THI KỆ  VÀ THỦ PHÁP VĂN HỌC  CỦA THI KỆ THỜI LÝ   

11/ 11/ 2017 15:40:28

THI KỆ  VÀ THỦ PHÁP VĂN HỌC  CỦA THI KỆ THỜI LÝ 

PGS.TS. Nguyễn Phạm Hùng

(Đại học Quốc gia Hà Nội)

1. Thi kệ

Trong thơ ca Phật giáo, các nhà nghiên cứu quan tâm nhất đến “thi kệ” (kệ thơ), được xem là hạt nhân của loại văn học này. Nội dung chính của thi kệ là trình bày giáo lý nhà Phật và sự giác ngộ của người tu hành. Theo Lao Tử, Thịnh Lệ trong Nho Phật Đạo bách khoa từ điển, “kệ” là “thể văn Phật giáo. Còn gọi là “tụng”, “già đà”…, nói chung là do 4 câu tổ thành. Có các loại 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 32 chữ. Là văn vần, loại thể tài giống như thơ. Dùng để truyền bá giáo lý Phật pháp”[1]. Cũng có cách giải thích khác chút ít: “Kệ: Giathà, đọc là Già – tha, Già – đà, dịch là tụng phúng, gồm 4 câu với số chữ nhất định trong một câu. Tụng là mĩ ca. Già – đà là dùng nhiều mĩ từ liên tiếp để ca ngợi công đức Phật, Bồ tát, để nói đại ý của một thời kinh, của một cuộc thuyết pháp hoặc bày tỏ lòng cảm mến, lòng tin tưởng đối với Tam bảo. Già – đà: Loại kệ có tính giáo huấn gọi là kiệtKiệt là thực tóm hết ý nghĩa… Thâu tóm hết nghĩa nên gọi là kệ.”[2] Kệ cũng có nhiều loại: “Thông kệ: Bất kể là viết thành hàng dài, nhưng chỉ lấy 32 chữ thành bài kệ. Đó là phép đếm kinh của người Thiên Trúc…. Biệt kệ: Tuỳ câu có 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ… nhưng đều do 4 câu hợp thành.”[3]

Trong thơ ca Phật giáo Trung Quốc, còn một loại kệ có sử dụng cả âm nhạc để diễn xướng, là “kệ tán”, hay còn gọi là “phạm bại”, “tụng tán”: “Phạm bại: Âm nhạc Phật giáo, tức bài “kệ tán”, “tụng tán”. Là loại âm nhạc có đầy đủ tính chất ngâm tụng, bắt nguồn đầu tiên từ Ấn Độ cổ đại, bao gồm cả hai bộ phận ca tán và vịnh kinh. Sau khi truyền vào Trung Quốc, vịnh kinh dần dần biến thành “chuyển độc”, chuyên lấy vịnh kinh làm chính. Ca tán còn là “xướng kinh” (hát kinh), hoặc là “xướng tán” (hát tán), nhưng vẫn gọi là phạm bại. Sau khi được Tào Thực đổi thành loại 7 tiếng thì “phạm bại” kết hợp với tập quán Trung Quốc mà trở thành một loại ca khúc, âm điệu lên xuống trầm bổng, có ý vị sâu xa, thành riêng một loại ca khúc, khiến người nghe xúc động, nảy nở tình cảm tôn kính, lắng dịu sâu xa.”[4]

Thơ ca Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều bài “kệ tán”, “kệ tụng”, nhưng việc sử dụng yếu tố âm nhạc như thế nào hiện chưa được xác định rõ ràng. Có thể yếu tố âm nhạc không được sử dụng ở loại văn này, mà nó thường chỉ là các bài thơ tán tụng dùng để xem, để đọc chứ không phải dùng để biểu diễn, ca xướng.

