Quan điểm Phật giáo

06/ 12/ 2017 08:55:14

 

Từ xưa tới nay có biết bao cuộc luận bàn, biết bao ngôn từ và bút mực viết về cái Tâm, cái Thần thức muôn loài, nhất là loài người, tưởng như không bao giờ cùng tận

Trong nhân gian thường đặt ra câu hỏi: Con người khi mất đi còn linh hồn hay hết? Nếu hết thì là đoạn kiến vô thần, nếu còn thì linh hồn là gì? Đi đâu? làm gì? Ta phải có cách cư xử với linh hồn như thế nào cho đúng, cho phải đạo? Nhất là đối với Gia tiên tiền Tổ.

Với bài viết nhỏ này, chỉ mong được nêu ra vài quan điểm của đạo Phật  trong vấn đề nêu trên.

 

  1. Linh hồn còn hay mất – Linh hồn là gì

Trong kinh điển nhà Phật tránh dùng từ Linh hồn vì sợ người chấp vào cái bản ngã “cái tôi” bất biến mà bị trầm luân. Tâm Thức là từ ngữ được dùng phổ biến và được diễn giải trong nhiều kinh luận.

Tâm Thức con người ta chẳng ai nhìn thấy, không cân đo đong đếm được vì không màu sắc, trọng lượng. Nhưng trong Vũ trụ, trong đời sống xã hội, nhân sinh, nó làm chủ tể tất cả mọi sự, mọi vật. Nó nhận biết rồi phát khởi ra muôn nhân nghìn chủng, nó nuôi dưỡng phát triển rồi lĩnh nhận mọi quả lành dữ. Trời mây non nước, chim muông cây cỏ do nó thấy mà có, xanh vàng đỏ tía, đen trắng tím nâu do nó nhận mà biết, khổ vui ưa ghét, mừng giận yêu thương cũng do nó khởi nguồn. Thật đúng là:

Tâm như công họa sư.                        Tâm như người Họa sĩ

Họa chủng chủng ngũ ấm.       Vẽ trùng trùng năm ấm

(Sắc ấm, Thụ ấm, Tưởng ấm, Hành ấm, Thức ấm)

Và từ đây, Tứ sinh – bốn loài sinh, Lục đạo – Sáu nẻo luân hồi được tạo lập phân định để nhận biết những chặng mốc thăng trầm của vạn vật giới hạn trên nền  Chân Tâm vô cùng vô tận. Đó là quy luật Vũ trụ:

“Hữu vật tiên thiên địa     Dịch:   Có vật thường nhiên trước đất trời

Vô hình bản tịch liêu                  Không hình tĩnh lặng khắp mọi nơi

Năng vi vạn vật chủ                   Làm chủ điều hành muôn sự vật.

Bất trục tứ thời điêu”                  Chẳng bị thời gian biến đổi dời.

Vậy nên, mọi người đều quan tâm đến nó, mong muốn hiểu biết để đối đãi điều phục nó. Nhưng nó là gì? Khi qua đời nó còn hay mất?

Một văn sĩ đã trăn trở điều này:

Băn khoăn thao thức đã bấy lâu

                        Đọng lại trong tôi một nỗi sầu

                        Không biết thân này từ đâu đến

                        Và sau khi chết sẽ đi đâu?

Từ đâu đến? Đi về đâu?

Giáo lý Phật không đề cập có linh hồn bất biến, nhưng trong luân hồi, phải biết dựng phương tiện “Dĩ huyễn độ chân – Lấy u huyền làm cho hiện thực cuộc sống tốt đẹp hơn” tạm nhờ hữu pháp hữu vi để dễ nhận biết và gọi theo cách mọi người vẫn gọi để dễ hiểu dễ nhớ. Con người khi mất đi cái “Linh hồn” này, “Nó còn” và tiếp tục đi cùng nghiệp lực tiến  thoái, thăng trầm khi nó chưa giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.  Và đây, câu kệ trong khoa “Thủy Lục” giải đáp điểm này:

Vạn trượng thủy quy nguyên tại hải   – Muôn dòng nước đều xuôi về biển.

Nhất luân nguyệt lạc bất ly thiên              – Một vầng trăng lặn chẳng khỏi trời.

Nước muôn dòng chảy về biển, rồi thành khí, thành tuyết, thành băng, thành mây, thành mưa để rồi lại trôi xuôi về biển. Trăng kia lặn nhưng đâu ra khỏi bầu trời, lặn rồi lại mọc. Đó là sự quanh vòng luân hồi. Linh hồn cũng thế, qua thời gian không gian và theo nghiệp lực hấp dẫn mà thụ nhận thân Người, thân Vật, thân Quỷ, thân Thần, thân Tiên v.v trong tứ sinh lục đạo.

