NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

13/ 11/ 2017 10:16:38

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN SƯ KHUÔNG VIỆT CHO PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu

Thiền sư Khuông Việt (933-1011) tên thật là Ngô Chân Lưu, người hương Cát Lợi, quận Thường Lạc (nay là huyện Sóc Sơn, tỉnh Hà Nội), dòng dõi của Ngô Thuận Đế. Ngài dáng mạo khôi ngô, ý chí lỗi lạc, tính tình bình thản. Thuở nhỏ Ngài theo nghiệp Nho, lớn lên theo Phật. Thụ giáo với Thiền sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thấu tột thiền yếu và đọc khắp các kinh điển. Sự nghiệp hoằng pháp, giúp nước cứu dân của ngài chủ yếu vào nửa cuối thế kỷ thứ X, thời kỳ đất nước ta vừa thoát khỏi 1000 năm Bắc thuộc, bắt tay vào xây dựng nhà nước phong kiến độc lập dân tộc Ngô – Đinh – Tiền Lê. Năm Tân Mùi niên hiệu Thái Bình thứ 2, tương đương nhà Tống năm Khai Bảo thứ 4 (năm 971), triều đình bắt đầu quy định cấp bậc cho văn võ và Tăng đạo, lấy Nguyễn Bặc làm Định Quốc Công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ Sư, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân. Năm 40 tuổi, danh tiếng của Ngài Ngô Chân Lưu vang khắp nơi. Vua Đinh Tiên Hoàng thường mời Ngài vào cung đàm đạo, hỏi chuyện đất nước. Mỗi lần thiết triều, họp bàn việc đối nội, đối ngoại, việc quốc gia trọng đại, vua đều mời Thiền sư tham dự. Với cách ứng đối rành rẽ nên vua rất mến phục và phong chức Tăng Thống. Năm sau, niên hiệu Thái Bình thứ 3 (972), vua lại phong chức Khuông Việt Thái sư. Đến đời vua Lê Đại Hành, Thiền sư Khuông Việt càng được kính trọng. Bao nhiêu việc nước trọng đại, vua đều hỏi ý kiến của Thiền sư. Núi Mê Linh, quận Bình Lỗ đều có dấu chân thiền hành của Thiền sư. Những nơi có cảnh trí đẹp, thanh u, Thiền sư đều dựng thảo am để thiền hành, tĩnh tọa.

Năm thứ 7 niên hiệu Thiên Phúc (986), nhà Tống sai sứ là Lý Giác sang nước ta, vua Lê Đại Hành sắc chỉ Khuông Việt Thái sư ra đón tiếp sứ. Khi về Lý Giác có để lại bài thơ có ý tôn vua Lê Đại Hành giống vua Nhà Tống – Trung Quốc. Nghe xong, Vua Đại Hành rất đắc chí liền nhờ Thiền sư Khuông Việt làm một bài thơ tiễn Lý Giác. Ngài vâng lệnh làm bài từ theo điệu Nguyễn lang quy để tiễn sứ.

Như vây, sau hơn 30 năm giành độc lập sau cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền, một hệ thống tổ chức Phật giáo đã được triều đình công nhận. Từ đó về sau, những thế hệ Thiền sư kiệt xuất của Việt Nam đã tiếp tục truyền nối sự nghiệp xây dựng nền Phật giáo nước nhà.

Dòng thiền Vô Ngôn Thông được sáng lập từ thời nhà Đường. Thiền phái này còn có tên là phái thiền Quan bích, tức tuân theo tôn chỉ tọa thiền quay mặt vào vách của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Năm 820 Thiền phái Vô Ngôn Thông được truyền bá vào Giao Châu với trung tâm là chùa Kiến Sơ (Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội nay). Quá trình truyền giáo của thiền phái Vô Ngôn Thông đã phát huy tư tưởng của học phái thiền Quan Bích, trở thành hiện thực. Dòng thiền Vô Ngôn Thông ở đất Giao Châu đã tiếp thu được tinh hoa Phật pháp của thiền học Nam tông Trung Hoa qua các vị Tổ sư Huệ Năng, Hoài Nhượng, Đao Nhật, Hoài Hải. Quan điểm hài hòa không có sự khác biệt giữa Tâm – Phật – Chúng sinh là căn bản của Phật tính được truyền bá rộng rãi tới cộng đồng dân cư.

Là người kế thừa đời thứ 4 của dòng thiền Vô Ngôn Thông và truyền thừa đời thứ 15 của môn phái, Thiền sư Khuông Việt đã chính thức được vương triều nhà Đinh phong tặng chức Tăng Thống. Kế tiếp đến thời thứ 17 của thiền phái này là thiền sư Viên Chiếu được phong tặng danh hiệu Cao tọa Pháp sư. Đến đời nhà Trần, thiền phái Trúc Lâm đã trực tiếp kế thừa những tinh hoa của thiền phái này.