“Thi kệ” thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa Phật giáo và văn học, mà ở đó rõ nhất là mỗi quan hệ giữa Phật giáo Thiền tông và thơ ca. Về điều này, các tác giả củaNho Phật Đạo bách khoa từ điển viết: “Thơ thuộc văn học, Thiền thuộc tôn giáo. Hai lĩnh vực này hứng thú cách nhau rất xa. Nhưng chúng đều cần phải có sự thể nghiệm nội tâm nhạy bén, đều chú trọng gợi mở và dẫn dụ bằng hình tượng, theo đuổi một loại ngôn ngữ ý tại ngôn ngoại, do vậy giữa chúng vẫn có chỗ tương thông với nhau. Đặc biệt là vào thời Đường – Tống, ảnh hưởng của Thiền đối với thơ và nhà thơ là rất to lớn. Thi nhân đàm luận về Thiền, tham Thiền. Trong thơ có Thiền, Thiền sư và nhà thơ cùng nhau xướng hoạ, ngâm vịnh, lấy thơ để quán chiếu thế gian, quan hệ giữa Thiền và thơ được phát huy mạnh mẽ. Quan hệ giữa Thiền và thơ thể hiện chủ yếu ở chỗ Thiền thẩm thấu đơn hướng vào thơ. Đó là lấy Thiền nhập thi, lấy Thiền dụ thi.”[5]

Tuy nhiên, đây chỉ là một quan điểm. Chúng tôi cho rằng mối quan hệ đó không phải chỉ “đơn hướng” như vậy, mà là “song hướng”, tức có sự tương tác, qua lại giữa thi ca và Phật giáo, mà ở đây giáo lý Phật giáo tồn tại như là yếu tố nội dung, còn thi ca là hình thức biểu đạt. Hai cái này quan hệ với nhau không thể chỉ là “đơn hướng được”.

Chính vì xuất phát từ quan điểm “đơn hướng” ấy, các học giả Trung Quốc rất chú trọng quan sát hai vấn đề căn bản nhất của thơ ca Phật giáo, đó là vấn đề “dẫn Thiền nhập thi” 引 禪 入 詩  và vấn đề “dẫn Thiền dụ thi” 引 禪 誘 詩  . Theo cách giải thích của các học giả Trung Quốc, “dẫn Thiền nhập thi” tức là gián tiếp hay trực tiếp dẫn nhập Thiền lí, đứa cảm xúc Thiền vào trong thơ, từ đó mà khiến cho thơ ca Trung Quốc vốn mang tính đạm bạch hài hoà, càng được thể hiện ra đầy đủ trong thơ. Chẳng hạn như bài thơ Lộc sài của nhà thơ đời Đường là Vương Duy đã đem cảnh u tịch của núi rừng vào cái hư không của tâm linh đã hoà thành một thể hữu cơ. Đương nhiên, loại thơ này cũng một mực theo đuổi Thiền vị mà đánh mất cái “trực lộ”, nên đã đánh mất cái bản tính và giá trị thẩm mĩ của thơ. Còn “dẫn Thiền dụ thi” tức là lấy Thiền lí, cảm xúc Thiền để thâm nhập vào thơ, để đánh giá thơ cao thấp, để bình luận về thơ. Nhà thơ đời Tống Tô Thức đã thường dùng phương thức tham chiếu Thiền để thể nghiệm thưởng thức, sáng tác, tìm cầu một loại ý vận mà ngôn ngữ thơ ca không có cách nào đi đến tận cùng được.  Nghiêm Vũ đời Tống còn lấy 3 đẳng cấp Đại thừa, Tiểu thừa và quả Bích chi Phật của Thiền để làm tiêu chuẩn đánh giá cao thấp về thơ. Hơn nữa, ông còn nhấn mạnh thi đạo và Thiền đạo, coi trọng ở sự diệu ngộ, nhấn mạnh ở tính co giãn và dung lượng của ngôn ngữ thi ca, lấy sắc thái thần bí của Thiền để khoác thêm một tầng đa nghĩa, một tấm áo ngoài đa tầng thứ của nghệ thuật thơ ca, mang lại cho người ta một sự gợi mở vô hạn. Dẫn Thiền dụ thi là mang Thiền lí, cảm xúc Thiền vào thơ, nói về thơ, đã làm phong phú và phát triển thêm nội dung và hình thức của nghệ thuật thơ ca.

