Thờ – Thực tính Việt Nam

11/ 11/ 2017 14:44:18

Thờ – Thực tính Việt Nam

 

Cư sĩ Trần Ngọc Hằng

Pháp danh Chính Trực

Phó ban BQLDAXD Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

 

Người Phật tử chúng ta luôn nhớ lời Phật dạy: phải báo đáp bốn ơn là: ơn cha mẹ chúng sinh, quốc gia, Tam bảo. Quanh năm bộn bề mưu sinh, song người Việt Nam vẫn giành những ngày giỗ ngày Tết, nhất là lễ Vu Lan, để bày tỏ lòng thành đền đáp những ơn sâu nghĩa nặng ấy.

Nhân dịp lễ Vu Lan, tác giả mong được góp sức nhỏ bé làm phong phú thêm không gian tâm linh của dân tộc thông qua câu chuyện bàn về việc thờ cúng. Bài viết muốn nhìn lại những hy sinh mất mát khổ đau của bao nhiêu thế hệ cha ông đã trải qua,  đã bồi đắp nên nhiều hồng phúc cho dân tộc, cho con cháu sau này hưởng dụng và nhận ra sự hoá hiện của những vận hội mới của đất nước.

Trước tiên, xin được giải thích đôi chút về chữ “thực tính”. Tác giả không có ý so sánh hay sắp xếp thang bậc. Đây chỉ là cách nói phổ quát nhất, ngắn gọn nhất rút ra từ việc: tôn thờ, phụng thờ, nguyện thờ, thờ cúng v.v. Việc thờ đối với dân tộc ta có ở mọi thời từ cổ chí kim, nhất là từ khi đạo Phật được truyền vào nước ta hơn 2000 năm qua đã được Phật hóa không còn ngăn ngại phân biệt. Thờ có ở mọi người: không phân biệt đẳng cấp, không phân biệt chấp kiến chính trị, không phân biệt chấp kiến tôn giáo. Thờ có ở mọi nơi: miền xuôi, miền ngược, thành thị, thôn quê và hải đảo. Nhà nhà có bàn thờ, họ hàng có nhà thờ, xóm làng phường xã có đình chùa đền miếu, xứ sở đất nước có lễ hội, có ngày giỗ Thánh (giỗ Đức Thánh Gióng 6/1, giỗ Đức Thánh Trần 20/8…), Quốc giỗ (giỗ Tổ Hùng Vương 10/3, giỗ Đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông 1/11), hàng năm có hàng chục triệu người hành hương về các trung tâm tâm linh, quả thật việc thờ gắn bó mật thiết và ở trong tâm thức mỗi người chúng ta.

Tôi viết bài này xin mạo muội đem những hiểu biết hạn hẹp của mình vận dụng các kiến thức đương đại để cùng các độc giả thấu triệt về các giá trị cơ bản của việc thờ:

 

1, Thờ cho trí tuệ khai mở, thêm phần nhận biết về thế giới tâm linh.

2, Thờ cho sự bình an, trưởng dưỡng phẩm hạnh từ bi.

3, Thờ  tạo nên sự khác biệt giữa người và loài vật.

Thờ là điều được dân tộc ta đúc kết (có thờ có thiêng có kiêng có lành) như một triết lý sống là điều tự nhủ mình và nhủ người luôn sống với tỉnh thức của tâm, khơi dậy tiềm thức để được an vui tự tại.

 

  1. Thờ cho trí tuệ khai mở

1,Trường tâm linh

Ngày nay nhân loại đã có nhiều kiến thức hiểu biết về bốn trường lực: trường lực trọng trường, trường lực điện từ, trường lực yếu (hoạt động của nguyên tử), trường lực mạnh (năng lượng hạt nhân).

Chúng ta đã biết trường lực điện từ, từ khi có định luật của Clerk Maxwell (1831-1879) vạch ra những nguyên lý cơ bản, phải mất gần thế kỷ công nghệ viễn thông tin học phát triển thì mới thấy rõ được sự hoạt động phong phú kỳ diệu của trường lực điện từ. Trong không gian mênh mông chồng chứa hàng triệu triệu sóng điện từ lưu truyền những tín hiệu về hình ảnh âm thanh tin tức đã được điều chế vào các dải tần số, ở dải tần số càng cao càng chứa nhiều tín hiệu.