Có thể nói rằng, thế hệ Thiền sư dưới thời nhà Ngô, Đinh và Tiền Lê như Thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận… với kiến thức Phật pháp uyên thâm đã truyền nối được chân chỉ môn phái để Phật giáo Việt Nam có được một sự phát triển rực rỡ ở thời nhà Lý, nhà Trần. Trên cương vị Tăng Thống, Thiền sư Khuông Việt đã thống nhất và phát triển các học phái Phật giáo. Đồng thời định hướng tư tưởng tốt đời đẹp đạo. Với tinh thần nhập thế, Phật giáo thời kỳ này gánh vác sự vụ thế gian mà cõi tâm vẫn hướng về Phật pháp. Những tư tưởng, đường lối ngoại giao với nhà Tống, việc điều hành chính sự vương triều Ngô, Đinh và Tiền Lê của các thiền sư đã góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự chủ của dân tộc, góp phần tạo nên những thời khắc bình an cho một nhà nước non trẻ vừa mới giành được độc lập. Vì vậy, nhà vua phải tìm điểm tựa vững chắc về ý thức. Giữa canh buổi đó, Phật giáo là một thế lực mạnh nhất nên đã trở thành một công cụ tinh thần để quản lý và xây dựng quê hương đất nước. Nhân dân được an lạc thì mới có thể an tâm quy hướng Phật pháp. Đó chính là nền tảng tư tưởng của các thiền sư khi tham vấn chính sự triều đình. Ngoài ra, việc mở mang học vấn Phật giáo và Nho giáo cũng được đề cao ở giai đoạn này thông qua việc giao lưu học vấn giữa hai nước Trung Hoa và Nam Việt. Các thiền sư Ấn Độ qua lại hai nước Việt – Trung cũng thường ở lại Giao Châu. Triều đình cũng cho thiết lập thêm các tự viện. Năm 1008, vua sai sứ các ông Minh Xưởng, Hoành Thành Nhã qua Trung Hoa thỉnh Đại tạng kinh. Đây cũng chính là lần đầu tiên nước ta sai sứ đi thỉnh kinh.

Năm 1976, việc phát hiện 100 cột kinh Phật đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni bên bờ sông Hoàng Long (Ninh Bình) do Nam Việt Vương Đinh Liễn – con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng khắc dựng một lần nữa đã cho thấy học vấn uyên thâm về chữ Hán và chữ Phạn của các vị thiền sư thời đó.

Xét trên phương diện lịch sử văn hóa, Phật giáo giai đoạn này đã có sự dung thông sâu sắc với Nho giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa, hình thành một hệ thống tư tưởng tín ngưỡng đặc thù của đất Giao Châu. Nhờ các thiền sư tài ba, lỗi lạc, sự đóng góp của quần chúng Phật tử, Phật giáo lan tỏa khắp nơi, không chỉ ở đất lưu vực sông Hồng, mà còn lan tỏa tận Ái Châu, Hoan Châu, đất Thanh Nghệ ngày xưa. Sự thâm nhập của giáo lý Phật giáo trong đường lối trị quốc an bang của các vương triều thời đó không những đưa phương thức pháp trị chuyển dần sang đức trị, mà còn tạo ra các tiền lệ và bài học kinh nghiệm cho các chính sách hướng về muôn dân của các vương triều sau này. Các thiền sư thời kỳ này, đặc biệt là thiền sư Khuông Việt không chỉ tận tâm tận lực đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo mà còn giúp ích không nhỏ cho công trình dựng nước và giữ nước, khơi dậy tinh thần độc lập dân tộc, xứng đáng là tấm gương cho cho các thế hệ sau noi theo, giữ gìn và phát huy.

Công thành thân thoái, tham dự triều chính một thời gian, Thiền sư Khuông Việt đã viện lẽ già yếu xin từ quan lui về quê. Ngài dựng một ngôi chùa hiệu là Phật Đà trên núi Du Hý, hương Cát Lợi, trụ trì và giảng dạy Phật pháp cho các học trò. Học giả bốn phương về học rất đông. Trong số các đồ đệ, Đa Bảo là đệ tử thâm tín nhất. Ngày 15 tháng 2, niên hiệu Thuận Thiên thứ 2 (1011), đời Lý Thái Tổ, thiền sư truyền tâm ấn cho Đa Bảo xong chắp tay viên tịch. Cho đến nay, hàng trạng và các bài thơ, kệ của Ngài là những bài học pháp môn căn bản cho Tăng ni, Phật tử, là bài học về quá trình tu dưỡng học tập Phật pháp, phấn đấu vì sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, hộ quốc an dân cho các thế hệ con Phật Việt Nam.