VÀI NÉT VỀ CHÙA NON ĐÔNG VÀ SỰ TÍCH BA ĐỨC THÁNH TỔ

06/ 12/ 2017 09:51:08

VÀI NÉT VỀ CHÙA NON ĐÔNG VÀ SỰ TÍCH BA ĐỨC THÁNH TỔ

 THÍCH THANH ĐẠT *

  1. Địa thế

Núi rừng Đông bắc Tổ quốc, nơi sản sinh ra nhiều bậc cao tăng, thánh tổ như Quốc sư Phù Vân, thánh tổ Quán Viên, Phật hoàng Trần Nhân Tông, thánh tổ Thủy Nguyệt, Quốc sư Tuệ Dung v.v.

Chùa Non Đông còn gọi là chùa Tường Quang, là một trong những ngôi chùa thánh địa Phật giáo khi xưa, cách thị trấn Mạo Khê khoảng 3 km về phía bắc trong dãy núi Yên Tử, thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

  1. Lược sử ba Đức Thánh Tổ

2.1 Thánh tổ Non Đông (1256-1325)

Theo bia chùa Tường Quang năm Khai Hựu thứ ba (1331)[1] và chùa Quang Khánh năm Hồng Đức thứ 7 (1515)[2] cho biết, Thánh tổ họ Vương tên là Quán Viên, người làng Trà Xuyên,  mồ côi cha từ lúc còn nhỏ, bà mẹ yêu quý nhất mực, ở vậy nuôi con không chịu đi bước nữa.

Năm 10 tuổi, Ngài khắc khổ tìm thày học chữ, năm 19 tuổi đã đọc rộng các sách, xa lánh tục trần, được Đại sư Kiên Độ ở chùa Báo Ân, huyện Siêu Loại, thế phát [3] cho. Năm 20 tuổi thụ Cụ túc giới[4] với hai Đại sư Nghĩa Trụ và Chân Giám, trở thành bậc lương đống trong cửa thiền.

Về sau, không thích nơi huyên náo gần chốn kinh thành, Ngài về chùa Đông Sơn theo lời mời của Đại lão Hòa thượng Đại Nghĩa.

Tuy đã về Đông Sơn, nhưng đức hạnh của Ngài vẫn được nhiều người kính mộ, họ theo về tận chùa để cúng dàng, nhưng Ngài không nhận, mà chỉ tự mình lao động để sinh sống, còn dư thừa lương thực thì cung cấp cho người nghèo. Và Ngài còn lập cơ sở chữa bệnh cho dân.

Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, tệ nạn mê tín dị đoan phát triển lan tràn, Ngài dẫn đồ đệ xuống núi giảng giải, khuyên nhủ dân chúng: “Dần dà mọi người hối cải, kẻ mê muội thì tỉnh ngộ, kẻ gian ác phải răn trừng, các tệ nạn dần được cải đổi”. Chùa Đông Sơn trở thành một trung tâm danh tiếng về hoằng pháp độ sinh “佛法東行之時也” phát triển khắp cả vùng duyên hải – Đông Bắc Đại Việt lúc bấy giờ.

Vua Trần Anh Tông (1293-1314) kính mộ đức hạnh của Ngài, xe giá đến thăm viếng, phong Ngài là Huệ Nhẫn Quốc Sư và mời Ngài tham dự triều chính.

Vua Trần Minh Tông (1314-1329) đau mắt, mộng thấy Ngài chữa cho khỏi bệnh, vua liền ban chiếu tạc tượng, sắc phong Đại Thánh Huệ Nhẫn Từ Giác Quốc Sư. (Tượng Ngài hiện nay thờ tại chùa Quang Khánh-chùa Muống)

Cuối đời, Ngài ly biệt đồ chúng, một mình ra tận biển Đông dựng am lấy tên là Minh Tịnh Liên Xã[5], không nhập thế nữa.

Ngài thị tịch vào ngày 27 tháng giêng năm Ất Sửu (1325).

Trụ thế 69 tuổi, tăng lạp 51.

Thi thể của Ngài được an táng toàn thân tại đỉnh núi sau Liên Xã.

