Nhìn lại một số tranh luận về Phật giáo trên báo chí những năm 1929 – 1945

11/ 11/ 2017 15:44:11

Nhìn lại một số tranh luận về Phật giáo trên báo chí những năm 1929 – 1945

Nguyễn Đại Đồng

Có thể nói báo chí Phật giáo trong thời kỳ 1929 -1945 đều cổ xúy cho tinh thần chấn hưng “thay cũ đổi mới”. Tuy nhiên về biện pháp và phương thức thể hiện thì khác nhau, ngoài những bài viết về đường lối chủ trương cải cách sinh hoạt Phật giáo, các tạp chí còn đưa ra nhiều đề tài được mọi người thảo luận sôi nổi đáng quan tâm.

Các đề tài Có hay không có Thượng đế tạo vật; Có hay không có linh hồn bất tử; Có hay không có một cõi nước Tây phương Cực Lạc, nước Tịnh độ; Có hay không có ngoại giới là những vấn đề khá hấp dẫn đối với hàng Phật tử trí thức và giới trí thức ngoài Phật giáo. Đề tài này đã làm tốn nhiều giấy mực viết về nó từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mai sau.

  1. Vấn đề có hay không có Thượng đế tạo vật?

Thực ra ngay từ tháng 9 năm 1929, trong bài Nước ta ngày nay cần phải CHPG đăng trong tờ Phật hóa Tân Thanh Niên, sư Thiện Chiếu đã viết: “Các nhà tôn giáo – trừ Phật giáo ra đều chủ trương cái thuyết “Thượng đế tạo vật”, nhất là cái thuyết Thượng đế tạo vật của một vài tôn giáo kia sáng lập ra lại có cái quyền vô hạn, cực kỳ tôn nghiêm, ai thờ phụng ông Thượng đế thì sẽ được thưởng cho về Thiên quốc, còn ai nghịch lại với ông Thượng đế thì sẽ bị phạt vĩnh kiếp ở địa ngục”1.

Theo lời tự giới thiệu của Thiện Chiếu: “Phật học tổng yếu2 là một quyển sách bày tỏ dị điểm của Phật giáo đối với các tôn giáo, cho các ngài muốn học Phật học để phân biệt Phật giáo là vô thần giáo, chỉ nói tam giới duy tâm chứ không phải như các tôn giáo nói vũ trụ sinh ra bởi một đấng tạo vật”.

Khuê Lạc Tử viết “Thượng đế luận” phản đối Thiện Chiếu. Thiện Chiếu đáp lại Khuê Lạc Tử trên các báo Đuốc Nhà Nam, và trong sách Vô Thần Luận, Tại sao tôi cảm ơn đạo Phật.

Nguyệt san Duy Tâm Phật học – cơ quan truyền bá giáo lý đạo Phật của Hội Lưỡng Xuyên Phật học Trà Vinh, số 5 ra tháng 2 năm 1936 có bài “Phật giáo với thuyết Vũ trụ quan” của An Giang cư sĩ, nhắc lại ý kiến của đức Phật Thích Ca rằng đạo Phật không đặt vấn đề ai sáng tạo vũ trụ. Vũ trụ là không đầu không cuối, vận động theo luật Nhân quả. Liên tiếp các số 6, 7, 8 đăng bài thuyết pháp của Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn về quan niệm vũ trụ và nhân sinh của Phật giáo. Hòa thượng cho rằng Phật pháp không ngoài khoa học, khoa học cũng không ngoài Phật pháp; Phật pháp khoa học viên dung mới hoàn toàn sự lý. Ngài còn đưa ra nhiều lý do nữa để phủ nhận Thượng đế tạo vật. Còn Trường Tố trong bài “Thuyết Sinh tử” đăng trên Duy Tâm số 24 ra tháng 9/1937 cho rằng nguồn gốc vũ trụ không phải bằng Thượng đế mà bằng Tứ đại (Đất, nước, gió, lửa), nhưng ngoài bốn thứ trên còn có thêm cái Biết và cái Không. Sau này Trần Văn Giàu phê phán: “Hai vị trên cố đuổi mà không nổi ông Thượng đế; họ muốn đi xa hơn Viên Âm một bước, kỳ thật là tụt lùi mấy bước”3. Còn Duy Tâm số 25 ra tháng 10/1937 đăng bài giảng về “Lục đạo vô thần” của Hòa thượng Khánh Anh, cuối bài viết tác giả khẳng định: “Lục đạo vô thần nghĩa là sáu đường chúng sinh tự tạo lấy, chớ không có thần Thượng đế hay thần tạo hóa nào tạo ra ai đặng, vì thần Thượng đế cũng là một trong sáu đường luân hồi như chúng sinh, thì phần của Trời, Trời còn phải bị lôi cuốn theo nghiệp lực, chưa tự chủ đặng, có đâu làm chủ tể tạo tác hóa sanh ai”.