Với những kiến thức hiểu biết về các trường lực, cho ta thêm căn cứ để suy xét về trường tâm linh. Đức Phật đã từng nêu: hư không không phải là khối rỗng, mà chứa đầy rẫy các thứ ánh sáng và vô vàn chúng sinh cư ngụ, chứ không có nghĩa là không có gì. Vào cuối thế kỷ 20, các nhà vật lý trong việc truy tìm phần tử vật chất rắn chắc bé nhất cấu tạo nên vật chất, bằng cách bắn phá hạt nhân nguyên tử thì đã phát hiện ra hạt nhân nguyên tử không phải là thể vững chắc mà là ở thể rỗng xốp gồm những hạt quark, giống như hạt Lân trần Đức Phật đã mô tả cách đây hơn 25 thế kỷ. Hạt quark  – hạt Lân trần lúc xuất hiện và lúc biến mất, lúc có lúc không, có loại chỉ xuất hiện vài phần nghìn giây (như nguyên tố 110 do Viện nghiên cứu hạt nhân ở Darmstak của CHLB Đức phát hiện vào ngày 9 tháng 11 năm 1995)[1].

Chính sự mờ mờ ảo ảo của hạt quark (Lân trần) cho ta phán xét sự tồn tại của hạt quark (Lân trần) nằm ở miền ranh giới giữa Có và Không, nghĩa là chẳng phải Có mà cũng chẳng phải Không, Có là đối với Không, do đối đãi mà sinh ra Có – Không, cái mà chúng ta cho là thực sự Có – Không ấy, truy đến cùng lại phụ thuộc vào cách nhận biết của ta, nghĩa là phương pháp nghiên cứu của ta sẽ quyết định kết quả mà chúng ta nghiên cứu. Trạng thái Không là trạng thái choán ngợp cơ bản, tính không là tính tột cùng, từ tính không diễn trình ra tất cả mọi thứ. Trạng thái Có chỉ  là xác suất mảy may chẳng khác gì như cái bọng rung động của dây đàn, dây đàn chỉ là phần rất nhỏ trong cái bọng rung động ấy. Hạt quark (hạt Lân trần) không phải là thể vững chắc mà là hạt ảo, đã là ảo thì không thể chia được nữa, đây chính là phần nhỏ nhất, là viên gạch cấu tạo nên vật chất. Từ việc kiến tạo nên hạt nhân, rồi đến nguyên tử, đến phân tử, rồi đến chất vô cơ, chất hữu cơ, rồi sơn hà địa hải triệu triệu sinh vật, địa cầu, thái dương hệ, rồi cả thiên hà, siêu thiên hà v.v.

 

Sapo 1: cái mà chúng ta cho là thực sự Có – Không ấy, truy đến cùng lại phụ thuộc vào cách nhận biết của ta, nghĩa là phương pháp nghiên cứu của ta sẽ quyết định kết quả mà chúng ta nghiên cứu.

Khoa học ngày nay bằng con đường phân tích hiện tượng cùng với các thiết bị thực nghiệm tinh vi để quan sát, đã làm sáng tỏ những điều Đức Phật nêu cách đây 2500 năm: về bản chất của vũ trụ lại tìm thấy ngay trong nhân của nguyên tử, về bản chất sự sống lại tìm thấy ngay trong nhân của tế bào (bản đồ gen trong cấu trúc DNA). Albert  Eistein – nhà bác học vĩ đại của thế kỷ 20 từng nêu vũ trụ là bể năng lượng chứa đựng hoạt động của các hạt quark với nhiều vẻ ở các dải tần số vô cùng rộng lớn.