Triều đình cấp kinh phí cho Hương Lâm là đệ tử nối pháp của Ngài, để xây tháp, đắp tượng và ban ngạch Sùng Đức Tự [6].

Bia chùa Quang Khánh còn cho biết, nơi đây là quê hương của thánh tổ Quán Viên[7]. Năm 1462 vua Lê Thánh Tông về  chùa này, có làm mấy bài thơ để lại.

Năm 1470, chùa Quang Khánh đúc chuông lớn, có bài ký của quan Giám sát, ngự sử Vũ Quỳnh hiệu Trạch Xuyên khắc trên chuông[8].

Năm 1498 quan Huyện doãn Nguyễn Công, người làng Kim Đôi đầu tư xây lại chùa, gồm hơn 200 gian, công trình lộng lẫy, hoành tráng[9].

Năm 1515 người làng lại đến xin quan Phạm Cảnh Chiêu [10], người làng Quỳnh Khê soạn văn bia. Sau đó, Bùi Hồ viết chữ[11].

 

2.2 Thánh tổ Thủy Nguyệt (1637-1704)

Theo Ngữ lục[12], tổ Thủy Nguyệt pháp húy là Thông Giác Đạo Nam. Người xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam.

Tổ họ Đặng, sinh năm Đinh Sửu (1637), là con đầu lòng, nhỏ học Nho giáo, 18 tuổi thi đỗ Hương cống (Tứ trường). 20 tuổi không thích chốn quan trường, vào xuất gia với sư tổ chùa xã Hổ Đội, huyện Thụy Anh; được 6 năm, thì xin phép thày cho đi học, sau  2 năm du học, vào năm Giáp Thìn (1664), lúc đó Ngài 28 tuổi, quyết tâm cùng 2 đệ tử tìm sang Trung Quốc học đạo.  Đường đi khó khăn vất vả, đến Cao Bằng thì một đệ tử lâm bệnh chết. Năm sau – Ất Tị, thày trò vào đến đất Châu Hổ, Trung Quốc, đi khắp các chốn tùng lâm, nhưng không ở đâu tiếp nhận.

Một hôm, Ngài nằm mộng được thần nhân mách bảo về núi Phượng Hoàng (qua bài kệ). Thày trò lại tiếp tục lên đường, sau hơn một tháng mới đến được núi Phượng Hoàng. Tuy đã trình bày hết lời với vị sư gác cổng chùa, để được vào yết kiến Tôn sư trụ trì [13] nhưng không được chấp thuận. Bởi vì ngôn ngữ bất đồng và sự thử thách đối với người mới cầu đạo. Ngài đành xin ở ngoài cửa tam quan học tiếng, sau 3 tháng mới nói được ngôn ngữ giao tiếp thông thường. Sau đó, được vị sư gác cổng  hướng dẫn viết tờ trình dâng lên Sư Tổ. Với lời văn khẩn khoản thành kính, Tổ xem xong, cho gọi vào tham vấn, rồi được chấp nhận cho ở trong chúng.

Qua hơn một năm, với sự nỗ lực tinh tiến cầu học, tại đây, Ngài được thụ Cụ túc giới, lúc đó Ngài đã 30 tuổi.

Trải qua 6 năm tu học tại núi Phượng Hoàng, Ngài được Sư tổ ấn chứng và ban cho hiệu là Thông Giác Đạo Nam Thiền sư, cùng với bài kệ gồm 28 chữ, để nối tông pháp sau này: “Tịnh trí thông tông… hoằng pháp vĩnh trường”.

Trước khi ra về, Ngài lễ tạ Sư tổ, tiễn biệt đại chúng, có nhiều bài ứng đối lúc chia tay thắm tình đạo vị.

Từ Phượng Hoàng về đến Cao Bằng, đi mất 5 tháng. Ngài đi theo đường cũ, đến nơi mộ đệ tử dựng lều tụng kinh cầu siêu, rất linh nghiệm.

Phái Tào Động vang danh từ đây, nhiều người đến nghe pháp, tu học. Ngót một tháng mới về đến Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương. Tại đây, Ngài làm bài thơ tả cảnh đẹp non nước Côn Sơn và Đệ tam tổ Trúc Lâm – Huyền Quang.

