TIẾN TỚI KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI

27/ 03/ 2012 12:31:17

Nhân dịp cả nước đang chuẩn bị chào mừng đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng long – Hà Nội, phóng viên tạp chí Khuông Việt đã phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Tứ – Phó Chủ Tịch Thường Trực Hội Đồng Trị Sự về những công tác Phật sự mà Tăng Ni, Phật tử giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng tới chào mừng sự kiện quan trọng này.

  1. 1.Kính bạch Hòa thượng, năm 2010 Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, cả nước đang có nhiều hoạt động để hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chương trình hoạt động gì để chào mừng sự kiện này?

Hòa Thượng: Sự kiện 1000 năm Thăng Long – Hà Nội được Tăng Ni, Phật tử các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam hết sức quan tâm, điều này đã được thể hiện trong Nghị quyết thường niên của Trung Ương Giáo hội năm 2008. Chúng tôi nhận thức đây là niềm vinh dự không chỉ đối với công dân của nước Việt Nam nói chung mà đối với Tăng Ni, Phật tử nói riêng đều rất tự hào về thân thế và sự nghiệp của đức vua Lý Thái Tổ – người sáng lập ra triều đại nhà Lý – vốn là một Phật tử. Được sinh ra và trưởng thành trong chốn Thiền môn, Lý Thái Tổ đã được người Thầy của mình là Thiền sư Vạn Hạnh (quốc sư của triều Lê) và Thiền sư Khánh Văn chăm sóc, hướng dẫn tu học, và đến khi hội đủ những nhân duyên, Người đã đang quang làm vua và quyết định rời đô từ Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình) ra Thăng Long (thủ đô Hà Nội ngày nay). Với ý nghĩa đó, kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tăng Ni, Phật tử có cơ duyên ôn lại truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Trên tinh thần đó, Trung Ương Giáo hội đã chỉ đạo các ban, ngành, viện trực thuộc Trung ương đến các Tỉnh, Thành hội Phật giáo trong cả nước triển khai các hoạt động Phật sự thiết thực ích đạo lợi đời để chào mừng sự kiện quan trọng này. Trong thời gian tới, Phân viện Nghiên cứu Phật học Hà Nội, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức Hội thảo, tọa đàm về 1000 năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội, tổ chức các hoạt động nghi lễ tưởng niệm và tập trung trùng tu một số cơ sở tự viện Phật giáo liên quan đến Phật giáo thời Lý và các hoạt động văn hóa khác.

  1. 2.Kính bạch Hòa thượng, triều đại nhà Lý kéo dài hơn 200 năm và cũng là thời kỳ Phật giáo được trọng dụng như là Quốc giáo, nhiều cơ sở tự viện do triều đình xuống chiếu xây dựng. Vậy hiện nay, công tác trùng tu tôn tạo những cơ sở này được Giáo hội quan tâm như thế nào?

Hòa thượng: Các triều đại Đinh – Lê – Lý – Trần, Phật giáo đóng vai trò quan trọng đối với đời sống xã hội, tư tưởng giáo lý đạo Phật được coi là quốc giáo, là nền tảng đạo đức xã hội. Với sự ảnh hưởng đó, nhiều Tăng sĩ thời đó làm Tăng quan, được triều đình trọng dụng phong làm quốc sư để tham vấn cho vua những công việc trọng đại liên quan đến đối nội, đối ngoại, có vị làm thầy dạy cho các hoàng tử, công chúa và nhiều công việc khác. Với tư tưởng Cực Lạc hiện tiền, triều đại nhà Lý cho xây cất nhiều chùa tháp để dân chúng thờ Phật, làm biểu tượng khuyến thiện, lánh ác. Theo sách “Đại việt sử ký toàn thư”, mùa thu năm 1010, sau khi rời đô từ Hòa Lư về Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã xuống chiếu cho xây 8 chùa trong nội thành, và năm 1011 lại xuống chiếu cho xây 4 chùa ngoại thành, và công việc xuống chiếu cho xây chùa luôn được các vị vua kế tiếp duy trì cho đến khi hầu hết mỗi làng xã đều có một ngôi chùa để thờ Phật.

Trải qua hàng nghìn năm biến cố thăng trầm, đất nước chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt, nhiều cơ sở tự viện có giá trị lịch sử hàng nghìn năm đã bị mai một, xuống cấp, hủy hoại, thậm chí chỉ còn là những phế tích. Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách, Pháp luật nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, trên cơ sở đó, một số cơ sở tự viện của Phật giáo được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng được đầu tư ngân sách Nhà nước để tôn tạo, phục chế. Tuy nhiên, những việc làm này cũng chỉ dừng lại ở mức độ rất khiêm tốn so với hàng nghìn cơ sở tự viện cần được đầu tư tôn tạo. Với chủ trương xã hội hóa trong việc trùng tu, bảo tồn di tích, Giáo hội đã kêu gọi Tăng Ni, Phật tử phát tâm công đức tôn tạo, trùng tu và trong những năm qua đã có rất nhiều cơ sở tự viện được tu sửa khang trang, tố hảo, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của tín đồ Phật tử và xã hội. Song, một thực tế công tác trùng tu tôn tạo cũng gặp phải những khó khăn nhất định bởi những yếu tố khách quan hay chủ quan mà tới đây các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước về này và tổ chức Giáo hội, đơn vị được pháp luật thừa nhận là chủ sở hữu của cơ sở tín ngưỡng tôn giáo (trong đó có những có sở tự viện được Nhà nước công nhân là di tích). Nếu giải quyết hài hòa việc này thì công tác phối kết hợp trong công tác trùng tu tôn tạo các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo nói chung và cơ sở tự viện là di tích nói riêng sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

  1. 3.Kính bạch Hòa thượng, năm 2010 đất nước có nhiều sự kiện quan trọng và cũng là năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI, với những công việc đó, Giáo hội sẽ dự kiến những nội dung gì để cộng đồng Phật giáo thế giới hiểu hơn về lịch sử 1000 năm Thăng Long – Hà Nội?

Hòa Thượng: Đúng là năm 2010 đất nước có nhiều sự kiện trọng đại, trong đó đặc biệc là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây cũng là dịp Tăng Ni, Phật tử Việt Nam kỷ niệm 1000 năm Phật giáo Thăng Long – Hà Nội. Và đây cũng là cơ duyên hy hữu đối với Giáo hội đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI tại thủ đô Hà Nội. Chúng tôi xác định đây là thời điểm thích hợp để xiển dương Phật pháp đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam với cộng đồng Phật giáo thế giới. Theo chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới sẽ được thực hiện theo nhiều nội dung như hoạt động nghi lễ, triển lãm, văn hóa nghệ thuật, tọa đàm hội thảo, tham quan thắng cảnh… Qua đó, cộng đồng Phật giáo quốc tế sẽ hiểu biết hơn về đất nước và con người Việt Nam, về Phật giáo Việt Nam xưa và nay. Chúng tôi hy vọng, với những kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công Đại lễ Vesak năm 2008, Giáo hội sẽ tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI.

Xin tri ân công đức Hòa thượng.

 

Trích “Tạp chí Khuông Việt”