SỰ TIẾP BIẾN NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO TRONG CÁC TÁC PHẨM THIỀN PHÁI TRÚC LÂM (Tiếp theo)

11/ 11/ 2017 14:40:05

SỰ TIẾP BIẾN NGÔN NGỮ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO TRONG

CÁC TÁC PHẨM THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

(Tiếp theo)

  1. Thích Phước Đạt

 

  1. 3. Các loại hình ngôn ngữ trong kinh điển Phật giáo và sự tiếp biến trong các phẩm Thiền phái Trúc Lâm

Ngôn ngữ là hình thức biểu đạt của tư duy. Có bao nhiêu hình thức tư duy thì có bấy nhiêu hình thức diễn đạt sắc thái ngôn ngữ được Thế Tôn vận dụng. Suy cho cùng, ngôn ngữ trong văn học Phật giáo là các hình thức biểu đạt mọi thông tin, ý nghĩa, ngữ nghĩa của giá trị thông điệp giải thoát mà người truyền đạt muốn chuyển tải đến người tiếp nhận hành trì.

Qua hệ thống Tam tạng kinh điển Phật giáo, chúng ta dễ dàng nhận ra sự phong phú về các hình thức thể loại ngôn ngữ của văn học Phật giáo. Các loại hình ngôn ngữ trong văn học Phật giáo thường sử dụng là ngôn ngữ ẩn dụ, thí dụ, Thiền định, ước lệ, biểu cảm, siêu thực, ly niệm… Chúng được xem như là đặc trưng thủ pháp nghệ thuật ngôn ngữ. Từ đó, hình tượng nghệ thuật thiết lập, hình ảnh giàu chất thi ca được phô diễn, điển cố được vận dụng, sắc thái ngôn ngữ theo đó hiển bày. Tất cả, tạo nên diện mạo và đặc điểm ngôn ngữ Phật giáo, được người tiếp nhận lãnh hội, tu tập.

Văn học Phật giáo Lý Trần là một bộ phận cấu thành làm nên nền văn học Phật giáo Việt Nam. Nó cũng không thể bước ra ngoài sự định hình và phát triển của nền văn học Phật giáo. Các tác phẩm văn học Phật giáo Lý Trần còn chịu sự ảnh hưởng các tính chất quy định của văn học trung đại, kể cả ngôn ngữ. Các tác phẩm của các tác giả Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, bao gồm Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang là những tác phẩm văn học Phật giáo, ắt chịu sự quy định nói trên trong tiến trình vận dụng và phát triển lịch sử ngôn ngữ văn học. Tiếp cận thủ pháp đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật tác phẩm văn học Thiền phái, chúng ta có điều kiện giải mã các giá trị khác mà các tác giả đã cất chứa đằng sau lớp vỏ ngôn từ tác phẩm.

3.1. Ngôn ngữ ẩn dụ

3.1.1 Ngôn ngữ ẩn dụ kinh điển Phật giáo

Hầu hết các thời thuyết giáo của đức Phật đều để lại rất nhiều ẩn dụ giúp người nghe pháp dễ hiểu, dễ nắm bắt và suy niệm thực hành. Trong kho tàng văn học Phật giáo, các bản kinh Nikaya (Nguyên thuỷ) hay Agama (A hàm) cho đến các bộ kinh Đại thừa đều mang theo các hình ảnh ẩn dụ đặc sắc. Đơn cử bản kinh Pháp Cú [1],  là một trong những loại hình của ngôn ngữ ẩn dụ đặc sắc. Khi đề cập đến vấn đề yêu thương hay ái dục nói chung, Phật dùng hình ảnh “dòng sông yêu thương” (currents of craving) hay 36 dòng ái [2] để nói lên sức mạnh bền bỉ của lòng yêu thương ái dục:

Dòng ái dục chảy khắp,

Như dây leo mọc tràn

                         (Kệ 340)

Người say đắm ái dục,

Tự lao mình xuống dòng,

Như nhện sa vào lưới

(Kệ 347)

  Ba mươi sáu dòng ái,

Trôi người về biển ái

Các tư tưởng tham ái

Cuốn trôi kẻ cuồng si

                       (Kệ 339)

Những câu kinh trên đã được Phật sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ để chỉ rõ cội nguồn ái dục của con người như dòng sông chảy luân lưu bất tận. Nó cuốn trôi cuộc đời con người vào thế giới trầm luân, sinh tử triền miên. Chính hình ảnh ẩn dụ dòng sông đã gợi lên người nghe một ảnh hưởng của “dòng sông ái”. Tại đây tâm thức của con người trôi chảy như dòng sông đi từ đối tượng này sang đối tượng khác. Sự trôi lăn dường như khát vọng được yêu thương đắm đuối mong muốn trở thành như là một yêu cầu luôn có mặt để rồi hiện khởi mà đức Phật đã chỉ ra 36 dòng ái “mong rằng tôi có mặt như thế này, mong tằng tôi có mặt khác như thế này” v.v. Nó trở thành động lực để thúc nay dòng ái vận hành liên tục. Đây chính là nguồn gốc của sinh tử luân hồi. Vì thế sự vượt qua dòng sông ái dục chính là sự thoát khổ đau, con gọi là vượt bộc lưu – dòng thác sinh tử. Phật dạy:

Ai sống ở đời này,

Ái dục được đoạn tận.

Sầu rơi khỏi người ấy,

Như nước rời lá sen.

Hay:

Tỳ kheo tát thuyền này,

Thuyền không , nhẹ đi mau.

Trừ tham, diệt sân hận,

Đạt đến cõi Niết bàn. (Kệ 368)

Hình ảnh con thuyền không là hình ảnh ẩn dụ cho tâm thức thanh tịnh không chất chứa hạt giống tham sân si. Tất nhiên những ai đi trên con thuyền ấy mới vượt ra khỏi dòng thác sinh tử.

