PHẬT GIÁO VỚI NGHÌN NĂM THĂNG LONG

11/ 11/ 2017 15:00:57

PHẬT GIÁO VỚI  NGHÌN NĂM THĂNG LONG

 

 

Còn 09 tháng nữa Hà Nội sẽ cùng cả nước trọng thể khai mạc Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long (1010 – 2010). Nhân dịp này, số Xuân – Tết Canh Dần (2010), Tạp chí Khuông Việt phỏng vấn Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm: Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Thành phố Hà Nội, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Phó trưởng ban thường trực (kiêm Trưởng ban Tổ chức) Ban chỉ đạo Đại lễ Phật giáo kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long.

 

PV: Kính bạch Thượng tọa! Trước thềm Xuân Canh Dần, Tạp chí Khuông Việt xin kính chúc Thượng tọa: Thân tâm thường lạc – Phật sự viên thành. Nhân dịp đầu xuân, với cương vị của mình, xin Thượng tọa cho độc giả của Tạp chí Khuông Việt có một cái nhìn khái quát về vai trò của Phật giáo trong tiến trình 1000 năm lịch sử của Thăng Long.

  1. Thích Bảo Nghiêm: Về vấn đề này đã có nhiều công trình nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau đề cập tới, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh tới chặng mốc quan trọng nhất, và cần lưu ý. Về lịch sử, chúng ta nhấn mạnh tới lịch sử nghìn năm Thăng Long là cần thiết nhưng cũng cần quan tâm thỏa đáng tới lịch sử trên 1000 năm của thời kì Tiền Thăng Long nữa. Như vậy, Thăng Long có hơn 2000 năm lịch sử liên tục, cùng với trên 2000 năm lịch sử của Phật giáo Việt Nam, lịch sử Phật giáo vùng trung tâm Châu thổ Sông Hồng. Trong suốt trên 2000 năm lịch sử ấy, trong mỗi bước đi, từ một thị tứ Tô Lịch ven sông buổi đầu công nguyên đến quốc đô Vạn Xuân, quận lỵ Tống Bình, phủ lỵ Đại La, kinh đô Thăng Long v.v cho đến Thủ đô Hà Nội nay đều in đậm dấu ấn Phật giáo, văn hóa Phật giáo. Truyền thuyết dân gian, thần tích, tự phả còn ghi rõ sự tham gia của đông đảo Tăng Ni Phật tử, trên địa bàn Hà Nội nay, trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào năm 40 SCN. Ngay sau thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa giành độc lập dân tộc, mùa xuân tháng 2 năm 544, Lý Bí đã xây dựng kinh đô bên bờ sông Tô Lịch, quốc hiệu là Vạn Xuân, đúc tiền riêng, xưng là Nam Việt Đế. Giữa bộn bề công việc của nhà nước non trẻ mới giành độc lập, ông đã cho xây dựng chùa Khai Quốc (chùa Mở Nước, tiền thân của chùa Trấn Quốc nay) ngay giữa quốc đô Vạn Xuân. Đây là điểm mốc rất quan trọng đối với lịch sử Thăng Long, với lịch sử Phật giáo: Nam Việt Đế là người đầu tiên nhận ra vị trí quốc đô của Hà Nội cổ; và nhận ra vai trò của Phật giáo với đất nước, với quốc đô. Từ đó, Khai Quốc trở thành một trung tâm Phật giáo lớn, nơi tập trung, gặp gỡ những cao tăng – trí thức lớn, và cũng là nơi đào tạo tăng tài của khu vực. Xu thế của một “Trung tâm thu phát văn hóa” (thu hút tinh hoa, đào luyện và lan tỏa) đã hình thành, đó là tiền đề văn hóa – tâm linh quan trọng để Lý Công Uẩn quyết định định đô nơi đây vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, mở ra một kỉ nguyên mới trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Lý Công Uẩn người hương Cổ Pháp (Đình Bảng – Dương Lôi, Từ Sơn, Bắc Ninh nay), nơi có chùa Lục Tổ, là một trong 3 Thiền viện lớn quanh Thiền viện Khai Quốc trong thời kì từ thế kỉ thứ VI đến thế kỉ thứ X (Kiến Sơ – Phù Đổng, Gia Lâm Hà Nội; Luy Lâu – Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh). Được lớn lên, giáo dưỡng trong nhà chùa với sự kèm cặp trực tiếp của Thiền sư Vạn Hạnh, do vậy, tri thức – văn hóa – lối sống Phật giáo thấm sâu trong con người Lý Công Uẩn. Việc đổi tên thành cũ Đại La thành kinh đô Thăng Long là sự thăng hoa dự cảm, dự phóng của cá nhân Lý Công Uẩn, sử cũ còn chép: Thuyền cập bến sông Tô Lịch, trời còn chưa sáng, vua thấy tượng rồng vàng cuộn khúc trên sông (kiến hoàng long chi thụy), bèn đổi tên thành là Thăng Long (Rồng Bay Lên). Từ đó, dù rằng, với tính chất là một trung tâm chính trị, kinh đô có phen đổi dời (Tây Đô ở Thanh Hóa đầu thế kỉ XV, Phú Xuân ở Huế  1802 – 1945) nhưng trong tâm khảm của mọi người dân Việt, Thăng Long vẫn là Thủ đô Văn hóa của đất nước.

