Thờ – Thực tính Việt Nam (tiếp theo số 8)

11/ 11/ 2017 15:43:28

          Thờ – Thực tính Việt Nam

(tiếp theo số 8)

Cư sĩ Trần Ngọc Hằng

 

5, Thờ Phật cho niềm tin giành giữ độc lập

Vị thế nước ta nằm trên đường giao lưu Bắc xuống Nam, Đông sang Tây, là mảnh đất màu mỡ có nhiều tiềm năng sinh sống, từng là nơi giành giật của nhiều thế lực xâm lược xưa nay. Do vậy việc chống ngoại xâm giành giữ độc lập là điều cốt tử, đã thành những truyền thống huy hoàng, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam ta.

Ai đã từng trải qua chiến tranh khốc liệt một mất một còn lại càng thấy hạnh phúc hơn hết khi được sống trong hòa bình, đất nước độc lập thống nhất. Chúng ta lại càng có điều kiện suy ngẫm, tri ân, phụng thờ về tổ tiên mình, về ông cha mình, đã biết bao thế hệ chiến đấu hy sinh cho mảnh đất Việt Nam yêu thương này.

Bài này người viết xin được cùng các độc giả suy ngẫm về một số điều sử sách đã nêu:

  • Dân tộc ta nhờ tiếp thu đạo Phật sớm đã hình thành nên bản lĩnh kiên cường giành giữ độc lập tự chủ, thoát khỏi khổ nạn Bắc thuộc và Tây thuộc. Đồng thời nhờ sống theo giáo lý của đạo Phật đã tạo nên tính cách bao dung, cởi mở không cố chấp, luôn hướng thiện, luôn tìm cách hài hòa cùng với thời đại và thân thiện với môi trường sống (kể cả môi trường thiên nhiên và xã hội).
  • Thời Lý – Trần, đạo Phật là quốc đạo đã làm cho văn hóa Đại Việt phát triển rực rỡ, mà đỉnh cao phát triển về trí tuệ và độc lập về tư tưởng, đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên tử. Đây quả là thách thức và chướng ngại lớn cho chủ nghĩa bành chướng Đại Hán. Do vậy nhà Minh đã tìm mọi cách vô cùng tàn bạo trong việc truy diệt, thiêu hủy sử sách và các công trình văn hóa tâm linh của ông cha ta.

Để tiện cho việc theo dõi, người viết xin lược giải vào các vấn đề trọng tâm sau:

5.1 Dân tộc ta được tiếp nhận đạo Phật trực tiếp sớm hơn các nước Đông Á

Từ trước công nguyên, Phật giáo Ấn Độ phát triển rất mạnh mẽ nhất là thời kỳ vua A Dục (273-233 TCN). Đã có nhiều thương gia là Phật tử người Ấn mang nếp sống của đạo Phật tới đất Giao Châu như việc dựng chùa, dựng am thờ Phật, tụng kinh niệm Phật và nếp sinh hoạt Phật giáo giữ giới (không sát sinh, không trộm cướp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu) từ đó đã gây thiện cảm làm cho nhiều người bản xứ noi theo. Đến đầu thiên niên kỷ miền duyên hải đông nam Ấn Độ có các trung tâm Phật giáo Đại thừa Aramavuti và Nagarijiunakoad rất thịnh vượng, từ đây xuất phát nhiều đoàn tăng sĩ cùng các thương gia Phật tử vào truyền giáo ở Giao Châu.

Dân ta vốn sống bằng nghề trồng cấy mang đặc điểm của văn hóa lúa nước, sinh sống tự cung tự cấp, không phải tìm kiếm xa xôi, không cần phải chiếm đoạt tích trữ nhiều của cải mà vẫn sống yên ổn, đã hình thành nên bản tính chất phác, hiền lành. Mặt khác thường xuyên phải chống chọi với thiên nhiên bão lũ nên rất cần sự hợp sức làm cho tư duy tổng quan phát triển như về kiến thức địa lý phong thủy,về dự báo thời tiết, thời vận, thời thế. Đây là điều kiện rất thuận lợi cho các tăng sĩ và thương gia Phật tử từ Ấn Độ thâm nhập vào đại chúng để truyền đạo. Khác với Trung Hoa thời kỳ đầu đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào gặp sự cản trở kháng cự của văn hóa Hán (Nho, Lão) đang ở thời phát triển không thể dễ truyền như vào Giao Châu, lâu dần phải lấy Giao Châu làm bàn đạp để truyền đạo Phật vào Trung Hoa. Câu thành ngữ “Hiền như Bụt” được dân ta cảm nhận ngay từ trước thiên niên kỷ, từ Bụt có gốc trong từ (Buddha) vẫn được dân ta lưu giữ hơn 2000 năm nay, còn từ Phật có gốc trong từ (Fo) theo âm tiếng Hán có ở nước ta vào thời kỳ sau.