Sapo 2

Về bản chất của vũ trụ lại tìm thấy ngay trong nhân của nguyên tử, về bản chất sự sống lại tìm thấy ngay trong nhân của tế bào

Ngày nay người ta đã xác định được độ dài của dây đàn mà hạt quark thể hiện vào khoảng là 10-33cm (theo thuyết siêu tơ trời), với bước dao động cực kỳ nhỏ như vậy nó sẽ xuyên suốt tất cả, xuyên qua cả hạt nhân nguyên tử, không còn gì cản trở cả, không còn cách biệt nữa, nghĩa là dung thông hết thảy, không gian dung thông với thời gian, thời gian dung thông với không gian, không còn sự phân biệt giữa người quan sát và đối tượng quan sát, giữa chủ quan và khách quan, khi đã dung thông như một thì yếu tố khoảng cách dù cách xa đến mấy cũng chỉ ở trong khoảnh khắc tức thì. Đã sang thế giới các hạt ảo thì chẳng còn ranh giới giữa hữu vi và vô vi (hữu vi được cảm nhận bằng giác quan cần có điều kiện, còn vô vi nằm ngoài cảm nhận của giác quan, không cần điều kiện). Sự xuyên suốt đó là đặc tính của một thứ ánh sáng khác vượt ra ngoài ánh sáng vật chất thuần tuý. Chỉ có Đức Phật sau 49 ngày Thiền định – tập trung tinh lực dẹp bỏ các thông tin tạp nhiễu – dấu ấn của sự chấp ngã được ghi ở trên vỏ não, và tập trung tinh lực xoay chuyển điều chỉnh các dao động cực vi tàng chứa ở tế bào thần kinh trong toàn khối não theo hướng đồng đẳng đồng pha với thứ ánh sáng đặc thù kia, đạt đến mức tham gia vào miền cộng hưởng, khi đó hào quang của Đức Phật đã hòa vào với trường tâm linh, đạt tới trạng thái đại định dung thông hết thảy. Chỉ có Đức Phật mới đạt được trạng thái lục thông:

  • Thiên nhãn thông: nhìn thấy tất cả
  • Thiên nhĩ thông: nghe thấy tất cả mọi âm thanh
  • Thần túc thông: tới khắp mọi nơi
  • Túc mạng thông: biết được nhiều vô số kiếp
  • Tha tâm thông: biết tâm lý người khác
  • Lậu tận thông: biết hết mọi sự việc, biết cách diệt trừ khổ đau phiền não.

Sapo 3: Sự xuyên vượt qua mọi giới hạn vật chất là đặc tính của một thứ ánh sáng khác vượt ra ngoài ánh sáng vật chất thuần túy…Đức Phật đã chỉ ra đó là quang minh, đặc tính cơ bản của trường tâm linh.

Với sự biết thấy tột đỉnh như vậy, Đức Phật đã chỉ ra bao trùm hết thảy là quang minh, được coi như là đặc tính cơ bản của trường tâm linh. Với chúng ta căn cơ còn hạn chế, chỉ nhận biết một phần nhỏ, còn tuyệt đại đa số là chưa biết thấy được (điều chưa thấy biết đó khoa học ngày nay tạm xếp vào gọi là chất tối “dark matter”). Bước tiến của khoa học thực nghiệm ngày nay khi chạm tới thế giới cực vi đã gặp phải thách thức lớn, nghĩa là không thể tạo ra các phương tiện dụng cụ cực vi thể ảo để quan sát thế giới cực vi thể ảo. Để thấy hiểu thế giới cực vi thể ảo chắc hẳn phải bằng sự kế tục và phát triển của khoa học tâm linh. Hiện nay đã nhiều nhà khoa học phương Tây tìm tới nghiên cứu đạo Phật, khám phá thế giới tâm linh bằng con đường Thiền định mà Đức Phật đã chỉ ra. Thiền định là quá trình thực chứng thấy hiểu thế giới tâm linh, đây là một thế giới không thể diễn tả bằng ngôn ngữ được mà là chỉ có thể biết được qua sự chiêm nghiệm tự thân. Chỉ có Đức Phật trong lúc Thiền định đạt tới trạng thái đại định, nhờ Ngài có sự nỗ lực phi thường cùng với có được nhân lành nhiều kiếp tích lại. Đối với chúng ta kiếp này ra sức tu tập theo sự chỉ dẫn của Đức Phật để có thêm được sự tích tụ nhân lành làm cho Phật tính phát lộ. Khi còn tại thế Đức Phật thường nhắc nhủ: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

