Thờ – Thực tính Việt Nam (Tiếp theo)

13/ 11/ 2017 10:42:25

Thờ – Thực tính Việt Nam (Tiếp theo)

Cư sĩ Trần Ngọc Hằng

6, Thờ Phật cho đời vững niềm tin tươi sáng

Nhân loại xưa nay đã dành rất nhiều thời giờ, giấy mực bàn về niềm tin. Tới nay nhân loại đã kinh qua nhiều học thuyết lớn, đã tìm thấy nhiều điều tích cực trong các trường phái tư tưởng, trong giáo lý các tôn giáo lớn đều có sự tương đồng với giáo lý của Đức Phật. Bằng Thiền định, từ  sự nỗ lực phi thường cùng có được duyên lành của nhiều kiếp tích lại, Đức Phật đã chứng ngộ được chân lý tuyệt đối, thấy biết được sự thật tột cùng rốt ráo. Đó là những điều vượt quá xa tầm thấy biết của chúng ta. Dù ta có tài dùng ngôn ngữ hình tượng mô tả, thì cũng chỉ là phần nhỏ trong sự chứng ngộ của Đức Phật, ví như nắm lá trong rừng đại ngàn sự thấy biết – chủ yếu là những phương cách giải thoát đau khổ, phiền não cho chúng sinh của Ngài. Bằng cách nhìn đương đại, ta gọi những điều Đức Phật thuyết pháp hơn 40 năm là học thuyết. Theo như các học giả phương Tây sau nhiều năm nghiên cứu đạo Phật đều có những nhận xét chung:

 Đạo Phật là học thuyết vào loại cổ nhưng lại hiện đại nhất.

Đức Phật đản sinh vào năm 623 TCN. Đã có rất nhiều sử sách nói về thân thế sự nghiệp của Ngài. Trong bài này người viết mong cùng các độc giả suy xét một cách cụ thể về sự tôn kính của các bậc đại trí thức, của các bậc thiên tài ở thời đại chúng ta nói về Đức Phật, như nhà bác học Albert Einstein :

“…tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo chung cho cả vũ trụ. Tôn giáo này siêu việt trên mọi đấng thiêng liêng nào đó và tránh hết mọi giáo điều và thần học. Bao trùm cả thiên nhiên lẫn tinh thần tôn giáo, tôn giáo này phải căn cứ vào ý niệm đang phát sinh từ những thực nghiệm của mọi vật, thiên nhiên và tinh thần như sự thuần khiết đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng điều đó”[1]

“…Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng những yêu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó phải là Phật giáo”[2]

Để bày tỏ lòng tán thán và sự hiểu biết ý nghĩa của những điều trên người viết xin được đi vào những điều chủ yếu sau:

6.1 Đức Phật đã khẳng định vũ trụ đầy rẫy quang minh cùng vô vàn chúng sinh cư ngụ[3] –  điều mà khoa học ngày nay đang hướng theo tìm hiểu

Trí tuệ của Đức Phật là trí huệ chân đế, thấy biết được tận cùng của mọi sự vật, còn trí tuệ của chúng ta là trí tuệ tục đế, kiến thức do học hỏi tích lũy kinh nghiệm mà có, thông qua những khái niệm đối đãi so sánh, chỉ đạt đến nhận thức tương đối mà thôi. Chỉ có Đức Phật mới đạt đến điều thấy biết tuyệt đối.

Những tri thức con người biết có khá nhiều điều được coi là đương nhiên, tồn tại như thứ định kiến trong ta. Rồi với tiến bộ của khoa học: vật lý, hóa học, sinh học, tin học viễn thông, thiên văn vũ trụ v.v chúng ta khám phá những điều mới mẻ khác xa những gì đã thành định kiến, mở cho con người nhận thức mới.