– Căn cứ vào nguồn thư tịch cổ chữ Hán của Trung Quốc đã nêu, đạo Phật truyền vào    Giao Châu rất sớm:

Trong sách (Hồ Thích luận học câu thức – xuất bản 1935 tại Thượng hải) có nêu Phật giáo truyền từ trung tâm Luy Lâu Giao Châu (Việt Nam) rồi qua Vũ Châu tỉnh Quảng Tây tiếp đến tỉnh Quảng Đông rồi đến Bành Thành tỉnh Giang Tô cho tới Lạc Dương tỉnh Hà Nam, kinh đô nhà Hán của Trung Quốc thời trước.

Sách Hán cổ đầu tiên viết về Phật giáo là tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử (sinh năm 166) là trí thức cấp tiến xuống Phương Nam tới Luy Lâu Giao Châu theo đạo trở thành tăng sĩ, trong sách ông đã viết: tại Luy Lâu có tổ chức tăng đoàn tới năm trăm người và hai chục ngôi tháp lớn và Mâu Tử đã từng nêu “Ấn Độ mới nằm giữa trời đất và có vị trí trung hòa, vì vậy Phật đã ra đời ở nơi đó”.

Sử sách ở Trung Quốc vẫn còn lưu truyền về vị cao tăng Khương Tăng Hội sinh ở đất Giao Châu, tu học Phật ở Giao Châu rất giỏi về tiếng Phạn và Hán học, Ngài là người sáng lập Thiền học ở Giao châu, đến năm 255 Ngài tới Nam Kinh, rồi tới Lạc Dương, Bành Thành để truyền đạo 25 năm trên đất Trung Hoa.

Khương Tăng Hội cùng với Mâu tử và một số trí thức cấp tiến vào đầu thiên niên kỷ tại đất Giao Châu đã chuyển dịch kinh Phật từ tiếng Phạn ra Hán ngữ. Nghĩa là những bộ kinh sách Phật bằng chữ Hán đầu tiên được viết ở trung tâm Phật giáo Luy Lâu Giao Châu. Điều đó nói lên trung tâm Phật giáo Luy Lâu của nước ta được hình thành sớm hơn so với trung tâm Phật giáo Bành Thành và Lạc Dương của Trung Quốc.

 

5.2 Dưới tinh thần giải thoát của đạo Phật, dân ta sớm ý thức được độc lập tự chủ

Mấy nghìn năm qua dưới sự bành chướng của chủ nghĩa Đại Hán, một số quốc gia như nước Kim, nước Liêu ở Đông bắc Trung Quôc ngày nay, nước Đại Lý là Vân Nam Trung Quốc lần lượt phải quy thuộc. Song Việt Nam ta nhờ tiếp nhận đạo Phật sớm hơn Trung Quốc đã trang bị cho mình những kiến thức nhân văn vượt trội, đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường giành độc lập tự chủ không chịu khuất phục trước sự cám dỗ và trước sự đe dọa của các thế lực ngoại bang.

Trong khi các triều đại Trung Quốc ra sức thiết lập bộ máy cai trị đối với miền đất Giao Châu thực hiện chính sách Hán hóa, nhưng ngay trong lòng Giao Châu đang diễn ra xu hướng tích cực của sự Phật hóa ngày càng sâu rộng. Từ trước thiên niên kỷ trở đi Phật giáo đã thâm nhập vào tầng lớp đại chúng bình dân, từ thế kỷ thứ ba trở đi Phật giáo thâm nhập vào các tầng lớp trí thức thượng lưu, điều này đã thúc đẩy việc phổ biến chữ Hán ngày càng sâu rộng để chuyển tải kinh sách Phật ở Giao Châu. Từ thế kỷ thứ sáu trở đi thì Phật giáo ở Giao Châu đã phát triển thành những trào lưu tông phái.