Trên đây chỉ là một sự mô tả sơ bộ để thấy được sự phong phú, huyền diệu vô cùng của trường tâm linh, còn thực chất của trường tâm linh chắc chắn cũng đòi hỏi ở chính chúng ta sự thể nghiệm trực tiếp chứ không phải bằng mô tả. Chính vì lẽ đó Đức Phật đã từng nêu: cái biết của Phật như rừng cây, mà 40 năm thuyết pháp với hơn 3000 hội, Đức Phật nói bao nhiêu điều, thế mà Phật cho đó chỉ là nắm lá nhỏ. Có nói ra chăng nữa căn cơ của chúng sinh chưa tới, nghĩa là không hiểu nổi, nên Đức Phật không nói.

Kiến thức hiểu biết đó, suy cho cùng được dẫn khởi từ trường tâm linh. Song cái nguồn gốc này được ít người biết tới và chịu thừa nhận nó. Như vậy, trường tâm linh có thể vượt bỏ mọi ngăn ngại vật chất để bao trùm và nối thông hết thảy. Hy vọng loài người sẽ ngày càng làm sáng tỏ vấn đề này, có thể vài trăm năm sau những hiểu biết căn bản của trường tâm linh sẽ trở nên phổ biến và thông dụng cùng với những bước tiến của khoa học.

Qua cách diễn giải như trên ta có được những định thức sơ bộ về trường tâm linh vô cùng huyền nhiệm để thấy: việc thờ cúng như là gạch nối, như là sợi dây liên hệ giữa cái hiện hữu hạn hẹp của trần thế với hư không vô cùng vô tận của thế giới tâm linh, việc thờ như là mở cánh cửa cho ánh sáng và dưỡng khí ùa vào bên trong để căn phòng trở nên sáng sủa và ấm áp.

2, Nghiệp thức hoạt động trong trường tâm linh

Hoạt động của con người vô cùng phong phú, được phản ánh trong truyền thông bằng nhiều cách:

  • Phản ánh theo lĩnh vực hoạt động: hoạt động kinh tế, hoạt động chính trị, hoạt động quân sự, hoạt động văn hóa khoa học nghệ thuật, hoạt động tín ngưỡng tâm linh…
  • Phản ánh theo nguyên lý phân lập: hoạt động vật chất, hoạt động tinh thần.

Đối với Phật giáo lấy đạo Như Lai (đúng như thực) là nguyên tắc xuyên suốt, mọi hoạt động của các trường (trọng trường, điện từ trường, trường lực yếu, trường lực mạnh) đều dưới sự điều khiển của trường tâm linh. Từ trường tâm linh sẽ phát sinh ra các sự nhận biết:

  • Nhận biết về hư không: nơi tạo tác ra mọi thứ
  • Nhận biết về kiến: cho sự phân biệt
  • Nhận thức về thức: nghĩa là ý thức với việc xử lý thông tin
  • Nhận biết về đất: biểu trưng cho sự tồn tại
  • Nhận biết về nước: biểu trưng cho sự tương hỗ, tiếp dẫn, liên kết.
  • Nhận biết về lửa: biểu trưng cho sự chuyển hóa
  • Nhận biết về gió: biểu trưng cho sự di chuyển, tăng giảm.

Như trên nêu sự nhận biết nói chung, còn đối với từng người sự nhận biết bắt nguồn từ tâm thức. Để lý giải về tâm thức, ta phân tâm thức thành: dạng tâm thô, dạng tâm tế và dạng tâm vi tế.

  • Dạng tâm thô là hoạt động của thân miệng gắn với cơ thể, gắn với các giác quan, gắn với lục phủ ngũ tạng
  • Dạng tâm tế là hoạt động của ý thức thể hiện sự điều khiển trực tiếp tới thân miệng. Ý thức là những thông tin tập trung ở tế bào vỏ não, khi vỏ não bị tổn thương thì hoạt động của thân miệng dễ mất điều khiển.
  • Dạng tâm vi tế là tầm trên của dạng tâm tế, dạng tâm thô, rất linh hoạt, rất tinh vi.