Viên Âm – cơ quan hoằng dương Phật pháp của Hội An Nam Phật học (Phật học Trung Kỳ), số 8 ra tháng 7/1934 có bài “Phạm Vương và tạo hóa” (bài này tiếp theo bài “Muôn vật vì sao mà có” ở số 5 ra tháng 5/1934 nhưng nói cụ thể hơn), viết: “Có người đạo Phật coi sách Bà la môn thấy nói “Phạm Vương sinh ra vạn vật” rồi đến khi coi kinh Phật, thấy nói có “Phạm Vương thính pháp” lại tưởng rằng đạo Phật cũng thừa nhận có ông Tạo hóa. Điều ấy nên cải chính”. Tâm Minh Lê Đình Thám qua các dẫn chứng về kinh điển Phật giáo đã khẳng định không có Thượng đế tạo vật… Sư ông Thích Đôn Hậu trong bài “Đâu là con đường hạnh phúc”, đăng trên Viên Âm số 27 (ra tháng 8/1937) đã bài xích những thuyết khẳng định sự tồn tại của Thượng đế: “Đấng thiêng liêng mà họ tin đó, dầu có đi nữa, cũng chưa phải chí tôn chí trọng, bình đẳng, từ bi…  Đã thiêng liêng, thì cái gì cũng sinh ra được, cái gì cũng cãi lại được, mà nay sinh ra để cho người ta không theo mình rồi bỏ vào địa ngục là lý làm sao?”

Báo chí Phật giáo Bắc kỳ bàn về vấn đề này như thế nào?

Tờ Tiếng Chuông Sớm – cơ quan hoằng pháp của Hội Bắc kỳ Cổ Sơn Môn, số 2, ngày 1/7/1935 đăng bài của Việt Liên khẳng định: Phật giáo không phải là đạo Hữu thần.

Tuần báo Đuốc Tuệ – cơ quan ngôn luận của Hội Phật giáo Bắc Kỳ, đăng bài “Phật giáo tân luận” của Nguyễn Trọng Thuật trên nhiều kỳ: ở số 71 ra 15/10/1937  ông cho rằng: “Đạo Phật là một bài luận “Liễu tận không vô”, nghĩa là Phật cho hết thảy mọi cái trong vũ trụ này, cái gì cũng là không, chẳng có gì là thực cả. Vì vậy đạo Phật không tôn có đấng Tạo hóa”; trong Đuốc Tuệ số 73 ra ngày 15/11/1937 ông viết:  “Thế cho nên bàn về đạo Phật mà cho đạo Phật là thuần triết lý và là đạo vô thần chứ không phải là tông giáo, đã không đúng; mà cho rằng đạo Phật là đạo phiếm thần, cũng lại là sai. Phải biết đạo Phật là một tông giáo, nhưng là một tông giáo lấy tâm làm chủ. Tâm ấy ở trong mình người ta thì gọi là tâm, ở ngoài vũ trụ thì gọi là bản thể, chân như Phật tính...”.

Nhìn chung báo chí Phật giáo ở ba kỳ đều cho rằng Phật giáo là vô thần, đạo Phật không tôn có Thượng đế tạo vật.

  1. Vấn đề có hay không có Linh hồn bất tử?

Quyển Phật Học Vấn Đáp của sư Thiện Chiếu phủ nhận một linh hồn bất tử trong thân Ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn). Điều này đã khiến cho tờ tạp chí Từ Bi Âm số 18 ra ngày 15/9/1932 của Hòa thượng Liên Tôn phản đối Thiện Chiếu: “Xin hỏi các bạn trí thức Phật học lâu nay đã thấy chỗ nào trong kinh luận nói như vậy, và đã thấy ai nói càn như Sư Thiện Chiếu chưa?”

