THƠ XUÂN GIÁC HOÀNG ĐIỀU NGỰ TRẦN NHÂN TÔNG.

11/ 11/ 2017 15:39:28

THƠ XUÂN GIÁC HOÀNG ĐIỀU NGỰ TRẦN NHÂN TÔNG.

Trí Bửu

 Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế Khánh Hòa

  1. Giác Hoàng Điều Ngự – Trần Nhân Tông

Trần Nhân Tông 陳 仁 宗 (1258-1308) là nhà vua anh hùng, thi sĩ anh hùng. Vua Trần Nhân Tông tên “Húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”. (Đại Việt Sử ký toàn thư)

Đức vua Trần Nhân Tông giàu mưu lược, giỏi văn chương, tên tuổi Ngài rạng danh sử sách. Vua đã cùng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo cuộc kháng chiến lần thứ hai và lần thứ ba đánh thắng giặc Nguyên-Mông. Khi hòa bình lập lại, trong cuộc làm lễ ở Chiêu Lăng nơi thờ cúng tiên  tổ các vua Trần, nhân thấy chân ngựa đá ở đó dính bùn, nhà vua tức cảnh hai câu thơ:

社 稷 兩 回 勞 石 馬

           Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
           山 河 千 古 奠 金 甌
          Sơn hà thiên cổ điện kim âu.
          Nghĩa là:
          Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

2. Thơ Xuân Giác Hoàng Điều Ngự – Trần Nhân Tông         

Hơn 700 năm qua,  thơ Trần Nhân Tông như tiếng vọng thần kỳ của hồn thiêng sông núi. Hiện nay thơ của  vua Trần Nhân Tông còn lại không nhiều, chỉ có bài phú nôm “Cư trần lạc đạo phú” và vài chục bài thơ  chữ Hán. Trong đó hay nhất là những bài thơ viết về mùa xuân. “Xuân hiểu” 春 曉   (Buổi sớm mùa xuân) là bài thơ xuân cổ tuyệt bút.         

XUÂN HIỂU

春  曉
Thuỵ khởi khải song phi
睡  起  啟  囪   扉
Bất tri xuân dĩ quy

不  知  春  已  歸
Nhất song bạch hồ điệp

一  雙  白  葫  蝶
Phách phách sấn hoa phi.

拍  拍  趁  花  飛

Dịch nghĩa:
        BUỔI SỚM MÙA XUÂN
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay
Song song đôi bướm trắng
Phất phới sấn hoa bay.
(Ngô Tất Tố dịch)          
Xuân chợt đến. Xuân thật đẹp, thật hữu tình và đáng yêu. Xuân đã đến từ tối hôm qua mà thi nhân chẳng hề hay biết. Sáng sớm nay ngủ dậy muộn, vừa mở cửa sổ ra xem, mới biết là xuân đã về. Thi nhân biết bao ngỡ ngàng, bàng hoàng, ngạc nhiên và xúc động:
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay         

Đằng sau nội dung thông báo “Xuân về vẫn chửa hay” hé lộ cho ta biết nhà thơ đang sống vô tư giữa những tháng ngày yên vui trong cảnh đất nước thanh bình. Giọng điệu khoan thai của vần thơ cũng là nhịp điệu ung dung của cuộc sống nhàn nhã, yên bình sau khi đã đánh thắng giặc Nguyên – Mông  phương Bắc.
Cái thần của bài thơ, cái hồn của vần thơ là ở hai câu kết: 3, 4. Nhà thơ thật trẻ trung và hồn nhiên khi nhìn thấy ngoại cảnh, lòng bổng xao xuyến, rung động:
一 雙 白 猢 蝶

