SO SÁNH “TỰ GIÁC VĂN HỌC” CỦA THI TĂNG ĐINH, LÊ, LÝ AN NAM VỚI THI TĂNG ĐƯỜNG, TỐNG

13/ 11/ 2017 16:21:27

SO SÁNH “TỰ GIÁC VĂN HỌC” CỦA THI TĂNG ĐINH, LÊ, LÝ AN NAM VỚI THI TĂNG ĐƯỜNG, TỐNG [1]

Tiêu Lệ Hoa,

Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Quốc gia Đài Loan

 

LTS: Nhân dịp chào mừng kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, chúng tôi trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài nghiên cứu của một nhà nghiên cứu Đài Loan về lịch sử văn hoá Phật giáo Việt Nam dưới góc nhìn so sánh đối chiếu với văn hoá Phật giáo Trung Quốc qua thơ ca của những nhân vật rất độc đáo – thi tăng – các vị tăng làm thơ. Tác giả đã làm nổi bật những sắc thái riêng, đặc thù của hai nền văn hoá Phật giáo vốn có mối liên hệ mật thiết với nhau về lịch sử, chính trị, tôn giáo và tư tưởng. Bằng những nghiên cứu về tư liệu công phu, bài viết còn phác ra cho chúng ta thấy được phần nào diện mạo của Thiền tông Trung Quốc trong giai đoạn thịnh trị thời Đường Tống và những đóng góp không nhỏ của Thiền sư Khuông Việt cho nền “văn trị” nước nhà.

  1. Mở đầu: Nhân duyên văn học Phật giáo Việt Nam – Trung Quốc

Vào thời kỳ Đường, Tống của Trung Quốc, Việt Nam được gọi là “An Nam”. So với sự phát triển Phật giáo tại các quốc gia thuộc bán đảo Trung Nam (Đông Nam Á) khác, trường hợp Việt Nam vô cùng đặc thù. Khoảng thế kỷ thứ 2 TCN, Trung Quốc đã lập quận tại đất Lĩnh Nam; trong thời gian đó, tuy có tướng nhà Hán là Triệu Đà tự lập ra vương quốc Việt Nam, muốn sát nhập các nước nhỏ lân cận lại để đối kháng với đế quốc Trung Hoa, nhưng lại bị diệt vong năm 111 TCN. Từ đó về sau, Trung Quốc chính thức thống trị Việt Nam khoảng hơn 1000 năm, cho đến khi lập nước An Nam độc lập ở giữa thế kỷ thứ 10.

Phật giáo, đầu tiên là truyền bá từ Ấn Độ vào Giao Chỉ, nhưng chính thức có được ảnh hưởng rộng lớn trong xã hội Việt Nam, lại phải đợi đến sau khi phương pháp Thiền Trung Quốc du nhập vào. Mặc dù, một trong hai dòng Thiền thời kỳ đầu ở Việt Nam là Tỳ ni đa lưu chi (tức là dòng Vô Ngôn Thông), người sáng lập nên nó có phải là lấy Kinh và học tập với Tổ thứ ba của phái Thiền Trung Quốc là Tào Động (?- 606) hay không còn chưa rõ, tuy nhiên về sau, sự phát triển của cả hai dòng Thiền này đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc, điều này không có gì phải nghi ngờ[2].

Giai đoạn hướng về phía Đông hình thành hệ thống tư duy của dân tộc Việt Nam là tương ứng với thời kỳ từ Tần Hán cho đến Tống sơ[3] , và ở giai đoạn này, giao lưu giữa hai vùng đất Việt Trung không chỉ giới hạn ở lĩnh vực tôn giáo. “Giao châu” thời kỳ Lục triều của Trung Quốc, do phần đông trí thức danh tiếng Trung nguyên đi lánh nạn tại nước Sở mà tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa, học thuật địa phương[4]. Cho đến giữa nhà Đường, thậm chí vùng đất An Nam đã có người tên là Khương Công Phụ đỗ tiến sĩ và lĩnh nhận chức vụ triều đình quan trọng. Sách Toàn Đường văn có ghi lại bài phú Bạch vân chiếu xuân hải của Khương Công Phụ và Đối trực ngôn cực gián sách, trong các trí thức An Nam, ông chính là người đầu tiên có tác phẩm được ghi vào sử sách Trung Quốc[5]. Nhưng với nền thơ ca coi trọng sự phong phú của số lượng như đời Đường, qua sách Toàn Đường văn, lại chỉ thấy chép một “cử nhân triều Ý Tông” không rõ tên tuổi đã viết ra “Thứ An Nam sự thi” (một vị quan An Nam theo đòi nghiệp thơ) mà thôi[6]. Tuy nhiên, đó là nhìn nhận từ góc độ Trung Quốc, chỉ là sự thu thập tùy tiện kiểu “lông phượng, vuốt lân”, chứ không có nghĩa là nền thơ ca bản địa An Nam chỉ là một khoảng không vắng lặng.

