THỜI GIAN TRỔ QUẢ CỦA NGHIỆP VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA NÓ

06/ 12/ 2017 08:56:16

THỜI GIAN TRỔ QUẢ CỦA NGHIỆP VÀ Ý NGHĨA  THỰC TIỄN CỦA NÓ

                                                                                            THÍCH TỪ ÂN

1, Khái niệm về nghiệp

uan điểm về Nghiệp được lý giải, phân tích qua từng giai đoạn phát triển Phật giáo, có tính kế thừa và đặc thù riêng của từng Bộ phái. Nhưng cho dù lý giải thế nào đi nữa, điểm chung nhất của các phái đề cập đến Nghiệp là sự giải thích mối quan hệ giữa Nhân và Quả, là đề cao tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực cá nhân và bình đẳng trong mối quan hệ Nhân và Quả. Đó là nhân tố để xây dựng đời sống đạo đức và trật tự xã hội. Vì người có ý thức về Nghiệp lực là người có tinh thần trách nhiệm đối với cá nhân và tập thể, là yếu tố cơ bản để ngăn chặn những hành vi phạm pháp. Như vậy, Nghiệp trong Phật giáo có yếu tố tích cực trong việc xây dựng một nếp sống có đạo đức, giúp con người có cuộc sống bình an, xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội thịnh vượng, có trật tự, kỷ cương.

Vậy Nghiệp là gì ?

Chữ Nghiệp dịch từ chữ Karma (Sanskrít) hay Kamma ( Pali). Kamma có nghĩa là: hành động, hành vi hay sự tạo tác. Tuy nhiên hành động, hành vi hay sự tạo tác này có hai trường hợp là hành động có chủ ý và hành động không có chủ ý. Theo Phật giáo, chỉ có những hành động tạo tác có chủ ý mới thành Nghiệp còn hành động vô ý thì không có Nghiệp.

Như vậy, Nghiệp không phải là những hành động của thân, khẩu, ý đơn thuần mà cái quyết định tạo Nghiệp là có chủ ý. Trong Kinh Annguttana – NiKaya Đức Phật dạy “Này các tỳ khiêu Như Lai xác nhận rằng Tư tác chính là Nghiệp”. Tư tác này chính là Tư – tâm –  sở.

Từ đó rút ra định nghĩa: Nghiệp là những hoạt động có chủ ý của thân, khẩu, ý, hay Nghiệp là những hành động của thân, khẩu, ý được dẫn đầu bởi một Tư tưởng hay Tư – tâm – sở.

Ý nghĩ, lời nói, việc làm thường theo ý muốn mà phát khởi. Phật giáo gọi ý muốn hay ý chí ấy là Tư tác. Tất cả những hành động có Tư tác, biểu hiện nơi thân, khẩu hay ý, thiện hay bất thiện đều tạo Nghiệp. Những hành động không cố ý, không có chủ tâm, mặc dầu đã biểu hiện bằng lời nói hay việc làm, đều  không tạo Nghiệp. Tư tác là yếu tố tối quan trọng để tạo Nghiệp.

 Vậy Tư tác (Cetenà) là gì ?

Tư là: ý chí, ý muốn, ước vọng, chủ ý, cố ý; nó quy tụ và chủ đạo các Tâm sở đi kèm để tạo ra tính chất sai khác, đa dạng của các loại Nghiệp. Tư có thể là thiện, ác, vô lậu và bất động.

Ở đây, cần phân biệt Tư tác không phải là tác ý. Vì tác ý vẫn là công năng làm việc của thức, nó còn muội lược (chưa thành ý nghĩ hay hành động cụ thể) và không mang trách nhiệm vào luân hồi sinh tử. Còn Tư tác lại mang tính chất quyết định tạo Nghiệp thiện, ác, dẫn đầu tham gia vào tất cả các hành Nghiệp của con người.

Chúng ta phân tích bảy biến hành tâm sở để phân biệt tác ý và Tư tác.

Bảy biến hành Tâm sở: Xúc, tác ý, thụ, tưởng, tư, mạng căn, nhất tâm.