Từ một vài hình ảnh ẩn dụ được trích dẫn trên cho chúng ta thấy ngôn ngữ ẩn dụ là một trong những phương thức biểu đạt rất phổ quát trong kinh tạng Phật giáo. Hẳn nhiên, những thí dụ trên chỉ là một số trường hợp được trình bày trong kinh, quan trọng là nó đã đi vào đời sống văn học Phật giáo Thiền tông, cụ thể là các phẩm Thiền phái Trúc Lâm như thế nào?

3.1.2. Sự vận dụng ngôn ngữ ẩn dụ kinh điển Phật giáo trong các tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm

Nói đến văn học Phật giáo Thiền tông, cụ thể là các tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, ngôn ngữ ẩn dụ là một trong những phương thức truyền đạt đến người học để lĩnh hội yếu chỉ Phật pháp. Đây là loại hình ngôn ngữ liên tưởng, so sánh ngầm được sử dụng một cách thiện xảo để nói lên sự thật khổ đau và hạnh phúc, hay giữa hư nguỵ và chân thực trong đời sống tâm thức, cũng xem như là một phương tiện để ngầm giới thiệu một cảnh giới giải thoát an lạc.

Phật giáo Thiền tông nhìn nhận cả khổ đau và hạnh phúc được thiết lập trên cơ sở vận hành của tâm. Khổ đau và hạnh phúc là hai tính chất đặc thù khác biệt, song cả hai là yếu tố đều có khả năng thường trực trong tâm thức. Nó lặng lẽ ẩn tàng như hạt giống chìm sâu lòng đất. Điều quan trọng, nó hiển thị sự khổ đau hay hạnh phúc đều tuỳ thuộc vào trạng thái của tâm thức. Hẳn nhiên, trạng thái đó lại phụ thuộc vào điểm nhìn của mỗi người. Nói cách khác, đó chính là ý thức, ý chí khát vọng mong chờ của từng cá thể mà các nhà văn thơ Thiền phái muốn diễn đạt trong các tác phẩm của mình.

Ngôn ngữ ẩn dụ được sử dụng trong các tác phẩm Thiền phái là ngôn ngữ bày tỏ sự thật khổ đau hay hạnh phúc, chân hay tục, Niết bàn hay địa ngục, vô minh hay giác ngộ, hai mặt của một vấn đề. Việc sử dụng loại hình ngôn ngữ ẩn dụ để diễn đạt các phạm trù tâm linh lại càng hữu hiệu hơn, tác đọng người đọc tu tập mạnh hơn.

Trong ý nghĩa đó, các tác phẩm Thiền phái ra đời là nhằm giới thiệu thế giới tâm linh vận hành theo chiều hướng giải thoát giác ngộ. Đọc các tác phẩm ấy, chúng ta thấy loại hình ngôn ngữ ẩn dụ được thể hiện đậm nét để diễn đạt thế giới tâm thức qua ngôn từ, hình ảnh, từ ngữ cụ thể. Chẳng hạn, khi nói về dục vọng của con người nhấn chìm con người trong sinh tử, Trần Thái Tông đã dùng hình ảnh ẩn dụ “dòng sông ái dục” để viết, khiến người đọc xúc động, liên tưởng đến sự chìm đắm trong bể sinh tử để tỉnh thức:

Ái hà xuất một kỷ thời hưu,

Hoả trạch ưu tiên hà nhật liễu.

(Sóng yêu chìm đắm biết bao thôi,

Nhà lửa đốt thiêu ngày nào tắt.) [3]

Hay khi trình bày sự thật Tứ đế: khổ, tập, diệt, đạo hai mặt của đời sống thì Trần Thái Tông mô tả qua hình ảnh bốn núi. Tướng bốn núi lại được hiển bày hết sức sinh động bằng bốn mùa vận hành theo năm tháng tuần hoàn:

Nhân chi sinh tướng, tuế nãi xuân thì. Tráng tam dương chi hanh thái; tân vạn vật chi tuy vinh. Nhất thiên minh mị, thôn thôn liễu lục đào hồng; vạn lý phong quang, xứ xứ oanh đề điệp vũ” (Tướng sinh của người là mùa xuân trong năm. Khoẻ khoắn thay sự thịnh vượng của dương xuân, mới mẻ thay vẻ tốt tươi của muôn vật. Một trời sáng đẹp, xóm thôn liễu biếc đào hồng; muôn dặm phong quang, chốn chốn oanh ca bướm múa). [4]

Tướng già của con người thì biến đổi theo thời gian năm tháng, dẫu mắt sáng như Ly Lâu, tai tinh như Sư Khoáng, rồi cũng bị chi phối theo định luật vô thường, chẳng khác gì hình ảnh thân cây liễu tiều tuỵ khi mùa thu đến, điêu linh như hoa gặp xuân tàn:

“Nhân chi lão tướng, tuế nãi hạ thì. Viêm thiên thước thạch, nhi vạn vật giai khô; ổi nhật lưu kim, nhi bách xuyên tương hạc. Tàn hoa sơ liễu, viên trung câu bạn khởi năng lưu; cuồng điệp lưu oanh, diệp hạ chi đầu đồ hướng lão” (Tướng già của người là mùa hạ trong năm. Trời nồng chảy đá nên vạn vật héo khô; nắng bỏng sôi vàng nên trăm sông dốc cạn. Hoa tàn liễu rạc, còn đâu ngòi chảy bên vườn; bướm nhộn oanh bay, luống già cỗi ở đầu cành dưới lá) [5] .