Những nơi hành hóa của Ngài như chùa Yên Tử, chùa Quỳnh Lâm, chùa Đông Sơn, chùa Hạ Long [14]. Có lúc Ngài lên Thượng Long để đàm đạo cùng với vị cao tăng. Ngài còn rủ cao tăng cùng về cực lạc, nhưng cao tăng khước từ về sau.

Trước khi thị tịch, Ngài gọi đệ tử thân cận là Tông Diễn vào đọc bài kệ phó chúc và dặn chúng đệ tử: “Ta vào núi Nhẫm Dương, nếu sau 7 ngày không thấy về, thì đến đấy, nơi nào có hương thơm thì ta ở đó. Mọi người muốn đi theo, nhưng lại sợ cản trở việc lớn của Tổ, chỉ biết ngậm ngùi thương kính dõi theo”. Đúng 7 ngày sau, mọi người ùa vào núi tìm Tổ, cứ men theo mùi hương tìm đến, thấy Tổ kết già trên tảng đá trong hang đá[15].

Ngài viên tịch vào ngày 6/3/1704, thọ 68 tuổi. Xá lợi được rước về hai nơi xây tháp thờ tại hang núi Nhẫm Dương và chùa Hạ Long.

 

2.3 Quốc sư Tuệ Dung – Tông Diễn (1640-1711)

Theo bia chùa Hồng Phúc – Hòe Nhai, Hà Nội[16]. Quốc sư họ Tưởng pháp húy Đình Khoa tự Chân Dung, người xã Hương Ngải, huyện Chân Định. Nghe tin tổ Thủy Nguyệt học đạo từ Trung Quốc về, đang ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, Ngài liền đến lễ Tổ. Sau cuộc vấn đáp, được Tổ ban cho danh hiệu là Tông Diễn. Từ đó, Ngài luôn bên cạnh hầu Tổ, tinh tiến tu học. Trong suốt thời gian Tổ ở chùa Vọng Lão rồi xuống chùa Hạ Long [17].

Năm 32 tuổi, được Tổ trao truyền Cụ túc giới, rồi xin phép Tổ sam phương hóa đạo. Gặp lúc pháp nạn, vua ban sắc lệnh đuổi sư vào rừng [18]. Ngài về bạch việc này với Sư tổ và xin phép vào kinh đô yết kiến vua để rút lại lệnh này. Khi vào đến hoàng thành, Ngài dùng phương tiện nói là có ngọc quý, muốn trực tiếp dâng vua, nhưng vua từ chối. Sau 3 tháng kiên trì, dùng mọi phương tiện, cuối cùng hòm đựng ngọc quý cũng dâng lên vua, qua quan đề lĩnh. Ngọc quý ở đây chính là Phật pháp, qua tờ biểu tường trình thấu tình đạt lý về giá trị Phật giáo xây dựng con người xã hội đến chân, thiện, mỹ. Ví như ngọc minh châu soi khắp 10 phương, phá tan mê mờ tăm tối. Vua nghe xong, tỉnh ngộ, cho người mời sư vào triều tham vấn, rồi mời ở chùa Báo Thiên, hàng ngày vào cung giảng pháp cho vua và triều thần nghe, cả triều đình từ đó quy y Phật, thực hành thập thiện, bãi bỏ sắc lệnh trên [19]

Sau đó, Ngài xin phép đức vua về thăm thày tổ, nhà vua vui vẻ hoan hỷ, không những cấp kinh phí vật dụng cho sư đi đường mà còn gửi biếu Sư tổ chiếc áo gấm, và dặn sư sau vài tuần trở về cung. Sau khi trở lại kinh thành, ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, tham dự triều chính [20], các ngôi chùa sư thường trụ trì, xây dựng, đi lại trông nom  chùa Khán Sơn, chùa Báo Thiên, chùa Hồng Phúc [21], sư cho khắc in những bộ kinh lớn như kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa[22] ở đây.