  • Xúc: Là sự giao tiếp, xúc chạm, tiếp giáp giữa căn và trần.
  • Tác ý: Là khởi ý, hướng tâm đến đối tượng, đưa tâm đến đối tượng.
  • Thụ: Là cảm thụ cảnh, tiếp nhận cảnh. Thường thì có xúc mới có thụ, không xúc thì không thụ. Thụ chỉ là cảm thụ đơn thuần, tự nhiên, khách quan, là kết quả dị thục (quả chín nhậm vận và khác thời) của Nghiệp trong quá khứ.
  • Tưởng: Là nhận biết đối tượng một cách khách quan bằng giác quan, là cái biết của giác quan hay tri giác. Tưởng chỉ đóng vai trò tiếp nhận, xem xét, xác định đối tượng chứ không phán đoán và quyết định trạng thái. Tưởng có thể đúng, có thể sai, nhưng chưa tạo thành Nghiệp thiện, ác. Nó chỉ đóng vai trò cung cấp dữ liệu, nên tưởng cũng thuộc về vô nhân dị thục, chỉ là kết quả thụ động.
  • Tư: là tâm sở tạo tác, quyết định các hành động của tâm. Nó đóng vai trò quan trọng nhất trong 51 tâm sở, có Tư là có Nghiệp. Nó chi phối các Nghiệp thiện, ác và bất động. Riêng các tâm Siêu thế, Tư không còn tác dụng, nó được thay bằng tuệ, vì tâm tại thế có huynh hướng tích lũy Nghiệp, còn tâm Siêu thế có huynh hướng loại trừ, diệt tận Nghiệp. Tư đóng vai trò tạo tác các Nghiệp thiện, bất thiện, bất động. Nếu Tư bị Vô minh, Ái dục điều động thì nó tạo các Nghiệp trong luân hồi sinh tử. Nếu Tư được trí tuệ soi sáng thì nó tạo các Nghiệp thiện, bất động hoặc Siêu thế. Riêng đối với chúng sinh thì, Tư quyết định cảnh giới trong tương lai ác đạo hay thiện đạo hoặc dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.
  • Nhất tâm: Sự liên tục trên một đối tượng. Tiến trình xúc, thụ, tưởng, tư cần phải đồng nhất liên tục trên một đối tượng thì mới hoàn tất một lộ trình tâm nên cần phải có nhất tâm.
  • Mạng căn: Đồng thời mỗi tâm sở phải có thời gian tồn tại riêng nên nó cần có mạng căn. Nếu không có tâm sở này thì 5 biến-hành-tâm sở kia sẽ tiến hành không đồng nhất và không tồn tại trong thời gian cần thiết để xử lý đối tượng.

Như vậy trong toàn bộ bảy biến hành tâm sở thì, tâm sở Tư là “nhân” đóng vai trò quyết định tạo Nghiệp thiện, ác còn xúc, thụ, tưởng chỉ là quả vô nhân dị thục. Tác ý dù rất quan trọng nhưng vẫn chưa tạo Nghiệp: Ví như một con tàu đi đâu tùy thuộc vào bánh lái (tác ý) nhưng bánh lái bẻ qua bẻ lại mà máy (Tư) không nổ thì không tác dụng gì.

Như vậy tạo một nghiệp thiện hay ác, lành hay dữ đều do nơi dụng tâm, dụng tâm thiện đưa tới quả báo thiện, dụng tâm ác đưa tới quả báo đau khổ. Cũng như người trồng dưa thì sẽ có quả dưa. Không thể trồng dưa mà lại được quả đậu. Tuy nhiên muốn có quả dưa cũng phải có đủ diều kiện và thời gian nhất định, cây dưa mới cho quả. Tạo Nghiệp ác hay Nghiệp thiện cũng như vậy. Nghĩa là đủ nhân duyên và thời gian thích hợp thì sẽ có quả báo thiện hay ác tương ưng nếu không biết cách chuyển hóa.

2, Thời gian trả quả

Tùy theo sức mạnh của Nghiệp và cơ hội trả quả, Nghiệp cũng có thời gian trả quả khác nhau. Nói cách khác, khi nhân duyên đủ thì quả thành, nhân duyên chưa đủ thì quả chưa thành. Chính do vậy mà, có một số người làm ác lại sống giàu sang, sung sướng; một số người hiền lương, tốt, chân thật sống trong túng thiếu, nghèo khổ. Điều này tưởng như nghịch lý Nghiệp báo, thật ra là do thời gian trả quả nhanh chậm khác nhau mà thôi.

Ví dụ: Người vừa trồng một cây ớt, rồi trồng một cây cam. Ba tháng sau người đó có ớt ăn còn cam thì chưa. Ớt ví cho quả khổ, cam ví cho quả vui.

Ông A nhiều năm về trước chịu khó làm ăn, biết để dành, nên hiện tại ông ta không làm gì mà vẫn có tiền để tiêu dùng. Đây là ví dụ cho những người hiện tại không làm việc lành mà họ vẫn sung sướng. Tuy nhiên, do hiện tại không làm việc nên khi dùng hết của để dành, ông A sẽ nghèo khổ. Đây ví như quả khổ tương lai mà ông A chưa thấy, chưa biết.