Vậy thì tình hình phát triển thơ ca bản địa An Nam ra sao? Can hệ gì với giới tu sĩ Phật giáo không? Do khó khăn trở ngại về tư liệu văn bản, đến nay mọi nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở mức suy đoán.

Lữ Sĩ Bằng viết Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc, từng lấy bản Đường thư cũ, mới và Toàn Đường thi làm tư liệu khảo sát chính, tập trung nghiên cứu “văn hóa học thuật An Nam đời Đường”[7]; Trịnh Vĩnh Thường thì trên cơ sở nghiên cứu của Lữ Sĩ Bằng để đi vào chi tiết hơn về Tình hình phong trào thơ ca nhà Đường chuyển dịch xuống An Nam[8]. Qua nghiên cứu về thơ ca An Nam của hai tác giả này, đại khái có thể quy nạp và suy luận mấy điểm sau đây: (i) Văn sĩ nổi tiếng đời Đường từng lánh nạn ở An Nam, tính ra có Vương Phúc Chỉ, Đỗ Thẩm Ngôn và Thẩm Thuyên Kỳ, họ hoặc dạy chữ tại đây, hoặc lưu truyền tác phẩm, đã ảnh hưởng lên sự hưng thịnh của văn hóa học thuật An Nam[9]; hơn nữa, các quan thứ sử hay đô hộ đóng quân phòng thủ An Nam, như Chư Toại Lương, Tống Chi Đễ, Mã Thông, Mã Thực, Cao Biền đều có sáng tác[10]. (ii) Người Đường thích xướng họa, có đối phải có đáp. Qua các bài thơ tặng tiễn bạn An Nam như Cung phụng Định pháp sư quy An Nam (Cung tiễn Định pháp sư trở về An Nam)[11] của Dương Cự Nguyên, Trung Sơn tặng sư Nhật Nam [12] của Trương Tịch, Tiễn pháp sư An Nam Duy GiámTiễn Hoàng Như Tân trở về An Nam[13] của Giả Đảo v.v, có thể suy đoán số lượng nhà thơ bản địa là không ít, và trong đó không ít thi tăng, như “sư Nhật Nam”, “Định pháp sư”, “pháp sư Duy Giám” v.v, (iii) Sách Toàn Đường văn chép một “cử nhân triều Ý Tông” không rõ tên tuổi viết Thứ An Nam sự thi, dùng thể thơ câu năm chữ cổ để quán xuyến các nội dung nghị luận, châm biếm, giãi bầy v.v, hay có thể trông thấy một sự bắt đầu của truyền thống “ngôn chí” (dùng thơ văn để nói chí) trong sự phát triển thơ ca An Nam.

Hơn nữa, ngoài việc các tác phẩm của Đỗ Phủ[14], Bạch Cư Dị[15], Dương Hành[16], Hùng Nhụ Đăng[17] v.v trong Toàn Đường thi có thể bổ sung thêm cho luận điểm nhiều văn sĩ nổi tiếng đời Đường từng lánh nạn ở An Nam nói trên; sách An Nam chí lược được hoàn thành khoảng thập niên thứ ba của thế kỷ 14 bởi sử gia An Nam Lê Tắc, trong đó chương 10 “Lịch đại ki thần” (Bề tôi bị tội các đời – ND) chép rằng, từ Đông Hán đến nhà Tống, 36 trí thức Trung nguyên bị đi đày hay quản thúc ở An Nam, từ cuối Đường về trước chiếm đến 33 người[18]; hiện tượng này có ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa An Nam hay không, cũng đáng để tìm hiểu. Một điểm đặc biệt khiến ta phát hiện ra mục tiêu là, trong các đối tượng được tặng thơ nói ở điểm (ii), thi tăng chiếm tỷ lệ tương đối cao. Điểm này, nếu có thể phản ánh kết cấu của nền thơ ca An Nam trong việc đối chiếu văn hóa Trung Việt, sẽ đem lại một hướng tìm tòi đáng để đi sâu hơn nữa.

Bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 7, quan hệ giữa giới Phật giáo Trung Quốc và An Nam ngày càng mật thiết. Qua các bài thơ Tiễn sư đi An Nam[19] của Quán Hưu, Tiễn Vân Khanh thượng nhân đi An Nam của Lý Đỗng[20] v.v có thể thấy hoạt động giao lưu sôi nổi của các sư tăng Trung nguyên với vùng An Nam xa xôi. Với sư tăng An Nam sang Trung Quốc, ngoài kết giao rộng rãi bạn hữu ra, còn là giao lưu với hoàng đế, cũng như với rất nhiều cư sĩ kiêm nhà thơ, tức là Dương Cự Nguyên, Trương Tịch, Giả Đảo v.v đã nói ở điểm (ii). Bản thân giao lưu giữa nhà sư An Nam với nhà thơ Trung nguyên đã cho thấy rằng nó có ích cho việc học tập thơ Đường và thúc đẩy sự phát triển văn học cổ điển Việt Nam[21]. Suy luận như vậy là tương đối hợp lý. Trong bối cảnh đó, bài viết này muốn luận bàn về việc thi tăng (cũng chính là trí thức tăng) của ba triều Đinh, Lê, Lý có được địa vị cao quý trong lịch sử An Nam, hẳn cũng không làm ai bất ngờ.