Trên tờ Viên Âm, Tâm Minh Lê Đình Thám lại cho rằng: “Lâu nay sở dĩ các nhà nghiên cứu Phật học cãi nhau mãi về vấn đề cái hồn vì không xác định rõ tính chất của cái hồn”. Tác giả phân tích ví dụ và kết luận: “Dẫu cho rằng hồn là tính biết, không phải là cái thấy cái nghe, cái cảm xúc, cũng không được, vì ngoài cái cảm xúc di ảnh của cảm xúc, chúng không còn cái gì là tính biết nữa.”

Tác giả N.C.T trong Tạp chí Từ Bi Âm phản đối Tâm Minh: “Nói như vậy, tôi e phản đối với kinh Phật chăng? Vì nếu nói cái hồn không có mặt mũi tay chân, thì những nơi địa ngục hành hình những hồn có tội, hồn ấy có thân đâu mà phạt, có mặt mũi tay chân đâu mà cưa chặt mổ. Vậy chăng là trong kinh bịa đặt hay sao.”

Cuộc tranh luận lại được tiếp tục khi Viên Âm đăng bài của Lê Đình Thám phản bác thuyết của N.C.T: “Nếu như ông nói linh hồn giống như người và bất tử, nhờ bất tử nên có đi đầu thai làm người hay thú, vào chỗ sang hay chỗ hèn; nói như vậy khác chi nói: hồn người chui vào bụng ngựa, sinh ra con ngựa có hồn người!”(?)

Hòa thượng Bích Liên trong bài “Thích nghi về cái Hồn” trên Từ Bi Âm số 104 cho rằng có cái hồn, và cái hồn đó, theo Phật giáo là A lại da thức (một trong 8 thức). Còn Hòa thượng Lê Khánh Hòa trong tạp chí Duy Tâm số 5 ra tháng 2/1936 cũng đồng nhất quan điểm với ngài Bích Liên, ông viết: “Trong kinh luận gọi là nghiệp thức, thế gian gọi là linh hồn, thì nghiệp thức hay linh hồn cũng tức là một”.

Tiến Hóa số 14 và 15 ra tháng 4-7/1939 có bài “Thảo luận với Viên Âm về Linh hồn” của Vô Ngại Biện. Trên 18 trang tạp chí, tác giả trình bày các mục: Định nghĩa của linh hồn; người ta tin có linh hồn tự lúc nào? Linh hồn là khởi nguyên của tôn giáo; Phật giáo không nhận có linh hồn; Từ Bi Âm tin có linh hồn; Tiến Hóa nhận xét Từ Bi Âm tin có linh hồn thể hiện qua bài Biện chánh đăng trên Từ Bi Âm số 18 ra ngày 15/9/1932 bảo rằng hồn là thức, thức là một vật không tan rã, nó vẫn sống hoài đi đầu thai từ kiếp này sang kiếp khác và bài “Phúc biện cái hồn” của Hòa thượng Bích Liên và Từ Bi Âm tin rằng có ma trong bài “Thích nghi cái hồn” trên số 104. Vô Ngại Biện phê phán Viên Âm vẫn còn mập mờ và mâu thuẫn. Viên Âm trong bài “Cái hồn” đăng trên số 4 ra tháng 3/1934, viết: “Đến khi chiêm bao thì không thể nói là hồn hay là xác được. Chiêm bao do tư tưởng của mình biến ra mọi sự: tư tưởng trong sạch thì thấy những điều lành, tư tưởng độc ác thì thấy những điều dữ, chớ không chi khác”. Còn trong bài Quyết định về bài Thích nghi về vấn đề cái hồn của Từ Bi Âm, Viên Âm nêu rõ: “…nếu cái có là vọng tâm, thì khi chư Phật Bồ tát hiện thân trong các loài như thân đức Thích Ca, thân ngài Bồ tát các thân ấy có sống hay không sống? Nếu không sống thì nương vào đâu mà thuyết pháp? Còn nếu như sống thì chư Phật, Bồ tát cũng còn vọng tâm hay sao?”.