Ông B trong quá khứ không chịu làm ăn nên hiện tại bị đói khổ (quả dữ hiện tại) cho dù bây giờ có tích cực làm việc thì nhiều năm sau mới được sung sướng (Nhân tốt hiện tại, quả lành mai sau).

 

  • Hiện báo Nghiệp (Ditthadhammavedanìya kamma)

Hiện báo Nghiệp là những Nghiệp đưa đến kết quả ngay trong đời hiện tại.

Thường trong hiện tại, chúng ta thụ nhận quả của Nghiệp quá khứ; nhưng nếu vừa có một Nghiệp mới tạo ra, nó đủ điều kiện để trổ quả, nó sẽ chen vào hiện tại này. Trong Tạng Vi Diệu Pháp, Đức Phật dạy rằng, trong 7 sát – na tốc hành tâm để tác thành Nghiệp, thì thời gian tạo Nghiệp vào sát – na tốc hành tâm thứ nhất, thường trả quả trong kiếp hiện tại, nếu không trả quả trong hiện tại nó sẽ thành vô hiệu.

Quả lành trổ sinh trong hiện tại: Thời Đức Phật còn tại thế, có hai vợ chồng nghèo khổ, chỉ có một áo choàng che thân nhưng đã phát tâm mạnh mẽ cúng dàng Đức Phật. Việc cúng dàng này đã đến tai nhà vua, nhà vua rất cảm động nên đã ban cho hai vợ chồng được hưởng nhiều đặc ân về địa vị và tài sản.

Quả dữ trổ sinh trong hiện tại: Như tích truyện người thợ săn độc ác xua bầy chó cắn một vị Tỳ khiêu. Vị Tỳ khiêu sợ hãi leo lên cây, lúng túng làm rơi tấm y chùm lên đầu người thợ săn, bầy chó dữ thấy một người đang lúng túng trong bộ y vàng ngỡ là là sư đã bị té xuống nên quay lại cắn xé chủ mình đến chết.

 

  • Sinh báo Nghiệp (Upapajjavedaniya kamma)

Đây là những Nghiệp đưa đến kết quả đời sau, kế liền đời hiện tại. Trong 7 sát – na của tốc hành tâm để tác thành Nghiệp, thì hai sát – na tâm cuối cùng thường trả quả trong đời kế tiếp, nếu không có cơ hội trả quả nó sẽ trở thành vô hiệu.

Ví dụ: Vua A Xà Thế đã phạm ngũ nghịch đại tội theo luật nhân quả thì khi chết phải đọa địa ngục vô gián. Nhưng do Ông tinh tấn tu hành đắc định và làm nhiều việc Phật sự, hộ trì Tam Bảo nên đời sau Ông đã thoát tội địa ngục và được hóa sinh vào cõi Phạm Thiên.

 

  • Vô hạn định Nghiệp (Abaràpạriyavedaniia kamma)

Là những Nghiệp không trổ quả trong kiếp hiện tại và kiếp kế tiếp, tùy theo sức mạnh của Nghiệp ấy và các duyên mà có thể trổ quả bất cứ kiếp nào.

Trong 7 sát- na tốc hành tâm để tác thành Nghiệp thì 4 sát – na tâm

ở giữa tạo ra Vô hạn định Nghiệp, trổ quả trong các kiếp kế sau.

 

Vô hiệu Nghiệp (Ahosikamma)

Là những Nghiệp không đủ duyên, không có cơ hội trổ quả trong kiếp hiện tại và kiếp kế tiếp sẽ trở thành vô hiệu.

Hiện báo Nghiệp, nếu không đủ duyên trổ quả trong hiện tại thì trở nên vô hiệu. Sinh báo Nghiệp, nếu không đủ duyên trổ quả trong kế tiếp thì trở nên vô hiệu. Hậu báo Nghiệp, không có cơ hội trả từ kiếp thứ ba trở đi cho đến khi Niết-bàn thì cũng trở nên vô hiệu. Tuy nhiên, không phải Nghiệp nào cũng trở  nên vô hiệu. Chỉ có những Nghiệp quá nhẹ không đủ sức trổ quả hoặc không đủ duyên trổ quả mới trở nên vô hiệu.