– Trước nhất phải kể tới Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi, Thiền sư Tỳ ni đa lưu chi  từ Ấn Độ qua Trung Quốc tới chùa Pháp Vân (Thuận Thành – Bắc Ninh) vào năm 580.Thiền sư Tỳ ni đa lưu chi tới Giao Châu truyền dạy kiến thức về Duy thức và Bát nhã, đó là sự minh triết tuyệt diệu của đạo Phật cho việc suy xét tận cùng rốt ráo, truyền đạt về phương pháp hành Thiền (theo kinh Tượng Đầu) tìm thấy sự thấy viết không thông qua khái niệm ngôn ngữ, làm xuất hiện cái thấy biết hiện lên trong đầu không nói ra được. Thiền sư còn truyền dạy về Mật Giáo theo kinh Tổng Trì với cách thức truyền tâm ấn là sự trao truyền điều thấy biết từ thầy sang trò không qua trung gian ngôn ngữ, truyền dạy cách trì chú và ấn quyết, đó là những điều tối linh (ví như giải mật mã) để khai mở những yếu tố tiềm năng đang tàng chứa trong vũ trụ đưa về phục vụ cho mục đích giác ngộ giải thoát.

Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi có nhiều môn đệ xuất sắc như Thiền sư Pháp Thuận (mất năm 991) thuộc thế hệ thứ 10 đã nêu nguyên tắc giữ nước với vua Lê Đại Hành:

                    Quốc tộ như đằng lạc

                    Nam thiên lý thái bình                   

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

(Nghĩa là: Vận nước như dây cuốn. Trời Nam ôm thái bình. Vô vi nơi cung điện. Muôn xứ hết đao binh)

Đặc biệt sử sách xưa nay nói nhiều là Thiền sư Vạn Hạnh (mất năm 1018) thuộc thế hệ thứ 12. Thiền sư Vạn Hạnh không những rất uyên thâm về Phật học cả Phạn ngữ và Hán ngữ mà còn có kiến thức sâu rộng về Nho học như là luân lý, địa lý, phong thủy, thiên cơ, tướng số. Thiền sư đã từng phò vua trong việc đánh Tống, đánh Chiêm Thành.

Song khi thấy nhà Tiền Lê không còn xứng đáng vai trò lãnh đạo đất nước thì Thiền sư Vạn Hạnh làm một kiến trúc sư chuyển đổi Vương triều đưa phật tử Lý Công Uẩn lên làm vua và làm cố vấn đưa ra quốc sách chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long vào năm 1010 nhằm có điều kiện xây đắp nền độc lập trường tồn của dân tộc. Thiền sư Vạn Hạnh cũng là chủ thể tư tưởng của bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, về sau được Lý Thường Kiệt long trọng tuyên đọc trước ba quân ở đền Trương Hống (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trong buổi Lễ xuất quân đánh 10 vạn quân Tống do tướng Quách Quỳ, Triệu Tiết cầm đầu kéo nhau sang xâm lược nước ta:

Nam Quốc sơn hà Nam đế cư

                     Tiệt nhiên định phận tại thiên thư

  Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

                     Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

(Nghĩa là: Sông núi nước Nam vua Nam ở, Rành rành định phận tại sách trời, Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời).

Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo Ấn Độ, ít bị ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, được duy trì ở nước ta tới thế kỷ XIII gồm 19 thế hệ, Thiền sư Y Sơn (mất năm 1213) là thế hệ cuối cùng. Với hơn 600 năm tồn tại tư tưởng của Thiền phái đã thấm sâu vào dân gian Việt Nam, bồi đắp đời sống tâm linh siêu việt của Phật giáo mà lại rất gắn bó với đời sống thực tế về việc ăn ở, tôn trọng thiên nhiên, giải cứu người nghèo khổ, nhiều bậc cao tăng đã ra phò vua giúp nước.

– Tiếp sau là Thiền phái Vô Ngôn Thông, do Thiền sư Vô Ngôn Thông từ Quảng Châu qua Việt Nam tới chùa Kiến Sơ, Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào năm 820. Thiền phái thực hiện việc truyền giáo bằng phương pháp thực chứng là chính, phương pháp này mang đặc tính của Tịnh độ tông giữ cho thân tâm thanh tịnh làm nền tảng, cơ sở giác ngộ bằng việc duy trì hoạt động của tự viện theo kinh Bách Trượng, có kết hợp với Mật tông trong việc tổ chức Trai đàn chẩn tế. Việc thực chứng được dựa trên nguyên tắc phá chấp (lược bỏ những điều chấp trước ghi ấn trong đầu là những khái niệm thuộc thế giới hiện tượng mang tính giả tạm), để cho tâm địa không còn bị che lấp, thì trí tuệ được khai mở, Phật tính được phát lộ. Đây là quá trình quán chiếu để mình nhận thấy: Mình không có ngã, vật không có tự tính, sự tác động không phân biệt chủ thể và khách thể, nghĩa là tất cả đều như huyễn như hóa, trùng trùng duyên khởi, tương thuộc lẫn nhau, sinh sinh diệt diệt không ngừng nghỉ, nên không có cố đắc mà đúng phải là vô đắc. Đấy là con đường hành đạo của phái Vô Ngôn Thông, tự ngẫm không truyền qua ngôn ngữ. Đạo ở đây được hiểu như lời Thiền sư Nguyên Học (mất năm 1174) thuộc hệ thứ 11 của phái Vô Ngôn Thông đã viết:

Đạo không có hình tướng

                     Nhưng ở ngay trước mắt ta, không có gì cách xa

                     Phải trở về tự tâm mà thực hiện

                     Chứ không thể tìm nơi kẻ khác

Thiền phái Vô Ngôn Thông phát triển được 17 thế hệ, trong đó có nhiều Thiền sư nổi tiếng như Thiền sư Khuông Việt Chân Lưu (mất năm 1011) thuộc thế hệ thứ 5 đã được làm Quốc sư của 3 triều đại (Đinh, Tiền Lê, Lý).

Thiên phái Vô Ngôn Thông phát triển tới thế kỷ XIII cùng hợp với Thiền phái Tỳ ni đa lưu chi và Thiền phái Thảo Đường. Thiền phái Thảo Đường mang nặng dấu ấn của kinh điển từ Trung Quốc qua Chiêm Thành vào Việt Nam năm 1067. Ba Thiền phái đã là nền tảng tạo lập nên một Thiền phái thống nhất của Phật giáo Việt Nam sau này.

Qua đây ta thấy tới thế kỷ thứ X, Đạo Phật đã trải qua nghìn năm xâm nhập vào nước ta, không những phát triển mạnh mẽ trong dân gian mà còn phát triển vào các tầng lớp trí thức thượng lưu tạo thành những trào lưu tư tưởng lớn của dân tộc, đã thôi thúc dân tộc vùng dậy khởi nghĩa giành quyền độc lập tự chủ. Ngay đầu thiên niên kỷ, vào năm 40 cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng có sự tham gia của nhà sư nữ Phương Dung, trụ trì chùa Yên Phú (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Nhà sư Phương Dung cùng với 2 người con nuôi là Trương Vũ và Đài Liệu tổ chức được 2000 nghĩa binh theo Hai Bà Trưng đánh giặc cứu nước. Thế kỷ thứ VIII có các cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương chiến đấu để thoát khỏi ách đô hộ của vương triều phương Bắc. Đến cuối thiên niên kỷ có các cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Diên Nghệ và Ngô Quyền chống lại sự đô hộ của nhà Đường và quân Nam Hán. Đến cuối thế kỷ thứ X, có sự hỗ trợ của nhiều bậc cao tăng và sự hưởng ứng đông đảo của các Phật tử, Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất được các lực lượng trong toàn đất nước dựng lên nước Đại Cồ Việt (vào năm 968), mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của dân tộc ta.

Sự ra đời nhà nước Việt Nam độc lập đầu tiên này là kết quả hàng nghìn năm tranh đấu của dân tộc, cũng nghìn năm ấy đạo Phật đã được du nhập vào nước ta làm cho dân ta thấm nhuần tinh thần giải thoát của đạo Phật, giác ngộ giáo lý trí tuệ từ bi của đạo Phật, nâng cao tầm giá trị làm người, để đến thời cơ cả dân tộc đồng lòng hợp sức chiến đấu thoát khỏi ách cai trị của các vương triều Trung Hoa giành quyền độc lập dân tộc, tìm về cội nguồn con Lạc cháu Hồng để cùng nhau xây dựng nền tự trị thái bình hùng cứ một phương.

 

5.3 Dưới tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật dân ta đã tránh được nhiều sự đổ máu vào việc đảo chính thay đổi triều đại

Danh lợi là chuyện được bàn nhiều xưa nay, ngai vàng đã từng được coi là danh lợi lớn nhất, song đối với những người am hiểu đạo Phật thì cái giá trị lớn nhất lại ở trong mình. Còn danh lợi có đến, có đi, có thịnh, có suy như Thiền sư Vạn Hạnh đã viết trong bài kệ “Thị tịch”:

Thân như sấm chớp có rồi không

Cây cối xuân tươi thu héo hon

Nhìn cuộc thịnh suy đừng sợ hãi

Thịnh suy ngọn cỏ giọt sương hồng

Danh lợi suy cho cùng là của chung, mang nặng tính quy ước khái niệm, nay đến với người này mai sang người khác, được diễn tả là vòng tục lụy, vòng quay điểm đến có hay có dở lại phụ thuộc vào người sử dụng. Khi lòng tham trỗi lên bám đuổi danh lợi là hại họa cho bản thân, cho dòng tộc, cũng hẳn là hại họa cho cả cộng đồng, cho dân tộc. Cho nên việc từ bỏ danh lợi cũng có khi là việc làm đầy ý nghĩa, là sự sáng suốt trong việc cầu phúc tránh họa.