Vô Ngại Biện cho rằng cái lầm to của Viên Âm là bảo cái “tâm” làm cho chúng ta sống lại mà theo ông cái làm cho chúng ta sống lại, là “nghiệp” (còn các duyên nữa) chứ không phải là “tâm”. Bằng con mắt của nhà duy vật, Vô Ngại Biện kết luận: “Căn cứ vào sự giải thích của Duy vật luận trên đây, chẳng những không có  cái linh hồn nào độc lập tồn tại ở ngoài xác thịt, cũng không bao giờ có cái tinh linh thần bí nào độc lập ở ngoài vật chất. Vậy chúng ta không nên hy vọng về “kiếp sau” hay về “thế giới khác” cho phải “mắc mưu của bọn lợi dụng”.

Ngoài Bắc trên báo Đuốc Tuệ có các bài của Trần Trọng Kim, Nguyễn Trọng Thuật, Bùi Kỷ, Lê Toại v.v đề cập đến hai vấn đề này.

  1. Có hay không có Tây phương Cực Lạc?

Trong sách Phật học vấn đáp, Thiện Chiếu khẳng định rằng những Tây phương Cực Lạc, Niết bàn đều không phải là cảnh có thực, đó chỉ là sự yên tĩnh trong tâm của ta là tâm Phật, Phật tức tâm, ngoài tâm không có Phật. Cho nên sẽ là một điều sai lầm nếu tin rằng ta nhờ niệm Phật, nhờ làm việc lành, tránh điều dữ mà được Phật tiếp dẫn về ở bên nước Tịnh độ (Tịnh thổ), về Tây phương cực lạc.

Hòa thượng Liên Tôn, trên Từ Bi Âm số 18 viết bài phản đối quan niệm nói trên của Thiện Chiếu.

Ngày 8/7/1932  báo Công Luận số 2406 đăng bài “Phê bình sách Phật giáo vấn đáp” của Hoàng Tâm, người phụ trách phần Phụ trương văn chương báo Đuốc Nhà Nam. Sư Thiện Chiếu đáp trả bằng loạt bài “Nên phê bình sách Phật nhưng phải đủ tư cách phê bình” trên Công Luận số 2407 ra ngày 9/7/1932.

Từ nội dung ban đầu là phê bình cách dịch chuyển sang tranh luận về các luận thuyết đạo Phật mà vấn đề đầu tiên là Có hay không có Tây phương cực lạc, có hay không có miền Tịnh thổ (Tịnh độ)?

Lúc đầu chỉ có tranh luận giữa Thiện Chiếu và Hoàng Tâm, về sau kéo Thái Không, Hòa Khương rồi Liên Tôn vào cuộc, kéo dài trên báo Công Luận hàng tháng trời4.

Tờ Duy Tâm Phật học từ số 2 đến số 9 xuất bản năm 1935-1936 dẫn kinh Vô Lượng Thọ trong đó có đoạn kể về lời thưa thỉnh của Hoàng hậu Vi Đề Hy, và sự giới thiệu các cảnh báo an vui, trong đó có cảnh giới Tây phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà.

Chính Túc trong bài “Đâu là Thiên đường địa ngục” đăng trên tờ Viên Âm số 12 ra tháng 7/1934 đồng ý với Thiện Chiếu. Theo Chính Túc, hễ tri túc, an vui, thì đâu cũng là Thiên đường. Bất tri túc, không yên vui thì đâu lại chẳng phải là địa ngục? và ông kết luận: “Thế mới biết Thiên đường là tâm mà địa ngục cũng là tâm; một tâm sinh hai ngả, chúng ta nên đi ngả nào?”

Chính Túc cho rằng: Niết bàn tuyệt nhiên không có nghĩa là Thiên đường, không phải là thế giới Cực Lạc nào ngoài thế giới này, ngoài cái tâm của ta.