Hạt nhân của nền Văn minh Đại Việt là văn hóa Thăng Long, với 9 đời vua triều Lý (1010 – 1225), 13 đời vua triều Trần (1226 – 1400), với những vị Hoàng đế anh minh, võ tướng lỗi lạc, trí thức tài ba, chiến binh dũng cảm v.v đồng thời là những Thiền sư, Phật tử thuần thành. Có thể nói, những thành tựu tiêu biểu của Văn minh Đại Việt đều in đậm dấu ấn của văn hóa Phật giáo: thời đại Lý – Trần là thời kì hoàn tất quá trình nhất tông hóa Phật giáo Đại Việt, Giáo hội Trúc Lâm là ngôi nhà chung của mọi người con Phật trên quốc gia Đại Việt, là trụ cột đạo lý – văn hóa cho việc củng cố khối cố kết cộng đồng dân tộc – quốc gia; cả bốn Quốc bảo – bốn báu vật quốc gia (An Nam tứ đại khí: Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền, Tượng Phật Quỳnh Lâm, Vạc Phổ Minh) đều là biểu trưng của Phật giáo; từ lễ hội cung đình (như Hội đèn Quảng Chiếu) đến hội lễ dân gian (tiêu biểu như hội thờ Thăng Long tứ trấn) đều thể hiện sâu sắc tinh thần dung thông Tam giáo trên nền tảng của văn hóa Phật giáo. Lịch sử, tư tưởng, văn hóa Phật giáo là yếu tố quan trọng làm nên lịch sử, bản sắc, thần thái Văn hóa Thăng Long – Văn minh Đại Việt trong lịch sử, và Thăng Long – Hà Nội hôm nay.

PV: Vâng! Xin Thượng tọa cho biết về vai trò và sự tham gia của Phật giáo Thủ đô Hà Nội trong công tác chuẩn bị cho Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

  1. Thích Bảo Nghiêm: Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm tới sự kiện này, đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm Trưởng ban. Giáo hội PGVN và Thành hội Phật giáo Hà Nội coi đây là một Phật sự trọng tâm trong thập niên đầu của thế kỉ XXI, của thiên niên kỉ thứ III, đã thành lập Ban chỉ đạo Đại lễ Phật giáo Kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội do Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự TƯ GHPGVN, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, làm Trưởng ban. Có thể nói, từ năm 2000 (Kỉ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội) mọi hoạt động của Phật giáo Thủ đô đều hướng tới Đại lễ, với nội dung bao quát là: giáo dục truyền thống Phật giáo với dân tộc, Phật giáo với Thăng Long – Hà Nội; tri ân và báo ân với lịch đại Tổ sư, đặc biệt là với các bậc cao tăng Quốc sư có công với đất nước, với Thăng Long – Hà Nội; xiển dương những tinh hoa của văn hóa Phật giáo, qua đó góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa mới hiện đại – đậm đà bản sắc dân tộc, quảng bá rộng rãi hình ảnh Thủ đô – Phật giáo Thủ Đô.

Chưa tổng kết nhưng chúng ta có thể khẳng định những thành tựu đã đạt được trong mười năm qua rất có ý nghĩa: thông qua những Hội thảo khoa học ở các cấp, chương trình nghiên cứu – giảng dạy và  các đợt đi thực tế của các trường Trung học và Học viện Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Thăng Long – Hà Nội nói riêng được tập trung nghiên cứu một cách toàn diện, từ lịch sử đến tư tưởng triết học, tư tưởng văn hóa, nghệ thuật kiến trúc…, đó là cơ sở khoa học rất quan trọng để Thành hội tuyên truyền giáo dục truyền thống của Phật giáo Thủ đô và tiến hành biên soạn cuốn Lịch sử Phật giáo Thăng Long – Hà Nội trong thời gian tới; với sự đầu tư của Nhà nước, Thành phố và sự phát tâm công đức của Phật tử, đã có hàng trăm tỉ đồng để trùng tu tôn tạo những danh lam – tự viện, chào đón 1000 năm Thủ đô văn hiến; là một thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc, với tinh thần Từ – Bi – Hỉ – Xả, phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật…, Phật giáo Thủ đô luôn luôn coi công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, thi đua xây dựng “Chùa tinh tiến” – “Gia đình văn hóa” – “Cụm cư dân văn hóa” v.v là Phật sự trọng tâm, thiết thực của mình; Phật giáo Thủ đô đã góp phần quan trọng cùng Giáo hội và Nhà nước tổ chức thành công các kì Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc và Hội nghị Quốc tế, qua đó, đã để lại những ấn tượng đẹp về một Thăng Long – Hà Nội thân thiện – văn minh – thanh lịch – giầu bản sắc đối với đồng bào trong nước và bạn bè quốc tế.