Dạng tâm thô, dạng tâm tế gắn với cơ thể, gắn với tứ đại (đất, nước, lửa, gió), khi chết sẽ tan biến cùng tứ đại. Dạng tâm vi tế là phần đặc trưng của tâm thức. Ngày nay bằng các thiết bị đặc biệt người ta đã chụp được hào quang của người là hình ảnh biểu hiện của tâm thức. Người nào sống xấu ác, ngu si có nhiều ham muốn thì hào quang méo mó có nhiều vằn đen. Người nào sống thánh thiện thì hào quang sáng tròn đầy. Khi con người chết các bộ phận trong cơ thể ngừng hoạt động  và bị hủy hoại dần, dạng tâm thô và dạng tâm tế cũng tan biến, chỉ còn dạng  tâm vi tế được thoát ra ngoài thân xác bức xạ vào không trung, vào trường tâm linh với cái tên là nghiệp thức.

Như chúng ta đã biết, đối với trường điện từ, nhân loại phải mất hàng thế kỷ mới tìm ra cách hữu hiệu trong việc: mã hóa, điều chế, truyền dẫn về tín hiệu, vô số hình ảnh âm thanh tin tức được lưu giữ trong một bộ nhớ nhỏ xíu, chỉ ở tại một chỗ mà liên hệ được với mọi nơi trong không gian khiến cho khoảng cách được thu ngắn lại trong chớp mắt.

Theo thuyết luân hồi: từ Thân trung ấm vào đầu thai cùng với tinh cha huyết mẹ hình thành phôi thai, rồi điều khiển sự phát triển của bào thai, rồi sinh ra sống làm người tuân theo quy luật (sinh, trụ, dị, diệt). Cả quá trình làm người hoạt động của ý – thân – miệng tạo nghiệp, nghiệp này được ghi nhận, lưu giữ vào tâm thức, khi chết thoát ra khỏi thân xác bức xạ vào trường tâm linh, rồi luân chuyển vào lục đạo theo các cõi:

– Cõi người: vui khổ có cả, luôn tìm cách giải thoát

– Cõi trời: vui do thỏa mãn sắc dục, chỉ là hạnh phúc tạm thời

– Cõi A-tu-la: rất cường bạo, chồng chất hận thù

– Cõi địa ngục: rất khổ đau, giam hãm trong tăm tối

– Cõi ngã quỷ: rất thèm khát, chịu đói rét

– Cõi súc sinh: rất ngu dốt, tối tăm, hôi hám.

Các cõi tồn tại đan xen trong không gian, ví như các dải băng tần số công tác của viễn thông, phần nhỏ số nghiệp thức đi vào đầu thai ở cảnh giới hữu vi còn đa phần ở cảnh giới vô vi. Đạo Phật phủ định có đấng quyền năng tối thượng  ban phát cho hạ giới. Đạo Phật cho rằng cảnh giới Niết bàn hay địa ngục là biểu trưng của mức độ giác ngộ, người sống có sự giác ngộ cao được hưởng Niết bàn ngay tại cảnh giới này. Phải chăng nghiệp thức là dạng tín hiệu mang thông tin quá trình sống chết được luân chuyển trong trường tâm linh? Với những người sống có lúc định lực kém, sự nhất tâm kém, tính tự chủ tự tin kém, đầu óc u mê rất dễ bị nghiệp thức khác ở cõi thấp luân chuyển trong không gian nhiễm nhiễu vào làm cho ý thức tán loạn mất chủ động suy tưởng linh tinh. Vào những buổi thời tiết xấu ta tới vùng có nhiều nghiệp thức ở cõi thấp chưa được siêu thoát (như bãi tha ma), phải chú ý giữ cho định lực và định tâm luôn ở trạng thái vững bằng để tránh bị nhiễu nhiễm. Người sống ốm yếu nghiện ngập khi chết nghiệp thức rất yếu dễ rơi vào cõi thấp. Người sống thánh thiện nghiệp thức mạnh đi vào cõi trên. Đối với những tráng sĩ khỏe mạnh chết trận, chết chém, nghiệp thức rất mạnh vượt qua các cõi không phải đi đầu thai. Các bậc tiên thánh nghiệp thức rất mạnh, tồn tại rất lâu trong trường tâm linh. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh hàng triệu người con yêu quí của dân tộc đều cùng ý chí vì dân vì nước đến khi phải hi sinh, các nghiệp thức này mang dấu ấn của nguyện ước chung rất dễ cộng lại với nhau (ví như cộng các vectơ đồng pha đồng chiều) tạo thành nghiệp thức vô cùng to lớn. Đây chính là hồn thiêng dân tộc khí thiêng sông núi. Phải chăng đây là tiềm năng góp phần tạo ra sức mạnh thần kỳ cho dân tộc?