Nhưng nếu đứng từ quan điểm “song hướng”, tức nhìn nhận mối quan hệ tương hỗ giữa “thi ca” và “Thiền học”, thì rõ ràng chúng ta còn phải thấy chiều ngược lại, tức là vai trò của thi ca đối với việc trình bày các tư tưởng Phật giáo Thiền tông, vai trò của thi ca trong thơ ca Phật giáo nói chung, trong “thi kệ” nói riêng. Có như vậy chúng ta mới thấy được những đóng góp của Phật giáo cho sự phát triển của văn học và ngược lại. Điều này sẽ cho phép chúng ta quan tâm tới việc các Thiền sư – thi sĩ đã vận dụng một cách tinh tế và hiệu quả các thủ pháp văn học trong việc trình bày giáo lý nhà Phật, góp phần đắc lực trong việc truyền đạo và giảng pháp.

  1. Các thủ  pháp văn học trong thi kệ  thời Lý

Tư  tưởng giáo lý và những cách thể hiện nghệ thuật trong thi kệ thời Lý đều có tính tiêu biểu cho thi kệ Việt Nam. Thi kệ thời Lý tập trung trình bày, diễn đạt nhiều nội dung khá phong phú của giáo lý Phật giáo, nhiều tư tưởng và triết lý Phật giáo. Để trình bày những nội dung đó, các thi sĩ Thiền thời Lý đã sử dụng hàng loạt những thủ pháp nghệ thuật như tượng trưng, ước lệ, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, vấn đáp, nghi vấn, phủ định, khẳng định… Qua đó, nhiều thi kệ đã tạo nên được những hình tượng thơ đặc sắc, có sức truyền cảm cao.

2.1. Thủ pháp tương trưng, ước lệ

Đây là thủ pháp nghệ thuật được vận dụng khá phổ biến và rất thành công trong thi kệ. Sư Viên Chiếu là một trong những thi sĩ ưa sử dụng các thủ pháp văn học có tính tượng trưng, ước lệ để nói về giáo lý. Giải thích cho câu hỏi “Phật và Thánh, nghĩa là thế nào?”, nhà sư không dùng lời lẽ tư biện để chỉ ra rằng bản chất Phật và Thánh không hề khác nhau mà chỉ có những biểu hiện khác nhau ở những hoàn cảnh khác nhau mà thôi. Nhà sư không trực tiếp giải thích rằng chúng chỉ khác nhau ở cái biểu hiện, nhưng chúng cùng giống nhau ở cái bản chất, mà ông dùng hình ảnh hoa cúc vàng dưới giậu trong tiết trùng dương và chim oanh hót đầu cành giữa mùa xuân ấm để diễn đạt:

Ly hạ  trùng dương cúc

Chi đầu noãn nhật oanh

(Hoa cúc tiết trùng dương nở chân giậu

Chim oanh ngày trời ấm hót  đầu cành)

Dường như tất cả những thông điệp huyền bí của đạo Thiền đều được hàm ẩn bên trong những bức tranh thơ rất đẹp về thiên nhiên và hoa lá như thế này:

– Xuân chức hoa như cẩm

Thu lai diệp tự  hoàng

(Xuân dệt hoa như gấm

Thu thêu lá đốm vàng)

– Xuân hoa dữ  hồ điệp

Cơ luyến cơ tương vi

(Hoa xuân và bươm bướm

Hầu quyến luyến nhau lại hầu rời xa nhau)

“Đây vốn là những ám dụ giảng giải cho đệ tử về lẽ đạo chứ không phải là cốt để tả cảnh thiên nhiên. Quan niệm về sự tương đồng giữa vạn vật, mà ở đây là sự tương đồng giữa vạn vật và con người, đã đưa tới sự xóa bỏ ranh giới giữa chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức. Sự xóa bỏ ranh giới, sự hòa đồng giữa con người và thiên nhiên ở đây đã là cơ sở cho những tứ thơ độc đáo và những hình tượng rất sinh động”[6].

Trong các công án, những khái niệm căn bản của Thiền tông được đề cập đến và giải thích một cách đầy thi vị qua những vần thơ giàu hình ảnh và sống động  như những “cơ phong” nhằm đánh vào trực giác nhận thức của người học đạo. Nhìn chung các thủ pháp văn học khác nhau được sử dụng để trình bày một tư tưởng Phật giáo trong thi kệ thời Lý đã khiến cho việc thể hiện tư tưởng này thêm phần phong phú, sinh động và hiệu quả đối với người học đạo. Và nó cũng phần nào nói lên sự khác nhau trong tâm trạng của các nhà sư – thi sĩ đó.

