NHÂN MINH HỌC VẤN ĐÁP

11/ 11/ 2017 14:38:23

NHÂN MINH HỌC VẤN ĐÁP

  1. Phạm Quỳnh

Nhân minh học là một ngành quan trọng trong ngũ minh của Phật giáo. Từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam cũng đã có một số bản dịch tác phẩm Nhân minh nhập chính lý luận (因 明 入 正 理 論Nyāyadvārata-rakaśāstra) của Thương yết la chủ (商羯罗主Sankarasvāmin) và một số công trình nghiên cứu chủ yếu dựa trên tác phẩm này. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm rất nhỏ mang tính tóm tắt hệ thống học thuật Nhân minh học. Thành ra, nếu chỉ nghiên cứu một tác phẩm này tất sẽ dẫn đến sự nhìn nhận phiến diện về Nhân minh học.

Từ nhiều năm nay, môn Nhân minh học đã được giảng dạy tại các hệ Cao đẳng và Cử nhân của học viện Phật giáo. Tuy nhiên, với thời gian có hạn, tài liệu bằng tiếng Việt còn hạn chế, nên việc học tập của tăng, ni sinh gặp nhiều khó khăn.

Loạt bài Nhân minh học vấn đáp sẽ đóng góp phần nào cho những thiếu hụt nói trên ở mấy phương diện sau: 1/ Học thuật Nhân minh học; 2/ Học phái Nhân minh học; 3/ Học giả và trước tác.

*

*         *

Hỏi: Nhân minh học Phật giáo có nguồn gốc thế nào?

Đáp: Logic học Ấn Độ là một trong ba hệ thống logic học truyền thống trên thế giới. Logic học Ấn Độ có hai học phái logic học chủ yếu: Chính lý và Nhân minh. Chính lý là một loại logic học, gồm cổ chính lý và tân chính lý. Nhân minh là logic học Phật giáo, xây dựng từ nền tảng từ cổ chính lý. Nhân minh cũng bao gồm tân nhân minh và cổ nhân minh.

Nhân minh có nguồn gốc từ Bà la môn giáo, cuộc tranh luận kịch liệt về mặt triết học giữa Phật giáo, Kỳ na giáo (Jaina) đã mở đầu cho những sắc thái biện luận. Thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, ngoại đạo Ấn Độ Thuận Thế phái được gọi là “nhân luận giả – Haituka, hoặc còn dịch là nhà logic”, Chính lý phái sau này và Phật giáo đều muốn tự mình phát triển ưu thế này. Trong quá trình nghiên cứu lý luận logic học, Chính lý phái chú trọng việc đạt được những tri thức chính xác, thanh lọc những tri thức giả nguỵ, từ đó nghiên cứu một cách sâu sắc đối tượng và phương pháp, hình thức và quá trình, động cơ và tư liệu suy lý luận chứng cùng với thuật biện luận… Đến thế kỷ  thứ 3 – 4, học thuyết này đã được hệ thống hoá thành Chính lý kinh (正理經 Nyāya-sutra). Luận thức ngũ chi tác pháp do Chính lý phái sáng lập bao gồm: Tôn, nhân, dụ, hợp, kết. Thế kỷ thứ 4, đại sư của Đại thừa Du già hành tông là Thế Thân đã tiếp thu và phát triển thành quả của Chính lý phái, bước đầu xay dựng hệ thống nhân minh học tam chi tác pháp. Đến thế kỷ thứ 5, Trần Na phát huy những yếu tố độc đáo của học thuyết “nhân tam tướng 因三相”, đồng thời cải tạo ngũ chi tác pháp thành tam chi tác pháp chỉ còn có: Tôn, nhân, dụ. Ông đã tiến hành cải tạo về căn bản cổ nhân minh, trở thành người sáng lập ra tân nhân minh Phật giáo. Thế kỷ thứ 7, Pháp Xứng tiếp tục phát triển học thuyết nhân minh, tác phẩm “Nhân minh thất luận因明七論” của ông được người đời sau rất chú trọng, có ảnh hưởng lớn ở vùng Tây Tạng. Các nhà logic học Phật giáo có sự kết hợp những đặc trưng giáo lý của mình với nền tảng logic học, tại Ấn Độ sau ngày thế lực Phật giáo suy tàn, sức ảnh hưởng của nó đến tư tưởng logic học của Kỳ Na giáo và Chính lý giáo vẫn được tiếp tục và phát triển. Thông qua con đường Bắc truyền và Nam truyền, Nhân minh học tiếp tục tiến nhập vào Đông Á và Đông Bắc Á.

