MỤC CÂU CHUYỆN NHÀ PHẬT

11/ 11/ 2017 14:43:03

MỤC CÂU CHUYỆN NHÀ PHẬT

LÃO TĂNG NHỚ TIỀN KIẾP
Thời Trung Hoa dân quốc, cư sĩ Uông Hiểu Viên một hôm ra chợ, thấy vị lão tăng đứng ngó sững vào hàng thịt rưng rưng nước mắt, cư sĩ lấy làm lạ hỏi duyên cớ. Lão tăng đáp:

“Tôi nhớ được việc hai kiếp về trước. Ðời thứ nhất, tôi là một tên đồ tể. Hơn ba mươi tuổi mãn phần, hồn bị người bắt trói đưa đi. Minh quan trách là nghiệp sát nặng, cho quỷ áp giải đến Ty chuyển luân để nhận ác báo. Lúc bị xô xuống con sông đen tối, tâm thức tôi hoảng hốt mơ màng, thoạt tiên thật nóng như lửa đốt khó mà chịu nổi, kế đó lại thấy hơi mát mẻ; tỉnh ra thì mình đã sinh làm kiếp súc vật trong chuồng heo.

Sau khi dứt sữa, thấy thức ăn không được sạch, lòng cũng biết nhàm gớm, nhưng vì đói quá gan ruột cồn cào, nên bất đắc dĩ phải nhắm mắt nuốt vào. Sau lần lần thông tiếng nói của loài heo, thường hỏi han nhau, trong đồng loại cũng có lắm kẻ nhớ biết kiếp trước của mình, song không thể nói cho người hiểu được. Ðại để đều nhận thức mình sẽ bị giết, nên có lúc rên rỉ, đôi mắt ướt, tỏ dấu bi sầu. Loài heo thân thể thô nặng, vào mùa hạ rất nóng khổ, chỉ tìm vũng bùn nằm vùi mới đỡ, nhưng cũng không thường được yên. Bởi lông thưa và cứng, nên mùa đông lại khổ vì lạnh, thân thể giá buốt, thấy loài dê chó lông mềm dày, hằng mơ ước, xem như loài thú tiên.

Ðến lúc bị bắt tự biết mình không tránh khỏi quả báo, nhưng vẫn sợ quá nhảy chạy, càng mong kéo dài mạng sống được phút nào hay phút nấy. Lúc bị trói rút bốn chân khiêng đi, dây xiết đau đến tận xương. Người bỏ tôi lên xe, thân hình cùng đồng loại chồng chất đè lên nhau, máu huyết ứ đọng, gần như muốn vỡ. Đến nhà lò, bị liệng xuống đất, gan ruột tựa hồ tan nát. Nhìn thấy dao bén, chảo vạc để hai bên, lòng bắt đầu run sợ, không biết khi bị giết sẽ đau đớn như thế nào?! Lúc người chọc huyết, thân tâm thảng thốt rụng rời, thấy ánh dao chớp lên liền nhắm mắt không dám nhìn thẳng. Khi đồ tể ấn lưỡi dao vào cổ, rung lắc mạnh cho máu chảy xuống bồn, ban đầu còn kêu la, sau thì chỉ rên được nhỏ trong cổ họng cho đến khi tắt hơi, sự đau khổ thật không thể nào hình dung tưởng tượng!

Bây giờ hoảng hốt mê mẩn như say như mộng, chừng tỉnh dậy thấy mình đã thành hình người. Minh quan xét thấy kiếp trước còn có nghiệp lành, nên cho chuyển sinh làm người, tức là thân đời nay đây. Vừa rồi tôi thấy loài heo bị giết thì động lòng thương nó đau đớn, sau nhớ lại kiếp trước mình đã chịu khổ vì quả báo ác, rồi tiếc cho người đồ tể này tương lai cũng bị nỗi khổ đó, ba nỗi niềm giao cảm, bất giác thương tâm không biết rơi lệ lúc nào!”

Nói xong, quay mặt bỏ đi. Lúc ấy, người xung quanh nghe nói, chỉ trỏ bàn tán phân vân. Bác hàng thịt được biết câu chuyện, sinh lòng sợ hãi, từ đó về sau đổi nghề đi bán rau.

 

 

BUÔNG BỎ

Có một bậc đạo sư chuẩn bị lội qua một dòng sông cùng với người đệ tử trẻ tuổi của mình. Trước khi qua sông, họ nhìn thấy một cô gái trẻ quá nhỏ bé và yếu đuối, không thể tự mình lội qua sông. Bậc Đạo sư liền cõng cô gái lên lưng và lội qua sông, trong khi vị Tăng trẻ vô cùng bất mãn vì nghĩ thầy của mình đã phạm giới luật. Mặc dầu vị Tăng trẻ ngay sau khi qua sông không đả động gì tới chuyện thầy mình đã phạm giới, nhưng vẫn cảm thấy mỗi ngày một thêm giận dữ và phiền lòng hơn với thầy của mình. Sau nhiều ngày, cuối cùng vị Tăng trẻ không chịu được nữa và đành phải nói thẳng với thầy rằng mình rất bực tức về việc thầy đã cõng cô gái trẻ qua sông.

Người Thầy cười rất lớn và nói với vị Tăng trẻ: “Ta đã bỏ cô gái đó lại bên bờ sông từ lâu rồi, còn ngươi sao vẫn cõng cô ấy cho tới tận bây giờ?”

Lời bàn của người biên soạn: Giới luật được Đức Phật định ra nhằm ngăn ngừa việc tạo nghiệp bất thiện ở thân khẩu ý, giúp người tu hành được sạch nghiệp và là nền tảng cho sự phát triển tâm linh thẳng đến niềm an vui tịch tịnh. Nhưng điều này không tương đương với chuyện coi việc giữ gìn giới luật là toàn bộ giáo pháp của Đức Phật. Nếu như tu hành giữ giới nghiêm cẩn, song lại khiến cho cái tâm trở nên cố chấp, không sao đạt tới sự tự tại tự do an lạc, thì cũng là phép tu chưa đúng. Câu chuyện này muốn nói rằng, mục đích của tu hành là phải phá bỏ mọi chướng ngại để đạt tới sự tự tại và an lạc của nội tâm. Tinh thần phá chấp trong câu chuyện này, độc giả sẽ còn gặp rất nhiều trong các câu chuyện nhà Phật của Thiền tông.

Tiến Anh (sưu tầm, biên soạn)