Còn sư Thiền Lão lại nói về tư tưởng “vô phân biệt” của đạo  thông qua hình ảnh tượng trưng, ước lệ về sự “vô phân biệt” của nhật nguyệt, của quá khứ, hiện tại hay vị lai, để yêu cầu con người học đạo mở con mắt “vô phân biệt” mới giác ngộ được lẽ đạo:

Đãn tri kim nhật nguyệt,

Thùy thức cựu xuân thu

(Biết thời gian của hôm nay,

Xuân xưa, thu cũ ai hay biết gì)

Theo ông, muốn nhận biết được “vẻ chân toàn vẹn” thì không thể câu chấp vào những biểu hiện bên ngoài của hoa, của trúc, mà phải nhìn thấu bản chất của sự vật hiện ra như “mây trắng, trăng trong”:

  Thúy trúc, hoàng hoa, phi ngoại cảnh,

  Bạch vân, minh nguyệt, lộ  toàn chân.

(Trúc biếc, hoa vàng chẳng phải là cảnh ngoài,

Mây trắng, trăng trong, lộ vẻ chân toàn vẹn.)

Bài thi kệ của sư Mãn Giác được xem là một trong những bài tiêu biểu nhất cho tư tưởng này. Trong bài thi kệ này, tác giả sử dụng rất thành công các thủ pháp tượng trưng, ước lệ để trình bày một cách sinh động cái bất biến của bản thể trước sự vạn biến của đời người và cảnh vật:

Xuân khứ  bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sư trục nhãn tiền quá,

Lão tòng đầu thượng lai.

Mạc vị  xuân tàn hoa lạc tận,

  Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

(Xuân ruổi, trăm hoa rụng,

Xuân tới, trăm hoa cười.

Trước mắt việc đi mãi,

Trên đầu già đến rồi.

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua sân trước một cành mai.)

Rõ  ràng, tượng trưng, ước lệ là thủ pháp văn học ưa dùng của các nhà sư, bởi nó có  tác dụng đánh mạnh vào trí tưởng tượng của người học đạo.

2.2. Thủ  pháp so sánh, ẩn dụ, hoán dụ

Bên cạnh nghệ thuật tượng trưng, ước lệ, phải nói đến các thủ pháp so sánh, ẩn dụ và hoán dụ. Các thủ pháp này cũng thường được các nhà sư sử dụng và có hiệu quả rất cao. Thiền sư Vạn Hạnh nói về cái bản thể trường tồn của đạo trong sự so sánh nó với cái hữu hạn và ngắn ngủi của đời người, của vạn vật trong bài kệThị đệ tử nổi tiếng:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

(Thân như chớp bóng, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.)

Sư  Ngộ Ấn nói về cái bản thể trường tồn bất diệt của đạo Phật bằng sự so sánh, ví von với “ngọc bị thiêu trên núi”, “sen bị đốt trong lò” mà không hề thay đổi:

Diệu tính hư vô bất khả phan,

Hư vô tâm ngộ đắc hà nan.

Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,

Liên phát lô trung thấp vị  can.

(Cái thể tính thần diệu, hư vô, khó lòng vin tới,

Khi tâm hư vô sẽ hiểu được diệu tính chẳng khó gì.

Giống như ngọc trên núi bị thiêu, mà màu vẫn tươi mãi,

Cũng giống như sen trong lò vẫn ướt,chẳng khô.)

Có  người dùng so sánh, ẩn dụ để trình bày sự  giác ngộ về lẽ “sắc không”, như nhà  sư Huệ Sinh:

Tịch tịch Lăng Già nguyệt,

Không không độ hải chu.

(Lặng lẽ như vầng trăng trên núi Lăng Già,

Hư không như con thuyền vượt biển.)

Sư Huệ Sinh còn nói về sự xâm nhập, chuyển hoá giữa nước với lửa, vốn đối lập nhau song lại rất thống nhất để ấn dụ về việc chúng khác nhau đấy nhưng bản thể của chúng lại luôn giống nhau đấy:

Thủy hỏa nhật tương kham,

Do lai vị khả đàm.