Trước khi viên tịch, sư gọi đệ tử Hạnh Nhất vào di chúc. Và mất ngày 16/7 Kỷ Sửu, thọ 72 tuổi.

Xá lợi sư đưa rước về xây tháp phụng thờ ở hai nơi: một ngôi ở bụng núi Hạ Long. Một ngôi ở đầu núi Nhẫm Dương [23].

 

  1. Một vài ý kiến về sử liệu

Như chúng ta đã biết, cánh cung núi rừng Yên Tử là cả một dải quần thể thánh địa, bạt ngàn dấu tích từ thời Lý-Trần đến thời Hậu Lê. Là những điểm liên kết giữa các thánh tích Yên Tử, Hạ Long, Quỳnh Lâm, Thanh Mai, Côn Sơn, Sùng Nghiêm, Báo Ân và Thăng Long.

Nói về Đông Sơn, vua Trần Anh Tông có bài Đông Sơn tự. Tả cảnh chùa Đông Sơn. Nhưng phần chú thích của những người phiên dịch sau này lại cho rằng, chùa Đông Sơn ở trên núi Chương Sơn, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam Ninh [24].

Vua Trần Minh Tông có hai bài nói về Đông Sơn như Vãn Quán Viên Huệ Nhẫn Quốc Sư và bài Đề Đông Sơn Tự. Bài đầu, tên húy của Thiền sư, lại chú thích là chùa Quán Viên[25]. Bài sau, có đoạn: “Từ thuở Viên Công lìa cõi thế. Dưới trần Phật tử chẳng còn ai” (không ai bằng ngài). Nhưng lại nhầm lẫn, cho rằng Viên Công là Viên Chiếu, một vị cao tăng thời Lý [26]

Hành trạng của Thiền sư (Thiền sư) Quán Viên, sách Thiền sư Việt Nam trích nguyên văn của Nam ông mộng lục, tác giả là Hồ Nguyên Trừng[27]. Sách này được khắc in năm Chính Thống thứ 3 (1438). Trong đó có bài Nhập mộng liệu bệnh nói về việc Thiền sư chữa bệnh đau mắt cho vua Trần Anh Tông (1293-1314). Phần chú thích ghi rằng: “Chùa Đông Sơn: trên núi Đông Sơn, ở về phía tây bắc thị xã Thanh Hóa ngày nay”[28].

Theo bia chùa Quang Khánh dựng năm Hồng Thuận thứ 7 (1515) cho biết: “Chùa Quang Khánh vốn là chốn danh lam tại quê hương của Thiền sư Quán Viên”. Vua được Thiền sư chữa khỏi bệnh mắt là Minh Tông, chứ không phải vua Anh Tông như trong Nam ông mộng lục nói.

Bia chùa Tường Quang và bia chùa Quang Khánh đều nói: trước khi thánh tổ tịch vài ngày, quan Tư đồ Vô Sơn có đến thăm và nói chuyện rất lâu. Quan Tư đồ – Tể tướng ở đây, theo Đại Việt sử ký toàn thư chính là Văn Huệ vương Trần Quang Triều. Ông là con cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn và anh vợ của vua Trần Anh Tông. Ông giỏi cả văn lẫn võ, rất mộ Phật[29].

Sự tích của thánh tổ Non Đông thời Trần, gắn liền với sử liệu, di tích và truyền thuyết. Câu chuyện Cáy khóc, di tích chùa Am, chùa Cáy, bãi Soi chăn bò, nay vẫn còn [30]. Với truyền thuyết 72 chốn hóa duyên của Thánh Tổ vẫn còn rải khắp miền duyên hải, nhất là vùng Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Thiền sư Vô Vi (1911-1987) lúc còn sinh thời, hàng năm thường dẫn đệ tử vào chốn tổ Non Đông thắp hương, sửa sang vườn tháp. Bài Nhớ ơn thánh tổ Non Đông của Thiền sư Vô Vi đã nói rõ điều này [31].

Hành trạng về thánh tổ Thủy Nguyệt – Người sáng lập ra dòng thiền Tào Động ở nước ta, theo Ngữ lục [32] Ngài hành hóa nhiều nơi, trong đó có hai ngôi chùa Ngài trụ trì là chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử và chùa Hạ Long, hiện nay chưa rõ ở đâu.