Tâm Minh Lê Đình Thám trong bài giảng “Pháp môn Tịnh độ” tại Phật học hội (chùa Từ Quang, Huế) tháng 9 năm 1933, đăng trên Viên Âm số 6 ra ngày 1/5/1934, chỉ rõ “Muốn tin chắc chắn cần phải xét biết phép Tịnh độ về sự hay về lý cũng đều là đáng tin cả:

  1. Điều thứ nhất đáng tin là vì lời thệ nguyện đức Phật A Di Đà mà kinh Vô Lượng Thọ đã nêu: “Vô số kiếp về trước, vừa gặp đức Phật Thế Tự Tại Vương ra đời, đức Phật A Di Đà bỏ ngôi vua đi tu, hiệu là Pháp Tạng. Ngài Pháp Tạng nhờ oai thần Phật thấy rõ cõi Tịnh độ trong mười phương, liền phát ra 48 lời nguyện, tu vô lượng vô số kiếp, thành tựu được tất cả các nguyện ấy rồi, mới chịu thành Phật hiệu là A Di Đà.”
  2. Điều thứ hai đáng tin là vì Đức Thích Ca, trong các kinh khác, phần nhiều tùy theo lời đệ tử hỏi mà đáp, duy có kinh Tịnh Độ là tự Ngài nói ra mà thôi, đó là một chứng cớ rằng phép Tịnh độ là một phép rất hiệp với căn cơ chúng sinh ở cõi này, nên chi Phật phải tự nói ra phép ấy cho chúng sinh biết quí, biết tin phép ấy và quyết chí tu theo phép ấy cho mau thành chính quả.
  3. Điều thứ ba đáng tin là vì các đức Phật ở mười phương đều khen ngợi phép Tịnh độ và khuyên tất cả chúng sinh đều tin theo đó mà tu hành (theo Phật thuyết A Di Đà kinh).

Tâm Minh đề nghị: “Trông mong các ngài suy xét nghĩa lý bài giảng hôm nay cho chín, đặng phát lòng tin chắc chắn, hằng ngày chuyên niệm đức Phật A Di Đà, và cầu Phật tiếp dẫn chúng ta cùng tất cả chúng sinh đồng về Tây phương Cực Lạc thế giới”.

Tạp chí Viên Âm số 28 ra tháng 9 năm 1937 đăng bài “Đâu là Tịnh độ” của Đại học đường Trí Thủ, trong đó có đoạn: “Không cần phải có hay không có Tịnh Độ, cũng không cần đợi đến lúc chết rồi mới sinh về Tịnh độ, miễn làm lợi ích cho chúng sinh thì đó là Tịnh độ rồi”.

Tuần báo Đuốc Tuệ lại có quan điểm hơi khác với Thiện Chiếu và Chính Túc. Đuốc Tuệ số 1 ra ngày 10/12/1935 đăng bài “Sự tích đức Phật A Di Đà” của Nguyễn Trọng Thuật khẳng định sự hiện hữu của Tây phương Cực Lạc, nước Tịnh độ do đức Phật A Di Đà là giáo chủ. Đuốc Tuệ số 53 ra 15/1/1937 cổ động cho “nước Tịnh độ”, cho Cực Lạc thế giới: “Đức Thích Ca nói: từ cõi trần này sang Tây phương, qua biết bao nhiêu cõi đất khác thì đến một cõi thế giới gọi là Cực Lạc thế giới, ở đấy có Phật A Di Đà đang thuyết pháp, còn chúng sinh ở đó thì không chịu khổ nào hết, chỉ hưởng sung sướng đủ điều, nên gọi là Cực Lạc, cũng gọi là Tịnh độ hay Tịnh thổ”.

Trong bài “Một cách bảo hiểm tất cả  tính mệnh và tài sản rất chắc chắn” đăng

trên Đuốc Tuệ  số 110 ra ngày 15/6/1939 Thượng tọa Trí Hải viết: “Ngài lại xem

xét  khắp cả mười phương thế giới, thấy ở phương Tây có một nước gọi là Cực Lạc trong nước ấy có một đức Phật tên là A Di Đà, nhân dân nước ấy thuần là những     người rất hiền lành mà số tuổi thọ không thể tính lường được, ăn mặc thụ dụng

hay muốn gì tự nhiên lòng nghĩ là có ngay, đường đất nhà cửa lâu đài cây cối trong nước hết thảy đều bằng vàng bạc và các thứ châu báu cả, nói tóm lại ở nước ấy       không có qua một  sự gì là không được như ý, không có qua một sự gì là trái ý,

cực kỳ sung sướng vui vẻ  nên gọi là Cực Lạc. Nói đến cách ai muốn sinh sang

nước ấy, chỉ cần có bốn điều  kiện:

  1. Cốt ở lòng chí thành kính tín;
  2. Hiểu biết cho rõ ràng chắc chắn;
  3. Thực hành tu theo như giáo lý của Phật dạy;
  4. Dốc một lòng cầu nguyện sinh sang nước ấy.

thế là đời sau được sinh sang chứ không phải lo qua một khoản phí tổn chi khác cả. Sang đấy rồi thì đời đời giải thoát suốt đời ta, không bao giờ nghe thấy tiếng kêu khóc than thở, ốm đau chết chóc khổ sở cùng là trộm cắp cướp giặc lừa đảo, gian dối biển thủ là gì”.

Đuốc Tuệ còn có loạt bài về “Tu Tịnh độ” của Thiều Chửu, Như Như, Văn Quang Thùy, Viên Quang khuyên mọi người nên tu Tịnh độ để khi chết được tiếp dẫn về cõi Tây phương Cực Lạc.

Báo chí Phật giáo Nam kỳ tranh luận khá sôi nổi về vấn đề này.

Tháng 11 năm 1938, Từ Bi Âm số 155 đăng bức thư của Hoà thượng Lê Khánh Hòa gửi cho ông Phan Thanh Hà – chủ bút Tiến hóa ngỏ ý muốn dự vào cuộc diễn thuyết có tranh luận để bênh vực thuyết “Tây phương Tịnh độ, Địa ngục Thiên đường” Thiện Chiếu (ký bút danh là Giác Tha) trên báo Tiến Hóa số 12 ra tháng 12/1938 và tháng 1/ 1939 đã có bài phê bình “Hòa thượng Lê Khánh Hòa thật là một nhà sư trung thành… ít có”. Ông trích dẫn 7 ý trong kinh sách Phật để bác bỏ thuyết Tây phương Tịnh độ. Thiện Chiếu phê bình Hoà thượng Khánh Hòa là người trước sau vẫn trung thành với Tịnh độ tông, mặc dầu nó hoang đường vô lý, nghịch với trào lưu tiến hóa, không có lý do, không có sự thật làm trụ cốt để bênh vực thuyết ấy. Và ông quy cho sư Khánh Hòa trước sau vẫn trung thành với Từ Bi Âm, mặc dù lúc này sư Khánh Hòa đã về Trà Vinh cùng các ngài Huệ Quang thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học.

Cuộc tranh luận về có hay không có Tây phương Cực Lạc giữa Từ Bi Âm của Hội NKNCPH và Tiến Hóa của Hội Phật học Kiêm Tế (Rạch Giá) nổ ra và kéo dài nhiều tháng. Cuối cùng, vào ngày 5/2/1939, sau nhiều lần lời qua tiếng lại, Từ Bi ÂmTiến Hóa đồng ý nhận một cuộc diễn thuyết công khai ở Hội quán Hội Phật học Kiêm Tế để mỗi bên bênh vực thuyết của mình. Đại diện Từ Bi Âm là sư Hiển Pháp ở Mỹ Tho là người trước đây có bài đăng báo đã bênh vực thuyết Tây phương Cực Lạc, bên Tiến Hóa có ông Tự Giác (tức Thiện Chiếu) ở Chợ Lớn người đánh đổ thuyết ấy. Thiện Chiếu giải thích lý do ông đánh đổ thuyết Tây phương Tịnh độ là vì thuyết ấy trái với Phật học, trái với khoa học và nó ngăn sự tiến hóa của xã hội. Ông chỉ rõ: những ai nghiên cứu Phật học sử, đều thấy Tịnh độ tông căn cứ vào các kinh A Di Đà, Vô lượng thọ, Quán Vô lượng thọ Vãng sinh Tịnh độ luận. Nhưng những kinh và luận ấy cũng chưa có trong khi kết tập lần thứ ba, là lần mà kinh điển của Phật mới bắt đầu chép vào lá buông cách 235 năm sau khi Phật tịch diệt, chứng minh rằng những kinh luận về Tịnh độ tông không phải của Phật nói mà chính là của người ta thêm vào trong ba tạng. Thiện Chiếu cho rằng: “Những kinh và luận ấy chính phái Bắc tông bịa đặt thêm vào. Vì vậy cho nên bên phái Nam tông như Tích Lan, Xiêm La, Cao Mên, Miến Điện người ta không hề biết có Phật Di Đà, có cõi Tây phương Tịnh độ!