Báo quân vô xứ sở,

Tam tam hựu tam tam.

( Nước và lửa ngày ngày thâm nhập lẫn nhau,

Nguồn gốc của chúng không thể bàn đến được.

Báo cho anh biết chúng không có xứ sở,

Mà  chỉ là cái nhất như và nhất như mà thôi.)

Sư  Chân Không nhẹ nhàng với những vần thơ thiên nhiên có tính biểu tượng, đầy ý vị Thiền:

Xuân lai, xuân khứ, nghi xuân tận,

Hoa lạc, hoa khai, chỉ thị  xuân.

(Xuân qua lại, ngỡ xuân tàn,

Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân.)

Khẳng định sự bất biến của bản thể chân như, của  đạo pháp là một cảm hứng lớn trong thi kệ thời Lý. Các thi sĩ Phật giáo đã sử dụng nhiều thủ pháp văn học khác nhau khi trình bày giáo lý, khiến cho lời kệ bớt phần khô khan, nhàm chán, mà nhiều khi còn tạo nên những hình tượng thơ đẹp đẽ và kỳ bí. Thiền sư Đạo Hạnh dùng hình ảnh anh nhà giàu có ngựa nhưng không cưỡi mà đi bộ để ẩn dụ cho việc kẻ tu đạo máy móc, câu nệ, nên khó mà giác ngộ được chân lý:

 Phú nhân hữu câu tử,

 Bộ hành bất ky câu.

(Như anh nhà giàu có con ngựa quý,

Lại  đi bộ mà không cưỡi ngựa.)

    Thiền sư Không Lộ thiền sư nói tới cái khí  thế “xông trời thẳm” đầy khí phách và  tinh thần tự tin của người tu hành khi chứng nhập Thiền lý:

Hữu thời trực thướng cô phong đính

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

(Có khi xông thẳng lên  đầu núi

Một tiếng kêu vang lạnh cả  trời)

Nghệ  thuật so sánh, ẩn dụ, hoán dụ có tác dụng to lớn trong việc tác động vào khả năng liên tưởng, óc tưởng tượng, sự suy xét phán đoán của người học đạo.

  1. Thủ pháp nghi vấn

Để khẳng định chân lý, Phật giáo rất khuyến khích người học đạo tạo cho mình một thái độ hoài nghi mang tính triết học. Vì thế, trong thi kệ chúng ta thường hay gặp các nhà sư thường sử dụng thủ pháp nghi vấn. Sư Khuông Việt đã dùng hình thức nghi vấn để giác ngộ học trò về sự “vô phân biệt” trong nguồn gốc của lửa:

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa thục hoàn sinh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toàn tại hà  do manh?

(Trong cây vốn có  lửa,

Gốc lửa tái sinh không ngừng.

Nếu nói cây lấy lửa,

Thì lửa  ở đâu ra?)

Thiền sư Đạo Hạnh cũng hay dùng nghi vấn để nói về sự “vô phân biệt”, khi yêu cầu người tu đạo không câu chấp, không “hữu phân” giữa “hữu” và “vô”:

Tác hữu trần sa hữu,

Vi không, nhất thiết không.

Hữu không như thủy nguyệt,

Vật trước hữu không không.

(Có  thì có tự mảy may,

Không thì cả  thế gian này cũng không.

Vầng trăng vằng vặc in sông,

Chắc chi có  có không không mơ màng.)

Bài này tương truyền do sư Huyền Quang thời Trần dịch.

Tinh thần hoài nghi triết học của Thiền được sự trợ giúp của thủ pháp nghi vấn giúp cho các Thiền sư diễn tả những triết lý sâu sắc của đạo một cách đầy hiệu quả qua nhiều thi kệ thời này.

  1. Thủ pháp khẳng định

Khẳng định sự trường tồn của Phật pháp, của thế  giới chân như, của bản thể… là cái đích của nhận thức chân lý. Bản thể chân như, cái gốc nguồn bất diệt và bất biến của đạo trong thế giới hằng biến là một luận đề được truyền giảng rất nhiều trong các bài thi kệ của các nhà sư thời Lý. Nó chính là cái “bản lai diện mục” luôn đòi hỏi người học đạo phải biết mở “con mắt trong trẻo như trẻ thơ” (Nhãn tinh đồng tử thần) để giác ngộ. Trong thi kệ, khẳng định được xem là một thủ pháp nghệ thuật của loại thơ duy lý này.