Thiền sư Tông Diễn hiệu Chân Dung, theo Ngữ lục nói rõ không biết quê quán Thiền sư ở đâu. Thế mà, tác giả Thiền sư Việt Nam không biết căn cứ vào đâu phỏng đoán “có thể” quê Ngài ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giàng. Rồi đưa câu chuyện “Cáy khóc” của tổ Non Đông vào làm tiểu sử Thiền sư Tông Diễn [33].

Bia chùa Hồng Phúc – Hòe Nhai ghi rõ, Thiền sư trụ trì chùa Hồng Phúc là Hòa thượng Tưởng Đình Khoa tự Chân Dung, người xã Hương Ngải, huyện Chân Định. Theo Lịch triều hiến chương loại chí cho biết: Vào giữa thế kỷ XV, nhà Hậu Lê định lại bản đồ trong cả nước. Thừa tuyên Sơn Nam gồm 9 phủ 36 huyện. Trong đó, phủ Kiến Xương ở giữa trấn Sơn Nam, huyện Chân Định ở tận cùng phía đông giáp biển; phủ Tiên Hưng ở phía đông trấn Sơn Nam, đất liền với phủ Thái Bình. Thiền sư Thủy Nguyệt người xã Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng, đạo Sơn Nam. Thiền sư Chân Dung, người xã Hương Ngải, huyện Chân Định, phủ Kiến Xuơng, cũng thuộc Sơn Nam. Như vậy, Thánh tổ Thủy Nguyệt và Quốc sư Tuệ Dung đều là người đất Sơn Nam-vùng Nam Định, Thái Bình nay.

Qua những dẫn chứng trên, đủ căn cứ để khẳng định rằng: chùa Non Đông – Tường Quang nơi thánh tổ Quán Viên tu hành, nay thuộc đất Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh; chứ không phải ở Hà Nam Ninh hay Thanh Hóa như trong Thơ văn Lý – Trần nói.

Viên Công là danh hiệu tổ Quán Viên thời Trần chứ không phải tổ Viên Chiếu thời Lý. Việc này, vua Trần Minh Tông đã nói rõ, bia chùa Quang Khánh cũng nói như thế.

Quốc sư Tuệ Dung – Tông Diễn, người xã Hương Ngải huyện Chân Định đã trình bày trên. Còn chùa Mại Trà Lai thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương chỉ có thể là quê mẹ hoặc nơi mẫu thân của thánh tổ Non Đông sinh sống.

Tượng chùa Hồng Phúc, Hoè Nhai, Hà Nội

 

Sách tham khảo

Thơ văn Lý-Trần tập II, NXBKHXH, Hà Nội 1989

Thơ văn Lý-Trần tập III, NXBKHXH, Hà Nội 1978

Thiền sư Việt Nam/Thanh Từ/NXBTôn giáo 2004

Văn khắc Hán Nôm Việt Nam. NXBKHXH, Hà Nội 1993

Lịch triều hiến chương loại chí Phan Huy Chú. NXBKHXH, Hà Nội 1992.

Đại Việt sử ký toàn thư Tập II/NXBKHXH, Hà Nội 1993

Văn bia đề danh Tiến sĩ Việt Nam. NXBGiáo Dục 2008,

http://vdict.com/Tr%E1%BA%A7n%20Quang%20Tri%E1%BB%81u,3,0,0.html

 

 

* Tiến sĩ, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội.

[1] Tấm bia này, nay vẫn còn, nhưng bị mất một góc bên trái bia, dựng ở phía hữu chùa mới xây bên sườn núi, khu vườn tháp hiện nay. Còn chùa xưa, theo dân làng địa phương cho biết, cách chùa mới vài trăm mét. Năm 1930 chùa là cơ sở tuyên truyền cách mạng cho thợ mỏ của ông Nguyễn Văn Cừ (tức Phùng Ngọc Tường), sau chùa bị giặc phá, gần đây được dựng lại gồm 3 gian tiền đường và hậu cung. Chùa được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng.

