SƯ THIỆN CHIẾU VÀ BÁO PHẬT HÓA TÂN THANH NIÊN

10/ 04/ 2012 13:23:59

Sư Thiện Chiếu cho rằng, trên thế giới, các phương pháp, các học thuyết ra đời đều do lòng yêu cầu hạnh phúc của nhân loại phát minh ra, sáng lập ra để chữa cho Thân đương khổ khỏi khổ, Tâm đương mê khỏi mê.

Tháng 2 năm Đinh Mão (1927), tại chùa Long Khánh đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Hòa thượng Khánh Hòa, Hòa thượng Huệ Quang với sư Thiện Chiếu bàn chuyện chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ. Nghe tin sư Tâm Lai trụ trì chùa Hang (Tiên Lữ Động tự) huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khởi xướng việc thành lập Tổng hội Phật giáo nhằm thống nhất Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Khánh Hòa cử giáo thụ Thiện Chiếu ra Bắc liên lạc với sư Tâm Lai. Do nhiều lý do, chuyến ra Bắc của sư Thiện Chiếu không đạt kết quả như mong muốn. Khi trở về Nam, ông mang một số báo Hải Triều Âm của Hòa thượng Thái Hư (có chương trình hội Phật giáo Trung Hoa) ghé qua trường Hạ ở Quy Nhơn, Bình Định đưa cho Hòa thượng Khánh Hòa xem và thúc giục ông mau tiến hành chấn hưng Phật giáo. Ít lâu sau, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các nhà sư Huệ Quang (chùa Long Hòa  Trà Vinh),Từ Nhẫn (chùa Thới Bình, Mỹ Tho), Thiện Chiếu (chùa Linh Sơn, Sài Gòn) thành lập Phật học Thư xã và Phật học viện (1928) tại chùa Linh Sơn với sự giúp đỡ tài chính của các ông Trần Nguyên Chấn, Ngô Văn Chương, các nhà sư Thiện Niệm (chùa Viên Giác), Từ Phong (chùa Liên Trì),…

Ngày 31/8/1929, tờ Pháp Âm, cơ quan ngôn luận của Phật học Thư xã ra số đầu tiên, in tại nhà in Thạnh Thị Mậu, 186 Rue d`Espague, Sài Gòn và phát hành tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu, làng Thạnh Phú – Xoài Hột, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Chủ nhiệm tờ báo là Hòa thượng Khánh Hòa. Nhà sư Thiện Chiếu không những là  nhà trợ thủ đắc lực giúp Hòa thượng Khánh Hòa trong việc xuất bản tờ Pháp Âm mà còn là cây bút chính, đảm nhận ba trong chín yếu mục của tờ báo Phật giáo này (1). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tờ pháp âm phải đình bản, sau khi chỉ ra được một số duy nhất, để tiếp sức cho Phật học Thư xã, sư Thiện Chiếu đã lập ra tờ Phật hóa Tân Thanh niên (2).

Nội dung của tờ hóa Tân Thanh niên có các yếu mục như sau:

1. Ai là người lo đời, muốn làm việc cho đời?

Thiện Chiếu cho rằng các nhà nước văn minh cũng phải có chính tín, nếu không có chính tín tuy thoát li được phần quyền nhưng mê tín vật chất thì cũng khó mong đạt được hạnh phúc hòa bình. Còn những nước yếu hèn không những đã mê tín về thần quyền mà lại còn bị nô lệ về vật chất, bị chính sách xâm lược của bọn đế quốc về vũ lực, về kinh tế,… trong đó độc nhất là sự xâm lược văn hóa, tức là đem tôn giáo để chinh phục tư tưởng tự do, tinh thần độc lập,… “Vì lẽ ấy, cho nên Phật hóa Tân Thanh niên ra đời để gây cái nền chính tín cho dân tộc nào ưa cái chủ nghĩa hoà bình và muốn cái hạnh phúc sinh tồn trên thế giới”, Từ đó, ông kêu gọi những bậc quân tử, những người có lòng bác ái và các nhà Phật học tán trợ cho tờ báo.

2. Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo.