Lý  Thái Tông khẳng định “pháp tính vốn tương đồng” của Phật pháp, cũng là một biểu hiện của cái bản thể chân như ấy:

Bát Nhã chân vô tông,

Nhân không, diệc ngã không.

Quá, hiện, vị lai Phật,

Pháp tính bản tương đồng.

(Ánh sáng trí tuệ không có nguồn gốc nào cả,

Người là không mà ta cũng là không.

Phật trước, nay, sau nữa,

Pháp tính vôn tương đồng.)

Nhiều người dùng thủ pháp khẳng định để trình bày tư tưởng “vô phân biệt”, như các nhà sư Định Hương, Vạn Trì Bát, Lê Thị Ỷ Lan… Nhà sư Định Hương nói về tư tưởng “vô phân biệt” giữa “chân và huyễn” bằng cách khẳng định triết lý trực tiếp:

Bản lai vô xứ sở,

Xứ  sở thị tòng chân

Chân tông như thị huyễn,

Huyễn hữu tức không không

(Đạo vốn không có xứ sở,

Xứ  sở của nó là cái chân tông.

Nếu chân tông như là hư ảo,

Thì  hữu là huyễn, mà không là không.)

Sư Vạn Trì Bát cũng khẳng định một cách trực tiếp như thế về sự “vô phân biệt” của sinh và tử:

Hữu tử  tất hữu sinh

Hữu sinh tất hữu tử…

Ư chư sinh tử bất quan hoài

Úm tô rô! Tô rô! Tất lỵ

(Có tử ất có sinh,

Có sinh ắt có tử…

Bao giờ không quan tâm tới chuyện sinh tử

Thì úm tô rô! Tô  rô! Thăng nhập)

Thủ  pháp nghệ thuật này thường không mang tính hình tượng cao, vì nó chỉ thẳng bản chất đối tượng, trực chỉ vào tâm thức người học đạo. Nhưng nó lại là một thủ pháp rất phổ biến trong thi kệ nhằm khai thị cho chúng tăng một cách trực diện nhất.

  1. Thủ pháp phủ định

Trong thi kệ thời Lý, chúng ta thấy các thi sĩ Thiền không chỉ trực tiếp khẳng định, thuyết giảng về đạo, mà còn dùng thủ pháp phủ định, nói nghịch để trình bày giác ngộ giáo lý hay giảng pháp cho học trò. Sư Khuông Việt khi trình bày tư tưởng “vô phân biệt” đã sử dụng phép phủ định để khẳng định. Ông viết:

Thủy chung vô vật diệc hư không,

Hội  đắc chân như thể tự đồng

(Không có gì là thủy, là chung, chỉ hư không là thần diệu,

Hiểu được chân như thì vạn vật và thân tâm sẽ đồng nhất)

Diệu Nhân ni sư khi nói về thái độ “vô chấp” đối với “sinh lão bệnh tử” mang tinh thần “vô phân biệt” cũng dùng thủ pháp phủ định này:

 Mê chi cầu Phật,

 Hoặc chi cầu Thiền.

 Thiền Phật bất cầu,

  Đỗ khẩu vô ngôn.

(Mê, phải cầu Phật,

Hoặc, phải cầu Thiền.

Thiền, Phật chẳng cầu,

Mỉm miệng ngồi yên.)

Có  người lại dùng thủ pháp nói nghịch như sư Giác Hải để diễn tả cái phi lý trong con mắt nhìn định kiến, hữu phân, như mái tóc bạc trên đầu cô gái trẻ, nhằm giác ngộ về lẽ vô phân biệt:

Bất giác nữ  đầu bạch

Báo nhĩ  tác giả thức

Nhược vấn Phật cảnh giới

              Long môn tao điểm ngạch

(Ai biết má đào mà  bạc tóc

Khuyên người cầu học hiểu cho sâu

Ví như cõi Phật hoài công hỏi

Cá vượt long môn bị  điểm đầu)