  1. Công lao “văn trị” (dùng thơ văn để giữ nước) của thi tăng An Nam ba triều Đinh, Lê, Lý

Ba triều Đinh (968-1009), Lê (1010-1054), Lý (1055-1225) của An Nam, tương ứng với Tống Thái Tổ năm Khai Bảo thứ nhất cho đến năm thứ 18 Tống Ninh Tông Gia Định ở Trung Quốc[22], là giai đoạn đầu của vương quốc An Nam độc lập. Trong thời kỳ này, dù là về mặt văn hóa hay chính trị, các nhà sư đều đóng vai trò quan trọng. Với tình trạng Tiết độ sứ trung ương cuối Đường không thể khống chế có hiệu quả sự phản kháng của các lực lượng địa phương An Nam, đến sau khi nhà Đường diệt vong, An Nam càng rơi vào tình trạng các thế lực tranh chấp quyền lực chính trị kéo dài[23]. Do những ngôi chùa tránh xa được các hậu quả tranh chấp đó, nên các hoạt động giáo dục văn hóa phải dựa nhiều vào các nhà sư, “các nhà sư không chỉ là nhà truyền bá Phật học, mà đồng thời còn là nhà truyền bá Hán học”[24]. Trong thời kỳ đầu dựng nước An Nam độc lập, đến năm Thái Ninh thứ 4 (1075) đời Lý Nhân Tông mới bắt đầu tổ chức thi tuyển xây dựng hệ thống quan chức hành chính[25], cho nên “văn trị” phải dựa nhiều vào các nhà sư. Như Hồ Huyền Minh (Thích Đức Niệm) dẫn cách nói của học giả Việt Nam Hoa Bằng rằng: “Các Thiền sư gánh trọng trách văn trị, truyền giáo, ngoại giao, ngay cả đến công văn thư từ gửi nhà Tống đều do các Thiền sư Đỗ Pháp Thuận, Ngô Chân Lưu v.v viết, do đó mà họ đều là các nhân vật thơ văn kiệt xuất triều Đinh, Lê” [26]. Lời của Hoa Bằng có thể được xác nhận qua các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục v.v.

Hồ Huyền Minh dẫn những ghi chép trong Đại Nam Thiền uyển truyền đăng lục, các Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (916-992) và Ngô Chân Lưu (Khuông Việt, 930-1012), do vai trò và trình độ học thức của mình nhận được sự tôn trọng của các nhà cầm quyền lúc bấy giờ và thực tế tham gia công việc chính trị triều đình[27]. Qua việc Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép việc đi sứ An Nam của Lý Giác năm thứ 4 đời Tống Ung Hi (987), có thể thấy rất cụ thể mối liên quan giữa “nhà thơ bác học” và “người tài giúp vua” trong Đỗ Pháp Thuận, cũng như việc Ngô Chân Lưu với tư cách “thiếu nghiệp Nho” (nhà Nho nhỏ) tham gia “việc chính trị, quân sự của triều đình” như thế nào.

Lần đi An Nam đó của Lý Giác, chỉ cách lần đầu đi sứ An Nam mấy tháng. Lần trước đi vẫn là tư cách tiến sĩ Quốc tử giám, cùng với Tả bổ khuyết Lý Nhược Chuyết, mang lệnh bổ nhiệm Hoàng đế Lê Đại Hành làm Tiết độ sứ Tĩnh hải quân thuộc “bộ máy đô hộ” của nhà Tống tại An Nam. Vừa là ổn định quan hệ biên giới, vừa là giữ gìn tư cách, Hoàng đế Đại Hành trong lựa chọn cách đón tiếp Lý Giác đương nhiên phải tiêu phí không ít trí lực. Đỗ Pháp Thuận, một vị tăng thơ ca xuất sắc giả trang thành “giang lệnh” (quan trông coi bến sông), đưa Lý Giác “giỏi bàn văn thơ” qua sông. Đỗ Pháp Thuận quả nhiên không phụ sự ủy thác này, khi Lý Giác buột miệng ngâm nga, Pháp Thuận bèn gieo vần họa lại bằng một câu thơ: “Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba” (Lông trắng phô trên nước xanh, Chèo hồng gạt sóng trong), khiến cho Lý Giác phải nể trọng, không dám coi thường văn minh An Nam, thậm chí còn chủ động tặng lại thơ để biểu đạt thiện ý. Còn khi Đỗ Pháp Thuận đem thơ Lý Giác tặng về, Hoàng đế Đại Hành liền để Ngô Chân Lưu giải thích các ý trong đó. Ngô Chân Lưu chỉ ra trong thơ ẩn chứa ý coi hai nước ngang nhau, đồng thời viết ra bài hát Ngọc Lang quy để tiễn biệt Lý Giác: “Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, Dao vọng thần tiên phục đế hương, Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lãng, Cửu thiên quy lộ trường. Tình thảm thiết, đối li thương, Phàn luyến sử tinh lang. Nguyện tương tâm ý vi biên cương, Phân minh tấu ngã hoàng.”[28] (Ánh sáng lành gió tốt giương buồm lụa, Dõi theo đấng thần tiên trở về đế hương (quê của hoàng đế, ý chỉ Trung Quốc), Ngàn trùng non nước vượt đại dương, Đường về hút dặm trường. Tình thắm thiết, cùng nâng chén rượu biệt li, Cầm tay nhau lòng vấn vương. Xin đem ý của người biên cương, minh tỏ với hoàng đế).