[2] Bia này, hiện nay không còn, chúng tôi đọc theo bản dập của Viện Hán Nôm, ký hiệu 11788.

[3] Thế phát: tức cạo bỏ râu tóc xuất gia tu Phật. Bia Tường Quang còn cho biết, trước đó, Ngài đến học đạo ở chùa Phổ Quang.

[4] Cụ túc giới: tức giới Tỉ khiêu của người xuất gia

[5] Minh Tịnh Liên Xã hay Sùng Đức Tự ở ngoài biển đảo thuộc xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh nay

[6] Minh Tịnh Liên Xã hay Sùng Đức Tự ở ngoài biển đảo thuộc xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh nay

[7] . Nay thuộc thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

[8] . Trong bia nói rõ, chuông sau bị kẻ trộm lấy cắp.

[9] Lần đại trùng tu này, sư thày Huệ Bằng ở chùa đến nhờ quan Hoằng tín Đại phu Phạm Cảnh Lương ở xã Bất Náo viết văn bia, nhưng mãi không xong

[10] Ông đỗ Tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487), giữ chức Quang lượng đại phu, lễ bộ Thượng thư

[11] Ông giữ chức Hiển cung đại phu.

[12] Bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Hải

[13] Tức thiền sư Nhất Cú Chi Giáo, đời 35 phái Tào Động Trung Quốc

[14] Sách cho biết, Ngài định lên núi Thượng Long, nhưng trên đó đã có một vị cao tăng, nên Ngài xuống trụ trì dưới Hạ Long.

[15] Núi Nhẫm Dương cách Non Đông hơn 10 km, nơi đây vẫn còn hang động lưu di tích của thánh tổ nhập diệt, gọi là hang Thánh Hóa và ngôi tháp đá lưu giữ xá lợi thánh tổ. Gần đây, sư thày Thích Đàm Mơ trụ trì chùa Thánh Quang dưới chân núi Nhẫm Dương cùng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong hang đá nhiều di vật thời tiền sử, trong đó có di cốt người Việt cổ cách nay hàng vạn năm.

[16] Bia nay được dựng bên hữu chùa. Do Tiến sĩ Hà Tông Mục, (người Hậu Lộc, Can Lộc, Hà Tỉnh nay) giữ chức Biên tu Quốc sử quán, Tả thị lang bộ hình… soạn năm Chính Hòa 24 (1703). Bản dập của Viện Hán Nôm, số 13534. Bia cho biết, vị tăng trụ trì chùa Hồng Phúc là Hòa thượng Tưởng Đình Khoa tự Chân Dung, lại có công giảng đạo cho vua, giúp nước (侍講… 輔國 Thị giảng…phụ quốc) nên  được phong là 慧融和尚大慧禪師保禪輔國 Tuệ Dung Hòa thượng đại tuệ thiền sư bảo thiền phụ quốc.

[17] Chùa Vọng Lão và chùa Hạ Long núi Yên Tử, nơi Thánh Tổ trụ trì, nay chưa rõ ở đâu.

[18] Vua Lê Hy Tông (1676-1705) sắc lệnh trong cả nước: “đuổi hết tăng ni vào trong rừng  sâu”

[19] Theo truyền thuyết, vua Lê Hy Tông ăn năn sám hối tội lỗi của mình gây ra cho Phật giáo, bằng cách quỳ phủ phục để Đức Phật ngồi lên lưng như tượng chùa Hồng Phúc hiện nay.

[20] Vua còn ban áo gấm và phong cho sư Đại thừa Bồ tát quốc và mời tham dự triều chính “Ngự tiền chi quân”. Sắc phong trên, đã nói rõ điều này.

[21] . Sư đứng ra trùng tu chùa Hồng Phúc, vật liệu dư thừa sư cho xây dựng chùa Cầu Đông. (làng Hòe là quê bà quốc nhũ-mẹ nuôi cho vua bú sữa, ở đó có chùa cổ Hồng Phúc xuống cấp, bà khởi xướng trùng tu. Bia Hồng Phúc cũng nói Sư được mời trong ban hưng công)

[22] Chùa Báo Thiên sư cho khắc kinh Hoa Nghiêm, chùa Khán Sơn khắc kinh Pháp Hoa

[23] Theo Ngữ lục trên.

