Một vài suy nghỉ về phong trào Chấn hưng Phật giáo và công đức của Hòa thượng Trí Hải

30/ 03/ 2012 02:32:42

Khái quát chung

 

Hòa thượng Trí Hải (1906 – 1979) người Nam Định, sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước thuộc địa nửa phong kiến. Các nước Tây Âu đã trải qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa và hoàn thành cách mạng công nghiệp hóa đất nước, một số nước đã trở thành cường quốc trên thế giới. Trong sự phát triển của nền khoa học, công nghiệp tiên tiến, dẫn đến sự đua tranh thị phần, phân chia thuộc địa giữa các thế lực đế quốc phương Tây đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thảm khốc với quy mô rộng lớn trên toàn cầu. Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, đẩy nước ta vào cảnh “Ngàn cân treo sợ tóc”. Đây là thời kỳ khó khăn phức tạp và tinh tế nhất trong lịch sử Việt Nam. Tuy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã giành được thắng lợi, nhưng thực dân Pháp không từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Để bảo toàn lực lượng, chính quyền cách mạng non trẻ của chúng ta tạm thời rút lên vùng rừng núi phía Bắc, chọn Việt Bắc làm căn cứ địa để tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến.

 

Sau khi chiếm song Hà Nội, thực dân Pháp tiếp tục mở rộng địa bàn ra nhiều vùng đồng bằng Bắc bộ, các cuộc chiến tranh du kích của quân và dân ta nổ ra khắp nơi, đã gây không ít khó khăn và thiệt hại cho địch. Sau trận quyết chiến ác liệt tại chiến trường Điện Biên Phủ, giặc Pháp mới chịu đầu hàng, Hiệp định Giownevơ được ký kết, từ đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta mới chấm dứt và bước sang giai đoạn mới.

 

Phong trào Chấn hưng Phật

 

Vào đầu thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo xuất phát từ Ấn Độ, rồi lan ra các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Miến Điện, Srilanka… Người khởi sướng phong trào là cư sĩ David Hewavitarane người Srilanka. Với mục đích vận động trùng tu lại những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ; sau đó phát triển thành phong trào, các tu viện, trung tâm nghiên cứu Phật học và báo chí lần lượt ra đời…Trong quá trình vận động, David Hewavitarane đã được sự ủng hộ của nhiều người trên những lĩnh vực khác nhau như thi sĩ Edwin Arnold người Anh, đại tá Henry Steel Olcott người Mỹ, bác sĩ Ambedkar và cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc…

 

Ở Trung Quốc, bên cạnh cư sĩ Dương Nhân Sơn còn có Âu Dương Tiệm, mai Quang Hy, Thích Nhân Sơn… cùng chung lo Phật sự. Mục đích cải cách là: Phật tăng chủ nghĩa (cải cách giáo đoàn, bài trừ ngu tăng), Phật hóa chủ nghĩa (lấy Phật giáo làm quốc giáo), Phật quốc chủ nghĩa (chuyển thế gian thành nước Phật). Nhiều cơ sở hạ tầng được xây dựng, nhiều hiệp hội ra đời như Tăng già giáo dục, Phật giáo hợp tiến, Phật giáo tổng hội, Phật giáo liên hiệp, Phật giáo cư sĩ lâm…; các hiệp hội này đều có tạp chí riêng của mình. Đặc biệt những cơ sở Phật học, báo chí do thiền sư Thái Hư sáng lập đã ảnh hưởng hưởng lớn đến Phật giáo Việt Nam.

 

Ở Việt Nam, phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu từ Miền Nam do thiền sư Khánh Hòa khởi sướng, với mục đích thành lập một hội Phật giáo toàn quốc, nhưng quá trình vận động không đạt kết quả. Nhận thấy cơ duyên chưa đủ, thiền sư Khánh Hòa cùng đồng nghiệp thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, cử thiền sư Hội Phong làm hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn và xuất bản tạp chí Từ bi âm, số đầu ra ngày 1/3/1932.

 

Ở ngoài Bắc, thấy trong Nam và miền Trung làm được, các thiền sư cũng ra sức vận động, trong đó phải kể đến vai trò của thiền sư Trí Hải trong phong trào này. Hội Bắc Kỳ Phật giáo ra đời năm 1934, suy tôn thiền sư Thanh Hanh làm thiền gia pháp chủ, cử ông Nguyễn Năng Quốc làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, tạp chí Đuốc tuệ, ra mắt vào trung tuần tháng 8/1935.

 

Ngoài ba hội kể trên, các chi hội ở các tỉnh cũng lần lượt ra đời, đến năm 1945 riêng miền Bắc đã có hơn 300 chi hội.

 

Hòa thượng Trí Hải trong phong trào chấn hưng Phật giáo

 

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung, phong trào chấn hưng Phật giáo nói riêng, rất hiếm thiền sư viết về cuộc đời hành đạo của mình, có lẽ chỉ riêng Hòa thượng Trí Hải có được điều đó, Hòa thượng viết Hồi ký, không phải để khoe khoang công lao đóng góp của mình, mà vì có sự thỉnh cầu và vì tương lai Phật pháp. Nói rõ hơn, phong trào chấn hưng Phật giáo mà Hòa thượng tham gia, chính là tập hợp các lực lượng Phật giáo vào trong một tổ chức thống nhất để trở thành một sức mạnh to lớn trong việc hoằng pháp lợi sịnh. Cũng vì thế, Hòa thượng đã bất từ lao quyện, vượt qua mọi khó khăn trắc trở, cùng với đồng nghiệp của mình quyết tâm thực hiện bằng được sự nghiệp chấn hưng này. Và ngài đã từng trải qua những thời kỳ hoạt động như: thành lập Lục Hòa Tịnh Lữ xây dựng các cơ sở hạ tầng, đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các tổ chức Phật giáo và tham gia nhiều công việc từ thiện xã hội, dịch kinh, viết sách… Cho nên, nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo là nói đến các danh tăng ở những thập kỷ đầu thế kỷ XX, mà Hòa thượng Trí Hải là một trong những ngôi sao sáng lúc bấy giờ, danh tiếng của Hòa thượng còn vang vọng đến hôm nay.