Lịch sử còn lưu giữ ca ngợi hạnh khí của Thái hậu Dương Vân Nga đứng trước cảnh Hoàng đế vừa băng hà, con kế ngôi vua còn thơ dại, vận nước đang chao đảo. Bà đã khuyên vua con thoái vị đừng luyến tiếc ngai vàng. Bà đã chấp nhận sự cay nghiệt để đưa tướng Lê Hoàn lên làm vua (vào năm 980) mong đưa đất nước khỏi nguy nan. Đây là sự chuyển giao quyền lực vương triều lần thứ nhất không đổ máu.

Tiếp sau đó khi triều đại Tiền Lê xuất hiện nhiều sự suy đốn, không còn đủ vai trò lãnh đạo đất nước, các bậc cao tăng đã vận động triều đình chuyển ngôi cho phật tử Lý Công Uẩn mở ra một triều đại văn hiến thịnh trị của nước nhà.

Vào cuối triều Lý, do sự can thiệp nham hiểm dùng kế mỹ nhân đánh sâu vào trong triều đình để các hoàng hậu và các hoàng phi gây rối loạn làm mềm yếu Hoàng đế và Thái tử (lịch sử từng gọi đây là “nạn gà mái”). Triều đình không còn đủ vai trò tập hợp lực lượng toàn dân tộc để đương đầu với quân xâm lược Nguyên Mông đang đến gần. Khi đó Thái sư Trần Thủ Độ đã thực hiện ý đồ vô cùng tuyệt diệu là buộc vua Lý Huệ Tông truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Thánh lên chấp chính lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng. Sau đó Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho chồng là Trần Cảnh, tạo ra lẽ bình thường cha truyền ngôi cho con, vợ truyền ngôi cho chồng. Trần Cảnh lên ngôi lấy hiệu là Trần Thái Tông vào năm 1225. Như vậy triều đại nhà Lý chuyển sang nhà Trần không có đổ máu. Sau 10 năm chấp chính, vua Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng không sinh được con lại càng làm cho lực lượng thân cận nhà Lý lấy cớ để chống đối, dễ lôi kéo dân chúng vào việc dấy binh, làm phản rất có thể đưa đất nước vào nội chiến, và khi ấy dân tộc lâm cảnh nồi da sáo thịt cốt nhục tương tàn. Thái sư Trần Thủ Độ cân nhắc tình huống vô cùng khắc nghiệt đành chịu chấp nhận điều nghịch tiếng cho dòng tộc là bắt công chúa Lý Thuận Thiên đã mang thai – vợ Trần Liễu, là chị dâu của Trần Cảnh về làm Hoàng Hậu. Lần ấy sinh ra được Trần Quốc Khang. Vua Trần Thái Tông cũng vô cùng bất bình về chuyện này đã từng bỏ ngôi vua ra đi, song Thái sư Trần Thủ Độ và mẹ vợ là Trần Thị Dung vẫn nhất quyết ép bằng được Lý Thuận Thiên phải sinh được con với vua Trần Thái Tông. Sau mấy năm sau Lý Thuận Thiên sinh ra được Trần Hoảng, vội đưa lên ngôi thái tử. Khi đó Thái sư Trần Thủ Độ nói thẳng với quần thần thân nhà Lý (ngôi báu này họ Trần chỉ có một nửa, còn lại là của nhà Lý), quả thật cháu ngoại nhà Lý là Trần Hoảng sau chấp chính ngôi vua lấy hiệu là Trần Thánh Tông.

Việc làm của Thái sư Trần Thủ Độ xưa nay chưa từng có, nghịch hẳn với giáo lý của Nho giáo, song từ thâm sâu tư tưởng  Thái sư Trần Thủ Độ muốn rằng triều đại này có sự kế tục từ trong huyết thống của nhà Lý, thái tử phải do công chúa nhà Lý sinh ra, công chúa em đã không sinh được con, nên chỉ còn cách duy nhất bắt công chúa chị vào vị trí sinh con. Nếu chỉ cần sinh một thái tử thì thiếu gì cung tần mỹ nữ mà phải làm chuyện khắc nghiệt này. Đây là ý thức không muốn phủ định sạch trơn, trong triều đại mới phải có dấu ấn di chứng của triều đại cũ. Thái sư Trần Thủ Độ còn rút kinh nghiệm nhà Lý đã bị Hoàng hậu Hoàng phi làm nội gián, nên vào thời kỳ đầu nhà Trần, để bảo vệ cho triều đình còn non trẻ đã thực hiện chuyên chính hà khắc là kết hôn trong dòng tộc. Việc làm này chuốc lấy điều thị phi nhưng vì mục đích bảo đảm sự an toàn vững vàng cho triều đình, vận nước hơn lúc nào hết cần sự cấu kết toàn dân để tạo nên sức mạnh cho những cuộc kháng chiến thắng quân Nguyên Mông sau này.