Đạo Phật lấy trí tuệ làm đầu, người “Tu Tâm” để tiến bước đến mục tiêu giải thoát, giác ngộ, độ sinh thì lại càng cần hiểu cái tâm của mình hơn bao giờ hết. Do vậy người tu phải tĩnh tâm, quán sát tư duy thiền định để giác ngộ chân lý hữu vô (có không) thật cùng tột. Như vậy mới có cái đạo để giải thoát mâu thuẫn cuộc đời và nói lời lợi ích hai phương diện.

Có thì có tự mảy may

                   Không thì cả thế gian này cũng không?

Ai đó bảo đạo Phật duy tâm là sai, nhưng nói đạo Phật duy vật cũng không đúng, vì Thánh điển Phật giáo không cực đoan phiến diện. Lý Trung đạo là đường chính. Điện âm điện dương kết hợp thành điện năng làm sáng bóng đèn, đừng lý luận đèn sáng do âm hay dương mà hãy chú ý việc nó sáng thế nào để có ích lợi trong cuộc sống.

Người ta quan niệm Linh hồn khó lường nhất, đáng tôn trọng và cũng đáng sợ nhất, linh cảm điều họa phúc, mộng mị lành dữ như hư như thực, vong hồn phảng phất, bơ vơ đầu sông ngọn suối, bụi cỏ gốc cây v.v.

Vây Tâm là cái gì? Linh hồn là gì? Tại sao phải trọng phải sợ? Nó sẽ đi đâu? Về đâu?

Linh hồn là cách gọi dân gian hóa, so sánh cách gọi này qua môn Duy thức học để dễ nhận biết hơn thì tâm chúng sinh có:

Ba hồn: 1. Linh hồn – Linh đài – Thức A lại da thứ 8 cũng gọi là Tàng thức.

  1. Sinh hồn – Thần Câu sinh – Thức Mạt na thứ 7, còn gọi là Ngã chấp
  2.     Giác hồn – Ý thức thứ 6, còn gọi là ý thức, công tội bậc nhất.

Bảy vía: Bảy tình (Thất tình)  Hỉ, Nộ, Ai, Cụ, Ái, Ố, Dục. Vì chúng sinh có bảy vía này nên được gọi là “Chúng hữu tình”, cây cỏ là “Chúng vô tình”

Trong sáu đạo luân hồi thân chúng sinh được lưu chuyển bốn dạng:

  1. THÂN TIỀN ẤM                         – Thân quá khứ.
  2. THÂN HIỆN ẤM                        – Thân hiện tại.
  3. THÂN TRUNG ẤM        – Thân sau chết, thường trong 49 ngày.
  4. THÂN HẬU ẤM                         – Thân đời sau tái sinh.

Thân Trung ấm có nhiều tên gọi, tuỳ theo tính tướng mà tên gọi có ý nghĩa khác nhau: Chân linh, Vong linh, Linh hồn, Hương hồn, U hồn v.v.

Thể dạng của thân Trung ấm nhẹ như hương khí bay trong không gian – Hương ấm thân. Thân này thường nương theo gió, khí lạnh và bóng tối để di chuyển, có thể đi xuyên qua được một số vật ngăn thông thường. Hương ấm thân thụ hưởng được mùi hương tỏa ra từ các đồ dâng cúng, vật nào tỏa mùi hương thì thân này liễu nhận được mùi hương từ vật đó mà thụ dụng.

Luận Duy thức viết: “Khứ hậu lai tiên – đến trước đi sau” – chỉ linh hồn khi đầu thai thì nhập vào trước tiên, khi chết thì rời thân sau cùng.

Kinh Lăng Nghiêm viết:

Thánh đầu trời tại mắt  

Người tim ngạ quỷ bụng         

Súc sinh hai chân xuống         

Địa ngục bàn chân ra.            

Đoạn kệ trên nói về điểm ra của linh hồn khi chết (cận tử nghiệp) theo nghiệp lực lúc sống đã làm sẽ hấp dẫn linh hồn sẽ về đâu, bị đọa lạc đường ác hay an hưởng cõi lành. Tu thành chính quả thì linh hồn thoát ra ở đỉnh đầu – về cõi Phật Thánh. Làm nhiều phúc đức nhân gian thì linh hồn thoát ra ở mắt – về cõi trời hưởng lạc. Tội phúc cân bằng thì linh hồn thoát ra ở tim – trở lại làm người. Keo kiệt bủn xỉn thì linh hồn chui ra ở bụng – về cõi quỷ đói bơ vơ. Thô ác bỉ lậu thì linh hồn chui ra chỗ đầu gối – vào loài súc sinh trả nợ. Độc ác tàn bạo sát nhân hại vật thì linh hồn chui ra nơi gan bàn chân – sa đọa ngục hình.

