SUY NGHĨ VỀ VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA CÁC TÔN GIÁO VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN HIỆN NAY

13/ 11/ 2017 10:06:12

 SUY NGHĨ VỀ VIỆC PHÁT HUY VAI TRÒ TÍCH CỰC CỦA CÁC TÔN GIÁO VIỆT NAM TRONG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN HIỆN NAY

NGUYỄN VĂN THANH(*)

Việt Nam là một quốc gia có nhiều dân tộc, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hoá và tôn giáo truyền thống riêng với nhiều loại hình khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp, có tôn giáo có tổ chức và có tôn giáo không có tổ chức. Với chính sách nhất quán tôn trọng tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, tính đến nay đã có 12 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tổ chức, gồm: Phật giáo, Công giáo, Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, Tin Lành, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, đạo Baha’i, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam tông Minh Sư đạo và Minh lý đạo – Tam Tông miếu.

Nhà nước ta đã công nhận tư cách pháp nhân cho 32 tổ chức của 12 tôn giáo trên, gồm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo Việt Nam, Hội thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo, Hội thánh Cao Đài Tây Ninh, Hội thánh Cao Đài Minh Chân đạo, Hội thánh Cao Đài Truyền giáo, Hội thánh Cao Đài Chân Lý, Hội thánh Cao Đài Cầu kho Tam Quan, Hội thánh Cao Đài Chiếu minh Long Châu, Hội thánh Cao Đài Bạch y Liên đoàn Chân lý, Cơ quan phổ thông giáo lý Cao Đài, Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo (Ban Trị sự Phật giáo Hoà Hảo), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc), Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), Hội thánh Truyền giáo Cơ đốc, Giáo hội Cơ Đốc Phục lâm Việt Nam (Tin Lành), Tổng hội thánh Tin Lành Báp Tít Việt Nam (Ân điển Nam phương), Hội thánh Tin Lành Báp Tít Việt Nam (Nam phương), Hội thánh Tin Lành Memonite Việt Nam, Hội thánh Tin Lành Liên hữu Cơ Đốc, Hội thánh Tin Lành Trưởng Lão Việt Nam, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh Tây Ninh, Hội đồng Sư cả Chăm Bani tỉnh Ninh Thuận, Hội đồng Tinh thần tôn giáo Baha’i Việt Nam, Ban Trị sự Trung ương Tịnh độ Cư sĩ Việt Nam Phật hội, Đạo hội Tứ ân Hiếu nghĩa, Ban Trị sự các chùa đạo Bửu sơn Kỳ hương, Hội đồng Trưởng lão Phật đường Nam tông Minh Sư đạo, Ban Quản trị Trung ương Minh lý đạo Tam Tông miếu.

Có thể nói, ở Việt Nam trên 80% dân số có thực hành các nghi thức của các tôn giáo khác nhau, từ tôn giáo truyền thống dân tộc (không có tổ chức giáo hội) đến các tôn giáo có tổ chức giáo hội. Các tôn giáo có tổ chức giáo hội ở nước ta hiện nay có khoảng 23 triệu tín đồ, với khoảng 80.000 chức sắc, nhà tu hành; cơ sở thờ tự của các tôn giáo có khoảng 26.000 cơ sở. Hệ thống đào tạo chức sắc của Phật giáo có 4 Học viện Phật giáo, 6 lớp Cao đẳng Phật học và 32 trường Trung cấp Phật học; Công giáo có 6 Đại chủng viện và 2 phân hiệu của Đại chủng viện ở giáo phận Xuân Lộc (Đồng Nai) và giáo phận Bùi Chu (Nam Định); đạo Tin Lành đã có 1 Viện Thánh kinh Thần học của Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam); đạo Cao Đài và Phật giáo Hoà Hảo đã tổ chức nhiều lớp giáo lý, hạnh đường, hạnh đức tại các cơ sở thờ tự để đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc phụ trách việc đạo…

Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo.

Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, tôn giáo đã, đang và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến đời sống văn hoá, chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước cũng như khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Với 32 tổ chức tôn giáo đã được công nhận, hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có các quan hệ với các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội từ thiện, tổ chức phi chính phủ ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời có quan hệ hướng dẫn, trợ giúp về mặt tâm linh, tôn giáo với các cộng đồng tín đồ là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và cả một bộ phận tín đồ là người nước ngoài. Chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo Việt Nam hiện nay đều là công dân của một đất nước độc lập, có chủ quyền, có phẩm giá và truyền thống vẻ vang, đồng thời họ cũng là hàng trí thức của cộng đồng tôn giáo nên ít nhiều ai cũng có lòng yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc… Đó là những nguồn lực, tiềm năng lớn và là một kênh quan trọng cần mở rộng và phát huy trong công tác đối ngoại nhân dân, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về quan hệ quốc tế của các tôn giáo, hiện nay hầu hết các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có bộ máy chuyên trách hoặc phân công người chuyên trách lo công tác đối ngoại hay quan hệ quốc tế của tôn giáo đó. Cụ thể như Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Ban Phật giáo Quốc tế phụ trách hoạt động đối ngoại của Giáo hội và Giáo hội đã có quan hệ Phật sự với hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, đại diện của Giáo hội tham gia làm Phó Chủ tịch tổ chức Phật giáo thế giới vì hoà bình; Hội đồng Giám mục Việt Nam có phân công người trong Văn phòng Hội đồng Giám mục theo dõi hoạt động đối ngoại, HĐGM Việt Nam cũng tham gia là thành viên của Liên Hội đồng giám mục châu Á, nhiều toà Tổng giám mục, toà giám mục giáo phận có quan hệ kết nghĩa với các toà tổng giám mục, toà giám mục ở một số quốc gia…; 9 Hội thánh Tin Lành đã được công nhận về mặt tổ chức ở Việt Nam đều có quan hệ quốc tế với các tổ chức Tin Lành và các tổ chức xã hội từ thiện ở nhiều nước, nhất là Bắc Âu, Mỹ, Hàn Quốc…

Cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, trong những năm qua các hoạt động tôn giáo quốc tế và đối ngoại nhân dân của các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng được quan tâm, tăng cường và có bước phát triển mới. Nếu năm 2005 có 334 chức sắc tôn giáo xuất cảnh, tham gia các hoạt động trao đổi, đối ngoại tại các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế, trong đó Phật giáo có 179 vị, Công giáo có 149 vị, Tin Lành có 12 vị, Cao Đài có 2 vị, Hồi giáo có 2 vị thì đến năm 2008 con số này đã tăng lên gấp đôi, với hơn 600 chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo đã xuất cảnh tham gia các hoạt động tôn giáo, văn hoá, khoa học, xã hội ở nước ngoài.

Một số hoạt động đối ngoại nhân dân tiêu biểu của tôn giáo trong thời gian qua, như năm 2008 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, Mặt trận tổ chức thành công rực rỡ Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2008, PL. 2552, do Chính phủ Việt Nam đăng cai và Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy ban Tổ chức Quốc tế đồng tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của hơn 2000 khách quốc tế cùng hàng chục phái đoàn Phật giáo nước ngoài; tham dự Đối thoại về Hợp tác giữa các tôn giáo vì Hòa bình và Hòa hợp lần thứ IV tại Campuchia; tham dự Đối thoại tín ngưỡng Á – Âu (ASEM) lần thứ 4 tại Amsterdam – Hà Lan; tham dự Đại hội Sakyadhita (Đại hội Phụ nữ Phật giáo Quốc tế) lần thứ 10 tổ chức tại Ulabator, Mongolia (Mông Cổ); tổ chức Đoàn Giáo phẩm cấp cao của Giáo hội thực hiện một số chuyến thăm Hoằng pháp tại các nước Châu Âu; tham dự Hội nghị Hiệp hội các Trường Đại học Phật giáo Quốc tế; tham dự Hội thảo về giáo dục và đạo đức được tổ chức tại Trường Đại học Maha Chulalongkron – Vương quốc Thái Lan;  tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ V tại Kobe – Nhật Bản.

Đặc biệt, với tinh thần từ bi cứu khổ của Đạo Phật và đạo lý tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, khi nhân dân các nước Nam Á bị thảm hoạ động đất và sóng thần, cuối năm 2004 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra Thông bạch vận động tăng ni, Phật tử và các nhà hảo tâm phát tâm ủng hộ nhân dân các nước Nam Á bị động đất, sóng thần với giá trị hàng chục tỷ đồng. Số tiền này, Giáo hội đã trao trực tiếp cho các Đại sứ quán và Lãnh sự quán các nước Nam Á tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh hoặc cử phái đoàn sang cứu trợ, ủng hộ trực tiếp tại các nước. Cũng trên tinh thần đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã ra Thông bạch số 216 ngày 26.5.2008 vận động các Ban, Viện của Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo, chư tôn đức tăng ni, Phật tử và các nhà hảo tâm ủng hộ tài chánh, phẩm vật cứu trợ nhân dân Myanmar và nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc bị thiên tai và động đất với giá trị hàng tỷ đồng, qua đó tăng cường tình hữu nghị, trợ giúp lẫn nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mianma và nhân dân Trung Quốc.