Tướng bệnh của con người như cỏ xanh héo tàn vào mùa thu. Sinh mệnh con người như “ngọn đèn trước treo trước gió”, như “bọt nước trên sông”. Thân thể tiều tuỵ mệt mỏi, bạn bè người thân nhọc công trông nom. Thế nên, Trần Thái Tông viết:

“Nhân chi bệnh tướng, tuế nãi thu thì. Thích nghiêm sương thuỷ giáng chi thần; giới chúng thảo câu phi chi hậu. Mật lâm mậu thụ, kim phong nhất phiến kỷ phù sơ; thanh chướng thuý phong, ngọc lộ sơ thuỳ tăng lãnh lạc” (Tướng già của người là mùa thu trong năm. Gặp khi sương buốt mới sa; vừa lúc cỏ xanh đều úa. Cây xanh rừng rậm, gió vàng một trận đã tiêu sơ; núi biếc non xanh, móc ngọc vừa rơi thêm lạnh lẽo) [6].

Tướng chết của con người được ví như mùa đông lạnh giá, mây sầu ảm đạm. Giàu có thông minh, nghèo hèn cùng cực, mỗi khi thân bệnh, vô thường kéo đến, biệt ly có chừa ai. Thế nên, Trần Thái Tông cũng lạnh lùng hạ bút:

“Nhân chi tử tướng, tuế nãi đông thì. Càn khôn ứng thái tuế nhi chu; nhật nguyệt hướng huyền hiêu nhi hội. Âm tinh cực thịnh, nhất thiên vũ tuyết, cánh phân phi; dương khí tiềm tiêu, bát thuỷ ngưng ba tăng lẫm liệt.” (Tướng chết của con người là mùa đông trong năm. Càn khôn ứng thái tuế mà vần xoay; nhật nguyệt ứng huyền hao mà tụ hội. Âm tinh cực thịnh, khắp một trời mưa tuyết bời bời ; dương khí tan dần, nước tám tính, đóng băng càng giá lạnh).[7]

Rõ ràng, khi viết “Phổ thuyết Tứ sơn”, Trần Thái Tông đã sử dụng ngôn ngữ ẩn dụ để diễn đạt sự thật về Tứ đế. Bằng ngôn ngữ này, tác giả đã diễn đạt sáng rõ những khái niệm, phạm trù triết lý Phật giáo hết sức trừu tượng, khiến người đọc xúc động, bùi ngùi khi tiếp nhận văn bản. Hình ảnh, từ ngữ mang tính ẩn dụ được phô diễn với tần số cao. Có nhiều bài đã thể hiện thủ pháp ẩn dụ nghệ thuật từ đầu đến cuối. Khi diễn bày thế giới tâm linh siêu nghiệm, e rằng ngôn ngữ thực tại khó diễn đạt hết ý nghĩa, thì ngôn ngữ phi thực mang tính ẩn dụ được tác giả khai thác triệt để. Đọc bài Phổ thuyết Hướng thượng nhất lộ sẽ thấy thủ pháp nghệ thuật này được sử dụng thật tài tình:

“Lãm trường hà vi nhân thiên tô lạc. Tị khổng lý pháp luân thường chuyển, mi mao hạ bảo sát hiện tiền. Ba gian thạch nữ vũ bà sa; xuy địch mộc nhân ca khoản đãi. Hoặc phùng trường tác hí; hoặc đắc xứ khoan hoài. Hoặc thùy thủ sưu khiên; hoặc hồi đầu sơn dã. Lãn đoạ thi miên vân chẩm thạch; thích hứng thì vịnh nguyệt trào phong. Ưu du hồ tửu tứ trà phường; tiếu ngạo hồ hoa nhai liễu mạch. Hoàng hoa uất uất, vô phi bát nhã chi tâm, thuý trúc thanh thanh, tận thị chân như chi lý. Bát thảo hiện bản lai diện mục; sản địa đoạn sinh tử lộ kỳ. Hồi đầu thiết mã đả duệ quy, mạch tị nê ngưu hành khước bộ. Bất dĩ vạn pháp vi lữ. Thuỳ giao nhất vật thượng tồn. Phật diệc phi, tâm diệc phi, chân dã nhập, giả dã nhập. Tam yếu quan ngoại trực nhiêu át nhị vi tam; thập tự nhai đầu, nhất nhậm hô cửu tác thập. Một khổng địch, tấu vô sinh khúc, vô huyền cầm, phủ khoái hoạt ca?” (Kéo sông dài làm sữa ngọt cho người. Trong lỗ mũi thường chuyển bánh xe pháp; dưới lông mày hiện ra tháp báu. Cô gái đá múa thướt tha giữa sóng; chàng trai gỗ thổi khúc tiêu đón đưa. Hoặc gặp nơi đùa cợt, hoặc gặp chốn thư phòng; hoặc buông tay dìu dắt, hoặc quay đầu non hoang. Khi biếng nhác nằm mây gối đá; lúc hứng vui cợt gió vịnh trăng. Nhởn nhơ nơi quán rượu phòng trà; đùa cợt chốn ngõ hoa dặm liễu. Rỡ rỡ hoa vàng, hết thảy là tâm bát nhã, xanh xanh trúc biếc cũng đều là lý chân như. Vạch cỏ hiện mặt mày thưở trước, phạt đất chặn nẻo đường tử sinh. Quay đầu ngựa sắt lôi về; nắm mủi trâu bùn lùi bước. Nếu không coi muôn pháp là bạn thì khiến sao một vật vẫn còn. Phật cũng không, tâm cũng không; chân cũng vào, giả cũng tới. Ngoài cửa tam yếu, mặc sức gọi hai là ba; ở ngã tư đường, tha hồ gọi chí làm mười. Sáo không lỗ, tấu khúc vô sinh; đàn không dây, dạo bài khoái hoạt) [8].

