Thoại Ngọc Hầu với Hà Nội Qua hai tấm bia mới phát hiện

11/ 11/ 2017 14:42:21

Thoại Ngọc Hầu với Hà Nội

Qua hai tấm bia mới phát hiện

Nguyễn Hữu Tưởng

Viện Hán Nôm

 

Trong một lần đi khảo sát, chúng tôi đã tới ngôi Chùa Am tại số 29 ở phố Cửa Bắc – Hà Nội. Ngôi chùa nằm khá sâu trong ngõ 29. Trên vòm cổng chùa có đề bốn chữ Phổ Quang am tự (Chùa Am Phổ Quang). Từ cổng đi vào khoảng 200 m là tới nơi toạ lạc của ngôi Chùa Am Phổ Quang. Hiện nay, chùa nằm lẫn với nhân dân, đã được xây mới hoàn toàn với hai tầng gác. Dấu tích còn lại của vườn tháp tổ cho ta hình dung được quy mô rộng lớn xưa  kia của ngôi Chùa Am này. Trải qua thời gian thăng trầm biến đổi, những hiện vật cổ còn lưu giữ được ở trong chùa hiện nay chỉ còn 5 tấm bia đá. Tấm bia có niên đại sớm nhất là Gia Long (?), một tấm bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 5 (1824), môt tấm bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 10 (1829), một tấm bia có niên đại Thành Thái năm thứ 2 (1890), một tấm bia có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1908). Các tấm bia chỉ khắc một mặt. Sau một thời gian, chúng tôi trở lại để thực hiện bài viết này thì tấm bia có niên đại Gia Long và tấm bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 5 (1824) đã bị mất, chỉ còn lại ba tấm bia. Tấm bia có nhan đề Phổ Quang tự trùng tu bi ký niên đại Thành Thái thứ ba ghi lại việc thờ hậu một số người có công đóng góp sửa chùa, ít có giá trị. Tấm bia có niên đại Minh Mệnh năm thứ 10 (1829) và tấm bia có niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1908) có liên quan tới lịch sử ngôi chùa và nhân vật lịch sử Thoại Ngọc hầu nên chúng tôi xin giới thiệu toàn văn.

 

  1. Bia niên đại Minh Mệnh thứ 10 (1829)

Bia cao 50cm, rộng 35 cm, không có trán, diềm và tên bia, góc dưới bên phải bị vỡ nhưng không phạm vào chữ. Thực ra đây là thần vị của Thoại Ngọc Hầu và vợ. Bia gồm 5 dòng, dòng đầu sát mép bia là dòng niên đại, dòng giữa (chữ to) khắc thần vị Thoại Ngọc Hầu, dòng tiếp theo khắc thần vị bà Châu phu nhân, hai dòng còn lại khắc tên họ những người cúng tiền. Sau đây là toàn văn văn bia:

Phiên âm:

Minh Mệnh thập niên, thập nhị nguyệt, cốc nhật.

Khâm sai Thống chế, kiêm thủ Châu Đốc đồn, lĩnh Bảo hộ Cao Miên quốc ấn, kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ, gia nhị cấp, kỷ lục tứ thứ Thoại Ngọc hầu Thần vị.

  Nguyễn tôn công nguyên phối huý (Tế, hiệu) Nhàn Tĩnh Châu phu nhân linh vị.

  Cựu ? Bình trấn thê Trinh thị cung tiền tam quan. Vũ Tá Bính tam (quan).

  Bản tự tâm địa giới hiệu Diệu Chấn thân thuộc Vũ Tá Bính phụng thí.

Dịch nghĩa:

Ngày lành tháng 12 niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 10 (1829).

Thần vị của Khâm sai Thống chế …. trấn thủ đồn Châu Đốc, lĩnh ấn bảo hộ nước Cao Miên, kiêm quản việc biên giới trấn Hà Tiên, được tăng thêm 2 cấp, ban thưởng kỷ lục 4 lần Thoại Ngọc hầu.

Bài vị của phu nhân Nguyễn tôn công huý là Tế, hiệu là Nhàn Tĩnh Châu phu nhân.

Vợ của cựu … Bình (?) họ Trịnh cúng 3 quan tiền. Vũ Tá Bính cúng 3 quan tiền.

Bản tự, giới hiệu Diệu Chấn, người thân thuộc của Vũ Tá Bình, kính lập bia.

  1. Bia niên đại Duy Tân năm thứ 3 (1908).

Bia cao 100 cm, rộng 50 cm, gồm 15 dòng. trán bia chạm lưỡng long triều nguyệt. Bia đã bị vỡ làm bốn mảnh nên đã bị mất một số chữ. Nhà chùa hiện đã dùng xi măng chắp lại.

Phiên âm:

Phổ Quang tự trùng tu bi ký.