PV: Nhân dịp Xuân Canh Dần 2010 – Xuân Di Lặc 2554, Thượng Tọa có điều gì nhắn gửi cùng đồng bào Phật tử Thủ Đô?

  1. Thích Bảo Nghiêm: Đời người sống qua hai thế kỉ đã là quý, thế hệ những người con Phật chúng ta đang sống vắt qua hai thiên niên kỉ, đó là điều cực kì vinh hạnh, đúng là “nghìn năm có một”! Chúng ta lại càng tự hào hơn khi được sống – hoằng pháp giữa một Thủ đô có bề dày trên 2000 năm lịch sử gắn liền với trên 2000 năm lịch sử Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, cùng Thủ Đô. Càng tự hào về truyền thống, về vị thế của mình bao nhiêu chúng ta càng phải ý thức đầy đủ về trách nhiệm của mình trước lịch sử, trước hiện tại và tương lai bấy nhiêu.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Chỉ thị của TƯ GHPGVN về hợp nhất Thành hội Phật giáo Hà Nội với Hà Tây, ngày 2 tháng 12 năm 2008 Hội nghị hợp nhất đã thành công tốt đẹp trong tinh thần hòa hợp của tăng ni Phật tử. Hà Tây – Xứ Đoài là một vùng văn hóa cổ với nhiều danh lam cổ  tự và cao tăng nổi tiếng của cả nước, sự hợp nhất này chắc chắn sẽ đem lại một sức mạnh mới cho Thủ đô nói chung và Phật giáo Thủ đô nói riêng trong kỉ nguyên mới của lịch sử Thăng Long – Hà Nội. Với 29 Ban đại diện Phật giáo cấp quận huyện và thị xã, 2031 tăng ni, 2059 ngôi chùa và hàng triệu tín đồ Phật tử, Phật giáo Thủ đô là một lực lượng quan trọng cùng đồng bào cả nước chung sức chung lòng xây dựng Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước, Phật tử – Công dân Thủ đô xứng đáng là gương là mẫu của Phật tử – Công dân Việt Nam.

Đại lễ Phật giáo kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội là mốc lớn, là điểm nhấn cần thiết để mỗi chúng ta tự tổng kết, suy ngẫm về lịch sử – hiện tại – tương lai, và trách nhiệm của mình. Theo tôi, hiểu và tự hào về truyền thống lịch sử là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là phải phát huy truyền thống đó trong đời sống hiện tại, biết vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm của lịch sử vào trong điều kiện mới (khế lý khế cơ). Thiết thực nhất, với mỗi người con Phật chúng ta, phải tự mình, và khuyến khích mọi người, thường tinh tiến trong tu – học, nắm vững tư tưởng giáo lí Phật Đà, suy nghĩ và hành động theo chính pháp vì đạo pháp – dân tộc và cộng đồng, hạnh “vô ngã vị tha” “từ, bi, hỉ, xả”, lối sống “lục hòa” phải thường sống động trong tâm và được thể hiện cụ thể trong mỗi hành xử dù là nhỏ nhất, ở bất cứ nơi đâu, ở bất cứ cương vị nào. Làm được như vậy là chúng ta đã góp phần hiệu quả thiết thực nhất xây dựng và bồi dưỡng cái Chân – Thiện – Mĩ trong nhân cách của Phật tử – Công dân Thủ đô hiện đại, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Với trên 2000 năm lịch sử gắn bó cùng Thủ đô – cùng Dân tộc, với đại thuận duyên đang có, nguyện cầu Tam Bảo gia hộ, tôi tin rằng Phật giáo Thủ đô có đủ kinh nghiệm lịch sử – hiện tại và tâm thế thăng hoa để cùng nhân dân Thủ đô viết tiếp trang sử mới của Thăng Long – Hà Nội. Nhân dịp đầu xuân, chúc Tạp chí Khuông Việt và độc giả của Tạp chí, một năm mới: THÂN TÂM THƯỜNG LẠC – VẠN SỰ CÁT TƯỜNG.

PV: A di đà Phật! Xin tri ân công đức Thượng Tọa!

 

                               P.V Tạp chí Khuông Việt thực hiện.