Đây là thủ pháp thường được sử dụng khá mạnh mẽ trong nhà Thiền. Mục đích chính là làm người đọc bùng vỡ ý thức, trực ngộ chân lý. Do đó, Tổ Lâm Tế dùng tiếng thét, tiếng quát, gậy quất để vượt thoát sự câu thúc của ngôn ngữ, sự phân biệt, đối đãi như là biện pháp, phương tiện tạm thời nhưng đầy hiệu quả. Cũng vậy, Trần Thái Tông bằng một loạt hình ảnh ngôn ngữ phi thực, hình ảnh ẩn dụ, được sử dụng phần lớn là con người hoạt động, chuyển động các vật: “kéo sông dài làm sữa ngọt”, “trong lỗ mũi thường chuyển bánh xe pháp”, “dưới lông mày hiện ra tháp báu”, “gái đá múa thướt tha giữa sóng”, “chàng trai gỗ thổi khúc tiêu đón đưa”, “quay đầu ngựa sắt lôi về” đã đưa người đọc bước ra khỏi thế giới vọng niệm, trực ngộ chân tâm.

Ta chẳng ngạc nhiên gì, Tuệ Tung Thượng sĩ, Trần Nhân Tông và các Thiền sư khác cũng sử dụng các hình ảnh ẩn dụ tương tự như thế “Tác vũ thiết nữ, đả cổ mộc nhân”, hoặc “Mộc nhân vũ thác chi, thạch nữ xuy tất lật”; hoặc “Mộc nhân xướng vô sinh, thạch nữ xuy tất lật” (Cô gái sắt nhảy múa, chàng người gỗ đánh trống hoặc người gỗ múa điệu thác chi, cô gái thổi ống tất lật, hoặc người gỗ hát khúc vô sinh, gái đá thổi ống tất lật) trong Thượng sĩ ngữ lục [9]; “Vô khổng địch, vô huyền cầm” (sáo không lỗ, đàn không dây) trong Trúc Lâm đại tôn giả Thượng toạ thính sư thị chúng [10] để người học đạo tiếp cận Thiền lý bằng sự trực chỉ chân tâm mà không hề có sự can thiệp của tư duy hữu ngã.

Cũng thế, để giải đáp nghi vấn của học trò về việc gia phong của Phật quá khứ, hiện tại, tương lai như thế nào, Thiền sư không trả lời trực tiếp mà sử dụng hình ảnh ẩn dụ để người tham vấn tự liễu đạt chân lý:

Viên tâm tịch mịch vô nhân quản,

Lý bạch đào hồng tợ tự hoa”

Bạch thủy gia phong mê hiểu yến

Hồng đào tiên uyển tuý xuân phong”

Hải phố đãi triều thiên dục nguyệt,

Ngư thôn văn địch khách tư gia”.

(Rừng vườn vắng vẻ không người quản,

Mận trắng đào hồng riêng tự hoa).

(Nước trắng mênh mông chim én lạc,

Vườn tiên đào thắm gió xuân xanh).

(Đợi triều bên bể trăng gần mọc,

Nghe sáo thuyền câu khách nhớ nhà).[11]

Chứng tỏ, ngôn ngữ ẩn dụ được vận dụng khá thuần thục, làm cho tác phẩm văn học Thiền sinh động hẳn lên, khắc sâu vào tâm trí người đọc.

Hình ảnh ẩn dụ còn thể hiện dưới hình thức thể loại kệ thơ. Trường An là hình ảnh ẩn dụ chỉ cho con đường thể nhập chân lý. Ở đó, con người bình thường được chuyển hoá thành Phật mà các tác giả Thiền phái khắc hoạ qua hình ảnh sinh động“lô khai hoả lý liên” (đoá sen nở ra trong lò lủa) thật ấn tượng:

“Tu tri thế hữu nhân trung Phật”

Hưu quái lô khai hoả lý liên” [12]

(Nên biết trong đời sinh có Phật,

Lạ chi giữa lửa nở sen vàng). [13]

Chân lý chính là con đường trở về “bản lai diện mục”, là hình ảnh ngôi nhà “nhật viễn gia hương vạn lý trình”, tìm lại “minh châu” vốn đã là gia sản… được tác giả vận dụng tinh xảo, nhiều lần trong tác phẩm:

“Xứ xứ lục dương kham hệ mã,

Gia gia hữu lộ đáo Trường An.

Hồi trình nguyệt hạ nhân hy đáo,

Nhất đạo thiềm quang đại địa hàn.”

(Chốn chốn dương xanh nên buộc ngựa,

Người người có lối đến Trường An.

Đường về trăng sáng người thưa vắng,

Một ánh trăng đêm lạnh khắp miền).[14]

Hẳn nhiên, đời sống con người chứng ngộ khác xa đời sống đọa lạc. Con người ở đó sống làm việc, hành trì như mọi người, nhưng tâm thức không còn dao động bởi tâm lý buồn vui, lo âu và sợ hãi. Với một bút pháp như thế, thơ văn Thiền phái đã diễn tả thế giới an lạc đó qua một số hình tượng sống động, thể hiện tính ẩn dụ, có ý nghĩa biểu tượng mang tính nghệ thuật cao.