Còn sư Hiển Pháp thì nói rằng, ông đến đây là để bênh vực Hòa thượng Lê Khánh Hòa chứ không phải để bênh vực thuyết Tây phương Tịnh độ.

Hai bên đều có lý của mình và từ đó vấn đề Tây phương Cực Lạc chìm vào quên lãng.

Vấn đề Tây phương Cực Lạc trong hệ thống giáo lý của đạo Phật không phải là một miền đất hứa, là viên thuốc giảm đau cho con người vượt qua nỗi sợ hãi mà là một sự thật vì Cực Lạc là cõi nước ở ngay nơi thế gian khi con người biết sống yêu thương, không thù hận, không tham dục, không si mê. Miền Tịnh độ cũng chính ở ngay trên trái đất của chúng ta, khi trái đất không còn chiến tranh, hận thù và chết chóc.

Ngoài ba vấn đề nêu trên, có nhiều vấn đề trọng yếu của đạo Phật kể cả những triết lý sâu xa của Phật giáo trong thời kỳ 1929- 1945 được Tăng già và cư sĩ, các nhà Phật học đưa ra như: Nhất thiết duy tâm vạn pháp duy thức? Hữu ngã vô ngã, Có và Không, Nhân quả luân hồi, Vấn đề cứu khổ của đạo Phật, Phật giáo với khoa học v.v được trăm nhà lên tiếng, không chỉ có các tạp chí Phật học mà cả báo chí ngoài Phật môn bàn luận rất phong phú trong tinh thần đối thoại thẳng thắn; không kể những buổi thuyết giảng, tạo nên sinh khí mới trên diễn đàn Phật giáo, đấu tranh giữa trào lưu giữa tư tưởng tiến bộ và lạc hậu.

Điều này cho chúng ta thấy rõ vai trò của báo chí Phật giáo tác động hết sức quyết liệt đến phong trào chấn hưng, ngoài việc là cơ quan truyền bá chính pháp của  đức Phật, nó còn là một công cụ góp phần đấu tranh trực tiếp với những tư tưởng lạc hậu, lệch lạc, các hiện tượng tiêu cực, cũng như bên ngoài xuyên tạc Phật giáo.

Ngoài những bài tranh luận trên diễn đàn trên các báo Phật giáo các báo ngoài xã hội cũng tham gia với sự góp ý thiện chí, lẫn công kích Phật giáo như: Đuốc Nhà Nam, Công Luận, Phụ Nữ Tân Văn, Lục Tỉnh Tân Văn v.v. nhất là trên báo Tràng An xuất bản tại Huế và một số các báo khác mà tác giả là những học giả, trí thức lúc bấy giờ như Phan Văn Hùm, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng,  Hải Triều, Phan Khôi, Nguyễn Trọng Thuật, Bùi Kỷ, Thiều  Chửu, Trần Trọng Kim v.v chúng tôi sẽ bàn trong dịp sau.

 

 

 

 

1 Tạp chí Phật hóa Tân Thanh Niên, 1929.

2 Một số bài trong quyển này dịch ở tạp chí Hải Triều Âm của Hội Phật học Trung Quốc, một số bài do sư Thiện Chiếu viết, đem lại cho độc giả nhiều ý tưởng mới lạ. Sách xuất bản năm 1930-1931.

3 Trần Văn Giàu: Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ thứ 10 đến Cách mạng Tháng 8, tập 2, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1997.

4 Xem Loạt bài tranh luận giữa sư Thiện Chiếu với ông Hoàng Tâm; Giữa sư Thiện Chiếu với Hòa thượng Liên Tôn trong sách Phong trào chấn hưng Phật giáo, tư liệu báo chí 1927-1938 của Nguyễn Đại Đồng và TS. Nguyễn Thị Minh, Nxb Tôn Giáo, 2008.