Ta thấy Thái sư Trần Thủ Độ không vì danh lợi cho mình, Ngài có thể làm vua mà không làm vua, sẵn sàng đón nhận điều dị nghị khắc nghiệt về mình, về dòng tộc, để vì lợi ích cao cả của dân tộc, Ngài mới có dũng khí hành xử vượt tầm dư luận tạo lập nên triều Trần oai hùng,triều đại Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ nhất.

Qua mấy triều đại Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần, việc thay đổi triều đại không phải là vấn đề quyết liệt, không có sự đâm chém đổ máu. Người từ bỏ ngai vàng sẵn sàng chấp nhận coi như điều xả bỏ. Người tiếp nhận ngai vàng thấy đó là cơ duyên phúc nước phải ra sức lo việc  gánh vác nặng nề lớn lao. Điều này được thể hiện trong lời thuật của vua Trần Thái Tông sau khi gặp Quốc sư Hòa thượng Phù Vân Yên Tử phải trở lại chấp chính ngôi vua: “Trẫm nghe Thái sư và các quần thần bô lão không chịu bỏ trẫm, cho nên mới đem lời Thái sư mà bạch lại với Quốc sư. Quốc sư cầm tay mà nói: “Phàm làm đấng quân nhân phải lấy ý muốn của thiên hạ là ý muốn của mình, và tâm thiên hạ là tâm của mình. Nay thiên hạ đón bệ hạ về, bệ hạ không về sao được? Tuy nhiên sự nghiên cứu nội điển xin bệ hạ đừng phút nào quên”.

“Bởi vậy Trẫm với mọi người trong triều đình trở về kinh, miễn cưỡng mà lại lên ngôi. Ròng rã trong mười mấy năm trời, mỗi khi có cơ hội việc nước nhàn rỗi Trẫm lại tụ họp các bậc kỳ đức để học hỏi đạo Thiền. Các kinh điển và các hệ thống giáo lý chính, không kinh nào là Trẫm không nghiên cứu”.

Đến thời Lý Trần đạo Phật đã du nhập vào nước ta hơn nghìn năm đến mức độ đã thấm sâu vào mọi tầng lớp từ đại chúng bình dân cho tới các bậc đế vương, mọi người thấu hiểu được tinh thần từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của giáo lý nhà Phật, luôn luôn lấy lợi ích của dân tộc quốc gia lên trên hết, ngôi báu của dòng họ nào cũng phải vì muôn dân trăm họ, khi không còn đáp ứng được nữa buộc phải chuyển đổi. Bằng trí tuệ và lòng từ bi của đạo Phật nên việc chuyển đổi triều chính không còn phải là vấn đề quyết liệt, được diễn ra trong hòa bình trên tinh thần hướng thiện nhằm mục đích nâng cao vị thế hùng cường của dân tộc

5.4 Dân tộc ta thấm sâu Phật tính: đại trí, đại hùng, đại lực, đại bi đã đánh thắng giặc xâm lược rất oanh liệt và giải quyết chiến tranh nhanh gọn

Từ khi nước nhà giành được độc lập tự chủ vào thời nhà Đinh, dân tộc ta đã phải tiến hành nhiều cuộc kháng chiến chống quân Tống, quân Chiêm Thành và oanh liệt nhất là ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông vào thời nhà Trần.