            Nhất song bạch hồ điệp
          拍 拍趁花飛
          Phách phách sấn hoa phi.
Xuân về trăm hoa đua nở, phô sắc khoe hương, muôn hồng ngàn tía. Nói đến xuân thi sĩ  liên tưởng đến hoa và khi nghĩ đến hoa là nhà thơ nói đến ong, bướm. Hai nét vẽ gợi cảm, sống động đặc tả tín hiệu mùa xuân, vẻ đẹp thơ mộng mùa xuân. Hoa xuân như phô sắc, khoe hưong đợi chờ. Bướm trắng một đôi, bay “sấn”  tới, đi thẳng tới, xông tới khóm hoa… “Phách phách” (拍 拍) là từ láy, gợi tả tượng hình mà cũng tượng thanh, miêu tả nhịp vỗ rối rít của đôi cánh bướm bay. Chữ “sấn” (趁) là nhãn tự diễn tả thật sinh động và tế nhị vẻ đẹp nên thơ, sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, tạo vật, buổi xuân về. Bằng cái nhìn thấm đẩm chất nhân văn, thi nhân đã cảm và miêu tả một cách thi vị, sinh động, đáng yêu cái xuân sắc, xuân tình mơn mởn qua cánh bướm đang rối rít bay sấn tới những đoá hoa xuân.
Với nghệ thuật miêu tả tinh tế và điêu luyện, trên nền hoa xuân rực rỡ muôn hồng nghìn tía nổi lên một đôi bướm trắng. Trên gam màu rực rỡ, lộng lẫy của hoa là nét chấm phá hai điểm trắng của cánh bướm, gợi lên sự thanh khiết, trang nhã, thanh tân. Bút pháp tả cảnhngụ tình, “Buổi sáng mùa xuân” cho thấy con người và thiên nhiên giao hoà, cộng hưởng một cách hài hòa tràn đầy sức sống.
Thơ Xuân của vua Trần Nhân Tông đẹp như bức tranh xuân bằng thuốc nước của một danh hoạ, màu trắng của cánh bướm nổi bật trên nền màu hoa là nghệ thuậtđiểm nhãn” trong thi pháp cổ. Nó làm ta liên tưởng đến những vần thơ cổ của thiên tài Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện KiềuNguyễn Du)
Thiên nhiên trong thơ  Trần Nhân Tông rất đậm đà màu sắc đồng quê. Có khóm liễu xanh và tiếng chim hót:

Chim hót véo von liễu nở đầy

                                                 Thềm hoa chiều ảnh bóng mây bay

                                        Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế

                                        Cùng tựa lan can ngắm núi mây”

(Cảnh mùa xuân).

Có cánh cò trên đồng lúa và âm vang tiếng tù và của mục đồng:

Theo lời kèn mục trâu về hết

                                                 Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng

(Thiên trường vãn vọng).

Có ánh trăng lung linh trên chùm hoa mộc ngậm sương khuya:
Bên song đèn rạng, sách đầy giường,
Khí lạnh, đêm thu, đượm giọt sương
                              Thức dậy tiếng chày đà lặng ngắt
Trên chùm hoa mộc, nguyệt lồng gương”.
                                                                   (“Nguyệt” – thơ dịch)
Buổi sớm mùa xuân” là một bài thơ xuân trữ tình tuyệt hay. Cảnh xuân và tình xuân hoà quyện. Nghệ thuật miêu tả chấm phá, mỗi đường nét, mỗi màu sắc của hoa, của bướm rất tươi tắn, nhẹ nhàng và thanh thoát. Tả cảnh xuân chớm đến cũng là ngợi ca vẻ đẹp quê hương, đất nước thanh bình. Yêu mùa xuân chính là thiết tha yêu quê hương đất nước. Tâm hồn nhà vua – thi sĩ, trẻ và đẹp mãi với mùa xuân, với giang sơn Đại Việt. Thơ là sự giãi bày, là tiếng nói đồng điệu trong mọi không gian và thời gian. Bài thơ “Buổi sớm mùa xuân”, viết theo thể ngũ ngôn, tứ tuyệt, đã đi suốt một hành trình trên bảy thế kỷ, ngày nay đọc bài thơ, ta cảm thấy tâm hồn mình rung động, hoà nhập, gần gũi với người xưa.