Đỗ Pháp Thuận và Ngô Chân Lưu đối đáp khéo léo, không chỉ hoàn thành nhiệm vụ ngoại giao một cách viên mãn, mà còn đặt nền móng cho mô thức tiếp đón sứ thần Trung Quốc:

Lý Giác quay trở về, Khuông Việt làm bài hát để tiễn. Theo sự thù tiếp với sứ nhà Tống, nhiều cảm tình về thơ văn. Cái đẹp của bài từ đủ để khoe người tài, tăng thêm sự tôn trọng quốc thể, có thể khuất phục được sứ phương bắc. Sau này mỗi lần sứ phương bắc quay lại, mỗi lần đều có thơ tặng để rọi sáng nhân văn, kì thực đều bắt đầu từ đấy cả.[29]

Có thể nói, hai vị pháp sư có vai trò đối với triều đình như những quan văn. Đặc biệt là Ngô Chân Lưu, tại tiền triều Đinh Bộ Lĩnh đã được nhận phong của vua là “Khuông Việt đại sư”; các sử gia ghi chép lại là triều Lý Nhân Tông sùng Phật, tôn tăng nhân làm quốc sư để hỏi việc chính sự, lại nói: “Giống như Lê Đại Hành đối với Ngô Khuông Việt vậy”[30]. Tào Sĩ Bang từng dẫn lời này cùng với một sử liệu khác về hoàng đế Lê Ngọa triều để làm thí dụ chứng minh thời đó tăng lữ đóng vai “triều thần” bên cạnh các hoàng đế.[31]

(Còn nữa)

Lê Thanh Thuỳ Trần Thuý Ngọc dịch

 

 

[1] Bài phát biểu trong Hội thảo quốc tế Nho giáo Việt Nam và văn hoá Đông Á tổ chức tại Viện Triết học, tháng 6 năm 2009.

[2] Tình hình cụ thể, có thể xem thêm [Nhật] Nhóm Lý Đạo Đức Hùng, Dư Vạn Cư dịch Đông Á Phật giáo khái thyết (Đài Bắc: Hoa Vũ xuất bản xã, 1985), Thế giới Phật giáo danh trứ dịch tùng quyển 56, chương 4 “Phật giáo Việt Nam” (chương này do Xuyên Bản Bang Vệ viết), tr 255-328.

[3] Vu Hướng Đông “Những giai đoạn phát triển và một số đặc trưng của lịch sử tư tưởng Việt Nam”, Học báo Đại học Trịnh Châu (bản Khoa học Triết học xã hội), số 3/2001, tr72-77.

[4] Toàn bộ sử liệu liên quan, có thể xem Lữ Sĩ Bằng, Việt Nam thời kì Bắc thuộc – Một lịch sử của quan hệ Trung Việt (Hương Cảng: Sở nghiên cứu Tân Á Đại học Trung văn Hongkong), 1964, chương 3 tiết 5 “Văn phong và học thuật Giao Châu”, tr 108 – 116

[5] Những văn hiến và lí giải liên quan đến Khương Công Phụ, xem thêm Trịnh Vĩnh Thường, Sự trỗi dậy của văn học chữ Hán tại An Nam, (Đài Bắc: Đài Loan thương vụ ấn thư quán, 1987), chương 4 thiên 2 “Tình hình phong trào thơ đời Đường chuyển dịch xuống An Nam”, tr 45-49.