Mở đầu bài báo dài 12 trang, sư Thiện Chiếu trình bày các vấn đề về Khổ: “Biển khổ mênh mông, song mê bát ngát, sưa nay chúng sanh sa chân lỡ bước, lạc lối lầm đường mà phải phiêu lưu thất sở, phải điên đảo, phải trầm luân; nếu không thuyền từ tế độ, đuốc tuệ sáng soi thì biết bao giờ mới ra khỏi biển khổ ấy, sông mê ấy? Chịu cái khổ ấy là “Thân”. Thân khổ không gì hơn là ốm đau đói rét, các phương pháp chữa cho thân khổ là phương pháp của nhà khoa học. Tạo cái mê ấy là “Tâm”. Tâm mê mới sinh ra gian tà tội ác, các học thuyết chữa cho Tâm mê là học thuyết của các nhà tôn giáo. Phàm cái gì có nhân thì ắt phải có quả, bởi Tâm đã tạo mê nhân thì Thân phải chịu lấy khổ quả, đó là lẽ tự nhiên”.

Sư Thiện Chiếu cho rằng, trên thế giới, các phương pháp, các học thuyết ra đời đều do lòng yêu cầu hạnh phúc của nhân loại phát minh ra, sáng lập ra để chữa cho Thân đương khổ khỏi khổ, Tâm đương mê khỏi mê.

Trước câu hỏi: “Khoa học và tôn giáo có thể làm cho viên mãn được lòng yêu cầu hạnh phúc của nhân loại không?”. Sư Thiện Chiếu trả lời: Bởi Tâm tạo ra mê nhân thì Thân phải chịu lấy khổ quả. Khổ quả hiện tại như tai trời, vạ người, ốm đau, đói rét,…đều do sự độc ác của nhân loại. Cho nên, khoa hoc tuy mang lại nhiều ích lợi cho nhân loại, nhưng cũng làm thiệt hại cho nhân loại không ít. Bởi lòng người mê muội, lợi dụng khoa học mà gây ra nhiều tội ác thì tránh sao khỏi vô lượng khổ quả sau này. Điều đó cho thấy, nhà khoa học chỉ cứu được cái “Quả” mà không cứu được cái “Nhân”, chỉ chữa được cái ngọn mà không chữa được cái gốc. Về sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác, sư Thiện Chiếu viết: Các nhà tôn giáo, trừ Phật giáo, đều chủ trương thuyết “Thượng Đế tạo vật của một số tôn giáo có quyền vô hạn: Ai thờ phụng Thượng Đế sẽ được thưởng cho về thiên quốc, ai nghịch lại với Thượng Đế sẽ bị phạt vĩnh kiếp ở địa ngục.

Sư Thiện Chiếu cho rằng, kiếp sống của con người chỉ khoảng mấy chục năm mà còn chịu không xiết những nỗi bất bình sôi gan tím ruột với chế độ cường quyền chuyên chế của bọn quân chủ, bọn tư bản, bọn đế quốc; luôn mong muốn được tự do, bình đẳng, huống hồ là ở dưới quyền chuyên chế của Thượng Đế kiếp kiếp đời đời! Vậy nên, nhiều người đã nổi lên làm phong trào cách mạng, tức là phong trào dân chủ và xã hội.

Bên cạnh đó, nhà quân chủ lợi dụng thần quyền để đè nén ngu dân, bọn đế quốc lợi dụng tôn giáo để đi xâm lược, nên học thuyết của nhà tôn giáo đã chẳng những không viên mãn được sự yêu cầu về trí thức của nhân loại, mà lại còn làm thiệt hại cho nhân loại nữa.