Bên cạnh đó trong năm 2008 Giáo hội đã tổ chức tiếp đón hàng chục phái đoàn Phật giáo quốc tế thăm hữu nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam như: Hội Liên minh Phật giáo Lào; Giáo hội Tăng già Khất sĩ Thế giới tại Hoa Kỳ; Đạo tràng Mai thôn ở Cộng hoà Pháp; Hội đồng Tu Đài Bắc – Đài Loan; Đoàn Phật giáo Nhật Bản; phái đoàn Phật giáo Bultan; tiếp Quốc vương Shihamoni – Vương quốc Campuchia thăm chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; tiếp HT. Thích Huyền Diệu – Trụ trì Việt Nam Phật quốc tự tại Bồ Đề Đạo tràng (Ấn Độ), Lumbini (Népal), Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới về thăm Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh; tiếp phái đoàn Phật giáo Srilanka thăm Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội;  Hòa thượng Kono Taisu (Trưởng đoàn) cùng phái đoàn Phật giáo Nhật Bản viếng thăm và giao lưu với Văn phòng Tỉnh hội và Trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa; tiếp phái đoàn Tự do Tôn giáo – Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; phái đoàn Hoàng gia Thái Lan do Ngài Chalermpon Akeru (Thẩm phán Tòa án Hiến Pháp) làm Trưởng đoàn viếng thăm Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Đồng Nai; phái đoàn Đại sứ quán các nước: Canada, New Zealand, Na Uy và Thụy sĩ đã viếng thăm và làm việc với Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh Kon Tum; tiếp đón ông Butan Gyalwang Drukpa đời thứ XII cùng các Nhiếp chính vương và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa viếng thăm Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và một số cơ sở tự viện của Giáo hội. v.v… Qua đó, đã khẳng định vị thế của GHPGVN đối với dân tộc, tạo được uy tín, niềm tin đối với tăng ni, phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, cộng đồng Phật giáo thế giới cũng như chính phủ và nhân dân các nước có Phật giáo đối với Phật giáo và nhân dân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển…

Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Tp. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã tham gia tích cực nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân và có tiếng nói khẳng định chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời tham gia đóng góp ý kiến trong các diễn đàn, hội nghị khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao hình ảnh tốt đẹp của Việt Nam với bạn bè quốc tế, như tham dự Hội nghị “Hiểu biết và hợp tác liên tôn giáo vì một thế giới hoà bình”, “Đối thoại tín ngưỡng ASEM” lần thứ II tại Cộng hoà Síp (2006); Hội nghị “Xây dựng cầu nối: Đối thoại Liên tôn giáo Khu vực châu Á – Thái Bình Dương” lần thứ III (2007); Hội nghị đối thoại liên tôn giáo hợp tác vì hoà bình và hoà hợp lần thứ IV, Hội nghị đối thoại tín ngưỡng Hồi giáo thế giới lần thứ II tại Ả Rập Xê Út, Hội nghị chuyên đề về sự nối mạng để phát triển: Vai trò của các tổ chức phi Chính phủ Hồi giáo ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương tại Singapore, Hội nghị chuyên đề: Xác định kinh tế, văn hoá, xã hội để xác lập đề án giúp đỡ cho cộng đồng dân tộc thiểu số Muslim khu vực châu Á Thái Bình Dương (năm 2008)…

Có thể khái quát về các hoạt động đối ngoại nhân dân của các tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian quan được tập trung ở một số nội dung và hình thức chủ yếu sau:

– Tổ chức, đón tiếp và làm việc với các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở các nước đến thăm, trao đổi chuyên môn, thống nhất nội dung phối hợp cộng tác trong hoạt động tôn giáo và các hoạt động văn hoá, xã hội, giáo dục, từ thiện khác, đồng thời giúp họ tìm hiểu về đất nước, con người, chính sách pháp luật của Việt Nam…;

– Tổ chức, đón tiếp và làm việc (có kế hoạch trước hoặc đột xuất) với các tổ chức, cá nhân thuộc chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài đến thăm, làm việc, thống nhất nội dung hợp tác trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, từ thiện,… và tìm hiểu về Việt Nam;

– Tổ chức, kêu gọi bà con tín đồ, đạo hữu và các nhà hảo tâm trong nước quyên góp ủng hộ nhân dân các nước bị thảm hoạ do thiên tai như động đất, sóng thần, lụt lội…

– Phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tôn giáo của cá nhân, tổ chức nước ngoài đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Việt Nam (Tin Lành, Phật giáo, Công giáo…).