[6] Ý Tông triều cử tử trong Thích An Nam sự thi viết: “Phương Nam không chọn quan lại, đó là cái thua của Giao Chỉ ta. Liền trong ba bốn năm trời, đó là cái nhục của Giao Chỉ ta. Nhà Nho thối lui, kẻ vũ lự thì nhiều lên. Quân dung đầy cả thiên hạ, chiến tướng đầy vàng ngọc.  Bóc lột khiến dân đau khổ, Ðịnh phận để sĩ hưởng lộc. Quân Hứa Xương oai phong, Trung thành vũ dũng hơn hết. Ðến thì gây gió do vạn lính cưỡi ngựa, Ngừng thì quay ra nấu thịt ăn. Những khi quân tàn ác trở về, Cả ngàn vạn gia đình khóc than. Tiếng thương đau động làng xóm, Khí oán thán thành núi cao. Ai mà nghe được tiếng trống trận, Không thể không xem mũi tên vàng. Càng nghĩ càng chảy nước mắt, Xa xôi xanh ngắt dòng sông Dĩnh”. Bắc mộng tỏa ngôn viết “Triều Ý Tông, An nam không còn được vỗ về nữa, lao động binh dịch, có kẻ sĩ tử nghe được chuyện hai nghìn quân Hứa chết ở đất lạ, nên có thơ để châm biếm, ngâm nga, biết là mất chức, gây chuyện vì nước mình vậy”. Xem Toàn Đường thi cuốn 22 quyển 784.

[7] Lữ Sĩ Bằng, Việt Nam thời kì Bắc thuộc – Một lịch sử của quan hệ Trung Việt (Hương Cảng: Sở nghiên cứu Tân Á Đại học Trung văn Hongkong), 1964, chương 3 tiết 5 “Văn phong và học thuật Giao Châu”, tr135-140.

[8] Trịnh Vĩnh Thường, Sự trỗi dậy của văn học chữ Hán tại An Nam, (Đài Bắc: Đài Loan thương vụ ấn thư quán, 1987), chương 4, tr 42-56.

[9] Lấy bài Lữ ngụ An Nam của Đỗ Thẩm Ngôn làm thí dụ, viết “Giao Chỉ thù phong hậu, Hàn trì noãn phục thôi. Trọng đông sơn quả thục, Chính nguyệt dã hoa khai” (Giao Chỉ phong tục và khí hậu đặc thù. Lạnh châm trôi ấm giục tới. Giữa đông hoa quả chín, Tháng 1 hoa dại nở). “Tích vũ sinh hôn vụ, Khinh sương hạ chấn lôi. Cố hương du vạn lí, Khách tư bội tòng lai”. Có thể thấy được tâm tình của cư khách. Xem Toàn Đường thi cuốn 3 quyển 62 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 734.

[10] Tức lấy Cao Biền và các thơ ca liên quan ở An Nam làm thí dụ. Bài Xu An Nam nhi kí Đài tư viết “Tằng khu vạn mã thượng thiên sơn, Phong khứ vân hồi khuynh khắc gian. Kim nhật hải môn nam diện sự, Mạc giáo hoàn tư phượng lâm quan” (Từ thúc vạn ngựa lên núi trời, Gió đi mây tới trong chốc lát. Hôm nay ở cửa biển nhìn về phía nam, Chẳng hẹn mà giống như ở cửa quan ải Phượng Lâm). Ngoài ra có bài An Nam tống Tào biệt sắc quy triều: “Vân thủy thương mang nhật dục thu, Dã yên thâm xứ chá cô sầu. Tri quân vạn lý triều thiên khứ, Vi thuyết chinh nam dĩ ngũ thu” (Mây nước mênh mông mặt trời sắp lặn, Khói mờ xa chim ngói kêu sầu. Biết người vạn dặm về lại nước, để nói việc đi phía nam đã năm thu). Xem Toàn Đường thi cuốn 18 quyển 598, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 6919-6922.

[11] Dương Cự Nguyên Cung phụng Định pháp sư quy An Nam viết: “Cố hương Nam Việt ngoại, Vạn lý bạch vân phong. Kinh luận từ thiên khứ, Hương hoa nhập hải phùng” (Ngoài cố hương Nam Việt, Vạn lí núi trắng mây. Kinh luận từ tạ đi về chân trời, Hương hoa nhập vào với ngọn sóng). “Lộ đào thanh phạn triệt, Thận các hóa thành trùng. Tâm đáo Trường An mạch, Giao châu hậu dạ chung”. Xem Toàn Đường thi cuốn 10 quyển 333, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 3722

[12] Trương Tịch bài Sơn trung tặng Nhật Nam tăng viết: “Độc hướng song phong lão, Tùng môn bế lưỡng nhai. Phiên kinh thượng tiêu diệp, Quải nạp lạc đằng hoa. Trửu thạch tân khai tỉnh, Xuyên lâm tự chủng trà. Thời phùng hải nam khách, Man ngữ vấn thùy gia” (Nhà kẹp giữa hai ngọn núi, Cửa tùng cài then đóng. Giở kinh trên lá chuối, Treo áo tăng làm rơi hoa. Đục đá làm giếng mới, Xuyên rừng tự trồng trà. Khi gặp khách Hải Nam, Dùng tiếng Man (tiếng người phương Nam) hỏi nhà ai). Xem Toàn Đường thi cuốn 12 quyển 384, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960, tr4308).