Huống chi, từ ngày “Tiến hóa luận” và “Vô thần luận” ra đời, thuyết “Thượng Đế tạo vật” đứng không vững, mà thế lực của nhà tôn giáo cũng không còn giữ được như xưa. Có lẽ rồi đây, nhân trí khai thông, dân quyền phát triển, nên thần quyền sẽ không còn trên địa cầu này nữa. Vì khoa học phát triển đạt thì tôn giáo phải tiêu diệt!…

Khi Thân, Tâm đã quan hệ với nhau thì dù khoa học, dù là tôn giáo, danh từ tuy khác nhau, nhưng vì do lòng yêu cầu hạnh phúc của nhân loại mà sinh ra, thì cần phải đều hòa vưới nhau mới mong Thân khỏi khổ, Tâm khỏi mê. Cứ xem cái thuyết trên kia thì khoa học với tôn giáo lại không thể tương dung! Mà tương dung sao được? Vì nhà tôn giáo lập thuyết như thế không đủ lẽ cho người ta tin. Nói rằng Thượng Đế tạo ra nhân loại, vậy ai tạo ra Thượng Đế. Nếu không ai tạo ra Thượng Đế, thì nhân loại hà tất phải có Thượng Đế tạo ra? Nhà tôn giáo cũng là người như mọi người trên thế giới. đã là loài người thì ai cũng có tư tưởng, có tri giác, không đủ lí lẽ thì làm sao tin được? Mà có tin được chăng nữa, thì cũng chỉ là hạng người mê tín mà thôi.

Sư Thiện Chiếu đánh giá vị trí của Phật giáo với khoa học như sau: Khoa học cứu cái “Quả”, cái “ngọn”, nghĩa là chỉ cứu cái “Thân khổ”; còn tôn giáo thì cứu cái “Nhân”, cái “gốc”, nghĩa là cứu cái “Tâm mê”. Nếu tôn giáo không thể sống nổi với thế giới khoa học ngày nay thì lòng người còn biết tin đau có chỗ an thân lập mạng? Nếu khoa học đã phát triển một cách phi thường, một mặc khí cụ giết người càng ngày càng tinh xảo, mặt khác giai cấp giàu nghèo càng ngày càng cách xa, thừa dịp lòng người đang chứa đầy những phẫn uất, bất bình, tất có những người chủ trương cực đoan, mưu phá thế giới này mà lập một thế giới khác. Cái ngày ấy đáng mừng hay đáng lo, thành công hay thất bại? Sư Thiện Chiếu e rằng, cái “Tâm” chưa cứu được thì cái “Đời” chắc gì đã cứu Xong. Cho nên, muốn cứu lấy cái Thân, cần phải cứu lấy cái Tâm không phải tìm đâu xa. Từ gần ba nghìn năm nay đã xuất hiện một học thuyết hiện nay đương chi phối cả thế giới, một học thuyết vừa có tinh thần khoa học, vừa thích hợp với hiện đại tư trào chính là truyền từ đuốc tuệ ở giữa chốn biển khổ sông mê ! Học thuyết ấy là của Thích ca Mâu Ni, giáo chủ của Phật giáo. Học thuyết ấy chính là Phật giáo vậy.

Lời bàn của Thiện Chiếu về Phật giáo với khoa học, về Phật giáo với tôn giáo khá khúc chiết. Ông dẫn chứng những điều kinh Phật viết với thành tựu khoa học: “Trong kinh Phật nói rằng: “Thân là ổ trùng” và “trong một nhiễu nước có nhiều vi trùng”, ngày nay khoa học nhờ kính hiển vi đã chứng minh điều đó. Như trong kinh nói rằng: “Bốn châu chỉ có một mặt trời soi…” và “trên không gian có vô lượng thế giới”, nay nhờ có nhà thiên văn học mà mới tin lời Phật không phải dối. Và cái thuyết “Sắc thân sinh ra là có loại trùng khởi thân căn” của Phật, đem so với cái thuyết “tinh trùng” của nhà sinh lý học ngày nay, thì mới biết là sự thật hiển nhiên”.

Từ đó sư Thiện Chiếu Kết luận: “Ấy đủ biết, dù khoa học phát đạt đến đâu đi nữa, chẳng những không lay động được cái căn bản nghĩa của Phật giáo, lại gúp cho càng tỏ càng rạng thêm lên, mà duy vật khoa học lại nhờ Phật giáo cứu cho khỏi cái nguy “tột lối cùng đường vậy”.