Chẳng những Trần Nhân Tông bất ngờ trước cảnh xuân đến, càng bất ngờ thấy cái rộn rã của mùa xuân qua đôi bướm trắng chớp cánh bay đến với hoa. Tình kín đáo mà cảnh thì hồn nhiên. Thi tứ đã chớp được cái khoảnh khắc thật độc đáo ấy.

              Còn đây là cảm nghĩ của nhà thơ khi đón ngày Xuân muộn:

春  晚

XUÂN VÃN

年  少  何  曾  了  色  空

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

一  春  心  在  百  花  中

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.

如  今  勘  破  東  皇 面

Như kim khám phá Đông hoàng diện,

禪  板  蒲  團  看  墜  紅

Thiền bản, bồ đoàn khán trụy hồng.

 

CUỐI XUÂN

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Chúa Xuân nay bị ta khám phá,

Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng.

                           (Hòa thượng Trúc Lâm  dịch)

 

Xuân vãn” 春 晚 bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn, cô đọng chỉ hai mươi tám chữ, nhưng bao hàm cả hai giai đoạn đời Ngài: lúc còn bé chưa đi tu “niên thiểu” và khi đã là vị Thiền Sư đạt đạo “Thiền bản, bồ đoàn…”.

 

           “Thuở bé chưa từng rõ sắc không

             Xuân về hoa nở rộn trong lòng”

Thuở bé là thời điểm ngây thơ nhất của cuộc đời, lúc còn ít tuổi, cũng là khi   hiểu biết về đạo lý còn non trẻ. Một ngày xuân Thái tử đi dạo chơi trong thượng uyển, thấy trăm hoa đua nở, tỏa hương ngào ngạt khắp vườn. Bởi chưa thấu hiểu lý Bát Nhã, “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, chưa rõ thể tánh không của các pháp, Ngài ngỡ thân, tâm, cảnh đều thật có. Ý thức chấp ngã, chấp pháp mạnh mẽ, nhất là trong điều kiện thuận lợi về vật chất, Trần Nhân Tông làm sao tránh khỏi rộn ràng, xao xuyến khi thấy cảnh Xuân về? Và đây cũng chính là tâm trạng chung của con người, nhất là đối với tuổi trẻ, với những ai có tâm hồn nghệ sĩ, thi sĩ….

Bản chất con người là nặng nợ với trần cảnh, loạn động theo các duyên bên ngoài. Vì thế con người tạo nghiệp mà quanh quẩn trong sáu nẻo luân hồi.

“Chúa Xuân nay bị ta khám phá,

Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng”.

 

Ở đây,  Điều Ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông gọi là “Chúa Xuân”.

 “Chúa Xuân nay bị ta khám phá”.

 Thật ra, Chúa Xuân không lẫn tránh, không giấu mặt, cũng không phải ở đâu xa. Chỉ vì vọng thức che lấp nên không nhận ra tánh giác lúc nào cũng sáng ngời. Chúa Xuân không ở bên ngoài, không phải là đối tượng của sự tìm cầu, mà chính là mình – con người bất sanh, bất diệt xưa nay. Sực tỉnh xoay trở về chính mình, ta mới nhận ra, quả thật xuân đang trùm khắp vạn hữu, mai, đào đang khoe sắc, trăm hoa đua nở, tỏa ngát mùi hương!

Trần Nhân Tông đã khám phá “Chúa Xuân”, Ngài còn trọn vẹn sống cùng mùa Xuân miên viễn:

禪  板  蒲  團  看  墜  紅

“Thiền bản, bồ đoàn, ngắm cánh hồng”.

“Thiền bản” là chiếc giường nhỏ, “bồ đoàn” là chiếc gối tròn để ngồi. Đây là hai dụng cụ dùng để ngồi thiền. “Thiền bản” còn hàm chứa chân tánh hay bản tâm của mỗi người. Ngồi trên giường Thiền nghĩa là hằng sống cùng bản tâm sẵn đủ. Bản tâm thường tịch nhưng thường tri, luôn lặng lẽ mà luôn chiếu sáng. Định của bản tâm không trụ, không xả, không nhập, không xuất, nên là thường định, đại định. Không bỏ huyễn cầu chân, không bỏ mê về ngộ. Trong các cảnh vô thường sinh diệt, những bậc đạt đạo nhận ra và sống bằng thể tánh chân thường bất sinh, bất diệt, nên có cái nhìn thẩm thấu vào bản chất của các pháp. Do vậy, Ngài tự tại an nhiên trước sự biến đổi của vũ trụ vạn hữu, nên đã nói “ngồi trên giường Thiền, ngắm từng cánh hoa rụng, trong một chiều xuân muộn”.

