NGHI LỄ VỀ CHÙA

12/ 03/ 2012 13:03:20

Đến chùa học Phật tu tâm, đến chùa cầu phúc giải hạn, đến chùa thăm quan vãng cảnh, đến chùa tham vấn giáo lý hay chỉ đơn giản là để an tịnh tâm hồn.

 

Đạo Phật thâm nhập vào Việt Nam trên hai ngàn năm nay và đã có những giai đoạn cực thịnh bởi sự tương đồng gắn kết giữa Đạo pháp với Dân tộc, đã tạo nên lối sống thuần phong mỹ tục với tấm lòng bao dung nhân hậu thấm sâu trong lòng dân chúng khắp mọi miền đất nước. Do vậy, chùa chiền tự viện được xây dựng khắp nơi và việc xưa nay mọi người tìm đến chùa là lẽ tự nhiên.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Hiện nay người dân đi chùa rất đông, nhất là các kỳ lễ Tết và lễ Hội, đủ mọi thành phần xã hội và các tầng lớp nhân dân, nhưng rất tiếc là người đi lễ còn một phần không nhỏ chưa thực sự hiểu đúng, thể hiện đúng nghi lễ vào chùa tham quan lễ Phật.

Đến chùa học Phật tu tâm, đến chùa cầu phúc giải hạn, đến chùa thăm quan vãng cảnh, đến chùa tham vấn giáo lý hay chỉ đơn giản là để an tịnh tâm hồn.

Dù phương tiện nào thì việc tìm hiểu ý nghĩa đến chùa cũng là cần thiết. Bài viết chỉ xin nêu một số ý kiến nhỏ trên quan điểm nhà Phật, mong quý vị Phật tử, thiện hữu tri thức ghi nhận, đóng góp cho việc đi lễ chùa được thêm phần lợi lạc.

  1. 1.Ý NGHĨA ĐI CHÙA:

Nhân gian có câu:

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

Chùa là nơi thờ Phật, Bồ Tát và những Hiền thần, Vĩ nhân có tâm trong sáng, có trí tuệ siêu việt và hạnh nguyện từ bi vô lượng. Các Ngài đã có công với nhân loại, với Tổ quốc và được chúng nhân tôn thờ, kính ngưỡng để nhớ, để học, để noi gương sáng và làm theo lý tưởng cao cả của các Ngài. Con người tìm đến cửa Phật Thiền là tìm về cội nguồn Giải thoát, giác ngộ, phát triển lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả, độ sinh rộng lớn và từ bỏ những ham muốn, dục vọng xấu ác để đắp xây cuộc đời này ngày thêm Chân, Thiện, Mỹ.

Như vậy, mỗi lần đến chùa là một lần học tập đạo đức, nâng cao lý tưởng vị tha, mở cơ hội ứng dụng tinh thần, tư tưởng từ bi, trong sáng của Phật, Bồ Tát để hóa giải tật xấu của mình và phát triển song tu phúc tuệ, tác phúc hành thiện và là một dịp thể hiện lối sống văn hóa, kiểm trứng đạo tâm, hoàn thiện bản thân. Đó cũng là thời gian thụ hưởng sự an lạc tĩnh tại tinh thần, củng cố niềm tin cao đẹp, trong sáng tràn ngập tình thương yêu nhân loại vạn vật. Được như thế thì chùa là ngôi nhà chung, về chùa như con về với Mẹ Cha mình vậy, đó là tu Phật, đó là đi chùa, về chùa.

Tuy nhiên, hiện nay ít ai hiểu vậy. Đã đến chùa là phải cầu xin, cầu phúc, cầu tài, cầu duyên hay cầu gì đó và nghĩa là phải có lễ, lễ càng to đầy càng tốt. Thật giả, chay mặn không cần thiết, miễn là chen chúc được vào tận chân Phật Thánh, kể cả chen ngang, mặc ai đó yếu đuối, kêu ca phản đối. Hương khói thì thắp thật nhiều, nếu cắm vào bát không được thì cắm tứ tung, sau đó ngồi lễ như lễ khoán, khấn vài suỵt soạt dài dòng, chẳng kể nhường cho ai cứ đợi chờ hoài. Lễ như vậy Phật Thánh chứng không? Chắc là không rồi. Vì sao? Vì cả Lý lễ và Sự lễ đều không đúng. Về Lý, đó là cầu danh lễ, kiêu mạn lễ. Về Sự thì nghi lễ tranh giành, lễ vật không chuẩn, dâng lễ không đúng thì dù có phúc cũng chẳng là bao.

Chúng ta không nên lầm tưởng Phật Thánh như những vị thần có quyền ban phúc giáng họa, để rồi dùng cách “tốt lễ dễ kêu”. Như vậy là đã hạ thấp phẩm vị các Ngài, vì coi các Ngài như nơi biếu xén, cầu xin. Điều đó làm ý nghĩa đến chùa trở thành tục lụy.