Hỏi: Phân biệt Tân nhân minh và Cổ nhân minh dựa trên đặc điểm nào?

Đáp: Cổ nhân minh lấy “ngũ chi tác pháp 五支作法” làm luận thức, tính chất của nó là phương pháp loại tỷ. Cổ nhân minh Phật giáo phát triển đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, đầu tiên Thế Thân tiếp thu thuyết nhân tam tướng, tiến thêm một bước đơn giản hoá luận thức thành tam chi, hướng tới xây dựng hệ thống logic quá độ nhân minh tam chi, nhưng về bản chất vẫn chưa vượt khỏi rào cản của phương pháp loại tỷ, vì thế vẫn thuộc phạm vi của cổ nhân minh.

Tân nhân minh lấy “tam chi tác pháp 三支作法” làm luận thức, bản chất là sự kết hợp giữa quy nạp và diễn dịch. Do Trần Na khai sáng. Trần Na cho rằng, chi dụ của Cổ nhân minh lấy sự lệ làm dụ thể, không làm rõ quan hệ nhân quả tất yếu không thể phân biệt, và cũng không có vai trò gì. Vì vậy, ông đã tiền hành cải tạo chi dụ, làm rõ quan hệ tất yếu giữa năng lập (trung từ) và sở lập (đại từ) của mệnh đề phổ biến làm dụ thể, đồng thời lấy sự lệ làm dụ y, tập trung xây dựng cơ sở suy lý luận chứng. Bên cạnh việc giữ lại tính chất tam chi tác pháp, Trần Na còn luận thuật và phát triển lý luận về nhân tam tướng và cửu cú nhân, càng khiến cho pháp thức và pháp tắc thống nhất cao độ. Ngoài ra, tính chất logic của tam chi tác pháp trong tân nhân minh của Trần Na còn là phương pháp loại tỷ. Trong lý luận nhân tam tướng và cửu cú nhân của Trần Na quy định đồng phẩm và dị phẩm đều phải loại trừ tôn hữu pháp, dụ thể trên thực tế không phải là mệnh đề toàn xưng, mà là mệnh đề loại trừ.

Hỏi: Nhân minh học Ấn Độ có các học phái nào?

Đáp: Nhân minh học Ấn Độ chia thành các bộ phái kể từ sau Pháp Xứng, trong Tạng kinh gọi là “Pháp Xứng hậu học”. Bao gồm các phái:

  1. Thích văn phái (còn gọi là Ngôn ngữ phái). Phái này chú trọng so sánh, giải thích văn ngôn trong trước tác của Pháp Xứng. Đại biểu chủ yếu có Đế Thích Huệ (Devedrabuddhi), Luật Thiên, Thích Già Huệ, La Hầu La v.v. Trong đó, Đế Thích Huệ là đệ tử của Pháp Xứng, đã chú thích ba chương sau cuốn “Thích lượng luận 釋量論” của Pháp Xứng. Nghe nói Thích Già Huệ là học trò của Đế Thích Huệ, Ông đã viết “Thích lượng luận quảng chú釋量論廣注” tiến thêm một bước chú thích lại những gì Đế Thích Huệ đã làm. Luật Thiên là hậu học của Thích Già Huệ, chú giải hơn 5 bộ luận nhân minh ngoài “Thích lượng luận釋量論”, “Lượng quyết thích luận量抉定論” của Pháp Xứng.
  2. Xiển nghĩa phái (còn gọi là Triết học phái). Phái này chú trọng việc trình bày, phát huy và nghiên cứu những tư tưởng của Pháp Xứng. Đại biểu có Pháp Thượng (Dhamottāracarya). Pháp Thượng có “Chính lý trích luận sớ 正理滴論疏”, chú thích tường tận tác phẩm “Chính lý trích luận正理滴論 Nyayabindu”, đồng thời, chỉ ra những sai lầm của Luật Thiên trong tác phẩm “Chính lý trích luận quảng chú 正理滴論廣注”. Trước tác của ông còn có “Lượng quyết thích luận sớ量抉釋論疏”, cuốn sách này được cho là đã làm rõ được những ý nghĩa sâu sắc trong tác phẩm của Pháp Xứng.
  3. Giáo nghĩa phái. Phái này cho rằng, tinh nghĩa của tác phẩm Nhân minh thất luận của Pháp Xứng không chỉ có học thuyết về suy luận, nhận thức, mà còn có cả giáo nghĩa Đại thừa trong đó như Phật thân, Phật tính… Đại biểu chủ yếu của phái này có Trí Sinh Hộ, tác phẩm chủ yếu của Ông có “Thích lượng luận trang nghiêm sớ 釋量論庄嚴疏”, trong đó đặc biệt chú trọng chú dịch “Thành lượng phẩm成量品”, tập trung công sức chứng minh Phật có thể thành chính lượng. Sau Trí Sinh Hộ, phái này phân thành ba nhánh nhỏ, một nhánh lấy Nhật Hộ làm đại biểu, một nhánh lấy Thắng Giả làm đại biểu, còn một nhánh lấy Dạ Ma Lợi làm đại biểu.

