Phật học vấn đáp

11/ 11/ 2017 14:36:49

 

 

Phật học vấn đáp

 

Độc giả Nguyễn Sĩ Toại (Bắc Ninh) hỏi:

Cháu là sinh viên, gia đình theo Đạo Phật, năm ngoái Bà cháu mất gia đình có mời các nhà Sư bên chùa về cúng lễ cho Bà cháu, bảo cháu rằng để cho vong hồn Bà mát mẻ, được siêu thoát vào kiếp sống khác tốt hơn. Xin Tạp chí cho biết: chết là gì, sau khi chết có tái sinh kiếp khác không và tái sinh như thế nào?

 

Tạp chí Khuông Việt xin trả lời:

Ta là ai, được sinh ra như thế nào, chết sẽ ra sao? là câu hỏi, thắc mắc muôn thuở của nhân loại. Tất nhiên đây là một câu hỏi lớn và khó, bởi vì, chúng ta chưa có ai “đã chết” để có thể trình bày, và hiểu, một cách rõ ràng về “sự chết”. Chư Phật, Bồ-tát bằng vào quá trình tu tập công phu và tuệ giác của mình , thông qua hệ thống kinh điển, đã tập trung lý giải vấn đề này nhằm tháo gỡ những mê mờ vướng mắc của chúng sinh.

Phật giáo cho rằng: Sống là đang chết, và, chết chỉ là một phần trong cuộc sống của chúng ta (Sinh Tử luân hồi). Như vậy, cần  phải biết rõ sự sống và tỉnh táo, chủ động sẵn sàng đón nhận cái chết.

* Về sự sống

Kinh điển Phật giáo đều cho rằng sự xuất hiện của con người là kết quả của sự kết hợp giữa tinh trùng của người cha, noãn châu của người mẹ và thần thức tái sinh. Thần thức tái sinh là hạt giống (chủng tử) đầu tiên quan trọng nhất của sự sống; tinh trùng và noãn châu là điều kiện, môi trường cho “hạt giống” đó nẩy mầm, phát triển. Thiếu một trong ba yếu tố đó không thể có sự xuất hiện của con người.

Trong suốt quá trình của một đời người cho đến lúc mệnh chung (thần thức thoát hẳn ra khỏi thể xác), mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta phần lớn bị chi phối, thôi thúc, chỉ đạo bởi cái thần thức ban đầu (nghiệp lực) đó (mà Phân tâm học Freud gọi là cái bản năng, Mạnh Tử thì gọi là lương tri lương năng). Mọi ý nghĩ, lời nói, việc làm của chúng ta đều là quá trình tạo nghiệp (ý nghiệp, khẩu nghiệp, và thân nghiệp). Nếu “hạt giống/chủng tử” vốn có (Chủng tử bản hữu) tốt thì cần được bồi dưỡng phát triển, ngược lại, cần phải ngăn ngừa, diệt trừ để tạo ra một “chủng tử mới” (Chủng tử tân huân) đem gieo vào đời sống tiếp theo v.v. Chất lượng của “thần thức tái sinh”, chủng tử của “cuộc sống tái sinh” phụ thuộc vào đời sống hiện tại.

 

* Chết và “sự sống sau khi chết”

Theo y học hiện đại, chết là hiện tượng tim ngừng đập, ngừng thở, não ngừng hoạt động. Phật giáo cho rằng, chết (mệnh chung) có hai yếu tố: sự ngừng hoạt động của cơ quan sinh học như y học hiện đại quan niệm; và, thần thức chấp nhận rời bỏ thể xác cũ để đi vào một cảnh giới mới, giai đoạn Thân trung ấm. Khi đó cơ thể giá lạnh không còn nóng ấm, biến màu, có mùi hôi v.v.