Đã có thời gian dài nhân loại cho hạt nhân nguyên tử là thể vững chắc được cấu tạo bởi những hạt proton, neutron có khối lượng và kích thước xác định. Thế thì có thể chia nhỏ các khối lượng và kích thước các hạt ra được những phần nhỏ hơn tìm tới sự tận cùng cấu tạo nên vật chất là như thế nào hay không? Vào tháng 3 năm 1995 tại Chicago nước Mỹ, các nhà khoa học ở phòng gia tốc quốc gia Fermi bằng máy gia tốc nặng hơn 5000 tấn công suất hơn 20 MGW đã tiến hành bắn phá hạt nhân nguyên tử, cho ra kết quả: hạt nhân nguyên tử không phải là thể rắn chắc mà là thể xốp gồm những hạt quark lúc có lúc không (như thể ảo) giống như hạt lân trần mà Đức Phật đã mô tả cách đây 2500 năm. Đến nay khoa học đã tìm ra trên 200 loại hạt quark cũng giống như những hạt cực vi trần mà thời Đức Phật đã nói tới. Các hạt cực vi trần lúc có lúc không đan dệt truyền lan tràn ngập vũ trụ, Đức Phật gọi đó là quang minh. Albert Einstein cho vũ trụ là bể năng lượng, phần tác động là hạt, phần truyền lan là sóng. Gọi là hạt Quark – hạt lân trần – hạt cực vi trần đó là cách để diễn tả bốn lực cơ bản trong vũ trụ: lực trọng trường, lực điện từ trường, lực nguyên tử, lực hạt nhân. Các loạt hạt đó không có thể vững chắc mà là thể ảo lúc có lúc không, thể ảo không thể chia nhỏ hơn được nữa. Có nghĩa là truy tìm phần nhỏ nhất cấu tạo nên vật chất cuối cùng lại là thể ảo vừa có vừa không. Chúng ta là phàm phu tục đế chỉ có thể hiểu được thể có hoặc thể không, trí huệ chân đế của Đức Phật thì nhìn thấy thể vừa có vừa không.

Vũ trụ đầy ắp quang minh từ đó biến hiện ra mọi thứ: nào là hạt cơ bản – rồi đến nguyên tử – phân tử – chất vô cơ – chất hữu cơ – sơn hà địa hải – hành tinh – thái dương hệ – đến thiên hà – rồi siêu thiên hà v.v. Phật giáo coi thế giới của chúng ta đang sống là tiểu thế giới, nghìn tiểu thế giới là trung thế giới, nghìn trung thế giới là đại thế giới rồi lũy thừa lên 3 lần nghìn nghìn nghìn là tam thiên đại thiên thế giới hình thành nên vũ trụ bao là hằng hà sa số hành tinh, sẽ có rất nhiều hành tinh có sự sống như trái đất của chúng ta. Đến ngày nay do tiến bộ của khoa học viễn thông thiên văn và vũ trụ đã khám phá ra nhiều dải thiên hà xa xôi và nhiều hành tinh mới.

Trong bài này, một lần nữa người viết nhắc đến khoa học tìm ra hạt quark ở thể ảo vừa có vừa không, đây là bước ngoặt rất lớn để khoa học không bị rơi vào bế  tắc, không bị chặn bởi bức tường thành hằng số Plan (hằng số vũ trụ) các tham số khối lượng (m), không gian (d), thời gian (t) đặc trưng cho thế giới vật thể trong việc lượng hóa, vì những tham số này khi chuyển sang thế giới cực vi thể ảo thì không còn tác dụng nữa, kết quả bị chi phối bởi điều kiện ban đầu đặt ra để giới hạn, kết quả rất phụ thuộc vào phương pháp tính toán, phương tiện tìm kiếm, nghĩa là khi ta cần tìm kiếm nó là hạt thì kết quả tìm kiếm sẽ là hạt, khi ta cần tìm kiếm nó là sóng thì kết quả tìm kiếm sẽ là sóng, sự thể sóng hay hạt cũng chỉ từ quang minh mà biến hiện ra.