[13] Giả Đảo trong bài Tống An Nam Duy Giám pháp sư viết: “Giảng kinh xuân điện lí, Hoa nhiễu ngự sàng phi. Nam Hải kỉ hồi độ, Cựu sơn lâm lão quy. Xúc phong hương tổn ấn, Chiêm vũ khánh sinh y. Vân thủy lộ điều đệ, Vãng lai tiêu tức hi” (Giảng kinh trong điện xuân, Hoa bay vòng trên giường ngủ. Nam Hải mấy lần tới. Núi cũ tuổi già quay về ở, Mưa thấm ướt áo, Đường mây heo hút, Tin tức qua lại ít ỏi”. Bài Tống Hoàng Tri tân phụ An Nam viết: “Trì ninh trầm ẩm biến, Phi độc khúc giang hoa. Địa viễn lộ xuyên hải, Xuân quy đông đáo gia. Hỏa sơn nan hạ tuyết, Chướng thổ bất sinh trà. Tri quyết thu lai kế, Tương phùng kì thượng xa” (Đình ao chìm trong rượu, Không phải chỉ có một khúc ca giang hoa. Đất rộng đường xuyên biển. Xuân đi đông mới tới nhà. Núi lửa khó rơi tuyết, Đất cằn khó ra trà. Đã quyết tính mùa thu đến, Ngày tương phùng còn rất xa). Xem Toàn Đường thi cuốn 17 quyển 572, 573 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr6639-6665.

[14] Đỗ Phủ trong bài Chư tướng số 4 viết: “Hồi thủ Phù Tang đồng trụ tiêu, Minh minh phân tẩm vị toàn tiêu. Việt Thường phí thuý vô tiêu tức, Nam Hải minh châu cửu tịch liêu. Thù tích tằng vi đại Tư mã, Tổng nhung giai sáp thị trung diêu. Viêm phong sóc tuyết thiên vương địa, Chỉ tại trung thần dực thánh triều. (Mặt hướng Phù Tang kiếm cột đồng. U linh chướng khí vẫn còn xông. Chim phỉ thúy Việt Thường chẳng có tin tức. Xưa từng được ban chức Đại tư mã.  Quyền bính trong tay bọn cận vương. Tuyết bắc gió nam đều đất chúa Triều đình trông cậy bậc trung lương). Xem Toàn Đường thi cuốn 7 quyển 230. (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 2512.

[15] Bạch Cư Dị trong bài Hồng anh vũ Thương sơn lộ phùng viết: “An Nam viễn tiến hồng anh vũ, Sắc tự đào hoa ngữ tự nhân. Văn chương biện huệ giai như thử, Long giám hà niên xuất đắc thân” (Xứ An Nam xa xôi cống nộp con vẹt đỏ, sắc đẹp như hoa đào nói như người. Những kẻ tài giỏi văn chương cũng như thế, Lồng son biết tới năm nào mới thoát thân). Xem Toàn Đường thi cuốn 13 quyển 438, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 4780.

[16] Dương Hành trong bài Tống Vương tú tài vãng An Nam viết “Quân vi thao hải khách, Khách lộ thùy ám thái. Kinh độ sạ nghi sơn, Kê minh tiên kiến nhật. Sở sai hồi trạo vãn, Bội kết li tình mật. Vô tham Hợp Phố châu, Niệm thủ Giang Lăng quất” (Người là khách trên biển, Đường lạ ai người quen. Gặp cá kình bỗng tưởng là núi, Gà gáy thấy mặt trời. Ca thán quay chèo về muộn. Kết giao nhiều chia tay bịn rịn. Không tham ngọc Hợp Phố, Chỉ giữ lại cây quất Giang Lăng). Xem Toàn Đường thi cuốn 14 quyển 465, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 5283..

[17] Hùng Nhụ Đăng trong Tống Mã phán quan xu An Nam viết: “Cố nhân Giao Chỉ khứ tòng quân, Ứng tiếu cuồng sinh huy trận vân. Tỉnh đắc Sái châu kim nhật sự, Cựu tằng đô hộ trướng tiền văn” (Người cũ tòng quân đi Giao Chỉ, Nên cười kẻ cuồng xông vào trận. Khi tỉnh ra đã là chuyện Sái châu hôm nay, Trước trướng nghe chuyện xưa từng đô hộ An Nam). Rồi bài Kí An Nam Mã Trung Chửng: “Long thao năng chí hổ phù phân, Vạn lí sương đài yếm chướng vân. Phiên khách bất tu sầu hải lộ, Ba thần kim phục mã tương quân” (Tài thao lược như rồng hổ, Đài sương vạn lí át mây chướng. Khách biên ải không cần phải buồn vì đường biển, Thần sóng nay nép mình trước Mã tướng quân). Xem Toàn Đường thi cuốn 14 quyển 476, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 5420 – 5421.