Hỏi: Diễn biến của Hán truyền Nhân minh học như thế nào?

Đáp: Khoảng năm Thái Thường thứ 6 (421) thời Bắc Nguỵ, trong bản dịch của tăng nhân Ấn Độ tác phẩm “Đại Ban Niết Bàn kinh 大般涅槃經” đã có luận thức Cổ Nhân minh.  Sau đó, Chân Đế đã tiến hành dịch các trước tác của Cổ Nhân minh như “Phương tiện tâm luận方便心論”, “Hồi Tránh luận 回諍論”, “Như thực luận如实論”…Thời Đường, năm Trinh Quán thứ 15 (641), Huyền Trang từ Ấn Độ về nước đã mang theo 36 bộ luận Nhân minh. Ông đã cho dịch “Nhân minh chính lý môn luận 因明政理門論” của Trần Na và “Nhân minh nhập chính lý luận 因明入政理論” của Thương Yết La Chủ, gọi là đại luận và tiểu luận. Hai tác phẩm này trở thành tác phẩm kinh điển cơ bản đánh dấu cho sự truyền thừa Nhân minh học vào Trung Quốc. Đầu thời Đường, học trò của Huyền Trang đua nhau sớ giải hai bản luận này, việc học tập nghiên cứu nhân minh trong giới Phật giáo phát triển mạnh mẽ trở thành phong trào, những tác phẩm còn lại đến nay có “Trang nghiêm sớ 庄嚴疏”, “Lý môn luận thuật ký 理門論述記”. Học trò của Khuy Cơ là Huệ Chiểu có “Nhân minh nghĩa đoạn 因明義斷”, “Nhân minh nhập chính lý luận nghĩa toản yếu因明入正理論義纂要”. Học trò của Huệ Chiểu là Trí Chu viết “Nhân minh luận sớ tiền ký因明入正理論前記”, “Hậu ký 后記”, “Sao lược ký抄略記”. Đạo Ấp có “Nghĩa phạm 義范” (đã mất)… Ngoài ra, Nghĩa Tịnh còn dịch ba bộ trước tác Nhân minh của Trần Na là “Tập lượng luận集量論”, “Quán sở duyên luận觀所緣論”, “Nhân minh chính lý môn luận 因明正理門論”, nhưng đa phần đều thất lạc. Trong những đệ tử của Huyền Trang và những người tham gia dịch Kinh tạng, có rất nhiều người Triều Tiên xin làm tăng nhân, như Viên Trắc đã sáng lập hệ thống hệ thống Pháp tướng tông tây Triều Tiên, đệ tử của Viên Trắc là Đạo Chinh sau khi về nước viết cuốn: “Nhân minh nhập chính lý luận sớ 因明入正理論疏”… Đạo Chinh lại truyền cho Thái Hiền. Thái Hiền có tác phẩm: “Nhân minh luận cổ tích 因明論古迹 ”… Đệ tử của Huyền Trang là Thuận Cảnh có “Nhân minh nhập chính lý luận sao 因明入正理論抄 ”, Nguyên Hiểu có “Du già luận trung thực 瑜伽論中实 ”. Thông qua những tác giả, tác phẩm này, Nhân minh học đã được truyền bá đến phía Đông Tiều Tiên. Việc truyền bá Nhân minh học tại Nhật Bản do Huyền Trang và học trò của Trí Chu tiến hành. Học trò người Nhật Bản của Huyền Trang là Đạo Chiêu sau khi về nước đã sáng lập Pháp tướng tông Nhật Bản, lịch sử gọi là Nam tự truyền. Tăng nhân Nhật Bản Huyền Phưởng, học trò của Trí Chu, sau khi về nước đã sáng lập Bắc tự truyền Pháp tướng tông Nhật Bản. Tại