Do vậy muốn thấy hiểu được sự thật chắc chắn, các nhà khoa học tìm đến cách tư duy tổng quan theo phương pháp thiền định của Phật giáo. Hơn nữa người phát minh cũng trải qua một quá trình làm việc cật lực, người sử dụng phát minh không nghĩ hết hậu quả khôn lường, tất cả đều đòi hỏi sự ổn định về tâm lý, nhu cầu về sự bình an cho việc lựa chọn vào đúng thực chất của đối tượng. Điều này tìm thấy trong giáo lý của đạo Phật những phương cách điều phục tâm mang lại cho người phát minh và người sử dụng phát minh không phải hối hận về việc phát minh và sử dụng của mình. Ngày nay khoa học đã tiếp nhận được sự định hướng của Phật giáo trong việc nghiên cứu thế giới vi mô trong nhân nguyên tử (khoa học tiềm nguyên tử) và thế giới vĩ mô trong vũ trụ bao la hằng hà sa số. Điều này mở ra chiều hướng mới cho khoa học về vũ trụ và nhân sinh phát triển theo hướng tiếp cận tới sự thật rốt ráo – điều mà Đức Phật chứng ngộ. Đạo Phật không những định hướng cho khoa học phát triển mà còn tạo động lực chân chính cho các nhà khoa học trên bước đường sáng tạo, chính điều này đã được nhà bác học vĩ đại Albert Einstein đã khẳng định như trên.

6.2 Đức Phật chỉ rằng một trong tất cả, tất cả trong một – điều đang được nhân loại ngày nay hướng theo để xây dựng nếp sống hài hòa

Đức Phật nhờ có lục thông, Ngài nhìn rõ mọi nơi từ vũ trụ bao la đến cực vi trần, từ quá khứ vô lượng kiếp tới hiện tại rồi tới tương lai xa xăm, thấy mọi thứ hiện hữu đều tương thuộc lẫn nhau, sống cộng sinh với nhau, có cái này bởi vì có cái khác, cái này hiện ra là do được gá vào những cái khác, không có cái tự có, mà tất cả đều liên hệ khăng khít với nhau trùng trùng không sao kể hết, chúng tồn tại trong sự tương sinh, tương duyên biến chuyển không ngừng, tuân theo quy luật sinh – trụ – dị – diệt, đã có sinh ắt phải có diệt. Thứ mà ta cho là độc lập là sự giả tưởng, chỉ là tạm thời, chỉ là tương đối, chỉ là quy ước, quy ước trong việc sử dụng một số mối quan hệ được nhấn mạnh, còn lược đi muôn vàn các yếu tố khác, ta áp đặt vào nó cái “danh xưng”, cả danh xưng này lại ở trong tâm thức của ta. Song ta cứ vọng tưởng làm cho các yếu tố nhấn mạnh được đề cao chăm chút lên nhiều lần, còn các yếu tố khác bị lơ là thậm chí sinh ra ngăn ngại phân biệt, có khi còn coi là đối kháng. Dẫn đến sự đối xử bất bình đẳng, tạo nên những cách trở ngày càng lớn, chạy theo sự thỏa mãn ham muốn trái chiều với những điều vốn tồn tại nương dựa và biến chuyển lẫn nhau, cuối cùng gây ra xung đột loại bỏ sự sống của nhau, nên oán nên thù, lại gây hậu quả khôn lường bằng phát động dùng bạo lực giải quyết thù địch. Đối với Đạo Phật không thể lấy bạo lực để chấm dứt hận thù, mà theo đúng tinh thần Phật giáo “như thị tri kiến” (thấy biết chân thật) thì chỉ có tình thương yêu – thứ gắn kết muôn vật với nhau – mới chấm dứt được hận thù.

Trong hàng thế kỷ qua nhân loại đã chứng kiến: cách mạng khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sự khai thác tài nguyên thiên nhiên với tốc độ chóng mặt, tạo ra khối lượng vật chất đồ dùng tiện nghi khổng lồ, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Song nhân loại vẫn không thấy hạnh phúc, rất bất an trước những khổ nạn mang tính toàn cầu:

– Môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề, diện tích rừng nay chỉ còn khoảng 15 % so với đầu thế kỷ 20, hiện tượng bê tông hóa tăng, sa mạc hóa tăng, khí hậu trở lên khắc nghiệt.

– Hàng trăm tỉ tấn nguyên liệu, nhiên liệu được sử dụng vào mục đích tăng trưởng gây nên sự ô nhiễm nặng nề, gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên, thiên tai bão lũ xuất hiện liên tiếp.

– Một nhóm nhỏ dân cư thuộc các nước phát triển đã ra sức tận thu, chiếm giữ 80 % tổng sản lượng thế giới, đẩy phần lớn nhân dân ở các nước nghèo chậm phát triển vào con đường khốn cùng, nguy cơ bạo lực ngày càng tăng, tệ hại nhất là những nước siêu cường huy động lượng tài chính khổng lồ cho việc sản xuất vũ khí giết người hàng loạt nhằm vào mục đích chạy đua vũ trang, đe dọa hòa bình thế giới.

