Sáng mãi ngọn lửa thiêng Khuông Việt của Đại sư Ngô Chân Lưu (933-1011)

13/ 11/ 2017 10:25:58

Sáng mãi ngọn lửa thiêng Khuông Việt của Đại sư Ngô Chân Lưu (933-1011)

(Ghi chú nhỏ bên một dòng Thiền lớn)

GS.NGUYỄN HẢI KẾ

 

Ghi chú thứ nhất

Khi lấy nghĩa “Lựa chọn những bậc anh tú trong vườn Thiền”([1]).Thiền Uyển tập anh chép từ  Thiền sư VÔ NGÔN THÔNG(? -826) “Tính sư cẩn trọng, trầm lặng, nói ít hiểu nhiều, thông đạt sự lý”, rồi :

Thế hệ thứ nhất Thiền sư CẢM THÀNH (?-860) người từng được “Thông thiền sư cảm động lòng thành khẩn của Lập Đức bèn đổi tên cho là Cảm Thành và truyền lời kệ,

Sai một mảy may

Đi mất trăm ngàn

Ngươi khéo quan sát

Chớ lừa cháu con

Nói thẳng đến ta

Ta vốn vô ngôn

Thế hệ thứ hai Thiền sư THIỆN HỘI (? – 901) “từng vân du nhiều nơi để cầu học yếu chỉ Thiền tông” Theo Cảm Thành hầu để học đạo, hơn mười năm không lúc nào tỏ ra mỏi mệt và ngộ điều “Khắp mọi nơi chẳng đâu không phải là tâm Phật”.

      Thế hệ thứ ba  Thiền sư VÂN PHONG (?-957) Lớn lên “theo hầu thiền sư Thiện Hội ở hương Siêu Loại  thường được hầu chuyện riêng với thầy để được làm đệ tử thân tín, có dịp hỏi han những điều huyền vi, hiểu biết Thiền học ngày càng tăng tiến”. ..

Vị nào cũng am tường Phật Pháp! Nhưng,.. không vị nào trong các thế hệ ban đầu đó gắn với chính quyền!

Không phải chỉ các thế hệ đầu tiên của dòng Thiền Vô Ngôn : Không lời, không nói…  với các chính quyền đương thời mà cả thế hệ những vị Thiền sư đầu tiên của dòng  Tì ni đa lưu chi – thành lập sớm hơn, vị nào vị nấy đều thượng thặng trí tuệ  v.v đến tận thế hệ thứ 10 cũng vậy. Dù như Thiền sư PHÁP HIỀN (?-626 ) được “Người đương thời hâm mộ danh tiếng đến học đạo với sư đông không kể xiết”, nhưng cũng chỉ biết “dựng chùa Chúng Thiện nhận tuyển dạy học trò. Tăng đồ đến lưu học tại chùa có khi đông đến hơn ba trăm người” chứ có đến với chính quyền đương thời đâu .

Nếu vị Tổ của dòng phái Vô ngôn  đến khi nhập cõi trăn trối với đệ tử :

Làm gì chẳng ngại

Không gặp thượng căn

Cẩn thận chớ nói!

Thì vị Trưởng lão LA QUÝ AN (đời thứ 10 dòng TÌ NI ĐA LƯU CHI)  đúc tượng Lục Tổ Huệ Năng bằng vàng, đã đặt ở chùa Lục Tổ mà vì sợ cướp, sư đem chôn tượng ở chùa, dặn đệ tử:

Gặp minh chúa đào lên, gặp hôn quân thì cất giấu!

Rồi, trước khi thị tịch, Trưởng Lão còn  gọi đệ tử là Thiền Ông đến bảo rằng: “Trước đây Cao Biền đắp thành ở sông Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp ta có khí tượng vương giả bèn đào sông Điềm Giang, đầm Phù Chẩn để cắt yểm long mạch, tất cả mười chín nơi. Ta đã khuyên Khúc Lãm đắp lại như cũ. Ta lại trồng một cây gạo ở chùa Minh Châu để trấn chỗ đất bị cắt long mạch, đời sau tất có bậc đế vương xuất hiện để vun trồng chính pháp của ta. Sau khi ta mất, ngươi nên cho đắp đất, dựng nhiều bảo tháp, dùng pháp thuật mà yểm tàng, không để cho người ngoài biết”.

