Phật học vấn đáp

13/ 11/ 2017 16:20:17

 Phật học vấn đáp

Độc giả Huệ Tâm (Phủ Lí, Hà Nam) và một số độc giả gửi thư về Tòa soạn hỏi: Người ta vẫn nói, đạo Phật tuy là một tôn giáo nhưng có tính vô thần, đề cao trí tuệ, cốt ở tâm… vậy tại sao hiện nay ở các chùa viện cũng như tại gia các Phật tử, trong các dịp lễ, hội Phật giáo, việc tổ chức nghi lễ lại rất được chú trọng? như vậy có đúng chính pháp hay không? 

           Xin trả lời

Có thể nói ngay rằng, cũng như bất cứ một tôn giáo nào khác, nghi lễ là bộ phận không thể thiếu của Phật giáo. Tuy nhiên, Phật giáo là một tôn giáo không thừa nhận lực lượng sáng thế, hơn nữa, nó lại được phát sinh, phát triển trong môi trường xã hội – văn hóa – tâm linh đặc biệt, cho nên sắc thái và ý nghĩa của nghi lễ Phật giáo cũng có nét rất riêng của nó.

Theo cách hiểu chung nhất, “Nghi lễ tôn giáo” là những hành vi, ngôn ngữ, thái độ được nghi thức, chuẩn tắc, khuôn mẫu hóa, mang tính lễ giáo thiêng liêng, cung kính.

Trong xã hội Ấn Độ thời Đức Bản Sư thuyết pháp, nghi lễ tế tự được đạo Bàlamôn đặc biệt coi trọng, là độc quyền của giới tu sĩ, thông qua tế tự, họ nắm độc quyền giao tiếp với Thượng đế – thần linh, và cũng có nghĩa là, tự cho mình độc quyền thưởng phạt. Đức Phật là người đã đả phá mạnh mẽ mục đích và nội dung thứ nghi lễ nô dịch bất công đó chứ không phủ nhận nghi lễ nói chung. Ngay thời Đức Phật tại thế, nghi lễ rất được chú trọng trong sinh hoạt của Tăng đoàn, 3000 uy nghi (đi, đứng, nằm, ngồi, thưa thỉnh .. đều phải có uy đức, đúng phép tắc), 6 vạn tế hạnh cũng thuộc về nghi lễ. Nghi lễ một mặt có tác dụng khiến cho tâm được định tĩnh chuyên chú trước tác động của ngoại cảnh, tăng thiện tâm củng cố thiện pháp, giảm thiểu ác pháp … đồng thời cũng là sự biểu lộ tâm thành kính trong sạch, niềm thành tín với Tam bảo, đạt được những thành tựu tâm linh quan trọng. Trong kinh Trung bộ, Đức Phật có nói: người độn căn ở vào giai vị kiến đạo, nhờ nghe giáo pháp của Phật do người khác chỉ bảo mà sinh tín ngưỡng, do tín ngưỡng mà tu hành sẽ đạt quả vị “Tùy tín hành”, một trong bảy quả vị tu chứng.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo được truyền bá tới Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa (trong đó có Việt Nam). Với tinh thần “Tùy thời tùy quốc độ” (Tùy hoàn cảnh, phong tục và thời đại mà có phương tiện hoằng pháp độ sinh khác nhau), vấn đề nghi lễ tất yếu được đặt ra với Phật giáo.

Có thể nói không quá, xã hội Á Đông thời Cổ – trung đại là xã hội sống trong bầu không khí tâm linh – chính trị của Lễ – Nhạc. Đức Khổng Tử coi lễ, nhạc là gốc của đạo trị nước an dân: Hưng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc (Hứng khởi là ở thi, kỉ cương là ở lễ, bền chặt là ở nhạc). Ông cho rằng, lễ có tác dụng ước thúc, kiểm soát suy nghĩ, hành vi bất thiện thường nảy sinh trong tâm con người, còn nhạc có tác dụng điều hòa, cảm thông lòng người, cộng cảm tâm linh với nhau.

Nghi lễ Phật giáo cũng có hai phần, phần lễ và phần nhạc, tùy theo truyền thống văn hóa của từng vùng miền mà lễ nhạc Phật giáo cũng mang dấu ấn địa phương rõ nét (nhất là phần âm nhạc). Mặc dù tính địa phương của nghi lễ Phật giáo là vô cùng phong phú, nhưng với tư cách là một bộ phận không thể thiếu của Phật giáo, nghi lễ Phật giáo phải phản ảnh được ý nghĩa chân chính đích thực của nó:

Thứ nhất, thông qua nghi lễ, tín đồ thể hiện lòng tôn kính trong sạch đối với bậc Đạo sư, với chính pháp, với Tăng. Điều quan trọng là, trong mỗi việc làm, lời nói, suy nghĩ (thân, khẩu, ý), khi thực hành nghi lễ, phải luôn ý thức ngăn ngừa bất thiện, thành tín Tam bảo để tăng trưởng nghiệp lành, thành tựu trong tu tập.

Thứ hai, Nghi lễ có tác dụng làm trang nghiêm thân tâm, trang nghiêm đạo tràng. Bậc Cổ đức từng nói, bởi tác động của ngoại cảnh, tâm ý của chúng sinh là “Tâm viên, ý mã” (tâm, ý luôn xao động bất an, như con vượn chuyền cành, con ngựa dập gót). Không khí nghi lễ trang nghiêm qui củ theo lễ nghĩa, âm nhạc hài hòa thăng hoa sâu lắng … tất cả tạo nên một môi trường thuận lợi để mỗi người chú tâm hướng thiện, gạt bỏ mọi tham sân si phiền não, mọi người cùng một hướng cảm thông chia sẻ: cộng đồng – cộng cảm – cộng thiêng! Chính trong môi trường trang nghiêm tâm linh đó, lễ và nhạc, bằng con đường của tình cảm và trái tim, là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải giáo lý thâm diệu cao siêu, vốn không dễ gì truyền đạt thông qua ngôn ngữ và khái niệm. Một khóa lễ chân chính đúng mức có tác dụng chuyển tải giáo lý Phật đà không kém một thời pháp hay. Đó cũng là một pháp môn tu tập và phương pháp hành đạo của người Phật tử.

Thứ ba, nghi lễ chỉ là phương tiện độ sinh, đưa quần chúng đến với Phật pháp để qua đó cảm hóa họ bỏ ác làm lành, xoa dịu khổ đau hận thù, sống an lạc… chứ không phải là cứu cánh. Như vậy, nội dung nghi lễ phải đúng với đạo lí chính pháp, tức là phải thuận hợp với đạo lý nhân quả, nghiệp báo, duyên sinh … phải tuyệt đối không được chấp theo hình thức khoa trương mà coi nhẹ đạo lí. Thời thế nhiễu nhương, thấy lễ nhạc hư hỏng, Khổng Tử đã từng than: Ôi! Ta đi tìm lễ nhạc mà chỉ thấy ngọc lụa và chiêng trống! (Tử viết: Lễ vân Lễ vân, ngọc bạch vân hồ tai! Nhạc vân Nhạc vân, chung cổ vân hồ tai!)

 

                                                             Giác Quần