Tư  tưởng “hoà quang đồng trần” của Thiền  “Nam đốn” Trung Quốc, tinh thần “tuỳ tục” của thực tiễn đời sống đạo đã tạo cơ hội cho việc đề cao tính độc lập, tự chủ trong tu hành của các nhà sư. Những mệnh đề có tính phủ định quyết liệt, những “nghịch ngữ” với vẻ ngoài phi lí là những thủ pháp thường được các nhà sư dùng để đập vỡ những cố chấp, mê lầm của kẻ cầu đạo, như việc chủ trương “phàm thánh bất dị”, “tăng tục bất dị”, hay những lời kêu gọi có tính nghịch đề như “gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ”, kết hợp với những phương pháp mang tính phản biện cao như quát, thét, đánh… nhằm thức tỉnh ý thức tự chủ, độc lập của người học đạo, vốn là những phép tu rất phổ biến của Thiền “Nam đốn” Trung Quốc được tiếp thu vào Việt Nam, là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các thi kệ mang nội dung độc đáo này.

Để đánh vào ý thức phản tỉnh của người học đạo, nhiều nhà sư hay dùng cách “nói ngược” để giác ngộ học trò. Sư Tịnh Không đề cao tính độc lập, tự chủ của người tu hành khi viết những dòng thơ “nghịch ngữ” đầy gai góc:

              Trí  nhân vô ngộ đạo

Ngộ  đạo tức ngu nhân

Thân cước cao ngoạ  khánh

Hề  thức nguỵ kiêm chân

(Người có trí thì  không ngộ đạo

Ngộ đạo chỉ là  kẻ ngu si

Làm người khách nằm khểnh gác cao chân

Chẳng cần biết chuyện thật hay chuyện giả làm gì)

    Sư  Bảo Giám đề cao tính độc lập tự chủ, tự  giác của người tu hành cũng bằng những ẩn dụ có  tính “nghịch ngữ” rất “xốc” như sau:

Đắc thành chính giác hãn bằng tu

              Chỉ  vị lao lung trí tuệ  ưu

(Mấy ai thành Phật ở  tu hành

Chỉ trói cùm thêm trí  óc mình)

    Sư  Quảng Nghiêm để lại một trong những vần thơ  “nghịch ngữ” được người tu hành nhắc đến nhiều nhất khi nói về tư tưởng hành đạo độc lập, ý chí tự lực và tinh thần “vô phân biệt” của người tu đao:

              Nam nhi tự  hữu xung thiên chí

Hưu hướng Như  Lai hành xứ hành

(Làm trai lập chí xông trời thẳm

Theo gót Như Lai luống nhọc mình)

Trong khi giải thích Thiền lý, chúng ta còn bắt gặp trong nhiều công án vận dụng cả tri thức thực tiễn và sách vở, nhiều điển cố Nho giáo và Đạo giáo làm phương tiện khai ngộ. Nhưng thường chúng được viện dẫn một cách có chủ ý bởi những thủ pháp có tính phủ định trên.

  1. Thủ pháp vấn đáp

Vấn  đáp là một thủ pháp thường được sử dụng rộng rãi trong các ngữ lục, các công án. Tiêu biểu là các ngữ lục về sư Viên Chiếu, sư Tịnh Không, sư Thông Biện… Trong ngữ lục về sư Viên Chiếu, ngoài một số lời văn ngắn giới thiệu về cuộc đời, hành trạng và sự viên tịch của nhà sư, còn lại phần lớn dành cho việc trình bày những lời đối đáp và giảng đạo của vị sư này với các đệ tử, cả bằng văn vần và bằng văn xuôi, được đánh giá là “một tác phẩm ghi lại những đề án Thiền học”[7]. Trong ngữ lục này chúng ta thấy có 58 lời vấn đáp, cũng là 58 thoại đầu, 58 công án[8] đề cập đến 58 vấn đề rất cốt yếu cần giải thích của Thiền học. Đặc biệt là những lời vấn đáp đó lại được trình bày bằng 82 lời thơ, thường là hai câu, “đây không phải chỉ là những câu thơ, mà còn là những câu thoại đầu, những lời Thiền sư nhằm đánh thức sự tỉnh ngộ của Thiền giả”[9]. Ngữ lục về sư Tịnh Không cũng vậy. Đó chủ yếu là những lời vấn đáp giảng đạo, và những lời đối đáp bằng thơ mang phong vị Thiền học… Còn trong nhiều ngữ lục khác, lời vấn đáp được dùng là văn xuôi, nhưng thường mang nhiều yếu tố của lời nói trực tiếp.