 Hà thành Phổ Quang tự An Viên quan địa phận dã. Trùng tu hoàn thành, đăng chung lâu tứ cố vọng chi ……. hậu chẩm, Mã Cảnh tiền đường, tả khâm Lãng Bạc hữu đới Nhĩ Hà. Nãi Thăng Long thành chi thắng cảnh dã. Thị tự dã thuỷ ư Hoàng triều thống chế Thuỵ Ngọc hầu Châu phu nhân kiến lập tiểu am. Lê triều tạo sĩ Di …… cung chú đồng tượng nhị trượng …… xích phụng sự thậm đốc. Viên cầu trụ trì đắc đại ni hiệu Diệu Chấn nguyên Trịnh vương phủ Thị nội …. thị huý Ngọc, thụ giới ư Lâm Tế … Từ Phong. Tổ khổ hạnh thanh tu trụ thử chấp dư niên toại thành túc lão nhị phu nhân ái trọng …. khuyến đàn na nhân thành cơ kiến vi đai tự, thỉnh Từ Phong tháp Bố Đức Thiền sư tạo tượng phụng tự vi đệ nhất khai sơn tổ dã. Diệu (Chấn?) Thiền sư kế chi Viên Quang tháp vi … nhị đại tổ dã. Tam đại tổ hiệu Diệu Hậu Từ Nhân sư Tịnh Quang tháp dã. Tứ đại tổ hiệu Từ …… Tuệ Từ Quang tháp dã. Tiếp …. hoa kế Tuệ Quang tháp huý Phúc hiệu Kiệm Phác tôn sư vi ngũ đại tổ, thị ngô sư dã. Sư ư ….. dư …. kế đăng. Tự phụng mệnh dĩ lai mỗi niệm thử cảnh liệt tiên tổ tiết thứ tu Thiền cái dĩ hữu niên …..  thảng phi nhất phiên chỉnh đốn, hạt khắc liên đăng tục diệm, dĩ kế tiền tổ chi phương xúc dã tai. Hạnh đối tổ ấm chi túc …. tự kỷ chi tư tài, xưởng dĩ Đinh Dậu niên chính nguyệt khởi công, chí Đinh Mùi niên thập nguyệt cáo tuấn. Kinh chi doanh chi, cựu giả ….. quảng, liên toà trang nghiêm, dĩ chí tổ đường, tăng xá, mạc bất hoàn bị. Nghĩ chi ư tiền chi tăng quang vi hà như, thứ cơ …..  công đức do kim vĩnh cửu nhi lưu phương, nhi nhị phu nhân sáng tạo chi công diệc nhân chi cụ truyền. Dư thậm …..  ký chi vu thạch vĩnh thuỳ bất hủ, dĩ khải ngã hậu chi sơn môn vân.

     Tỳ khâu ni tự Nguyên Nhiệm kính lập.

      Duy Tân tam niên nhị nguỵệt sơ … nhật lập bi ký.

 Dịch nghĩa:

Bia trùng tu chùa Phổ Quang

Chùa Phổ Quang đất Hà thành thuộc địa phận cửa An Viên. Khi việc trùng tu đã hoàn thành, lên lầu chuông trông ra bốn phía: sau tựa vào núi … trước lấy Mã Cảnh làm tiền đường, vạt trái là hồ Lãng Bạc, dải phải là dòng Nhĩ Hà. Đây là một thắng cảnh của thành Thăng Long. Chùa này có nguồn gốc từ khi Châu phu nhân, vợ của Thống chế triều ta là Thoai Ngọc hầu, lập ra một am nhỏ. Tạo sĩ triều Lê là Di … đúc cúng vào am tượng đồng cao 2 trượng … thước thì việc phụng thờ càng thịnh. (Phu nhân) tìm người trụ trì, tìm được vị đại ni hiệu Diệu Chân, huý là Ngọc, nguyên là Thị Nội trong phủ Trịnh vương, sau thụ giới theo phái Lâm Tế. Tổ khổ hạnh thanh tu, trụ trì được 20 năm trở thành một vị đại lão. Nhị phu nhân vô cùng quý trọng bà, bèn khuyến giáo bốn phương,  nhân nền móng cũ lập thành một ngôi chùa lớn, xin được tạo tượng Bố Đức Thiền sư (hiện mai táng tại tháp Từ Phong) để phụng thờ, coi là tổ mở chùa đầu tiên. Tổ Diệu (Chấn?) Thiền sư (hiện mai táng tại tháp Viên Quang) nối việc trụ trì, là tổ thứ 2. Tổ đời thứ 3 hiệu là Diệu Hậu Từ Nhân (hiện mai táng tại tháp Tịnh Quang). Tổ đời thứ 4 hiệu là Từ … Tuệ, (hiện mai táng tại tháp Từ Quang). Kiệm Phác tôn sư huý là Phúc nối tiếp việc trụ trì, (hiện mai táng tại tháp Tuệ Quang), tức là tổ thứ 5, chính là thày tôi. Vào … thày ….. tôi ………. nối việc trụ trì. Từ khi vâng mệnh (nối việc trụ trì) tới nay, tôi thường nghĩ, chùa này các tổ trước nối nhau tu Thiền đã trải nhiều năm, ……….. nếu không một phen tu sửa thì sao có thể làm rạng rỡ đạo pháp, nối tiếp tiếng thơm của các vị tổ trước được. May mà đội ơn các tổ cũng có … đầy đủ, tôi cũng có của riêng, liền khởi công (sửa chùa) vào tháng Giêng năm Đinh Dậu, đến tháng 10 năm Đinh Mùi thì hoàn thành. những cái cũ …… rộng rãi, toà sen trang nghiêm, cho đến nhà tổ, nhà tăng, không chỗ nào không hoàn chỉnh, so với trước chùa đã khang trang hơn biết bao, như thế may ra làm … công đức từ nay mãi để lại tiếng thơm, mà công sáng tạo chùa của Nhị phu nhân cũng theo đây mà được truyền lại được đầy đủ. Tôi vô cùng … ghi lai vào bia đá để lưu lại mãi, để truyền lại cho những người trong chùa sau này được biết.