Trong chiến tranh yếu tố bảo đảm thắng lợi là biết địch biết ta. Thời Trần, vua cùng với quần thần văn võ bá quan đều là những người am hiểu sâu sắc giáo lý nhà Phật, được tiếp nhận nguồn trí tuệ siêu việt của đạo Phật, bằng quán chiếu Thiền định nhìn thấu rõ thực chất, đánh giá chính xác quân Nguyên Mông. Đây là đội quân có tính cách hung bạo, tham tàn của loài thú dữ (lũ cú diều), chúng đã tung hoành đánh chiếm giầy xéo nhiều nước châu  Á và châu Âu, ngay đến nhà Tống có lực lượng dân đông gấp bội phần nước ta cũng phải quy hàng. Song quân Nguyên Mông đến nước ta gặp phải sông nước chằng chịt, đường hẻm, núi cao, rừng rậm, thời tiết nắng mưa thất thường, khí hậu nhiệt đới ẩm ướt, làm cho kỵ binh và thuyền chiến lớn dễ rơi vào bẫy của ta và bị sa lầy khốn đốn. Chúng là đội ăn cướp, gặp phải cảnh vườn không nhà trống dân chúng sơ tán của cải được cất giấu, khiến chúng hoang mang về tinh thần, hơn thế nữa hậu phương hậu cần xa xôi, quân tiếp vận luôn bị đánh chặn tước đoạt, chúng rơi vào tình thế khốn quẫn, sức chiến đấu bị suy kiệt nhanh.

Đối với lực lượng ta: nước nhà đã qua mấy thế kỷ Phật giáo trở thành quốc đạo, đến thời Trần đạo và đời là một, Phật tính đã thấm sâu vào trong từng con người Việt Nam từ vua quan tới dân thường đều là Phật tử, đều giữ được nếp sinh hoạt nhà Phật như ăn chay niệm Phật, sống giản dị không xa hoa, chân tình chân thực với nhau, mọi người đều được bình đẳng, không phân biệt trên dưới sang hèn, hòa hợp thành một khối kết cấu toàn dân tộc. Thể chế chính trị của đất nước đã được vua Trần Thái Tông nêu khái quát trong Thiền tông chỉ nam ca với câu:

“Trẫm thầm nhủ Phật không Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm, tính có trí ngu cũng nhờ hiểu mà ngộ. Vì vậy phương tiện dậy dỗ đám người mê, đường tắt tỏ bày sinh tử,ấy là đại giáo của Đức Phật ta. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trọng trách của các bậc tiên thánh. Cho nên Lục Tổ có nói: “Thánh nhân đời trước với đại sư không khác”. Thì biết đại giáo của Đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời. Thế thì nay lẽ nào Trẫm không coi trách nhiệm của tiên thánh là trách  nhiệm của mình, giáo lý của Đức Phật là giáo lý của chính mình ư”.

Như vậy thể chế chính trị cho quốc gia dựa trên nền tảng tư tưởng của đạo Phật để phát triển dân trí (dậy dỗ đám người mê), nâng cao đời sống dân sinh (đường tắt tỏ bày sinh tử) và quy định rõ trách nhiệm của mọi người từ vua quan tới dân thường đều phải tuân thủ theo khuôn phép chuẩn mực, bảo đảm xã hội ổn định.

Với một chế độ thân dân như vậy, bất kể quân giặc nào xâm lược vào nước ta, đều phải húc vào bức tường thành của lòng dân vô cùng kiên cố.

Dân là lực lượng chủ yếu trong chiến tranh, lực lượng này khi được phát động khơi dậy sẽ noi theo tập trung nhất vào người đứng đầu quốc gia. Vua nhà Trần đồng thời là tướng, là chiến binh không sợ gian nguy xông pha nơi trận mạc. Trong cuộc kháng chiến trống quân Nguyên Mông lần thứ nhất(1257-1258) ở trận quyết chiến cuối cùng diễn ra tại Bãi Mới, Tứ Liên, Hà Nội có sự tham gia chiến đấu của vua Trần Thái Tông, Thái sư Trần Thủ Độ, hoàng tử Trần Hoảng, hoàng tử Trần Quang Khải, cháu gọi vua bằng chú ruột Trần Quốc Tuấn đều cưỡi ngựa vung gươm giáp chiến với quân giặc, chúng bị đánh tan tác thua chạy về nước. Vua tôi cùng tụ hội về đình Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) mừng vui chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai (1284-1285) vua Trần Nhân Tông cùng tướng Đoàn Nhữ Hài dẫn 5 nghìn quân ra trận đánh chặn 5 vạn quân Nguyên Mông ở mặt trận Phù Lỗ, cầm cự được 3 ngày cho kinh thành sơ tán triệt để. Trong trận quyết chiến chiến lược tại bến Chương Dương vào đầu mùa hạ 1285, vua Trần Nhân Tông cưỡi ngựa xông ra mặt trận đốc chiến gặp cảnh tướng giặc bị quân ta chém đầu, vua đã cởi áo bào làm vải niệm rồi sai người khâm niệm cho tướng giặc và vua nói lời an ủi với vong linh tướng giặc “lỗi này là tại ông nhé”. Chỉ có tính Phật: đại trí – đại hùng – đại lực – đại bi sâu sắc trong con người vua Trần Nhân Tông mới cắt nghĩa được hành vi và lời nói cao cả này, rất quyết liệt diệt ác khi còn ác, song rất nhân hậu với kẻ ác khi đã ngã gục thua cuộc.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba (1287-1288), chúng kéo hơn nửa triệu quân hùng hổ sang cướp nước ta một lần nữa hòng rửa nhục. Đứng trước thế trận Quốc công Thiết chế Trần Hưng Đạo nói với vua Trần Nhân Tông: “Lần này ta thắng dễ hơn lần trước”. Ngay từ những trận chiến ban đầu chúng đã bị vua quan quân nhà Trần đánh cho tơi tả phải tháo chạy về nước.