Dễ hiểu trước hết là: Những thế hệ đầu tiên của dòng phái do Thiền sư họ Trịnh khai mở lại mang danh “Vô Ngôn” hay dòng Tì ni đa lưu chi cũng chính là giai đoạn Chính quyền thực dân Phương Bắc đang cai trị đô hộ phương Nam. Thời Thiền sư họ Trịnh sang thời Nguyên Hoà (806-820)  mà viên thứ sử Giao Châu  Lý Tương Cổ làm đô hộ An Nam “khắc nghiệt mất lòng mọi người”. Rồi những Vũ Hồn (làm thứ sử từ 841), Lý Trác…. Trong thời buổi nhiễu nhương đó của cuộc đời v.v hiểu vì sao mà các thế hệ Thày học – các bậc chân tu, dù tài năng biết bao – của thế hệ Ngô Chân Lưu có điều kiện hết ý nhập thân vào đời sống dân tộc, vì sao lại cận thân chớ nói, vì sao lại phải chôn dấu vàng mười xuống đất!

          Ghi chú thứ hai

Chỉ mãi đến thế hệ thứ IV, với Thiền sư Ngô Chân Lưu, không chỉ với  dáng mạo khôi ngô tuấn tú, tính tình phóng khoáng, có chí khí cao xa. Thuở nhỏ theo học Nho, lớn lên theo đạo Phật, cùng bạn đồng học trụ trì đến chùa Khai Quốc thụ cụ túc giới với thiền sư Vân Phong, nhờ đó được đọc rộng kinh điển Phật giáo, hiểu sâu yếu chí Thiền học.Năm bốn mươi tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình v.v. Mà còn có: “Vua Đinh Tiên Hoàng vời về kinh đô (Hoa Lư) hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong giữ chức Tăng thống. Năm thứ 2 niên hiệu Thái Bình (971) sư được ban hiệu là Khuông Việt đại sư”.

Nói cách khác, đó là cuộc hội ngộ thấu tụ những yếu tố thời đại, của  tài năng Thiền sư, và mắt xanh của người anh hùng – vị thống lĩnh triều đình Hoa Lư – quốc gia Đại Cồ Việt :

Đinh Bộ Lĩnh, người đã bộc lộ tư chất thủ lĩnh ngay từ nhỏ, với cả hai cực lứa tuổi xã hội, không chỉ với đồng lứa thì “ cùng bọn chăn trâu ở thung lũng, được chúng tôn lên đứng đầu đám trẻ con, lấy lễ vua tôi mà thờ…” mà  “Các phụ lão trong hương bảo nhau rằng : Thằng bé này có khí độ khác thường, tất có thể cứu đời yên dân, lũ ta nếu không theo sớm, ngày khác tất hối là đã muộn…” (Việt sử lược)

Không quên, nửa cuối thế kỷ X, giang sơn của cháu con rồng, cháu Tiên Văn Lang – Âu Lạc, với tài năng của Đinh Bộ Lĩnh, thoát khỏi nạn chia cắt 12 sứ quân – cuộc hỗn chiến của các thế lực sứ quân kéo dài hơn hai chục năm. Thế nhưng, sau  khi “Bách chiến bắch thắng” đó trước mắt Đinh Bộ Lĩnh nhà vua – Đại thắng minh Hoàng đế là cả một giang sơn còn nhức tấy  12 vết đao thương trên thân thể. Và, phương Bắc – núi liền núi, sông liền sông Triệu Khuông Dẫn sau khi phế bỏ nhà Hậu Chu (năm 960), lập nhà Tống, đang hăm hở với chiến lược “ trước Nam sau Bắc” suốt từ 963 đến 979 liên tục điều quân chinh phạt các nước nhỏ phương Nam: thôn tính Nam Bình – năm 963, Hậu Thục – năm 965, Nam Hán – năm 971, Nam Đường – năm 975, Ngô Việt – năm 978, Bắc Hán – năm 979 v.v. Mà chỉ 2 năm sau khi thiết lập triều Đinh thôi, thì từ phương Bắc , năm 970, Tống đã sai đại tướng Phan Mỹ đi đánh Nam Hán (Quảng Đông) – sát liền biên cương Đại Cồ Việt.