[24] Thơ văn Lý-Trần tập II, NXBKHXH, Hà Nội 1989, trang 569

[25] Sách trên/ trang 783

[26] Sách trên/ trang 784

[27] Hồ Nguyên Trừng hay Lê Trừng, tự Mạnh Nguyên, biệt hiệu Nam Ông; là con trai trưởng của Hồ Quý Ly.

[28] Thơ văn Lý-Trần tập III, NXBKHXH, Hà Nội 1978, trang 771

[29] Đại Việt sử ký toàn thư, tập II trang 109.

[30] Cụ thể là, phần nội tự rộng khoảng 4.000 m2. Từ năm 1980 trở về trước vẫn còn ngôi chùa bằng gỗ lim 3 gian, 2 dĩ, và 2 gian hậu cung thờ Phật, thờ thân Phụ, thân Mẫu và Đức Thánh Tổ; cùng 4 gian nhà tăng cư đơn sơ làm bằng tre, trát đất, lợp rạ, có Hòa thượng Vô Vi trụ trì.  Sau này, chùa được chuyển về làm Chính điện nơi chùa Cả-chùa Quang Khánh. Gần đây, chùa Cả được xây mới, nếp chùa cũ lại chuyển về vị trí xưa-chùa Am do Đại đức Thích Thanh Thắng-Giám viện chùa Đồng Ngọ, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà; là người làng Dưỡng Mông xưa-Ngũ Phúc nay thực hiện. Hiện nay, trong vườn chùa vẫn còn lưu giữ được một số di tích cổ như bia đá và các tháp tổ sư kế đăng ở đây. Qua bia đá cho biết, nơi đây là thác tích của Đại Thánh Đông Sơn triều Trần, chùa đã được tu sửa nhiều lần dưới sự trụ trì của các tăng sĩ, sự ủng hộ của các chức sắc trong xã như Kỳ cựu Lý trưởng, Cựu Vệ binh, Xã nhiêu, Hương chính, Hương dịch và nhân dân (貝,貫: bối, quán: cũng là đơn vị tiền tệ lúc đó). Theo Bia dựng ngày 17/7/Đinh Hợi-Đồng Khánh năm thứ 2 (1887). Đặc biệt số ruộng đất cúng vào chùa rất nhiều, rải rác ở khắp nơi như: xứ Triều Đầm Đông, Triều Đồng Lạp, Đồng Chinh, Đồng Công, Đường Dạ, Đống Núi, Cửa Trại v.v. có đến chục mẫu.

[31] Hòa thượng Vụ Vi (1911- 987) có bài: Nhớ ơn Thánh Tổ Non Đông

Ngài làm sáng tỏ thiền tông nước nhà

Một niềm chính giáo tuyên ra

Bao nhiêu tà giáo ắt là dẹp tan

Ngài đã hoàn thành đạo nhân

Lại tròn đạo hiếu xa gần ngợi khen

Bảy mươi hai chốn hóa duyên

Chư tăng hành đạo cần chuyên khác thường

Những điều mê tín vẩn vương

Ngài khuyên bỏ hết chỉ đường chân tu

Vua Trần cảm đức Thánh S

Làm chùa tô tượng nghìn thu cúng dàng

Tiếc thay chùa cảnh huy hoàng

Mà nay giặc phá tan hoang đâu còn

Nhớ ngày Thánh đản tử tôn

Thập phương về chốn chùa Am lễ Ngài

Con xin phát nguyện một bài

Bồ đề tinh tiến con thời gắng công

Theo đòi sự nghiệp Thiền Tông

Nhớ ơn Thánh tổ Non Đông đời đời

Nam mô Đại Thánh Đông Sơn Huệ Nhẫn Từ Giác Quốc sư Bồ Tát

[32] Theo Ngữ lục Hòa thượng Trí Hải dịch

[33] Thiền sư Việt Nam, Thanh Từ, NXB Tôn giáo 2004, trang 429.