Về khác biệt của Phật giáo với tôn giáo, Thiện Chiếu viết: “Tôn giáo sở dĩ không thích hợp với hiện đại tư trào là bởi cái thuyết “Oai quyền thưởng phạt” nó phản đối với cái nghĩa tự do bình đẳng” cho nên mới có người phàn nàn tôn giáo là “thuốc phiện” của nhân loại.

Phật giáo thì không thể không có cái thuyết “tạo vật” không có chi gọi là thưởng phạt oai quyền, nói rằng: “Tam giới duy tâm”, nghĩa là cái hiện tượng như các thế giới, các loại hữu tình là do lòng mê vọng sinh ra, như sóng ở trong nước sinh ra vậy. Sóng thì có thiên hình vạn trạng, mà nước thì chỉ có một màu. Lòng mê muội gọi là chúng sinh, lòng sáng suốt gọi là Phật. Phật với chúng sinh chẳng khác, như nước với sóng không hai. Bởi cái lòng mê muội nên sáng suốt chẳng đồng, nên mới có cái: “giả danh” chúng sinh và Phật vậy thôi. Chúng sinh thì bị ràng buộc khổ sở, Phật thì giải thoát tiêu diêu. Mà Phật và chúng sinh đều tự lòng ta tạo ra, không ai thưởng mà cũng không ai tạo được. Cái hư không tuy mênh mông vô hạn đựng chứa các thế giới, mà ở trong cái lòng “sáng suốt” cũng như một nặt nước nổi lên mặt biển, thì có cái gì “nhốt” được lòng ta?

Phật nói rằng: “Hết thảy chúng sinh còn trầm luân thì chưa chịu thành Phật”, xem thế đủ biết tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái” của Phật là dường nào!

Tự do, bình đẳng, bác ái, mấy tiếng khẩu đầu của các nước văn minh đem đi gạt người đó, so với sự thực hành của chủ nghĩa “tự do, bình đẳng, bác ái” của Phật giáo khác nào như một vực một trời. Xem như nước Nga là một nước muốn phá hoại chế độ và tư tưởng hiện tồn đặng trở lại cái bình quyền nguyên thủy mà nay còn nghiên cứu Phật học tưởng chẳng phải là vô cớ, mà đủ chứng rằng đời còn văn  minh lại cần phải có Phật giáo.

Nói tóm lại, Phật giáo bao gồm hết thảy tôn giáo và triết học xưa nay, ngoài ra như luân lí học, giáo dục học, luận lí học, và các học thuyết như chính trị, pháp luật, mĩ học, thiên văn, bác vật, công nghệ, y học,… không học thuyết nào ra ngoài được Phật giáo vậy”

Tiếp đó, sư Thiện Chiếu nêu một số nguyên nhân chính làm cho Phật giáo nước ta suy đồi. Theo ông, trước đây chữ Hán được coi như một thứ quốc văn, việc học Phật đều qua kinh sách chữ Hán. Từ khi người Pháp sang xâm lược, đêm tân học truyền bá, hạn chế Hán học, không cho giáo dục tự do, cho nên, Phật giáo do chữ Hán truyền qua nước ta, nay theo chữ Hán trở về Trung Quốc.

Phật giáo Việt Nam suy đồi do tăng đồ thất học dẫn đến mê tín, không phân biệt được tà hay chính, giả hay chân. Tăng đồ cũng như nguyên khí, nguyên khí suy mòn tất nhiên sinh nhiều quái chứng và thân thể được bình phục như xưa thì cần phải bồi phục nguyên khí bằng cách nghiên cứu Phật học… Theo Thiện Chiếu: “Đầu tiên, phải lựa cảnh chùa nào ở ngay giữa châu thành Hà Nội, Huế, Sài Gòn mà lập Phật học viện và Phật học xã, đồng thời tinh tiến mới được. Phật học viện để đào tạo bạn thiếu niên sơ học, còn Phật học xã để cho người học khá rồi, vừa nghiên cứu vừa tuyên truyền (diễn thuyết, đàm thoại, trước tác)”. Ông nhấn mạnh việc học phải đi đôi với hành: “cần phải thực hành, chớ không phải chỉ nói suông mà thôi. Cho nên cần phải hành trì, như tham thiền niệm Phật,… kì cho được minh tâm kiến tính.