Trong khi đó, ở Đại Cồ Việt: Năm 970, vua Đinh Bộ Lĩnh bỏ không dùng niên hiệu của các hoàng đế Trung Hoa nữa, đặt niên hiệu mới là Thái Bình.

Niên hiệu riêng – điều mà người anh hùng Ngô Quyền, lập nên kỳ công Bạch Đằng 938, ở ngôi từ 939 đến khi mất 944, dẫu đóng đô ở Cổ Loa – tiếp tục thống truyền của Kinh đô An Dương Vương – Âu lạc, đã dành trí lực “đặt trăm quan, định nghi lễ,…”  chưa kịp  (hay chưa thể) đặt niên hiệu.

Không biết sự kiện đó, niên hiệu Thái Bình – định hướng, tuyên ngôn và khát vọng kết tinh không chỉ của hơn phần tư thế kỷ loạn lạc mà còn hàng ngàn năm binh, biến động thời Bắc thuộc, của muôn đời đó.. của quốc dân Đại Cồ Việt có liên quan gì đến kết quả cuộc gặp mặt giữa Đinh Bộ Linh với Đại sư Ngô Chân Lưu không?!

Chỉ biết vào năm sau, năm 971, Vua Đinh Bộ Lĩnh định thứ bậc cho hàng tăng đạo, Ngô Chân Lưu được giữ chức Tăng Thống – đứng đầu hàng tăng quan – quyền ngang Tể tướng và danh hiệu Khuông Viêt đại sư – khuông phò quốc gia Đại Cồ Việt.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, hiện tượng trên là Vô tiền khoáng hậu . Đại sư Ngô Chân Lưu không chỉ là người  khai mở cho tinh thần đầu “nhập thế” – lo việc đời, việc nước của Thiền tông Việt Nam, mà cũng chưa có một vị thiền sư nào trước đó (và cả sau đó nữa) được chính vua – người lãnh đạo tối cao và minh tiệp của quốc gia  trao danh hiệu – gắn liền với nhiệm vụ, chức năng, định hướng, tầm vóc và sự uỷ nhiệm, tin cậy cao đến như vua Đinh Bộ Lĩnh đã trao cho Ngô Chân Lưu.

               Ghi chú thứ ba

          Sang triều Tiền Lê ( 980-1009), vị thế của Phật giáo càng được khẳng định. Trong đội ngũ đó, Ngô Chân Lưu “đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự”, trong đó“Sư Thuận, Sư Ngô Chân Lưu, làm cao Tăng cùng đảm đương việc trách nhiệm đối đáp” (Ngô Thì Sỹ)

Khác với bang giao thời Đinh, sang thời Tiền Lê, thống kê theo Việt Sử Lược, Đại viết sử ký toàn thưTống thư, thì từ năm 982 đến 1009, trong vòng 20 năm hoạt động bang giao giưa hai bên Đại Việt – nhà Tông diễn ra dồn dập hơn: có đến 14 lần sứ thần Hoa Lư – Đại Cồ Việt sang Tống, và ngược lại có 9 lần sứ thần Tống sang Hoa Lư.

Quan hệ bang giao hai chiều Tống – Đại Cồ Việt bị chi phối bởi hàng loạt yếu tố của vị thế địa – chính trị , địa – quân sư giữa hai quốc gia. Ở Việt Nam đương thời: Triều đình Hoa Lư sau thảm hoa năm 979 “Đỗ Thích giết hai Đinh”, là tình cảnh“ganh đua bao kẻ chết, đường đi người vắng tanh” với  cuộc truy sát Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp, rồi Ngô Nhật Khánh dẫn quân Chămpa chọc vào cửa Đại An (Nam Định) nhằm tới Hoa Lư…

Phía nhà Tống thì tham vọng, ảo tưởng rằng “An Nam rối loạn bên trong, đó là lúc trời làm mất” với kế hoạch tấn công “sét đánh không kịp bịt tai” (năm 980), với hàng vạn quân tràn sang xâm lăng Đại Cồ Việt.