  1. 2.NGHI LỄ ĐẾN CHÙA.

Nghi lễ là nghi thức, khuôn mẫu lễ vật và là biểu hiện của Thân, Miệng, Ý thể hiện niềm tin, lòng thành kính cũng như ước nguyện của người hành lễ.

2.1.  Tu thiết lễ vât.

Dâng lễ cúng dàng có nghĩa là cung cấp, nuôi dưỡng. Nhưng Phật Thánh đã liễu thoát sinh tử thì đâu còn hưởng lễ. Tuy nhiên, cử chỉ dâng cúng đó làm ta như được gần Phật Thánh hơn, được kết duyên lành dưới ánh từ quang Tam Bảo mà noi theo bước chân các Ngài.

Những lễ vật đem đến chùa dâng cúng Tam Bảo phải là tịnh vật như câu kệ:

Vật này vốn của thiện lương

Chúng con sắm tạo bằng phương pháp lành

Nay phát nguyện lòng thành dâng cúng

Xin ơn trên hưởng dụng chứng minh.

Đólà hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, quả đẹp, nướng trong, trà hương và đôi khi thêm mâm cơm chay cỗ tịnh là đủ. Lễ vô thủy vô chung không cần đầy, không cần nhiều mà cần sự tinh khiết đẹp đẽ. Còn tịnh tài, dù đặt ít nhiều tùy duyên, nên cho vào hòm công đức hay dâng trực tiếp cho thầy trụ trì thì mới hợp lý, vì tránh có thể bị kẻ gian thâu lượm mất và tránh hình thức đồng tiền bởi qua tay nhiều người, cất nhiều chỗ nên không còn thanh sạch nữa. “Tâm xuất Phật biết”, Phật Thánh có lục thông, có thần lực biết ý nghĩ người lễ từ khi khởi tâm.

Nhưng nhiều người không hiểu, thường quan niệm muốn dâng Phật Thánh thì phải dâng tận nơi và phải bày ra thì Phật Thánh mới biết rõ, do vậy, tiền dâng họ đặt rải bừa lên ban thờ hay hay đặt lên mâm quả. Có người còn cẩn thận chia đều tiền lẻ đặt vào tận tay từng vị tượng Phật Thánh vì sợ “Các Ngài không biết”.

Nhiều người vi mưu sinh cuộc sống nên cả năm mới lai đáo đến chùa dự lễ hay tham quan, chiêm bái một vài lần trong các kỳ đại lễ, lễ hội, muốn được âm dương lưỡng lợi, phúc quả vẹn tròn thì cần thực hành theo quy định riêng và nếp sống văn hóa chung:

Người xưa nói đi sông tùy khúc

Đến đâu theo phong tục mới nên

Mong ai tới chùa chớ quên

Tìm hiểu phép tắc trước khi vào chùa.

Đừng tinh nghịc nô đùa to tiếng

Bước nhẹ nhàng khi tiến khi lui

Không quần lửng, áo phanh phui

Không tự tình ái ở nơi đạo tràng

Không vứt rác ngổn ngang cửa Phật

Không leo trèo bẻ trái hái hoa

Xe tắt máy dắt vào ra

Rượu thịt vàng mã chớ qua vào chùa.

2.2. Nghi thức đi lễ.

Người đi chùa lễ Phật là tiêu biểu cho nếp sống văn hóa tâm linh, được thể hiện từ phục trang nền nã, đi đứng nói năng nhẹ nhàng thanh lịch, tư dung hòa ái kính Phật trọng Tăng. Đến cửa chùa nên xuống xe, tắt máy, để đúng nơi quy định. Với dung nhan nhẹ nhàng, bước đi thanh thản ứng hợp với sự tinh khiết sâu thẳm của không gian Phật Thiền bình dị, trong sáng.

Vào chùa, gặp Tăng Ni Phật tử thì tay chấp, miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. bạch lễ với Thầy trụ trì hay ban tiếp lễ, xin được hướng dẫn và bày tỏ nguyện vọng, mục đích đến chùa. Nếu người lễ đông nên có tâm nhường nhịn và không gây mất trật tự khi đại chúng đang hành lễ. Khi dâng lễ cần sắp đặt ngay ngắn và đừng thắp nhiều hương.

Một nén hương thơm thấu cửu trùng

Xin đừng thắp lắm khói mông lung

Gây nên ngột ngạt mờ tranh tượng

Ảnh hưởng lễ nghi bảo quản chung

Ngoài hương thắp, hương giải, hương thủy thuộc sự cúng dàng, người đệ tử Phật còn năm món Diệu hương cúng dàng Tam Bảo thuộc phương diện lý hương:

1/ Giới hương – hương trì giới thanh tịnh, trang nghiêm.