Phật giáo không những tuyên truyền giáo nghĩa cứu cái ác nhân mà còn làm những từ thiện sự nghiệp đặng cứu cái khổ quả hiện tại nữa.

Tuyên truyền giáo nghĩa cứu cái ác nhân ấy là “pháp thí”, từ thiện sự nghiệp cứu cái khổ quả ấy là t”ài thí”, cái thuyền tế độ của Phật giáo chỉ có hai việc đó mà thôi.

Pháp thí như trước kia vừa nói, hoặc diễn thuyết hoặc viết sách, kì cho được phổ cập các hạng người trong xã hội, còn tài thí thì cứu giúp đời trong cơn nguy biến như thiên tai nhân họa,… mà cần nhất là trong các cảnh chùa đã lập Phật học viện, Phật học xã rồi lại lập ngay bên trong chùa một cái trường công nghệ để dung nạp những con trẻ cô bần vừa biết nẻo tu tâm, vừa có nghề tự lập. Còn những chùa ở thôn quê, cũng nên chuyên về nông phố, ấy trong tăng giới ngày nay nên bắt đầu thực hành cái chính sách “công nông” vậy.

Các cảnh chùa trong nước, đâu đâu cũng có Phật Học viện, học xã chuyên về giáo nghĩa, đâu đâu cũng có công trường, nông trường, nông trường chuyên về thực nghiệp mà tự giác tự lập được rồi thì mới hoàn toàn tiêu diệt được các tệ tục xưa nay”.

Theo Thiện Chiếu, nếu làm được như vậy, mới gọi là đuốc tuệ thuyền từ, làm như vậy mới soi đường hắc ám, vớt trầm luân được.

3. Khính cáo các sư cụ: Tác giả Tân Thanh niên ( theo chúng tôi là Thiện Chiếu) nêu vai trò của người xuất gia: gia vụ là hoằng pháp, sự nghiệp là lợi sinh. Ông cho rằng, Phật pháp thịnh hay suy là do người xuất gia mà trách nhiệm là các sư cụ, trụ trì các chùa, là đống lương của Phật Pháp, quy giám của hậu côn phải chống đỡ Phật pháp và chống đỡ hậu côn trở thành những tăng đồ có học. Tác giả kêu gọi: “Các sư cụ là đại biểu của Giáo hội, có lẽ cũng biết tự trọng, mà sớm trả lời cho chúng tôi bằng cách thực hành”. 4. Kính cáo các tín đồ: Tác giả Tân Thanh niên phân biệt thế nào là bậc xuất gia? Từ đó nêu rõ trách nhiệm của người tại gia là phải tiêu trừ được bọn Ma vương, tổ chức tại Giáo hội cho thuần túy và kêu gọi “Tín đồ! Nếu muốn thoát li cái kiếp nô nệ với ma vương, thì phải mau mau sung vào đội binh vấn tội”.

5. Nhập học vấn đáp: Tác giả Pháp Linh ghi lại những vấn đáp “vì sao nói đạo Phật là đạo cứu khổ”.

6. Bài vấn đáp của ông Lương Khải Siêu tại phật giáo Tổng hội nước Tàu do Bác Ái dịch nói về mối quan hệ giữa thời cuộc với Phật giáo Trung Hoa. Lương Khải Siêu cho rằng: “Muôn ngàn tội ác đều do ở cái vì mình mà thôi. Để khắc phụ phải dựa vào cái gốc là đức”.

7. Một buổi hội nghị ở chùa Linh Sơn: Tác giả Huệ Thanh cho biết, chiều ngày 16/7/1929, tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn, đã diễn ra hội nghị Tăng già, gồm các vị Hòa thượng các chùa Từ Ân, Hội Khánh, Phú Long, Long Huê, Văn Thánh, Chúc Thọ, Thập Phước, Đức Sơn, Bình Long, Lý Dương Sanh,… dưới sự chủ trì của Hòa thượng Khánh Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn, sư Thiện  Chiếu và ông Trần Nguyên Chấn – giúp việc dinh Đốc lí Sài Gòn, hộ chủ chùa Linh Sơn – bàn về việc chấn hưng Phật giáo.