[18] [Việt] Lê Tắc viết, Vũ Thượng Thanh hiệu chỉnh, An Nam chí lược (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1995), tr 250-269.

[19] Quán Hưu trong bài Tống tăng chi An Nam viết: “An Nam thiên vạn lí, Sư khứ thú hà trường. Tấn hữu viêm châu tuyết, Tâm vi dị quốc hương. Thối nha sơn tượng ố, Quá hải bố phàm hoang. Tảo tác quy Ngô kế, Vô vong phụ mẫu hương” (An Nam nghìn vạn dăm, Sư đi xa biết bao. Tóc mai đã điểm tuyết Viêm châu, Lòng thành hương nước lạ. Răng rụng làm voi núi thẹn. Vượt biển buồm vải tung. Sớm có ý quay về Ngô, Không quên quê hương cha mẹ). xem Toàn Đường thi cuốn 23 quyển 833, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 9393.

[20] Lý Đỗng trong Tống Vân Khanh thượng nhân du An Nam viết: “Xuân vãng Hải Nam biên, Thu văn bán dạ triền. Kình thốn tẩy bản thủy, Đảo tự phân chư quốc, Tinh hà cộng nhất thiên. Trường An khước hồi nhật, Tùng yêm cựu phòng tiền”. xem Toàn Đường thi cuốn 21 quyển 721, (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1960), tr 8271.

[21] Vu Tại Chiếu, “Nhập thế của Phật giáo trong lịch sử Việt Nam và sự sản sinh, phát triển của văn học cổ điển Việt Nam”, Đông Nam Á nghiên cứu, số 2/2006, tr65.

[22] Tại đây dựa vào Trần Hình Hòa [Nhật] hiệu chỉnh, Hiệu hợp bản Đại Việt sử kí toàn thư (東洋學文獻センタthuộc Đông Kinh đại học Đông Dương văn hóa nghiên cứu sở – Hội đồng phát hành tạp chí, 1984 – 1986).

[23] Xem thêm Lữ Sĩ Bằng, Việt Nam thời kì Bắc thuộc – Một lịch sử của quan hệ Trung Việt (Hương Cảng: Sở nghiên cứu Tân Á Đại học Trung văn Hongkong), 1964, chương 3 tiết 5 “Văn phong và học thuật Giao Châu”, tr140-148.

[24] Tại đây theo quan điểm của Trịnh Vĩnh Thường. Xem cuốn Sự trồi dậy của văn học chữ Hán tại An Nam của ông, thiên 3 chương 2 “Văn học chữ Hán hai triều Đinh, Lê”, tr 61.

[25] Xem [Thanh] Nhóm Trần Văn Vi biên soạn, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (Đài Bắc, NXB Thư viện quốc lập trung ương, Hiệp hội kinh tế văn hóa Trung Việt, 1969) quyển 3, tr 684-685.

[26] Xem Hồ Huyền Minh (Thích Đức Niệm), Nghiên cứu văn học Trung Quốc với văn học Việt Nam triều Lý, luận văn tiến sĩ của sở nghiên cứu văn học thuộc viện quốc lập Chính trị Trung Quốc, 1978, tr 107-108 và chú 5.

[27] Nay xin dẫn lại những chuyện ghi chép về Đỗ Pháp Thuận và Ngô Chân lưu như sau: “Không rõ Thiền sư Pháp Thuận chùa Cổ Sơn là người thế nào? Họ Đỗ, học rộng giỏi thơ, có tài phụ giúp vua, nổi danh đương thời. Thuở nhỏ xuất gia, được sư Long Thụ giúp đỡ. Khi đắc pháp, nói lời nào đều hợp với sấm vĩ. Khi nhà Lê mới bắt đầu sáng nghiệp, trù vận định chính sách, tham dự nhiều công sức. Khi thiên hạ thái bình, không nhận phong thưởng. Lê Đại Hành hoàng đế lại càng trọng vọng, thường không gọi tên mà gọi là Đỗ Pháp Thuận, gánh vác việc văn học”. “Thái sư Khuông Việt chùa Phật đà thôn Cát Lợi ở Thường Lạc, xưa có tên Chân Lưu, người Cát Lợi. Họ Ngô, con cháu vua Ngô Thuận. Tướng mạo đẹp đẽ, chí hướng phi thường. Thông đạo Nho nhưng theo đạo Thích, cùng với bạn học trụ trì, mở chùa Khai Quốc trên núi Vân Phong thụ giới. Do đã nắm hết các điểm căn cốt của sách vở Thiền, năm 40 tuổi danh vang tới triều đình, Đinh Tiên Hoàng mời vào cung, bái làm tăng thống. Năm Đại Bình thứ hai (970), được ban hiệu Khuông Việt đại sư. Lê Đại Hành hoàng đế lại càng kính lễ, các việc quân quốc trong triều, sư đều tham dự”. Xem Hồ Huyền Minh (Thích Đức Niệm), Nghiên cứu văn học Trung Quốc với văn học Việt Nam triều Lý, luận văn tiến sĩ của sở nghiên cứu văn học thuộc viện quốc lập Chính trị Trung Quốc, 1978, tr 108, 110.

