NHỮNG ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA THIỀN TÔNG VÀ TỊNH ĐỘ TÔNG

17/ 04/ 2012 13:07:16

“Tựa như nước của bể cả chỉ thấm nhuần một vị,vị mặn – đạo lý của ta chỉ thuần một vị, vị giải thoát”. Dư âm ấy của Đức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế như vẫn còn vang vọng đâu đây. Lời dạy ấy, có nghĩa là du ta có bày phương này, pháp nọ cũng chỉ vì đưa chúng sinh đến bờ giải thoát mà thôi. Thế nhưng, một số trong những hàng đệ tử thân yêu của Ngài, lại kích bác lẫn nhau để tranh phần ưu thắng cho tông phái mình, khiến hàng sơ phát tâm phải hoang mang, nghi ngại, chẳng biết nên theo ai. Để phù hợp với lời dạy và hóa giải thực trạng bi đát này, chúng tôi sẽ trình bày những điểm gặp gỡ lần lượt giữa Thiền tông và Tịnh Độ tông qua những phương tiện và cứu cánh của hai giáo nghĩa đó để chứng minh rằng: trong Thiền có Tịnh, trong Tịnh có Thiền, Thiền tức là Tịnh, Tịnh tức là Thiền.

 

Trước hết chúng ta khảo cứu qua về sự tu chứng của Thiền tông. Thiền có nghĩa là Tư Duy, hay Tĩnh Lự. theo giáo phái này về mặt tu hành, đầu tiên hành giả phải chú trọng đến hai phương diện thân và điều tâm. Điều thân là những việc làm ngoại tại như ăn, mặc, ngủ, nghỉ, nơi chốn… phải tiết độ, thanh tịnh. Điều tâm là đi vào nội tại với một tâm trạng không tư lượng, vượt qua mọi ý niệm mê muội sinh tử, thoát ly thiện ác để an trụ vào địa vị bất động. đó là cảnh giới tuyệt đối, dẹp hết ngôn ngữ và trừ tuyệt tâm tư. Như đây có chỗ gọi là Chỉ, Quán. Theo lập trường của Thiền là lấy sự quân bình của Chỉ và Quán làm phương pháp trọng yếu để phát kiến và thể nghiệp chân lý. Ngoài ra còn có pháp môn Tham Thoại Đầu – với phương pháp này, hành giả khi đi đứng, lúc nằm ngồi chỉ luôn tham cứu đến một công án, khi nào vấn đề được sáng tỏ tức là Ngộ đạo. mục đích của tông phái này là “Trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật”. ở đây, cảnh giới ngộ đạo được diễn tả qua những câu: “khi chưa tu thấy sông thấy núi, khi tu không thấy sông thấy núi, khi tu rồi núi sông vẫn là núi sông của muôn thuở…” vì mê mà thấy, vì quán mà không và vì đại ngộ nê mặc tình nó có…trạng thái tâm linh lúc bấy giờ không thể dùng ngôn ngữ mà diễn tả được.

Như trên, chúng ta đã trình bày sơ lược về Thiền tông, bây giờ qua phần nghiên cứu về Tịnh độ. Theo tông phái này, phương pháp tu hành đầu tiên phải đủ “Tín, Nguyện, Hạnh”. Tin rằng vạn pháp đều do Tâm biến hiện, nếu mình nhất niệm hồi tâm thì quyết được vãng sinh, đó là tự tín. Tin Phật Thích Ca không nói rối và Phật Di Đà không nguyện xuông, đó là tín tha. đã khởi lòng tin rồi thì phải phát đại nguyện, vì nó là một nguyên động lực thiết yếu. ví như ta tin nước Mĩ có đời sống sung túc, đầy đủ tiện nghi… mà ta không muốn qua đó thì chẳng bao giờ đi đến được. giá như muốn có, nhưng không chuẩn bị lộ phí, hành trang thì cũng không sao sang được nước ấy!. đó là đủ tín, đảnh 3 chân, nếu thiếu một là coi như hỏng. đầy đủ ba món tư lương căn bản rồi, hành giả đi vào pháp niệm Phật. phương pháp niệm Phật tuy nhiều nhưng không ngoài mục đích đi đến chỗ nhất tâm bất loạn. nó có giác tính niệm, quán tưởng niệm, trì danh niệm. giác tính niệm đây là ý niệm Phật. luôn luôn soi sáng tự tâm, tức tâm tức Phật, không còn phân biệt. quán tưởng niệm, tức quán về đức Phật A Di Đà với cõi nước thanh tịnh trang nghiêm, đến khi nào cảm thông, thể nhập vào cảnh giới đó thì đã được pháp tam muội. trì danh niệm, pháp này có nhiều cách như: mặc trì tức niệm Phật không phát ra âm thanh, chỉ im lặng niệm trong tâm. Cao thanh trì, tức niệm có tiếng, âm điệu trầm bổng du dương. Kim cang trì, đây là đến chỗ nhất tâm, lúc nào trong lòng cũng niệm Phật, hoặc mặc trì, hoặc cao thanh. Hành giả có thể tùy theo năng lực mình mà thực hành. Ngoài ra còn có bốn thức niệm Phật và hòa hoãn niệm, truy đảnh niệm, thiền định niệm và tham cứu niệm. hòa hoãn niệm, với phương pháp này, trước hết chúng ta phải phóng xả tất cả sự vật, dần dần đế quán tưởng cũng tuyệt trừ, rồi sau ta mới tiến lên chính niệm để thư thả niệm Phật. truy đảnh niệm là căn cứ trên một danh hiệu Phật rồi tuần tự niệm mãi cho đến khi nào 3 tâm đều diệt, mọi vật và ta đều tan rã đó là đã thoát ly không gian và thời gian mới được kết quả. Thiền định niệm là đầu tiên phải nương pháp Sa ma tha để nắng đọng tâm tư, yên lặng tột bậc theo lời dạy: “bậc Bồ Tát ngồi thiền định, không nghĩ gì tất cả, chỉ nhớ một Đức Phật, tự nhiên được tam muội”. và cuối cùng là tham cứu niệm, trong khi niệm ta đặt nhiều câu hỏi: Phật là gì? Tâm niệm Phật này do đâu mà có sinh diệt? Nó đi về đâu?… tham cứu đến tận nơi làm trực ngộ được chân tướng của vạn pháp. Lập trường của giáo pháp này là “Tâm tịnh nhi quốc độ tịnh”. Đến đây tạm kết thúc về giáo phái Tịnh Độ.