Người viết nghĩ rằng với sự phát triển của khoa học tâm linh, nhân loại sẽ nhận biết sáng tỏ về hoạt động của các cõi và nghiệp thức trong trường tâm linh vào một tương lai không xa.

Với cách luận giải sơ bộ nêu trên ta có được sự hiểu biết ban đầu về điều Đức Phật đã nêu: vũ trụ đầy ắp quang minh và vô vàn chúng sinh cư ngụ. Nghiệp thức tượng trưng cho phần kế tiếp của sự sống nơi trần thế của chúng sinh, chết không  phải là hết nên thờ cúng là phương tiện và chiếc cầu nối tới nghiệp thức.

3, Sự  nhất tâm, lòng chí thành là cầu nối hữu hiệu tới nghiệp thức trong trường tâm linh

Như trên, chúng ta đã có luận giải sơ bộ về trường tâm linh có vô vàn nghiệp thức mang thông tin của quá trình sống chết, nghiệp thức là dạng tâm vi tế được bức xạ vào trong trường tâm linh.

Vậy nghiệp thức có liên hệ như thế nào tới di ấn của dạng tâm thô, tâm tế, như là: nơi sinh sống, hoàn cảnh sống, nơi chết, xương cốt còn nằm dưới mồ, gien di truyền ký gửi vào thế hệ con cháu v.v.Chắc các quan hệ trong trường tâm linh còn vượt xa và phức tạp hơn nhiều so với trường điện từ, mà trường điện từ đã là vượt xa và phức tạp hơn nhiều so với trường lực trọng trường. Song, nó cung cấp những nguyên tắc cơ bản chung để cho ta luận giải về các hiện tượng ngoại cảm, về hiệu quả cuả việc cầu siêu, v.v.

Hiện tượng ngoại cảm

Để lý giải vấn đề này ta đưa ra giả định: coi các nhà ngoại cảm (cô Bích Hằng, ông Chiến, bà Năm v.v) ví như là cái máy thu có độ nhạy cao với bộ giải mã tốt. Gia chủ với lòng thương nhớ người đã khuất cao nung nấu mong cầu tìm gặp, ví như người biết sử dụng các thiết bị thu phát ở trình độ cao. Người đã khuất với nghiệp thức như nguồn thông tin được lưu truyền trong không trung có cường độ và dải tần số khác nhau. Với giả thiết trên ta đã hình thành yếu tố cơ bản của kênh thông tin cho sự liên hệ giữa người sống với người chết, có được cách lý giải không mắc phải hoang đường, nghi hoặc. Hiệu quả của quá trình thông tin phụ thuộc nhiều vào nghiệp thức người chết. Nghiệp thức (tín hiệu) ở thể yếu, có thể chết đã lâu nay đi vào cõi khác không còn lưu chuyển trong không gian nữa, sự mờ nhạt của nghiệp thức cũng là lẽ vô thường.

Hiện tượng cầu siêu:

Ta tạm lý giải: cầu siêu như thực hiện công đoạn tiếp nhận nghiệp thức ở thể yếu cõi thấp, qua khuyếch đại, nghiệp thức trở nên mạnh được siêu thoát vào cõi trên. Công đoạn này thực hiện chủ yếu bằng tâm lực.