 

Một vài suy nghĩ về phong trào Chấn hưng Phật giáo

 

Về phong trào chấn hưng Phật giáo, có rất nhiều ý kiến, trước tiên là những người đương thời phát biểu, xin trích một số đoạn văn sau:

 

Tạp chí Tiến Hóa kêu gọi cải cách Phật giáo một cách triệt để, nghĩa là phải hủy bỏ hình thức đầu tròn áp vuông của tăng sĩ, thiết lập tân tăng như Nhật Bản, tham gia vào cách mạng xã hội.

 

Báo Pháp âm thì viết: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”.

 

Tác giả Phan Khôi là người rất ủng hộ phong trào, nhưng theo dõi trong quá trình hoạt động của các hội, ông đã phải thốt lên: “Các hội Phật giáo nước ta cứ im lìm mà chẳng nói gì hết”.

 

Lại có quan điểm cho rằng, các hội Phật giáo ra đời là mưu mô của thực dân Pháp, bởi những lý do: chính quyền cấp giấy cho việc thành lập các hội, một số người quyền cấp chính quyền nằm trong tổ chức của hội như Trần Nguyên Chấn trong Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, Nguyễn Năng Quốc trong Hội Phật giáo Bắc Kỳ.

 

Phạm Quỳnh – Thượng thư bộ quốc gia giáo dục của chính phủ và là học gải lúc đó nói: “cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công việc của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”.

 

Hòa thượng Trí Hải viết: “Đối với Phật giáo nước nhà, do từ xưa tới nay không có hệ thống tổ chức, tuy có các sơn môn những cùng từ đó mà chia môn rẽ phái, “Phật pháp đồng quy củ dị”, mỗi nơi mỗi khác không đâu giống đâu, không ai theo ai như đống cát khô, nếu bị cơn cuồng phong thổi tới là bay hết. Đáng lẽ Phật giáo đối với những việc lợi ích chung cho quần chúng, việc giữ gìn tinh thần dân tộc, không việc gì là không làm được, nhưng lâu nay không làm được việc gì đáng kể đối với nhân quần xã hội cũng chỉ vì thiếu tổ chức, thiếu đoàn kết”.

 

Ngoài những ý kiến đã trình bày trên, chúng tôi cũng xin góp thêm một vài suy nghĩ của mình về Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này:

 

  1. Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam là hòa chung với phong trào chấn hưng Phật giáo quốc tế, mà Phật giáo Việt Nam ảnh hưởng trực tiếp từ Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản.
  2. Những nước thuộc địa của tư bản Tây Âu nói chung, Việt Nam nói riêng, đều đã chuyển mình từ cơ chế khai thác thuộc địa của chúng.
  3. Phong trào chấn hưng Phật giáo đã thu hút được nhiều tần lớp xã hội tham gia, nhất là giới trí thức có Tây học. Là thời kỳ Tân thư hay Âu phong Á vũ.
  4. Các hội Phật giáo thành lập, đều có tiếng nói trên diễn đàn báo chí, đã góp phần mở mang dân trí, văn hóa Phật giáo đến toàn xã hội.
  5. Nhiều trường lớp Phật học được mở mang, hệ thống giáo dục ngày một phong phú và đa hệ, đào tạo ra nhiều nhân tài cho Phật giáo trong hiện tại, cũng như sau này.
  6. Từng bước củng cố và hoàn thiện, tiến tới thống nhất Phật giáo trong cả nước, là một tổ chức có vị thế trong xã hội, với hệ thống chính quy hiện đại.
  7. Không chỉ là tổ chức đại diện cho Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế mà còn có vị thế quan trọng trong tổ chức Phật giáo thế giới.
  8. Có thể nói, Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay, là sự tiếp nối từ phong trào chấn hưng Phật giáo.
  9. Bên cạnh những thành tựu to lớn mà phong trào chấn hưng Phật giáo đạt được, phần nào đã làm phai mờ nếu không nói là phá vỡ phong tục tập quán cổ truyền sơn môn, pháp phái khi xưa: “Đèn nhà nào, nhà ấy rạng”.
  10. Do hoàn cảnh lịch sử, những vị thiền sư tích cực tham gia phong trào hoặc giữ những chức sắc quan trọng trong các tổ chức giáo hội lúc đó, khi chuyển sang thời kỳ mới đều bị thất sủng hoặc nghi ngờ, như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tố Liên… Nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến Phật sự của mình, trái lại Hòa thượng Trí Hải từ khi về an trụ tại chùa Phật giáo Hải Phòng, Hòa thượng lại có nhiều thời gian hơn, để chuyên tâm vào việc phiên dịch, biên soạn và viết sách, với hơn 30 tác phẩm Phật giáo để lại cho đời. Công đức của Hòa thượng thật là hy hữu trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận – hiện đại.