Như đã trình bày trên, chúng ta thấy rằng: bên Thiền lấy chỉ quán làm cốt yếu thì bên Tịnh chẳn nhẽ lại không có sao? Với pháp môn Thiền Định niệm, quán tưởng niệm cho ta thấy rõ điều đó. Pháp Tham Thoại Đầu đâu khác gì tham cứu niệm, hay “niệm đến tâm cảnh đều tiêu” đó là gì nếu không phải “khi tu không thấy sông thấy núi?”. Niệm mà đến nhập vô niệm thì khác gì với bất động tâm? Thiền chứng được tam muội chính định thì Tịnh cũng đến nhất tâm bất loạn và nhất tâm bất loạn đó chính là Tịnh Lự vậy. vả lại, Thiền chủ trương “trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật” thì lập trường của Tịnh cũng là “tự tính Di Đà duy tâm Tịnh Độ!” và, những pháp “Bát chu tam muội Phật hiện tiền định” hay “quán Phật tam muội” nếu xa lìa thiền quán thì không thể chứng đắc, đó là sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được! như bản thân tác giả, khi còn ở Phật học viện thì theo phương pháp Thiền, nhưng khi ra đời muốn làm việc Phật sự nhưng lại cô đơn và ma chướng nhiều quá nên phải trì chú Đại Bi, chú Chuẩn Đề để nhờ thần lực Đức Quán Thế Âm gia hộ cho qua được những chướng nạn, nhưng đến ngày quy y được cho đồng bào Thượng rồi thì tự nhiên trong lòng lúc nào cũng nghe câu “Nam mô A Di Đà Phật” văng vẳng bên tai! Tự thân thấy thật là kỳ diệu. vì vậy xin viết lại bài này cho quý vị thấy Như Lai nói “vạn pháp quy nhất” là ý nghĩa này. Nếu chúng ta còn cho pháp môn này hơn pháp môn nọ thì coi như chúng ta đả kích đức Bổn Sư, vì pháp nào cũng từ kim khẩu của Ngài nói ra, còn tệ hơn nữa, khi cho rằng pháp môn niệm Phật giống như đạo Thiên Chúa! Tuy nhiên, khi tại thế, Đức Phật có dạy rằng vào thời mạt pháp chúng sinh thích hợp với pháp môn Tịnh Độ hơn, do vậy mà bây giờ chúng ta thấy những vị tu bên Tịnh Độ vãng sinh ngay bên đời sống hiện tại rất nhiều, Việt Nam chúng ta lại còn có nhiều hơn, điều này quý vị đọc sách, xem băng thu lại những hình ảnh ấy rất phổ biến.

Tóm lại, nếu có nói khác nhau, chỉ là trên danh ngôn giả huyễn, tạm dùng để phân biệt, còn chân lý không thể có hai, ba, bốn. Tịnh Độ vẫn là Thiền, Thiền cũng là Mật, không thể còn nghiệp mà đượcc vãng sinh hoặc còn chấp mà thành Phật đâu! Cũng như trăm sông đổ về biển, tùy theo địa dư mà gọi tên sông này hay sông nọ, chứ đừng vì vậy mà nói nước sông này tính ướt khác với nước sông kia! dầu sông có ngắn, dài, to, nhỏ, cạn, sâu … cuối cùng cũng chảy về một đại dương kia mà thôi vậy! Thiền, hay Tịnh, hay Mật chỉ là phương tiện tùy bệnh cho thuốc chứ kỳ thật không có gì là khó, dễ hay chống đối nhau cả. chỉ cần là thực hành được hay không, thế thôi!

Kontum, 21/11/2008.

PT HẠNH MÃN