Có  thể nói, thủ pháp vấn đáp được sử dụng một cách hiệu quả để truyền giảng và giải thích những nội dung căn bản của Phật giáo thời Lý còn lưu laị đến bây giờ. Điều đó cho thấy sức truyền cảm và khả năng thể hiện rất lớn của thi kệ thời Lý trước những vấn đề triết học Phật giáo của thời này.

Các thủ pháp văn học trong thi kệ thời Lý đã  được các thi sĩ Thiền sử dụng với một trình độ khá cao, khá thuần thục và sâu sắc. Nhờ  những thủ pháp văn học này mà các bài học giáo lý, các triết lý tôn giáo khô khan bống trở nên sinh động, không nhàm chán. Thêm nữa, đứng trên phương diện văn học, việc “dẫn Thiền nhập thi” đã tạo nên một loại thơ ca Phật giáo vừa bí ẩn lại vừa hấp dẫn không chỉ đối với người tu hành mà còn đối với đông đảo độc giả. Đồng thời việc “dẫn thi nhập Thiền” đã đem đến cho các giáo lý nhà Phật những rung cảm, những xúc động và tưởng tượng đầy chất thơ và tình người.

Việc sử dụng các tượng trưng, ước lệ, so sánh, các  ẩn dụ, hoán dụ… kết hợp với khả năng trực cảm, trực giác như những phương tiện hữu hiệu để trình bày Thiền lý đã tạo nên những hình tượng thơ ca hết sức sinh động, lung linh, huyền ảo. Đây là những thủ pháp văn học khá phổ biến của thi kệ Việt Nam . Với những đóng góp đáng kể về cách biểu đạt nghệ thuật, thi kệ thời Lý đã góp phần xây nền đắp móng cho nghệ thuật của thơ ca Việt Nam. Đồng thời nó cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của lịch sử văn học dân tộc trong thời kỳ cổ trung đại.

[1]Lao Tử, Thịnh Lệ (Chủ biên): Nho Phật Đạo bách khoa từ điển, Ly Giang xuất bản xã, 1995, Trương Đình Nguyên, Mai Xuân Hải, Trần Quyền, Nguyễn Đức Sâm, Phan Văn Các dịch, Nxb Văn học, H. 2001

2 Kim Cương Tử (Chủ biên): Từ điển Phật học Hán Việt, Phân viện Nghiên cứu Phật học XB, H. 1992

[3] Kim Cương Tử (Chủ biên): Từ điển Phật học Hán Việt, Sđd

[4] Lao Tử, Thịnh Lệ (Chủ biên): Nho Phật Đạo bách khoa từ điển, Sđd

 

[5] Lao Tử, Thịnh Lệ (Chủ biên): Nho Phật Đạo bách khoa từ điển, Sđd

[6]  Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương: Văn học Việt Nam thế kỷ X nửa đầu thế kỷ XVIII. T. I, NXB ĐH&THCN, H. 1978, tr. 89.

[7] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. T. I, Nxb Văn học (Tái bản), H. 1994, tr. 207.

[8] Công án: “Thiền gia ứng với cơ duyên mà Phật tổ giáo hóa, dùng những ngôn ngữ và tác động khác thường để thùy thị (gợi ý, chỉ giáo), người đời sau gọi là công án” (Kim Cương Tử (Chủ biên): Từ điển Phật học Hán Việt, T. I, Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, H. 1992, tr. 279). Thoại đầu công án: “Công án nói ra từ cửa miệng các vị tông sư (tông tượng). Công án là vấn đề người tham Thhiền nghiên cứu” (Kim Cương Tử (Chủ biên): Từ điển Phật học Hán Việt, T. II, Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, H. 1994, tr. 1544).

[9] Nguyễn Lang: Việt Nam Phật giáo sử luận. T. I, Sđd, tr. 206.