3.2. Ngôn ngữ Thiền định – tư duy

3.2.1. Ngôn ngữ Thiền định trong kinh điển Phật giáo

Ngôn ngữ Thiền định – tư duy là một loại ngôn ngữ được sử dụng trong các thể tài kinh điển văn học Phật giáo, từ kinh Niakaya (Nguyên thuỷ), Agama (A hàm) cho đến kinh tạng Đại thừa. Sở dĩ như vậy là do các nội dung các kinh điển trình bày đều trình bày Giới học, định học và tuệ học. Mục đích của nó là nhằm giới thiệu thông điệp giải thoát. Con đường tiếp cận chân lý thường thông qua ba cấp độ “văn, tư, tu” (nghe học, tư duy, hành trì) để đi vào thế giới chứng ngộ. Đó là con đường Thiền định. Vì thế, các hình thức ngôn ngữ được trình bày trong kinh điển, không có ngôn ngữ nào thoát ly tính chất Thiền định, dù được thể hiện bằng phương thức gì. Và để đi đến giải thoát thật sự không có con đường nào khác hơn là phải hành trì Thiền định, cho dù phong cách hành Thiền có khác nhau nhưng mục tiêu tối hậu là giải thoát. Đi vào phân tích, có thể nói ngôn ngữ Thiền học là một loại ngôn ngữ hết sức uyên áo, rất lôgíc, thật cô đọng, súc tích, mang tính biểu tượng, ly niệm. Nó nghiêng về sự diễn dịch đời sống tâm linh, giải bày tiến trình tu tập trước đối tượng các pháp và hướng đến giải thoát. Đoạn kinh được trích dẫn sau đây sẽ minh chứng sự thật về con đường Thiền định:

“Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết già, lưng thẳng tại chỗ nói trên và an trú chính niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ năm triền cái (tham, hôn trầm, thuỵ miên, trạo hối, nghi) làm cho tâm tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược này, ly pháp, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, có tầm, có tứ”

“Tỳ kheo diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sinh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm.”

“Tỳ kheo ly hỷ trú xả, chính niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc thánh là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba”.

“Tỳ kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”.

“Với tâm định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc vị ấy hướng tâm đến túc mạng minh, thiên nhãn minh, lậu tạn minh, thấy rõ sự thật bốn đế… Đối với tự thân đã giải thoát, khởi lên sự hiểu biết “Ta đã giải thoát”, vị ấy biết “Sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui đời này nữa”. [15]

Rõ ràng, đặc trưng của ngôn ngữ Thiền định là dùng để diễn đạt một trạng thái tâm tư chủ động, có công dụng khảo sát phân tích cụ thể trong dòng vận hành của tâm thức. Vì vậy ngôn ngữ này phải diễn đạt theo một hình thái tư duy thể cách của Thiền định “như lý tác ý” (hãy quan sát và để cho hiện hữu hiển lộ như là chính nó). Mặt khác, ngôn ngữ này được định hình từ quá trình văn, tư, tu của người học đạo, trong đó “tư duy tu”, tức huân tập một con đường tư duy theo chân lý. Do đó, hầu hết các bản kinh của Phật giáo do Phật thuyết và các tác phẩm thơ văn Thiền phái đều chỉ ra hai con đường tư duy: chính tư duy và tà tư duy. Hẳn nhiên con đường chính tư duy cần phải nỗ lực thực thi để thành tựu giải thoát an lạc. Con đường tà tư duy cần phải loại trừ vì nó dẫn đến việc đề cao cái tôi, cái của tôi, tự ngã của tôi. Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì ngôn ngữ trong tác phẩm của Thiền phái mang dấu ấn tâm linh, chỉ rõ cho con người đoạn tận điều ác, bước ra thế giới khổ đau, thay vào đó là hướng con người hành thiện và xây dựng thế giới an lạc. Tại đây, ngôn ngữ Thiền định có tính chất xả ly cấu nhiễm, mang giá trị giải thoát khổ đau được thể hiện qua tác phẩm văn thơ Thiền phái.

3.2.2. Sự vận dụng ngôn ngữ Thiền định – tư duy trong các tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm

Các tác phẩm văn học Thiền phái Trúc Lâm đều mang dấu ấn của ngôn ngữ Thiền định rõ nét. Chẳng hạn, khi đọc toàn bộ Khoá hư lục của Trần Thái Tông, Thượng sĩ ngữ lục và 49 bài thơ của Tuệ Trung; các bài thơ đậm đặc hương Thiền của Trần Thánh Tông; các bài như Hữu cú vô cú, Sư đệ vấn đáp, Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Thượng sĩ hành trạng và một số bài thơ khác nữa của Trần Nhân Tông; các tác phẩm của Pháp Loa như Thị tịch, Khuyến xuất gia tiến đạo ngôn, Trúc Lâm tôn giả thượng toạ thính sư thị chúng, Thượng thừa tam học khuyến chúng phổ thuyết, Yếu minh học thuật; các bài thơ của Huyền Quang như Yên Tử sơn am cư, Chu trung, Thạch thất, Diên Hựu tự,… Vịnh Vân Yên tự phú, ta thấy rõ đặc trưng ngôn ngữ Thiền định được thể hiện rõ trong từng tác phẩm của mỗi tác giả. Đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ trong các tác phẩm kể trên, là thể hiện quá trình tư duy theo thể cách Thiền định mà bản thân tác giả từng hành trì. Người học đạo khi tiếp cận nó, đòi hỏi một sự suy niệm, quán tưởng, nỗ lực dụng tâm mà thuật ngữ Phật học gọi là “như lý tác ý”. Nếu không như thế, người học đạo chẳng thu nhận được giá trị gì ngoài niềm tin tôn giáo.

