con cháu.

3, Lễ Thành phục và phúng viếng cầu siêu

Tang quyến vào trước linh sàng làm lễ chịu tang. Nam đứng bên phải (tức là phía trái linh sàng), nữ đứng bên trái lễ xuống trước linh sàng (bàn thờ vong) có ảnh, thần chủ hoặc dùng linh vị và thực hiện nghi lễ dâng trà, dâng hương v.v theo sự hướng dẫn của người giúp việc làm, để thực hiện nghi lễ chịu tang.

Nhìn chung có 5 hạng tang phục (theo Thọ Mai gia lễ): Quần áo sổ gấu, quần áo không sổ gấu, thời hạn 3 năm hay ít hơn, áo xô khăn xô, có dải hay không có dải…. Con trai chống gậy tre để tang cha, gậy vông tang mẹ, đội mũ bằng rơm, thắt lưng bằng dây gai, dây chuối… tùy theo phong tục vùng miền mà sử dụng, không thống nhất. Ngày nay có gia đình chỉ dùng băng tang đen, mặc áo thường phục màu đen cho gọn nhẹ cốt là giữ hiếu trong tâm như một số dân tộc, các nước tiến bộ cho thuận tiện. Nghi thức cầu siêu cũng tùy thuộc thời gian, địa điểm sao cho phù hợp và thuận lợi cho cả người đã khuất, gia đình tang quyến và xã hội.

Khi quan tài quàn (còn) ở nhà, có khoa văn cúng “Qui Tây” trợ niệm cho người đã khuất được sinh về Tây phương. Khi đưa quan tài ra đồng chôn cất, có khoa văn cúng “Qui lăng” cầu nguyện cho người mất được yên bề phần mộ (An táng thành phần). Ngày nay tùy điều kiện thời gian mà vận dụng nghi thức cầu siêu cho phù hợp. Trong trường hợp chưa chôn cất, con phúng viếng thì có nghi thức Triêu điện (tế lễ buổi sáng) Tịch điện (buổi tối) hoặc cúng cơm. Nghi lễ phúng viếng được cử hành sao cho long trọng mà gọn nhẹ tiết kiệm, tỏ lòng thành kính hiếu thảo của con cháu đối với người thân. Trường hợp để qua đêm, có nghi thức động quan tức là khiêng lên đặt xuống 3 lần hoặc chuyển quan tài cho thuận khi đưa ngày mai. Đây cũng là tùy theo phong tục.

4, Lễ truy điệu, chuyển linh cữu, đưa tang

Sau thời gian phúng viếng kết thúc, chuẩn bị di quan đến nơi an nghỉ, có làm lễ truy điệu (tiễn biệt), đọc tiểu sử tưởng nhớ công hạnh người khuất để nhắc nhở, răn dạy con cháu cũng như thế hệ sau noi gương người trước. Phương tiện vận chuyển tùy từng nơi khiêng tay (phù quan tài), xe tang (linh xa) không có gì ảnh hưởng. Người thân mặc tang phục chỉnh tề, đi theo sau linh cữu đưa tang. Con trai trưởng đi giật lùi ở trước (nếu là mẹ) hoặc đi sau tiễn đưa (nếu là cha). “Cha đưa, mẹ đón” theo phong tục Thọ mai hay không theo tùy điều kiện và tập tục. Dọc đường đi mọi người rắc tiền vàng mã kể cả tiền thật, trong Phật giáo không hướng dẫn chi tiết này.

5, Lễ An táng (chôn cất)

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được chôn cất theo cách hỏa táng. Phật giáo du nhập vào Việt nam, hoả táng không được áp dụng nhiều mà địa táng xây lăng, tháp để kỷ niệm, cúng dàng là chủ yếu. Một số vùng Phật giáo miền trung, miền tây nam bộ chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo nguyên thủy… đến nay còn dùng hình thức hoả táng.

Trong nghi thức tang lễ, phần an táng cho người đã khuất ở mỗi vùng miền có hình thức khác nhau, không có tài liệu nào hướng dẫn cụ thể. Nhìn chung có một số hình thức an táng tiêu biểu như sau:

– Địa táng là người sau khi chết và làm các thủ tục tang lễ xong, thi thể được đem chôn xuống đất. Tuỳ theo địa vị hay giầu nghèo của người mất mà mộ phần được xây, đắp to nhỏ để người sau ghi nhớ và thờ cúng. Như Kim tự tháp ở Ai cập hoặc mộ Tần Thuỷ Hoàng ở Trung Quốc và các lăng tẩm ở cố đô Huế Việt nam.

– Thuỷ táng là người chết được bỏ xuống sông cho các loài thuỷ tộc cá tôm rỉa ăn.

– Thiên táng hay Điểu táng là xác người chết được mang ra ngoài rừng, nơi hoang vắng cho các loài điểu, thú ăn thịt.

– Huyền táng hay Không táng là xác người chết được treo trên cây hoặc để vào hang động với ý nghĩa như trên.

– Hoả táng là xác người chết được đem thiêu. Tro cốt còn lại hoặc được đem rắc ra biển hoặc đựng trong bình rồi xây tháp thờ tuỳ theo phong tục mỗi nơi.

Sau khi hạ huyệt đắp mộ phần xong, có thể tiến hành nghi thức cầu siêu (Qui lăng) gọi là lễ thành phần. Mộ được đắp vuông, tròn hay chưa đắp cao tùy theo phong tục hoặc có nơi dựng nhà mồ để bảo quản của cải chia cho người mất như một số dân tộc.

An táng xong rước Vong (Ảnh và bát hương) về gia đình làm lễ an vị,  cúng cơm, gọi là “Tế ngu” tức là mọi việc tạm được yên ổn (Tử tắc táng vi vinh). Có sách giải thích “Tế ngu” lẫn với nghi lễ 3 ngày sau an táng. Nghi lễ này là “Lễ tam nhật phục hồn” hay gọi là lễ mở mả, lễ bế mộ. Nhiều người nhầm, tính từ ngày mất đến 3 ngày sau là lễ Tam nhật phục hồn là không đúng. Phải tính từ khi an táng trở đi thì mới gọi là Tam nhật phục hồn.

(Còn nữa)