Khi mệnh chung, thần thức còn quyến luyến thân xác cũ (tối thiểu là 8 giờ, tối đa là 72 giờ) mới thoát ra khỏi xác để bước vào giai đoạn Thân trung ấm, tìm đường tái sinh. Thân trung ấm (bardo) là thân không có xác thịt (sự kết hợp của Tứ đại) mà lấy tư tưởng (thần thức/chủng tử mà suốt cả một đời người tích luỹ dồn chứa) làm thân. Thân trung ấm là “Thân tư tưởng, tinh thần” nên vô hình và rất nhạy cảm: thân ấy vẫn qua lại những nơi quen thuộc mà không gặp bất cứ chướng ngại nào; họ vẫn qua lại thăm hỏi quyến luyến người thân và nghe được, thấy được người sống nói về mình v.v mà người thân không biết, không trả lời; họ cũng giận dữ bất bình với những người mà thuở sống không ưa, có ý thức mãnh liệt luyến tiếc, muốn níu kéo tài sản, vật dụng quen thuộc v.v; họ có thể có cảm giác thanh thản yên bình, dễ dàng tìm đường tái sinh vào cõi lành, và ngược lại, cũng có thể tuyệt vọng, khổ đau, kinh hoàng, sợ hãi bị cuốn hút tái sinh vào cảnh giới bất thiện như A-tu-la, ngạ quỉ, súc sinh hoặc địa ngục.

Thời gian tồn tại của Thân trung ấm là quãng thời gian quá độ để chuyển sang một đời sống mới, thông thường kéo dài 49 ngày. Trường hợp đặc biệt, người mang Cực trọng nghiệp (cực xấu hoặc cực tốt) thì thần thức không cần qua  thân trung gian là Thân trung ấm mà đầu thai vào cõi cực tốt hoặc cực xấu. Nếu không tìm được nơi tái sinh, nó lang thang, trở thành ma quỷ. Cứ bảy ngày thì Thân trung ấm chết đi để rồi tái sinh vào một Thân trung ấm khác, cho đến khi nó tìm được nơi tái sinh thích hợp. Đây là thời gian rất quan trọng chuẩn bị cho đời sống tiếp theo. Khi lâm chung (suy yếu của sáu giác quan, sự tan rã của thân tứ đại), điều tối quan trọng là người hấp hối nhận được sự ân cần an ủi động viên bằng tấm lòng bi mẫn của người thân, đem lại cho họ cảm giác bình an ấm áp của tình người; giúp họ càng tỉnh táo càng tốt để chủ động sẵn sàng đối mặt với những thử thách tiếp theo ở cõi trung ấm, phải quyết dứt bỏ những tham luyến, lấy tâm từ ái mà trút bỏ những mặc cảm hận thù của thế gian… Ngoài những việc làm trên, đối với ngươi Phật tử, đây là thời cơ cuối cùng để họ tạo nên một loại nghiệp đặc biệt là Cận tử nghiệp, có tác dụng quan trọng đến Thân trung ấm, đến con đường tái sinh. Chúng ta có thể nhắc nhở họ hồi hướng về những gì mà họ đã qui y và tu tập, nhớ về công hạnh của chư Phật Bồ-tát, hằng tâm nhớ về hình ảnh của một vị Phật nào đó. Trong kinh A-di-đà Đức Phật dạy “người nào giữ được nhất tâm bất loạn, trong một ngày cho đến bảy ngày, khi lâm chung giữ tâm không điên đảo, thì người đó được vãng sinh Tây Phương”. Tốt hơn cả là gia đình cung thỉnh chư Tăng về nhà cầu nguyện (hộ niệm trợ tử) để tiếp dẫn cho người chết, sau tang lễ, gia đình tiếp tục thọ trì, tụng niệm tiếp dẫn cho hương linh đến ngày thứ 49. Vừa thoát ra khỏi thân xác, thần thức/vong linh lang thang trong trạng thái hoang mang bất định, lo âu, sợ hãi, bị nghiệp lực xấu quyến dũ và xô đẩy…  thì những việc làm trên là cực kì cần thiết để thần thức/hương linh có thể tìm nhận được lối tái sinh tốt lành nhất.

Có người cho rằng Phật giáo chỉ bàn về chuyện chết, nhưng thực ra, bàn về chuyện chết cũng là để cho chuyện sống tốt hơn, và, việc sống cũng là chuẩn bị cho việc chết. “Muốn biết cái nhân đời trước thì hãy xem sự thụ hưởng của đời này. Việc làm của đời này chính là cái nhân tạo ra kết quả của đời sau” (欲知前世因, 今生受者是. 欲知來世果, 今生作者是. Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thụ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị).

 

                                                                Giác Quần