2/ Định hương – hương định lực trên đường tu thiện.

3/ Tuệ hương – hương Văn tuệ, Tư tuệ, Tu tuệ.

4/ Giải thoát hương – hương giải thoát chấp ngã, ích kỷ.

5/ Giải thoát tri kiến hương – hương giải thoát Pháp chấp sở tri chướng, cực đoan phiền não.

Với tâm “Như tâm Phật”, một nguồn tâm thanh tịnh vô nhiễm, không vị xáo chộn trước cám dỗ thường tình và lòng tin niệm kính thành đứng trước Tam Bảo (chính điện thờ Phật) chắp tay trước ngực kính thành bái lễ. sau khi lễ Phật là ban Đức Thánh Hiền, Đức Chúa Ông, và ban thờ lịch Đại Tổ Sư. Nếu không gian rộng, người lễ phải quỳ lễ xuống, năm vóc chạm đất, đólà cử chỉ nhu thuận, khiêm tốn và tin cậy đối với Phật Thánh. Hoặc nếu đông người ngồi lễ trước rồi thì “một lễ xa bằng ba lễ gần”, Phật Thánh sẽ chứng minh cho những thí chủ có tâm nhường nhịn, có lòng vị tha. Đólà tâm Bồ Tát, là gương đức hạnh quý báu dâng cúng mười phương Phật:

Không loại hương hoa nào

Bay ngược chiều gió thổi

Chỉ gương người đức hạnh

Ngược gió khắp tung bay.

Đó là người đắc sự lễ. Đắc “thân tâm cung kính lễ”.

Trái lại, nếu lễ Phật thánh theo cách ngã mạn lễ – tức lễ với tâm kiêu căng, ngạo ngễ, vì nể, vì phong tục thì lễ, cẩu thả, qua loa cho xong chuyện, hoặc với tâm cầu danh lễ, khi thấy người thì khoe giọng hay, ra vẻ chăm chỉ lễ để được mọi người khen ngợi.

Theo Phật luận, còn bốn phép thuộc phương diện lý lễ:

1/ Phát trí thanh tịnh lễ – phép này, người lễ thấy lễ một Đức Phật dung thông như lễ mười phương chư Phật.

2/ Biến nhập pháp giới lễ – phép này, người lễ thấy thân tâm mình hòa chung cùng mười phương pháp giới.

3/ Chính quán tâm thành lễ – phép này, người lễ thấy Phật tự nơi tâm mình, tròn đầy, viên mãn.

4/ Thực tướng bình đẳng lễ – phép này, người lễ thấy Phàm Thánh bình đẳng không khác, người lễ và ngôi lễ dung thông.

3. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN

Đạo Phật là một lối sống, một con đường sống trong sáng, chủ trương giác ngộ, đem ánh sáng trí tuệ sọi rọi thế gian. Nhận thấy lẽ thật rồi khởi niệm và làm theo đó là “Chính tín”. Ngược lại, không hiểu mà cứ tin, tin mù quáng, quàng xiên, ai nói gì cũng tin, đó là “Mê tín”. Các hoạt động mể tín, hủ tục của một số người đi lễ chùa đã ít nhiều làm băng hoại tinh thần trong sáng của giáo lý Phật pháp. Vậy, để quả phúc vẹn tròn, người đi lễ chùa không nên làm những việc:

3.1. Đồng bóng

Đồng bóng là hiện tượng mê hoặc của những người sống trong trạng thái “bất bình thường”. họ bị gạt bởi các điệu nhạc, điệu múa mà “bốc đồng”, hay các danh hão trong cõi vô hình hoạc bằng bùa tài phép lạ và luôn nhập tâm vào ảo vọng, mơ huyền, huyễn hoặc, thiếu lý trí thực tại… Người đi lễ chùa nên thận trọng với niềm tin của mình kẻo lạc đường mà bị mang tiếng “mê tín dị đoan”.

3.2. Vàng mã

Lễ vật đến chùa không nên dâng bằng các đồ giả như vàng mã. Một thật hơn trăm ngàn giả, nếu cúng Phật thánh mà dùng đồ giả lại cầu xin phúc thật là điều phi lý, có khi lại mắc tội phỉ báng các Ngài. Ca dao viết rằng:

Ai ơi yêu nước thương nòi

Để tiền đốt mã giúp người ốm đau

Ấy là đức trước nhân sau

Khỏi mang tiếng hủ kẻo đầu óc mê

3.3. Xin âm dương

Nhiều người đi lễ thường củng cố quyết tâm bằng cách xin âm dương, không kể đó là việc tốt hay xấu, thiện hay ác, đi buôn bán xuất hành đã đành, có khi đi chữa bệnh hay cứu giúp ai đó cũng phải nhờ hai đồng chinh úp ngửa thì thật nực cười. Có người còn quyết định những việc hệ trọng như xây nhà, cưới gả, xin việc làm… bằng hai đồng chinh đó. Xin âm dương là việc nhỏ nhưng lại dẫn đến những quyết định quan trọng thiếu thực tế. Có những việc cần thực hiện ngay để ích ta lợi người thì bị hai đồng xu úp là dừng lại, hoặc có việc được thực thi một cách cấp tốc dẫn đến đổ vỡ nhanh chóng cũng chỉ vì hai đồng tiền chinh úp ngửa. Nếu chúng ta trông đợi vào cái ngẫu nhiên may rủi thì tự mình đã bỏ mất tính quyết đoán quý báu mà mỗi người cần có. Hơn nữa, lại coi Phật thánh ứng nhập vào trong hai đồng tiền chinh ấy thì thật không nên.

3.4. Sát sinh tế tự

Nghi thức hiến tế là hoạt động ảnh hưởng từ phong tục nguyên thủy xa xưa. Lúc ấy, nền tín ngưỡng rất đa dạng, hỗn tạp, người thờ thần Núi, kẻ theo thần Sông, thần Gió, thần Lửa, … Mỗi khi gặp thiên tai, họa hoạn nào đó họ lại cho rằng vì thiếu lễ vật hiến dâng hay bị con người xúc phạm mà các thần linh nổi giận. Do vậy, họ phải giết xúc vật để hiến tế. Nhưng lễ vật cao cấp nhất là con người, và người ta đã lựa chọn những nam nữ tinh khôi nhất giết đi để tế Thần. Đạo Phật ra đời với điều răn “Không sát sinh” đã bãi bỏ được tập tục man rợ ấy.

Dẫu sao, tục tế vật có nguồn gốc từ thời loài người còn ở trình độ dã man, nay khơi gợi lại rất không phù hợp phong hóa văn minh hiện nay. Để giữ lòng từ bi, quý vật thương sinh và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, thiết nghĩ, cũng cần loại bỏ tục tế vật trong nghi lễ cộng đồng.

3.5. Xóc thẻ.

Xóc thẻ xem may rủi cũng là một hiện tượng mê tín không nên làm. Đây là một niềm tin thiếu suy xét và đầy tính tò mò, phó thác năm tháng cùng ý nghĩ, hành động của mình vào chỗ không duyên cớ thì quả là thụ động. Phật thánh đâu có thời gian đợi sẵn trên ban thờ để ứng vào quẻ thẻ, mách bảo quý vị điều may rủi. Đã xin quẻ tất có tốt xấu, như lệ thường số ít người gặp quẻ tốt thì vui mừng, song đã phần gặp phải quẻ xấu, lòng sinh kinh sợ, lo lắng để ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống. Thật là:

Tay cầm tiền quý bo bo

Đem đi xóc thẻ chuốc lo vào người.

3.6. Hái lộc cây

Hiện nay, vào kỳ Tết Nguyên Đán, lớp thanh niên trẻ đi lễ rất đông, nhất là vào đêm giao thừa với quan niệm: khi ra chùa về phải hải cho được một cành lộc càng to đẹp, nhiều hoa lá càng tốt, năm mới càng nhiều tài lộc. Từ quan niệm đó dẫn đến hậu quả là sáng hôm sau nhiều chùa, đền cây cối bị hái, chặt sơ xác, trông như vừa qua một cơn bão vậy.

Đầu năm hái lộc chốn chùa chiền

Quấy động lao xào mất vẻ thiêng

Bẻ lá, ngắt hoa tùy tiện ý

Cứa cành dứt nhụy ngó ngang nhiên

Xơ xác cảnh quan nào được phúc

Tiêu điều đất Phật hỏi sao yên?

Đầu xuân lễ Phật mà làm xấu

Thì sao đắc lễ giải nghiệp duyên.

Kinh Phật dạy: Phúc là do ta tự chiêu

Dở hay cũng bởi tại điều làm ra.

Chứ đâu phải cành cây lộc đem về nhà vài ba ngày tàn héo với một điềm “Đầu xuân cành lìa cội”.

Thật ra, nói hưởng lộc Phật khi đến chùa là hưởng không gian trong lành, khí tiết thanh tịnh, cảnh trí tươi đẹp, văn hóa thanh lịch, tình người hoan hỷ, vị tha.

Vâng: Chùa là tổ ấm ta về

Chung tay vun đắp chẳng nề hà chi.

Bài viết này lấy chủ đề “Về chùa” là niềm tin tưởng mọi người về với Tam Bảo, dù gần xa già trẻ cũng đều gần gũi như thân nhân về nhà mình vậy, đều có trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa Dân tộc và ý thức giữ gìn tư tưởng trong sáng, thuần hậu của giáo lý Phật Pháp.

Tỳ Khiêu Thích Thanh Ân

Trích “Tạp chí Khuông Việt”