[28] Đoạn này được ghi chép toàn văn như sau: “Nhà Tống lại sai Lý Giác đến chùa Sách Giang (còn gọi là chùa Sách), vua sai pháp sư tên Thuận giả làm giang lệnh để tiếp đón. Giác rất giỏi văn thơ, khi ấy có hai con vịt nổi trước mặt, Giác thích thú ngâm thơ: “Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nhai” (Hai con vịt xinh đẹp, Ngửa cổ nhìn chân trời). Pháp Thuận đem âm “chèo” trong mái chèo ra gieo vần lại: “Bạch mao phô lục thủy, Hồng trạo bãi thanh ba” (Lông trắng phô nước biếc, Chèo hồng gạt sóng trong). Giác lấy làm kì lạ. Khi về chỗ nghỉ, đem thơ để tặng lại: “Hạnh ngộ minh thi tán thịnh du, Nhất thân nhị độ sứ Giao châu. Đông đô lưỡng biệt tâm do luyến, Nam Việt thiên lí vọng vị hưu. Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch, Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu. Thiên ngoại hữu thiên ứng viễn chiếu, Khê trạch ba tĩnh kiến thiềm thu” (May mắn được gặp người thơ giỏi đức dầy, Một thân này hai lần đi sứ Giao Châu. Hai lần từ biệt Đông đô lòng còn vương vấn, Nghìn dặm ngóng về Nam Việt vẫn chưa thôi. Ngựa đạp khói mây vượt núi trùng, Núi biếc dần xa. Ngoài trời còn có trời cần nhìn rộng, Nước đầm sóng tĩnh thấy con ếch mùa thu). Thuận đem thơ dâng lên cho vua xem. Vua sai tăng Ngô Khuông Việt đọc, Khuông Việt nói: “Bài thơ này tôn bệ hạ ngang với vua của ông ấy”. Vua vui mừng, tặng quà Giác hậu hĩnh. Giác tạ từ để về, vua hạ chiếu Khuông Việt làm bài từ để tiễn, bài từ viết: “Tường quang phong hảo cẩm phàm trương, Dao vọng thần tiên phục đế hương, Vạn trùng sơn thủy thiệp thương lãng, Cửu thiên quy lộ trường. Tình thảm thiết, đối li thương, Phàn luyến sử tinh lang. Nguyện tương tâm ý vi biên cương, Phân minh tấu ngã hoàng.”[28] (Ánh sáng lành gió tốt giương buồm lụa, Dõi theo đấng thần tiên trở về đế hương (quê của hoàng đế, ý chỉ Trung Quốc), Ngàn trùng non nước vượt đại dương, Đường về hút dặm trường. Tình thắm thiết, cùng nâng chén rượu biệt li, Cầm tay nhau lòng vấn vương. Xin đem ý của người biên cương, minh tỏ với hoàng đế). Xem Trần Hình Hòa [Nhật] hiệu chỉnh, Hiệu hợp bản Đại Việt sử kí toàn thư (東洋學文獻センタthuộc Đông Kinh đại học Đông Dương văn hóa nghiên cứu sở – Hội đồng phát hành tạp chí, 1984 – 1986) phần “Bản kỉ” quyển 1, tr 191-192.

[29] Gốc từ [Việt] Phan Huy Chú “Lịch triều hiến chương loại chí” quyển 48; chuyển dẫn từ Tào Sĩ Bang, “Phật giáo và chính trị Việt Nam ba triều Lý, Trần, Lê”, được lưu trong Trương Mạn Đào chủ biên, Phật giáo và Chính trị, (Đài Bắc, Đại thừa văn hóa xuất bản xã, 1979), Hiện đại Phật giáo học thuật tùng khán quyển 61, tr 132.

[30] Trần Hình Hòa [Nhật] hiệu chỉnh, Hiệu hợp bản Đại Việt sử kí toàn thư (東洋學文獻センタthuộc Đông Kinh đại học Đông Dương văn hóa nghiên cứu sở – Hội đồng phát hành tạp chí, 1984 – 1986) phần “Bản kỉ” quyển 3, tr251.

[31] Tào Sĩ Bang, “Phật giáo và chính trị Việt Nam ba triều Lý, Trần, Lê”, được lưu trong Trương Mạn Đào chủ biên, Phật giáo và Chính trị, (Đài Bắc, Đại thừa văn hóa xuất bản xã, 1979), Hiện đại Phật giáo học thuật tùng khán quyển 61, tr 132-133.