Cùng một cảnh xuân, nhưng lúc mê thì tâm loạn động, bị cảnh quyến rủ, lôi cuốn, khi ngộ thì an nhiên nhìn mọi sự đổi dời. Xuân đến, rồi đi, hoa theo xuân nở, rồi tàn, nhưng “Chúa Xuân” mãi hiện hữu, siêu vượt thời gian, vượt không gian. Mùa Xuân miên viễn ấy không ở đâu xa, không từ bên ngoài đến, mà ở ngay trong mỗi con người ta – tại đây và bây giờ

 

  1. Bài thơ Xuân hay nhất của Điều Ngự Giác Hoàng

Bài thơ xuân hay nhất của vua Trần Nhân Tông có lẻ lại là bài “Xuân nhật yết Chiêu Lăng”:

春 日 謁 昭 陵

“XUÂN NHẬT YẾT CHIÊU LĂNG:”
貔 虎 千 門 肅                        
Tì hổ thiên môn túc

衣 冠 七 品 通

Y quan thất phẩm thông

白 頭 軍 士 在

Bạch đầu quân sĩ tại
往 往 說 元 豐

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Nghĩa là:

NGÀY XUÂN THĂM CHIÊU LĂNG

Nghiêm trang nghìn cửa quân hùm,
Trăm quan bảy phẩm một vùng cân đai.
Bạc đầu, chàng lính nhắc hoài,
Chuyện Nguyên Phong cũ những ngày ruổi rong

Vua Trần Thái Tông (1218-1277) sáng lập triều đại nhà Trần lấy niên hiệu đầu tiên là Kiến Trung (1226), sau đổi thành Thiên Ứng Chính Bình (1232), đến năm 1251 lại đổi niên hiệu thành Nguyên Phong. Năm thứ 7 niên hiệu Nguyên Phong (1258), quân Nguyên kéo quân sang xâm chiếm nước ta, vua Trần Thái Tông thân chinh đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng Thăng Long và kết thúc thắng lợi vào ngày 29.01.1258. Niên hiệu Nguyên Phong đã đi vào lịch sử với chiến thắng chống quân Nguyên Mông, giữ vững quốc gia xã tắc và Ngài được mệnh danh là vị Vua anh hùng dân tộc.

Ngày xuân, đến thăm lăng mộ của Vua Trần Thái Tông, trước ba quân hùng mạnh, trăm quan tề chỉnh, uy nghiêm. Sau lúc lạy bái yết trước lăng, Trần Nhân Tông hỏi chuyện người lính già, ông ta luôn nhắc đến chuyện thời Nguyên Phong,

Bài thơ “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” để nhắc chuyện thời Nguyên Phong cho quần thần nghe “không phải chỉ những người lính già đầu bạc thời Trần Nhân Tông kể mãi chuyện đời Nguyên Phong – mà cả đến ngày nay mối chúng ta cũng nhớ mãi truyền thống tốt đẹp này”. Đó là, khi đất nước, triều đình hùng mạnh, những người lính già lại là người nhớ đến những ngày khởi nghiệp gian nan, vất vả nhất. Ý tứ thật sâu sắc thể hiện tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn”. Cái ý ngày xuân, được nhắn nhủ kín đáo và thâm trầm xiết bao. Một đức vua anh hùng, một  vị học giả uyên thâm, một nhà thơ siêu việt, mới có được những vần thơ xuân thấm đẫm chất nhân văn như thế!

 

                                                      Những ngày Đông Kỷ Sửu -2009.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

.