Nếu muốn biết thì chú ý điểm nóng ấm cuối cùng của người sắp mất có thể thấy rõ nơi linh hồn thăng trầm theo:

– Người tu chứng Niết bàn nhập vô sinh là liễu thoát sinh tử luân hồi

– Người thăng sinh lên các cõi lành làm Tiên Thánh hưởng phúc báo.

– Người trầm kha sinh xuống Địa ngục Súc sinh trả ác nghiệp.

– Người đọa sinh duyên nợ oan khiên thác nhập thân Quỷ Thần.

Từ xưa người ta đã gọi cái phần linh diệu thâm sâu nhất của con người là “Linh hồn” và sau khi chết sắc thân hoại diệt, linh hồn rời khỏi sắc thân nhận thân Trung ấm và chờ đời chuyển sinh giai đoạn mới.

Nhưng đó chỉ là sự thừa nhận trên pháp hữu vi, tạm hiểu để cho thuyết luân hồi sở cứ và cho sự chuyển sinh theo Kama (nghiệp) để mọi người dễ bề lĩnh hội, vì đó là sự giản dị hóa vấn đề luân hồi tái sinh tuỳ theo nghiệp chủng và là cái cầu nối của sự vay trả quả báo.

Phần lớn linh hồn thoát khỏi thân đều phải trải qua giai đoạn thân trung ấm bốn mươi chín ngày đêm, bội số nhân của 7 vía 7×7=49 (ngoại trừ những người quá ác hay chí thiện). Thiện nghiệp lớn thì lập tức được sinh thiên, ngược lại, quá ác thì phải sa ngay địa ngục.

Trong Duy thức luận diễn tả hình tính của Tâm Thức:

Hạo hạo tam tàng bất khả cùng     ( Dịch ) Vơi vơi ba chứa không cùng tột

Uyên thâm thất lãng cảnh vi phong                  Vực sâu bảy sóng cảnh nổi gió

Thụ huân trì chủng căn thân khí             Nhận nhân giữ giống mệnh thân căn

Khứ hậu lai tiên tác chủ Ông                            Đến trước đi sau làm Ông chủ.

          Ba chứa gồm: Năng tàng, Sở tàng, Ngã ái chấp tàng, cũng như ba hồn: Sinh, Linh, Giác hồn vậy. Nó nhận Bảy sóng tình: Hỉ, Nộ, Ai, Cụ, Ái, Ố, Dục làm nhân giống thiện hay ác để nuôi dưỡng và phát khởi thân mệnh tốt xấu trong sáu đường.

Do tâm vô thường biến chuyển từng giây phút mà bao người tiến tu từ Phàm đến Thánh, cũng bao kẻ đang rơi truỵ từ cõi người xuống Địa ngục, Ngã quỷ, Súc sinh. Hàng phàm phu tà chấp cực đoan cho rằng sắc thân khi mất là không còn gì! “Bác vô nhân quả” dù sống vị tha giúp dân phù nước hay độc ác xảo trá bán nước hại dân đến đâu thì khi chết cũng là hết. Điều cực đoan đó dẫn tới sự ngạo mạn bất trị, tận dụng mọi cơ hội hưởng thụ bất cần biết tương lai.

Đúng vậy, kiếp sống hiện tại tuỳ thuộc vào yếu tố tiền kiếp và kiếp hiện tại cũng đặt nền móng tốt xấu cho hậu kiếp. Thuyết luân hồi, quả báo, tái sinh là thuyết tâm linh có nhân quả trước sau giúp người ta có thể khảo sát và trả lời các thắc mắc tại sao mình được nhân tốt hay gặp duyên xấu trong cuộc đời hiện tại theo câu:

Muốn biết nghiệp quá khứ

Xem quả hưởng đời nay.                  

Muốn biết quả đời sau

Xem việc làm kiếp này.

Có người coi chuyện linh hồn là phù phiếm, kỳ bí, khó chứng minh, nhưng xét theo lý trên thì ta khẳng định “có linh hồn” dù được thể hiện dưới hình trạng nào. Không nhìn thấy bằng nhục nhãn hay mờ mờ như sương khói, như khí hơi hay có màu trắng đục như vầng mây nhỏ, khi về đêm thành khối ánh sáng trắng, vàng, xanh yếu ớt tựa khí phốt pho to hơn bàn tay, hoặc bay có phương hướng như sao băng nhưng cũng có khi vật vờ lên xuống mông lung bất định, có người nhìn thấy có người lại không thấy – Đó là thân Trung ấm. Vậy, chúng ta nên xử sự với thân trung Ấm, với Hương linh người đã khuất như thế nào?

(Còn nữa)