Nếu chức năng “như lý tác ý” ở đây có công dụng soi sáng các hiện tượng thì người tiếp nhận sẽ có cái nhìn đúng như thật về con người. Từ đó, người học đạo nỗ lực hành trì con đường “tư duy tu”, tiếp cận một cảnh giới Phật quốc mà các tác giả Thiền phái khát khao xây dựng là nhằm mục đích hiện thực hoá cuộc đời không còn bóng dáng sự khổ đau, “xả ly” sự cấu uế của trần tục hoàn toàn, thay vào đó là thế giới an bình nội tại trong tâm thức. Đọc bất cứ bài văn, bài kệ, bài thơ nào trong tác phẩm của các tác giả Thiền phái, ta cũng đều nhận thấy tinh thần trên. Như khi diễn giải sự thật về thân phận con người vô cùng đáng thương với bao nghiệp chướng đọa đày, Trần Thái Tông đã xót xa cảnh tỉnh:

“Chư nhân đẳng! Đại tự cơ quan khối lỗi, toàn bằng ti tuyến khiên trừu; lộng lai lộng khứ dữ sinh đồng, phóng hậu thu thời chân tử dạng. Tự khởi vạn ban kế hựu, đô duyên lục tặc giao công; bất ưu lão bệnh tử lai, quản tham tửu sắc tài khứ. Đồ cạnh dăng dầu oa giác, cam vị lợi toả danh cương. Nhật gian phí tận hãnh cầu, dạ lý phiên thành mộng tưởng. Tích đắc nghiệp cấu như tỉnh, bất tri mấn phát tự sương. Nhất triêu hoạn nhiễm trầm kha, bách tuế chung quy đại mộng”. (Các người, nào khác gì con rối; đều nhờ tơ, sợi kéo lôi. Đùa qua giỡn lại, giống sống mà thôi; buông thả, thu hồi, thực là xác chết. Bắt chước nhau lấy muôn ngàn mưu chước; đều duyên do sáu giặc tranh giành. Không lo già bệnh chết đến gần; tham tiếc rượu, sắc, tài đi mất. Sừng sên đầu nhặng luống tranh đoạt; lợi ràng, danh buộc cũng cam lòng. Ngày cầu may, vung phí sạch không; đêm tăm tối, trở thành mộng tưởng. Chứa chất nghiệp dơ như giếng; hay đâu mái tóc phơ sương. Một mai bệnh nặng vô phương, trăm tuổi chung quy đại mộng.)[16]

Thân phận con người là thế, cần thực thi nếp sống hướng thượng khởi đầu bằng cái nhìn tỉnh giác hướng nội, nhìn nhận sự thật cuộc đời là “Quang âm mây nổi; Phú quý phù vân. Phong hoả tán thì, Lão thiếu thành trần” [17] (Tháng như nước trôi; Giàu sang như mây trôi. Gió lửa tan rồi; Trẻ già thành bụi) [18]. Từ đó, mỗi người cần phải có thái độ sống theo con đường Giới định tuệ để vượt thoát khổ đau “Túng nhĩ nam, túng nhĩ nữ tổng thị kham tu; nhậm cừ trí, nhậm cừ ngu tận giai hữu phận. Nhược vị đạt Phật tâm Tổ ý thả tiên bằng trì giới niệm kinh; cập Phật diệc phi, Tổ diệc phi, tắc giới hà trì, kinh hà niệm. Cư huyễn sắc diệc danh chân sắc, xử phàm thân dã thị pháp thân; phá lục tặc vi lục thần thông, du bát khổ tác bát tự tại”. (Dù trai dù gái; đều đáng tu hành. Hoặc dại hoặc khôn; thảy đều có phận. Như chưa thấu Phật tâm ý Tổ; trước hãy nên trì giới tụng kinh. Đến lúc hay Phật là không, Tổ là không thì giới chẳng cần trì, kinh không cần tụng. Trong ảo sắc cũng là chân sắc; nơi phàm thân cũng là pháp thân. Phá lục tặc làm lục thần thông; đưa bát khổ thành bát tự tại) [19].

Đây cũng là con đường tu tập mà Pháp Loa khuyến cáo mọi người trong Tam học khuyến chúng phổ thuyết [20]. Chứng tỏ, các tác giả Thiền phái đã rất thành công khi vận dụng Thiền ngữ để diễn giải thế giới tâm linh qua con đường tu chứng:

“Thanh sơn đê xứ kiến thiên khoát,

Hồng ngẫu khai thời văn thuỷ hương.”

(Non xanh nơi thấp trông trời rộng,

Sen đỏ mùa hoa nghe nước thơm). [21]

3.3. Ngôn ngữ biểu tượng

3.3.1. Ngôn ngữ biểu tượng trong kinh điển Phật giáo

Ngôn ngữ biểu tượng cũng được đức Phật thường xuyên sử dụng trong các thời thuyết giáo nhất, được ghi trong các bản kinh Đại thừa nhiều hơn là ở các bản kinh nguyên thuỷ. Điều quan trọng cần phân biệt là ngôn ngữ biểu tượng khác hình ảnh biểu tượng. Bởi vì hình ảnh biểu tượng thì kinh nào cũng có, nhưng ngôn ngữ biểu tượng là ngôn ngữ đặc thù của kinh tạng Đại thừa. Tuy nhiên, hạt nhân cơ bản ngôn ngữ biểu tượng vẫn có mặt trong các bản kinh Nguyên thuỷ. Biểu tượng thường được hiểu là biểu tượng cho cái gì khác nó, chứ không phải là chính nó. Ví dụ, trong các bản kinh thường nói đến “Hoả trạch” (Nhà lửa) là nói đến sự bất an, khổ não do dục vọng đốt cháy tất cả. Như vậy “Nhà lửa” biểu tượng cho “Tam giới bất an, do như hoả trạch” (Ba cõi không an, ví như nhà lửa) mà kinh Pháp Hoa diễn đạt. Do đó, biểu tượng luôn là biểu tượng về cái gì hoặc cho cái gì khác nó. Hay trong bản kinh Bát Nhã, bản kinh có nội dung tổng kết giáo nghĩa thượng thừa mà Phật tử thường tụng khi kết thúc một buổi hành lễ, có một câu linh ngữ “Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté, Bodhi svaha!” (Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế, Bồ đề tát bà ha!) (Đi qua, đi qua, đi qua bờ bên kia, đã đi qua đến bờ bên kia!) Ở đây, khái niệm “Bờ bên kia” biểu tượng cho người thực tập đời sống tâm linh đã đến bờ bên kia sinh tử, thoát ly mọi hữu vô, sinh diệt, thường đoạn khứ lai…