Cả ba lần kháng chiến, vua không những là ngôi cao nhất của triều đình mà còn là tổng tư lệnh, triều đình là bộ tổng hành dinh đưa ra những quyết sách tuyệt diệu của cuộc chiến tranh nhân dân, lấy sức mạnh toàn dân tộc đánh giặc một cách quyết liệt, chỉ trong vài tháng từ cuối đông sang đầu hạ quân giặc phải tan tác, chúng phải rút chạy về nước. Khi thắng lợi với tâm Phật, vua đã đưa ra những quyết sách sáng ngời nhân tính như là tha cho tù binh giặc mau về nước, ban bố lệnh thiêu hủy hết tài liệu ghi chép những người hàng theo giặc, giúp họ không còn phải phân tâm vào điều đố kị mặc cảm,  để có điều kiện tăng tiến trong việc quy thiện. Kháng chiến chống quân Nguyên Mông  thắng lợi rực rỡ mang tầm thời đại, quân Nguyên Mông chưa từng thất bại ở nước nào mà đến nước ta chúng phải thua nặng nề. Trong chiến tranh quân giặc tổn thất thiệt hại nặng nề, quân dân ta giữ gìn được lực lượng để rồi tung ra đánh đòn quyết định, đó chính là  tài thao lược điều binh khiển tướng tuyệt vời của vua quan tướng lĩnh nhà Trần. Điều này sau chiến tranh đã tổng kết, được Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn viết thành sách  Binh thư yếu lược lưu truyền cho con cháu những kế sách đánh giặc giữ nước. Sau chiến thắng, vua cũng nói hẳn với bá quan văn võ và toàn dân: “thắng giặc là việc nhà mình, thôi không phải nói nữa”.

Từ khi đất nước được hòa bình, vua Trần Nhân Tông có điều kiện tâp trung chăm lo bồi dưỡng sức dân, vua đã vi hành tới nhiều vùng thôn dã, phường xã để giáo hóa cho dân chúng, bãi bỏ thủ tục phiền toái, bài trừ mê tín dị đoan, hướng cho mọi người tu theo thập thiện (1.không trộm cướp; 2.không tà dâm; 3.không sát sinh; 4.không nói dối; 5.không nói hai lời; 6.không nói lươn lẹo; 7.không nói gây bất hòa; 8.không tham lam; 9.không sân hận; 10.không si mê). Đây là những điều cụ thể hóa tư tưởng Phật giáo Việt Nam, đạo vào đời làm mọi người sống tốt hơn,việc hành đạo có ngay trong đời sống thường nhật, tu dưỡng tâm tính bằng cách lấy ngay việc đoạn trừ điều ác ở nghiệp thân, nghiệp miệng và nghiệp ý. Vua trực tiếp đi làm điều này mang lại hiệu quả thật lớn lao trong việc xây dựng xã hội ổn định.

Tất cả những thành tích trong kháng chiến chống giặc và xây dựng nền thịnh trị nước nhà, mọi người dân nước đều được hưởng an lạc, hạnh phúc thực sự.Điều có được không ngoài nguyên nhân sâu xa, vào thời ấy đạo Phật trở thành quốc đạo.

Vận nước có thịnh suy bĩ thái, song bất cứ trong hoàn cảnh nào dân tộc ta quyết không chịu nhục mất nước, để tới ngày nay nước nhà được độc lập, hòa bình thống nhất đang trên đà đổi mới, đạo Phật đang được phục hưng. Đây quả thật là hồng phúc lớn cho dân tộc Việt Nam ta.

(Còn nữa)

 

Tài liệu tham khảo:

– Đại Việt sử ký toàn thư

– Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang

– Sách viết về Vua Trần Thái Tông, Vua Trần Nhân Tông của Lê Mạnh Thát

– Thuyết Trần của Trần kim Tuyến

– Phả Trần tộc Đông A