Tỳ khưu ni tên tự là Nguyên Nhiệm kính lập bia.

Ngày… tháng 2 niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 (1908).

  1. Một số nhận xét

3.1. Trong thần vị không nhắc tới chức tước khi Thoại Ngọc Hầu làm quan tại Hà Nội và Lạng Sơn. Chúng tôi ngờ có lẽ thần vị này được khắc theo một thần vị tại Nam bộ, quê hương và nơi hoạt động chính của ông.

3.2. Thoại Ngọc Hầu chỉ làm quan một thời gian rất ngắn ngoài Bắc, hoạt động và công trạng của ông chủ yếu là ở Nam bộ, một nơi thời đó đối với người dân Hà Nội là hết sức xa xôi. Khi mất ông cũng mất ở Nam Bộ. Thế mà sau khi ông qua đời, nhân dân Hà Nội vùng ông ở xưa  vẫn biết và rước thần vị vợ chồng ông vào thờ trong chùa. Điều đó chứng tỏ lòng ngưỡng vọng của người dân Hà Nội trong vùng đối với vợ chồng ông lớn thế nào.

3.3. Nội dung chính của bàii văn bia nói tới lịch sử thành lập ngôi Chùa Am. Đầu tiên bà Châu Thị Tế lập am với mục đích tu hành cho riêng bản thân mình. Sau do lòng ngưỡng mộ của người dân Hà Nội trong vùng nên bà đã đứng ra xây dựng thành một ngôi chùa lớn. Vì thế mới có tên gọi Chùa Am. Cách gọi này dân trong vùng hiện nay vẫn dùng. Điều đó chứng tỏ khởi nguyên của ngôi chùa đã in đậm trong ký ức nhân dân trong vùng.

3.4. Thoại Ngọc Hầu được nói tới trong văn bia là một vị tướng đóng góp nhiều công lao cho vương triều Nguyễn ngay từ buổi đầu. Thoại Ngọc Hầu tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thoại. Ông lập được nhiều công lớn, được phong nhiều chức tước trong đó có tước Thoại Ngọc Hầu, cái tên truyền thế đến ngày nay. Thoại Ngọc Hầu sinh ngày 26 tháng 11 năm Tân Tị, đời Thế Tông Hiếu Vũ Hoàng Đế (Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) năm thứ 23 (1761), tại huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam, một vùng đất sơn xuyên linh tú, hun đúc nên nhiều bậc tài danh, có công lao đối với đất nước trong lịch sử. Ông là con của cụ Nguyễn Văn Lượng làm quan văn trông coi việc lễ (được sắc truy phong là Anh dũng tướng quân, Khinh xa Đô uý, Thần sách Vệ uý Nguyễn Hầu, do vua Minh Mệnh ban ngày 21 tháng 7 năm 1822), và bà Nguyễn Thị Tuyết được ban sắc truy phong mỹ hiệu Thục Nhàn, cũng do vua Minh Mệnh ban vào ngày tháng năm như trên). Ông thuở nhỏ tính khí cương cường, ham thích nghiệp võ. Năm 16 tuổi (1777), ông ra đầu quân với Nguyễn Phúc Ánh. Từ đó về sau ông lập được nhiều công lao hiển hách: đào kênh Vĩnh Tế, kênh Đông Xuyên, lập làng, vỡ ruộng, bắc cầu, đắp đê, kiến trúc sơn lăng từ miếu, bảy lần sang Xiêm, hai lượt sang Lào, mười một năm bảo hộ nước Cao Miên. Ông từng vào Nam ra Bắc được phong chức Khâm sai Thống binh Chưởng cơ, quản suất biền binh lưu thủ Bắc Thành, Trấn thủ Lạng Sơn (trong khoảng thời gian từ năm 1802 đến năm 1808). Có lẽ lúc đó cũng là khoảng thời gian mà ngôi Chùa Am Phổ Quang này được thành lập và nó thuộc phạm vi dinh cơ của Thoại Ngọc Hầu.