Trung Quốc, sau khi Đường Vũ Tông khởi xướng việc diệt Phật, Pháp tướng tông bị tàn lụi, Nhân minh cũng theo đó mà suy vong, đến đời Thanh gần như là tuyệt học. Nhưng trái lại, ở Nhật Bản, Nhân minh được truyền bá rất lâu dài mà không bị suy vong, những tác phẩm sớ giải rất nhiều, có thể tới mười loại khác nhau, dễ thấy nhất như Thu Trúc Thiện Sơn Chu có “Nhân minh luận sớ minh đăng sao 因明論疏明灯抄”, Phong Đàm có “Nhân minh nhập chính lý luận đoan nguyên ký 因明入正理論端源記 ”… Thời Cận đại, Dương Văn Hội coi trọng Tân học, mang bộ “Đại sớ 大疏” từ Nhật Bản trở về Trung Quốc, từ đó mở đầu cho sự phục hồi Nhân minh học Hán truyền. Nếu như Nhân minh học Ấn Độ truyền thống bất đồng trong việc tồn tại đồng thời tri thức luận, logic học và phép biện luận, thì Nhân minh học Hán truyền lấy “bát môn nhị ích 八門二益”([1]) trong “Nhân minh nhập chính lý luận 因明入正理論” của Thương Yết La Chủ làm khung giá căn bản, cấu thành nên hệ thống logic biện luận. Về mặt nghĩa lý, trong quá trình phiên dịch thuật ngữ “nhân tam tướng 因三相”, Huyền Trang đã mở rộng thêm những hạn chế của một số từ như “biến 遍”, “định 定”…, tiến đến làm rõ quan hệ ngoại diên giữa các khái niệm. Đối với phương pháp “giản biệt”, ông đã phân loại thành ba loại tỷ lượng (三比量) theo đối tượng, bao gồm tự tỷ lượng, tha tỷ lượng và cộng tỷ lượng. Đối với vấn đề tôn, nhân, đồng dụ và dị dụ, quan hệ giữa tôn hữu pháp và pháp… Huyền Trang cùng với học trò các thế hệ thảo luận rất sâu sắc, thêm vào đó, phát hiện nhiều loại lỗi Nhân minh trong quá trình lập luận, trong “Đại sớ 大疏”, đã thống kê trên hai nghìn loại lỗi… Do đó đã hình thành nên diện mạo độc đáo của Hán truyền Nhân minh học.

Hỏi: Diễn biến của Tạng truyền Nhân minh học như thế nào?

Đáp: Nhân minh theo bước chân của Phật giáo truyền nhập vào Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ 7 SCN. Tạng truyền Nhân minh học đặc biệt chú trọng nội dung tri thức luận, tức là trong ngữ văn Tây Tạng coi việc đạt được chân lý, tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý và phương pháp truyền bá chân lý là những nội dung của “lượng học”, nên còn được gọi là “Tạng truyền lượng học” hoặc gọi đơn giản là “lượng học”, “lượng luận”.

(Xem tiếp các số sau)

 

([1]) Bát môn nhị ích bao gồm : bát môn và nhị ích. Nhị ích là “tự ngộ” và “ngộ tha”; Bát môn là “chân năng lập”, “tự năng lập”, “chân năng phá”, “tự năng phá”, “chân hiện lượng”, “tự hiện lượng”, “chân tỷ lượng”, “tự tỷ lượng”.