Và, sau đại bại Chi Lăng, nhà Tống vướng tiếp cuộc bình Liêu (vì lúc đó:  tộc Khiết Đan vấn chiếm giữ miền Yên Vân – Mãn Châu, Hà Bắc ngày nay) nhà Tống vẫn không thể thu phục được. Hơn thế, sau khi diệt Bắc Hán, nhà Tống đã hai lần 979, 986 đánh Liêu nhưng hai lần đều thất bại. Năm 1004 phải ký Hội thề Thiền Uyên mỗi năm Tống phải nạp cho Liêu 20 vạn tấm lụa, 20 vạn lang bạc! Đe doạ và giữ thể diện Thiên triều Tống vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong tư thế “bang giao” của nhà Tống với láng giềng!

Như vậy, từ sau 979 trở đi, trong hoàn cảnh Đại Cổ Việt  ngàn cân treo sợi tóc !

Để chuyển nguy thành an, để chèo lái con thuyền đất nước vượt qua muôn trùng thử thách, Lê Hoàn, người tập hợp, quy tụ, thống nhất, tổ chức và phát huy nhân lên nhân tài – sức mạnh quốc gia đã tin tưởng trao cho Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận công việc đầy năng nề: đảm trách mặt trận bang giao.

Ngô Chân Lưu đã xứng đáng với sự thác đó.

Với hoạt động này, không chỉ khiến cho các sư thần Nhà Tống cảm nhận được non sông, triều đình Đại Cồ Việt “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” (ngoài trời lại có trời soi nữa), mà như chính Ngô Chân Lưu đọc ra khi giải thích với vua Lê Hoàn “Sứ Bắc tôn kính bệ hạ không kém gì vua Tống”.Và, Vương lang quy – bài từ do Ngô Chân Lưu làm để khi tiễn Lý Giác về nước, như Lê Quý Đôn cuối kỷ XVIII thốt lên: “Văn từ nõn nà tưởng có thể vốc được”. Và cảm thán “Chân Lưu tài tủ Trứ xưng nhất thời” (Kiến văn tiểu lục). Rồi, Phan Huy Chú đầu thế kỷ XIX không chỉ nức nở về  giai điệu mượt mà, cao nhã của Vương Lang quy, mà còn thấy đó là “Khúc hát hay cũng đủ khoe có nhân tài, mà quốc thể thêm được tôn trọng, làm cho người Bắc phải khuất phục”. (Lịch triều hiến chương loại chí)

Bằng thực tế hoạt động của mình, Thiền sư Ngô Chân Lưu đã không những thực hiện nghiêm tôn chỉ, truyền răn mà còn thể hiện rõ sự sáng tạo, xuất sắc của thế hệ sư Tổ trong điều kiện lich sử mới của Thiền môn, của Quốc gia Đại Cồ Việt .

*****

Theo Thiền Uyển tập anh “Ngày mười lăm tháng hai niêu hiệu Thuận Thiên thứ hai  (1011, đời Lý Thái Tổ), Đại sư Khuông Việt gọi Đa Bảo đến đọc lời kệ :

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa phục hoàn sinh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toàn toại hà do manh?

(Lửa trong cây có sẵn

Dù tắt lại bùng ngay

Nếu bảo cây không lửa

Xát mạnh sao cháy cây?)

Viên tịch sau 3 năm sáng lập Triều Lý và 1 năm sau  kinh thành Thăng Long của kỷ nguyên Đại Việt. Nhưng, ngọn lửa trí tuệ mà Đại sư Ngô Chân Lưu đã thắp lên, cháy hết mình bằng tài năng, phẩm hạnh của mình để “Khuông Việt” – khuông phò tổ quốc, tiếp tục toả sáng, không chỉ rọi soi, định hướng tiếp lửa cho các lớp học trò, mà đã hoá thành hiện thực sống động với các thế hệ thiền sư như Đa Bảo, Vạn Hạnh v.v.

 

                                                         Hà Nội, tháng 2 năm Canh Dần

[1]