Còn nhiều biểu tượng quen thuộc thường được tụng đọc trong đời sống hàng ngày qua các bản kinh văn. Hình ảnh “con thuyền” trong cac bản kinh không còn có nghĩa là chiếc thuyền nữa mà trở thành biểu tượng cho “các pháp phương tiện”(như kinh điển, các điều kiện tu tập cần thiết). Trong kinh Xà dụ, Phật dạy “Giáo pháp là con thuyền để đưa người sang sông”. Khi đã sang sông, con thuyền phải được để lại. Thế gian là con thuyền, hãy đi qua trên nó chứ không phải tiếc nuối ôm lấy nó… Nhưng quen thuộc nhất vẫn là “hoa sen”, biểu tượng cho đức Phật, chân lý. Bản kinh Anguttara Nikaya (Tăng Chi bộ kinh) ghi lại câu chuyện như sau:

“Một độ, có một tu sĩ Ấn Độ giáo nhìn thấy dấu chân của Phật in dưới cát có những dấu hiệu lạ thường, nên ông đến gần Phật hỏi rằng ‘Phải chăng Ngài là Deva (chư Thiên)?Phải chăng Ngài là Gandabha (Càn-thác-bà)? Phải chăng Ngài là quỷ Yaksa (Dạ xoa)? Phải chăng Ngài là người?.

Với những câu hỏi trên Phật trả lời là không? Tu sĩ hỏi tiếp ‘Vậy Ngài là ai?’

Phật trả lời ‘Như hoa sen đẹp đẽ và dễ thương. Không cấu nhiễm bùn nhơ, nước đục. Cũng vậy, ở giữa chốn bụi trần. Ta không vướng chút bùn nhơ. Như vậy ta là Phật” [22].

Như vậy “Hoa sen là Phật, Phật là hoa sen”. Có lẽ đây là cơ sở về sau hình thành bộ kinh Pháp Hoa (Diệu Pháp Liên hoa kinh), tức là vua các kinh trong hệ thống kinh tạng Đại thừa. Biểu tượng hoa sen tượng trưng cho Phật và Phật tính của chúng sinh. Ngoài ra các biểu tượng “ngôi nhà”, “quê nhà”, “mã ý”, “tâm viên”, đồng tử”… xuất hiện khá nhiều trong các bản kinh thông dụng.

 3.3.2. Sự vận dụng ngôn ngữ biểu tượng Phật giáo trong các tác phẩm Thiền phái Trúc Lâm

Trong quá trình sáng tác, các tác giả Thiền phái Trúc Lâm đã tiếp biến ngôn ngữ biểu tượng kinh điển Phật giáo vào trong các phẩm của mình. Sự vận dụng ngôn ngữ biểu tượng Phật giáo được xem như là thủ pháp nghệ thuật khá đặc sắc. Tần số xuất hiện khá cao và sử dụng khá nhiều biểu tượng khác nhau chứng tỏ các tác giả có chủ ý rõ ràng. Mỗi biểu tượng được sử dụng ít nhất là hai lần, thậm chí có biểu tượng lên đến bảy hoặc tám lần trong tổng số các đơn vị tác phẩm sáng tác của các tác giả. Hiện tượng này cho thấy khả năng tiếp biến ngôn ngữ biểu tượng Phật giáo trở thành cách diễn đạt hữu hiệu nhất, tạo dấu ấn lớn trong lòng người đọc. Từ ý nghĩa mang tính tượng trưng khi đi vào các tác phẩm, các biểu tượng ngôn ngữ kinh văn trở thành tính ước lệ để biểu thị điều gì đó mang giá trị giải thoát tâm linh.

Ta có thể bắt gặp “gia” (nhà), “gia hương” (quê nhà), “mã ý, tâm vương” (ý ngựa, lòng vượn), “vô khổng địch” (sáo không lỗ), “vô huyền cầm” (đàn không dây), “Đả ngoã toàn quy” (dùi rùa đập ngói), “tác vũ thiết nữ” (cô gái sắt nhảy múa), “đả cổ mộc nhân” (chàng người gỗ đánh trống), “thạch nữ xuy tất lật” (cô gái đá thổi ống tất lật), “mộc nhân xướng vô sinh” (Người gỗ hát khúc vô sinh)  “nương sinh diện” (mặt người mẹ sinh ra), thuỷ nguyệt (trăng trong nước), “ma ni” (ngọc ma ni), “Trường An lộ” (Con đường tới Trường An), “đồng tử” (đứa trẻ thơ), “Liên phát lô trung” (hoa sen nở trong lò lửa), “Cô viên đề xứ” (tiếng vượn cô đơn kêu sầu thẳm), “Dã hồ” (người ngoại đạo), “Sư tử” (chỉ đệ tử chân truyền), “minh châu”, “ngọc trân” (Phật tính của mỗi người), “hoàng hoa thuý trúc” (hoa vàng trúc biếc), ngã gia chân đích tử (đứa con chính thống của nhà ta)….trong các phẩm Thiền phái khi tiếp cận chúng.

Chẳng hạn, trong bài Phổ thuyết hướng thượng nhất lộ, Trần Thái Tông viết: Xứ xứ lục dương kham hệ mã,

Gia gia hữu lộ đáo Trường An.

Hồi trình nguyệt hạ nhân hí đáo,

Nhất đao thiềm quang đại địa hàn”.

(Chốn chốn dương xanh nên buộc ngựa,

Người người có lối đến Trường An.