Đến nay nhân loại đã nhận thấy sự tranh giành thắng thua chỉ là tạm thời mà kết cục đều là tai hại cho cả người thắng lẫn người thua. Sự tham vọng đã phá đi, làm mất cân bằng trong đời sống: con người với thiên nhiên, con người với con người trong cộng đồng nhân loại; làm giảm đi những mối quan hệ tương thuộc, làm mất đi những giá trị nhân văn của nhiều nền văn hóa đã hình thành hàng ngàn năm mới có được sự đậm đà bản sắc.

Qua những sai lầm mà nhân loại đã phải gánh chịu sau nhiều cuộc tàn phá của thế kỷ 20, dường như con người dần thức tỉnh phải có phương cách hữu hiệu ngăn chặn sự tái diễn. Đến nay chúng ta rất mừng đã xuất hiện nhiều nhà trí thức, nhiều nhà tư tưởng cả phương Đông và phương Tây đang ra sức nghiên cứu đạo Phật, đưa giáo lý của đạo Phật vào việc xây dựng đời sống hài hòa.

– Hài hòa giữa đời sống con người với đời sống thiên nhiên, chăm lo tới đời sống mọi sinh vật trong thiên nhiên cũng là chăm lo tới đời sống con người, chăm lo bảo tồn sự vốn có của thiên nhiên cũng là chăm lo tới nền tảng đời sống nhân loại.

– Hài hòa trong việc phân phối lợi ích và đối xử bình đẳng giữa người với người, tôn trọng sở thích, tôn trọng nền văn hóa, tôn trọng tập tục lễ nghi tín ngưỡng và tôn trọng cả chấp kiến chính trị, tránh mọi sự xung đột vể tư tưởng cũng như về lợi ích và bạo lực, luôn luôn đề cao giá trị bình an hơn mọi yêu cầu khác.

Trong cuộc sống nhân loại hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa ngày càng tăng, nhu cầu về thông tin, về tiện nghi vật chất ngày càng cao, có những nước đã quá khích trong việc cổ động cho một xã hội tiêu dùng, rất dễ xảy ra mất thăng bằng về đời sống vật chất với đời sống tinh thần, nhiều bệnh về thần kinh đang phát triển. Để vượt qua khổ nạn này, nhân loại đang có xu hướng tích cực tìm về đạo Phật với những phương thức điều phục tâm để nâng cao đời sống nội tâm cho được cân bằng với đời sống ngoại cảnh, cho đời sống vật chất hài hòa với đời sống tinh thần.

Đến nay sắp qua gần một thập kỷ đầu của thế kỷ 21, chúng ta rất mừng trước xu hướng mới của nhân loại đang hướng về Phật giáo. Ngay trên đất nước Việt Nam ta, Phật giáo đang được phục hưng rất mạnh, hàng loạt các công trình văn hóa tâm linh Phật giáo được xây dựng với quy mô lớn chưa từng có, hàng loạt các ấn phẩm Phật giáo được in ấn phát hành rộng rãi, giáo lý của đạo Phật được truyền thông mạnh mẽ trên nhiều kênh thông tin, các vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước thường xuyên bày tỏ lòng thành kính trước Phật Thánh nước nhà, hàng chục triệu người con dân nước Việt thường xuyên hành hương về các trung tâm tâm linh của đất nước để chiêm bái cầu nguyện. Phật giáo Việt Nam ta đã hơn hai nghìn năm qua cùng dân tộc ta làm nên những trang sử oanh liệt huy hoàng nhất để cho hậu thế muôn đời tự hào noi theo. Đến nay nhân dân ta đang hướng vào xây dựng nếp sống văn hóa nhằm vào mục đích bảo tồn và nâng cao giá trị con người, nhất là văn hóa tâm linh được chú trọng trong việc phát triển đời sồng nội tâm, nâng cao lòng thân thiện và mở mang trí tuệ con người, quả là phúc lớn cho dân tộc ta.

[1] Albert Einstein, trang 53

[2] Albert Einstein, trang 115

[3] Kinh Lăng Nghiêm, trang 182