Nghiệp thức của những người sau khi chết đều mong muốn giải thoát không phải rơi xuống cõi thấp. Song với cái lẽ công bằng là tạo nhân nào phải nhận quả đấy, sống làm người phạm phải nhiều điều xấu ác để khi chết phải rơi vào cõi thấp như mẹ Mục Kiền Liên. Do vậy Mục Kiền Liên phải nhờ đến chúng Tăng hỗ trợ cầu siêu cho mẹ thoát khỏi trốn địa ngục để báo đáp công ơn sinh thành.

Với chúng ta noi theo gương đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát, vào những ngày giỗ ngày Tết nhất là ngày lễ Vu Lan, làm lễ cầu siêu cho các hương linh gia tiên được siêu thoát không phải ngập lụt trong các cõi thấp hèn.

Với dân tộc ta có nhiều bậc tiên thánh, có nhiều bậc anh hùng tử sĩ, đã tạo nên đại nghiệp thức cho dân tộc, người Việt chúng ta hãy cùng nhau dốc lòng chí tâm tôn thờ chăm lo tới hồn thiêng dân tộc khí thiêng sông núi, chắc hẳn mở ra được đường hướng sáng sủa đẩy lùi sự tối tăm hại họa.

Mặt khác, chúng ta cũng cần chăm lo cầu siêu cho các nghiệp thức đã từng là nạn nhân thời cuộc phải rơi vào các cõi: atula, ngã quỷ, làm quỷ thần vong hồn phiêu bạt đầy uất hận có cơ được siêu thoát làm cho trường tâm linh trở nên tươi nhuận tinh sáng.

Hiệu quả của việc cầu siêu phụ thuộc nhiều vào tâm lực (công lực) của những người thực hiện việc cầu siêu. Với các bậc cao tăng do được tu hành nhiều, giữ giới tốt thường có công lực lớn, tiến hành việc cầu siêu sẽ đạt kết quả cao. Trong thời gian qua ở nhiều nơi trên đất nước ta, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức nhiều lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ, cho những người tử nạn. Nhiều đàn lễ cầu siêu rất trang trọng được nhiều Tăng chúng tham dự, cùng đồng niệm nhất tâm cao tạo thành nguồn tâm lực lớn mạnh nâng các nghiệp thức của các anh hùng liệt sĩ, các tử nạn, các vong hồn được siêu thoát lên cõi trên phù trợ cho quốc thái dân an.

Thờ cúng  được ví như là một khâu mở đầu tiếp cận thế giới tâm linh, bằng lòng chí thành với sự nhất tâm cao tu hành theo giáo lý nhà Phật, trí tuệ sẽ được khai mở. Đến nay nhân loại đã nhận rõ tính siêu khoa học của đạo Phật về thế giới quan và nhân sinh quan. Các ngành khoa học đã tìm thấy ở đạo Phật sự định hướng cho phát triển và tạo niềm tin cho các nhà khoa học trên bước đường sáng tạo. Kết quả  khoa học thực nghiệm là những nấc thang tiếp cận tới tối hậu, chứ không phải là tối hậu, chỉ có Thiền quán được như Đức Phật mới đạt tới tối hậu. Chính vì tính siêu khoa học của đạo Phật, nhà bác học vĩ đại nhất của thời đại Albert Einstein đã khẳng định trong bài tự thuật rằng: “Ông là người không tôn giáo, nhưng nếu ông là người có tôn giáo thì ông phải là một Phật tử”. Với trí thông minh tài năng sáng tạo siêu quần, Albert Einstein đã mong muốn mình là đệ tử của Đức Phật, quả thật Đức Phật là người Thầy vĩ đại của nhân loại.

( Tiếp kỳ sau)

 

 

 

[1] Tức là lúc thì tồn tại ở dạng hạt, lúc tồn tại ở dạng sóng, không cố định về hình thức vật chất (chú thích của người biên tập)