Đường về trăng sáng người thưa vắng,

Một ánh trăng đêm lạnh khắp miền.) [23]

Con đường Trường An là con đường đi đến sự giác ngộ mà mỗi người hướng tâm tu tập phải đạt đến. Ở đó, con người sống an nhiên tự tại, hành trì Thiền định, ngồi cũng Thiền, tôi luyện trong thế giới trần tục mà tâm vẫn thanh tịnh không cấu nhiễm, chẳng khác hoa sen nở trong lò lửa. Hay nói cách khác đi, hoa sen là Phật, Phật là hoa sen hiển lộ giữa cuộc đời:

“Nhất đoá hồng lô hoả lý liên,

Một ý khí thời thiêm ý khí.

Đắc an tiệm xứ thả an tiên”

(Trong lò lửa hồng một đoá sen,

Mất ý khí thì thêm ý khí

Được chốn ở yên hãy ở yên) [24] (Phật tâm ca -Tuệ Trung Thượng sĩ)

Tại đây, con người bước ra khỏi thế giới tư duy hữu ngã chứa đựng các tâm lý “cái này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi” thường tình, chẳng khác nào “Mộc nhân nhập hải vô sinh xướng, thạch nữ xuyên vân tất lật xuy” (Người gỗ vào biển hát khúc vô sinh, gái đá xuyên mây thổi sáo tất lật) [25] (Đối cơ – Tuệ Trung Thượng sĩ). Hẳn nhiên, mộc nhân, thạch nữ biểu trưng cho người viễn ly tình thức, khúc vô sinh là biểu trưng cho sự vô sinh diệt, chấm dứt sinh tử luân hồi.

Việc sử dụng các biểu tượng này xét về phương diện nghệ thuật thì những hình ảnh của các ngôn từ này rất sống động, đánh thức tâm trí và tạo ra sự liên tưởng sinh động, sự cảm xúc, thậm chí nhiều khi thấy ngồ ngộ, tự mỉm cười vì chúng có vẻ như là nghịch lý, phi logic. Nó vượt ra khỏi tư duy diễn đạt thông thường, để rồi sau đó người đọc phải thâm nhập chúng bằng sự trực nghiệm tâm linh của thế giới thực tại và thế giới nghệ thuật. Có lẽ đây là sở trường của các tác giả Thiền phái, bản thân họ là những Thiền gia, Thiền sư chứng đạo kiêm nhà thơ, nhà văn khi sáng tác với nguồn cảm hứng chứng ngộ viên dung.

Qua những gì trình bày trên, chúng ta thấy quá trình tiếp biến ngôn ngữ kinh điển Phật giáo trong văn học Phật giáo ở nước ta diễn ra liên tục. Kể từ khi đạo Phật du nhập nước ta đến đời Lý Trần thì văn học Phật giáo đạt đến đỉnh cao và gặt hái những thành tựu đáng kể về nội dung phản ánh và phương diện nghệ thuật, cụ thể và rõ nét là trong các tác phẩm văn học Thiền phái Trúc Lâm. Chứng tỏ có một mối liên hệ khắng khít giữa Tam Tạng kinh điển Phật giáo với văn học Phật giáo Việt Nam. Xuất xứ từ sự hình thành Tam tạng kinh điển, ngôn ngữ Phật giáo rất đa dạng, phong phú tạo nên đặc trưng ngôn ngữ kinh điển Phật giáo mang giá trị thông điệp và giá trị tâm linh giải thoát. Với sự thể nhập kinh điển Phật giáo, các tác giả Thiền phái Trúc Lâm đã tạo ra dấu ấn ngôn ngữ riêng biệt qua các tác phẩm được biểu hiện bằng ngôn ngữ như ngôn ngữ ẩn dụ, biểu tượng, ngôn ngữ Thiền định – tư duy. Tất cả đã tạo nên gía trị văn học mang bản sắc riêng biệt của văn học Phật giáo Việt Nam mà các tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm là một minh chứng.

 

 

 

[1] Kinh Pháp Cú, Thích Minh Châu dịch, NXb TP. Hồ Chí Minh, 1996, trang 185 -189.

[2] Kinh Tăng Chi II ghi rõ Lòng khát ái 6 căn, 6 trần và 6 thức, cộng lại thành 18. Nam có 18 và nữ có 18, cả thảy thành 36. 36 x 3 (quá khứ, hiện tại, vi lai) thành 108 dòng ái. 18 dòng ái căn bản là “Ta có mặt”, “Ta có mặt trong đời”, “Ta có mặt như vầy”, “Ta có mặt khác như vầy”, “Ta thường hằng”, “Ta không thường hằng”, “Ta phải có mặt không?”, “Ta phải có mặt trong đời này không?”, “Ta phải có mặt như vậy”, “Ta phải có mặt khác như vậy”, “Mong rằng ta có mặt”, “Mong rằng ta có mặt trong đời” “Mong rằng ta có mặt như vậy”, “Mong rằng ta có mặt khác như vậy”, “Ta sẽ có mặt” , “Ta sẽ có mặt trong đời này”, “Ta sẽ có mặt như vậy”, “Ta sẽ có mặt khác như vậy”.

[3] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 64.

[4] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 45.

[5] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 46.

[6] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 47.

[7] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 47.

[8] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 74 – 75.

[9] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 310.

[10] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 658.

[11] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 496.

[12] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 259.

[13] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 260.

[14] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 74 – 75.

[15] Kinh Trung Bộ, “Tiểu kinh dụ dấu chân voi”, Thích Minh Châu dịch, Trường Cao cấp Phật học VN, 1986, trang 288 – 292.

[16] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 55.

[17] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 205.

[18] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 299.

[19] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 55.

[20] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 666.

[21] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 65.

[22] Kinh Anguttara Nikaya, phần 2, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1992, trang 37.

[23] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 75.

[24] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 275.

[25] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2, Nxb KHXH, Hà Nội, 1989, trang 322.