Như trong kinh Thủy sám có chép câu truyện có thật trong lịch sử Trung Quốc, ở triều vua Đường Ý Tôn có một vị quốc Sư hiệu là Ngộ Đạt tên là Tri Huyền học vấn và đạo đức của ngài danh vang khắp nơi. Vua Ý Tôn thân hành đến Pháp- tịch nghe ngài giảng đạo. Nhân đó vua mới ân từ rất hậu, cúng dàng ngài một pháp tòa bằng trầm hương và từ đó trên đầu gối của ngài mọc một mụn ghẻ tựa như mặt người, đau nhức không xiết! Vua cho mời tất cả các bậc danh y trong nước nhưng không ai chữa được cho ngài. Sau đó ngài từ chức quốc Sư lên núi Cửu Lũng tại Bành Châu đất Tây Thục gặp ngài Ca Nhã. Ngài Ca Nhã chỉ cho ngài xuống núi lấy nước suối rửa mụn ghẻ sẽ khỏi ngay. Sáng hôm sau một chú tiểu đồng dẫn ngài ra ngoài suối, ngài vừa lấy nước lên định rửa mụn, thì mụn ghẻ kêu lên:

Đừng vội rửa, ông học nhiều biết rộng đã khảo cứu các sách cổ kim, có từng đọc đến truyện Viên Áng, Tiều Thố chép trong bộ Tây Hán chưa?

Tôi có đọc.

Ông đã đọc rồi có lẽ nào lại không biết truyện Viên Áng giết Tiều Thố. Kiếp đó Ông chính Viên Áng còn tôi là Tiều Thố. Thố bị chém bêu đầu ở chợ phía đông, oan ức biết nhường nào. Đời đời tôi tìm cách theo ông để báo thù, song đã được mười kiếp ông đều làm bậc cao Tăng, giới luật tinh nghiêm nên chưa tiện để báo oán được. Nay vì ông đã được nhà vua quá ưa chuộng nên khởi tâm danh lợi làm tổn giới đức, tôi mới báo thù được ông. Nay nhờ ngài Ca Nhã lấy nước pháp tam muội rửa oán cho tôi rồi, từ đây trở đi tôi không còn báo oán ông nữa. Ngài Ngộ Đạt nghe xong, hoảng sợ liền vội vàng lấy nước gội rửa mụn ghẻ làm nhức nhối tận xương tủy, chết giấc hồi lâu mới tỉnh. Khi tỉnh lại thì không thấy mụn ghẻ đâu nữa.

Qua câu chuyện ta thấy, trường hợp cuả ngài Ngộ Đạt Quốc Sư kiếp xưa đã tạo Nghiệp giết người, (Vô hạn định Nghiệp) mười kiếp sau đều làm Sa Môn tu hành tinh tiến, giới phẩm thanh tịnh, ác Nghiệp không có cơ hội trổ quả; cho đến kiếp này cũng tu hành trai giới, học rộng đa văn lên tới ngôi vị Quốc Sư, chỉ vì một mống niệm danh lợi đắm chấp tòa trầm, liền mở ra cơ hội cho Nghiệp cũ trổ quả. Nhưng nhờ nhiều kiếp tu hành tinh tiến nên Nghiệp nặng chuyển thành nhẹ. Xưa nợ mạng người, nay chỉ trả quả bằng một cái mụn ghẻ bằng mặt người, lại gặp được ngài Ca Nhã Bồ Tát hóa giải oan khiên cũ.

Thế nên, tu hành trai giới, tích lũy công đức là sự chuyển Nghiệp rất màu nhiệm. Sức mạnh của Nghiệp tuy lớn, nhưng nếu có trí tuệ sáng suốt tinh cần thì Nghiệp báo dù mạnh đến đâu cũng sẽ được chuyển hóa.

Trong sự báo ứng của Nghiệp ta nên biết rằng, có những năng lực hỗ trợ, nâng đỡ, tạo điều kiện cho quả sớm trổ sinh và ngược lại cũng có những năng lực kìm hãm, ngăn chặn như sự sinh trưởng, thời gian hay hoàn cảnh, nhân cách hay sắc tướng và sự nỗ lực cố gắng là những năng lực hỗ trợ hay cản trở quả trổ sinh.

Ví dụ: như người kia được sinh trưởng trong một gia đình giàu có hay trong một cảnh giới an vui, hay chăm làm việc thiện. Sự tái sinh tốt (có phúc đức) đôi khi là một năng lực kiềm hãm không cho quả dữ trổ sinh.

Trái lại, một người khác sinh trưởng trong gia đình nghèo khó  hay trong cảnh khổ, tâm trạng lại luôn buồn khổ bất an. Sự tái sinh bất hạnh (người không phúc) của người này tạo điều kiện thuận lợi cho quả dữ trổ sinh.

(Còn nữa)