Commis Chấn phát biểu đầu tiên, cho biết: Năm 1923, ông thỉnh sư Thiện Chiếu làm giáo thọ trường  “Hạ” tại chùa Chúc Thọ, Gò Vấp. Ở đó, Thiện Chiếu định tổ chức Phật giáo Thanh niên học hội, nhằm đào tạo nhân tài đảm đương Phật pháp. Nhưng, Hội ấy không thành lập được bởi sư Thiện Chiếu lúc đó còn trẻ tuổi, chưa được Giáo hội tín nhiệm. Đến năm 1926, đạo Cao Đài ra đời tại Nam Kỳ, nên mới có phong trào chấn hưng Phật giáo. Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Khánh Hòa chủ trương chỉ được một số chùa hưởng ứng, trong 3- 4 năm, nhiều phen thất bại, nhưng nhờ nghị lực của các đồng chí, tuy chưa kết quả hoàn toàn, nhưng cũng lập được Phật học Thư và xã Phật học viện. Cũng năm này, sư Thiện Chiếu giao lại chùa Linh Sơn cho Commis Chấn và khuyên ông Chấn thỉnh Hòa thượng Khánh Hòa, một người đức cao vọng trọng, làm trụ trì để tổ chức tòng lâm. Tháng 7/1929, Hòa thượng Khánh Hòa đã thường trụ tại chùa Linh Sơn ba bốn tháng. Ông Chấn đề nghị các vị Hòa thượng mở lòng từ bi quan tâm chỉ bảo giúp đỡ công việc của ông ở chùa Linh Sơn.

Tiếp Sau, sư Thiện Chiếu phát biểu làm rõ thêm lí do ông giao lại chùa cho Commis Chấn và nêu quan điểm của ông về chấn hưng Phật giáo là “chống các hủ tục ở bên trong và tà thuyết ở bên ngoài bấy lâu nay làm cho lu mờ cái nhân nghĩa của Phật giáo, ngăn lấp cái đường sáng suốt của chúng sinh”.

Hòa thượng Hội Khánh thay mặt các vị Hòa thượng tham dự hội nghị, trả lời vắn tắt: “Các ngài có nhiệt tâm như thế, chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm, nhưng các ngài cứ lo tiến hành, còn phần chúng tôi thì xin để cho chúng tôi suy nghĩ lại”.

Như vậy, có thể thấy, nội dung bài báo đã cung cấp nhiều tư liệu quý về hoạt động chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ lúc bấy giờ. Qua bài viết này, chúng ta có thể suy luận tờ Phật hóa Tân Thanh niên ra đời vào cuối năm 1929, ngay sau khi tờ Pháp Âm số một bị đình bản.

8 . Chương trình chùa của “Phật hóa Tân Thanh niên” sẽ lập. Từ trang 37 đến trang 48, đăng 5 chương (1. Tôn chỉ: 7 điều; 2. Cách tổ chức: 4 điều; 3. Chức vụ và quyền hạn các viên chức: 18 điều; 4. Chùa và tài sản của chùa: 3 điều; 5. Công trụ quy ước: 52 điều) chương trình chùa Phật hóa Tân Thanh niên. Chương trình này thể hiện chấn hưng Phật giáo của sư Thiện Chiếu.

Tóm lại, có thể nói, Phật hóa Tân Thanh niên  đã thể hiện rõ tư tưởng Phật giáo cấp tiến của giới tăng sĩ trẻ, mà sư Thiện Chiếu là đại biểu, trong phong trào chấn hưng Phật giáo nữa đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Cùng với tờ Pháp Âm, tờ Phật hóa Tân Thanh niên là bước tiên phong cho báo chí Phật giáo sau này. Nhưng thật đáng tiếc, tờ Phật hóa Tân Thanh niên cũng chỉ ra được một số thì phải đình bản vì lí do tài chính./.

NGUYỄN ĐẠI ĐỒNG

Trích “tạp chí Khuông Việt”