– Tổ chức các đoàn đi thăm quan, giao lưu, trao đổi, giới thiệu và hợp tác về các nội dung tôn giáo, văn hoá, xã hội, từ thiện… với các tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo khu vực và quốc tế…

– Tham gia là thành viên hoặc là lãnh đạo của các tổ chức tôn giáo khu vực hoặc quốc tế (VD: Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia là thành viên tổ chức Phật giáo Hoà bình Thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tham gia là thành viên của tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục châu Á; GS.TS Lê Mạnh Thát tham gia là thành viên Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC) Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc và là Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học Phật giáo thế giới…).

– Tham gia các Diễn đàn, Hội nghị, Hội thảo… trong khu vực và quốc tế, để trao đổi, thảo luận về vấn đề tôn giáo và các vấn đề xã hội, an ninh, chống khủng bố, phát triển quan hệ hữu nghị, bảo vệ hoà bình thế giới, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu,… mà thế giới đang quan tâm;

– Tham gia các Diễn đàn, hội nghị của Liên Hợp quốc và các cơ quan của Đại hội đồng Liên Hợp quốc để giới thiệu và bảo vệ chính sách tự do tôn giáo và thành tựu bảo vệ, phát triển nhân quyền của Việt Nam…

– Thăm hỏi, phục vụ sinh hoạt tâm linh tôn giáo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cả sinh hoạt tôn giáo của một phận người nước ngoài là tín đồ tôn giáo…

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách pháp luật về tôn giáo, chính sách đối ngoại và chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài của Đảng và Nhà nước ta. Căn cứ vào thực tiễn và kết quả các hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức tôn giáo trong thời gian qua, cũng như căn cứ vào đặc điểm và những thế mạnh riêng có của các tổ chức tôn giáo, xin đề xuất một số nội dung cần phát huy trong hoạt động đối ngoại nhân của các tôn giáo Việt Nam gồm:

Một là, tham gia tuyên truyền, khẳng định và bảo vệ chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời tham gia đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc, vu cáo Nhà nước Việt Nam đàn áp, không tôn trọng tự do tôn giáo, không đảm bảo nhân quyền của các thế lực xấu, phản động trong các diễn đàn hội nghị khu vực, hội nghị quốc tế và khi tham dự các hoạt động tôn giáo, hoạt động xã hội, từ thiện, văn hoá ở nước ngoài;

Hai là, thông qua các sinh hoạt tôn giáo gắn với hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần tăng cường, mở rộng tình hữu nghị, chân thành và sự hợp tác tin cậy giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới trên tinh thần đa dạng hoá, đa phương hoá và Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong khu vực và trên thế giới;

Ba là, tranh thủ tối đa các nguồn lực của chính phủ, nhân dân và bạn bè quốc tế để xây dựng, phát triển và hiện đại hoá đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam;

Bốn là, tranh thủ tối đa sự ủng hộ về vật chất, tinh thần, pháp lý của Chính phủ, các tổ chức Quốc tế, các tổ chức tôn giáo, các tổ chức phi Chính phủ, các cộng đồng tôn giáo và nhân dân tiến bộ các nước trên thế giới ủng hộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá – hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của nước ta vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh“. Đặc biệt, nếu được Mặt trận và các cơ quan hữu quan khác hướng dẫn, hỗ trợ thì các tôn giáo Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế và sức mạnh riêng trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; chống bá quyền nước lớn, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, sử dụng hợp lý các nguồn nước, bảo vệ hoà bình trong khu vực và trên thế giới… thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong khu vực, quốc tế, Liên Hợp quốc và các hoạt động đối ngoại nhân dân khác;

Năm là, thông qua các hoạt động đối ngoại nhân dân của các tôn giáo Việt Nam góp phần vào việc mở mang các giá trị và văn hoá Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới vì nhiều giá trị của tôn giáo Việt Nam cũng đồng thời là các giá trị văn hoá Việt Nam. Đây cũng là một đặc trưng và là thế mạnh riêng của nhiều tổ chức tôn giáo mà ít có tổ chức nào có được lợi thế đó;

Sáu là, góp sức cùng các kênh đối ngoại nhân dân khác hỗ trợ tích cực và chủ động cho công tác đối ngoại của Đảng, hoạt động ngoại giao của Nhà nước vì mục tiêu chung của đất nước là Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

 

(*) ThS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân tộc và Tôn giáo, Uỷ viên Thường trực Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.