VAI TRÒ “KHUÔNG VIỆT” CỦA ĐẠI SƯ NGÔ CHÂN LƯU BUỔI ĐẦU THỜI KỲ ĐỘC LẬP.

13/ 11/ 2017 10:18:17

                                                                            

VAI TRÒ “KHUÔNG VIỆT” CỦA ĐẠI SƯ NGÔ CHÂN LƯU  BUỔI ĐẦU THỜI KỲ ĐỘC LẬP.

PGS.Trần Thị Băng Thanh         

Ngô Chân Lưu vốn “dòng dõi Ngô Thuận Đế”, “lúc nhỏ theo nghiệp Nho”. Lời ghi chép này của Thiền uyển tập anh(1) cho biết ông xuất thân từ hoàng tộc (mặc dù đến nay cũng chưa dám chắc hoàn toàn Thuận Đế là tên hiệu của Ngô Quyền), và được theo nho học từ nhỏ. Nhưng khi đã hiểu biết, sư liền bỏ nghiệp học cũ mà xuất gia, có thể là rất sớm – “lớn lên quy y theo Phật” – và trụ trì ở ngay ngôi chùa lớn trong Kinh thành – chùa Khai Quốc. Thày của sư là Vân Phong được cha mẹ cho xuất gia từ nhỏ, theo dòng phái Vô Ngôn Thông. Ngô Chân Lưu vì thế thuộc dòng phái này.

Thời kỳ đầu đất nước mới giành độc lập, vai trò Phật giáo rất lớn. Trong không khí đó của xã hội, sư Chân Lưu cũng tham gia chính sự, nhưng cũng phải đến năm 40 tuổi, sau khi đã “hiểu sâu ý chỉ đạo Thiền”, và “tiếng tăm vang đến triều đình”. Cứ theo Thiền uyển tập anh thì ban đầu sư được vua Đinh Tiên Hoàng “vời vào hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý vua nên được trao chức Tăng thống”. Sách không ghi lúc này là năm nào, nhưng năm Thái Bình thứ hai (971) thì sư được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư. Nghĩa của tên hiệu bao hàm hai ý. Một là uốn nắn cho ngay ngắn và hai là phù giúp. Nhà Đinh lúc đó mới lấy được nước ba năm, đất nước vừa trải qua thời kỳ rối loạn Thập nhị sứ quân mà như lời một câu sấm thời bấy giờ thì “thập ác vô nhất thiện” (mười điều ác, không có một điều lành). Đinh Tiên Hoàng lên ngôi vua, ý thức được phải xây dựng một đất nước độc lập, một triều đại có kỷ cương và một nền chính trị dân sinh thịnh vượng. Vì thế, theo Đại Việt sử ký toàn thư vua “đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành hào, xây cung điện, đặt triều nghi” (2), đặc biệt là việc phiên chế quân đội, cả quân số và trang phục (Cũng theo sách này, loại mũ “bình đính” mà Đinh Tiên Hoàng quy định cho quân lính “đến đời bản triều khởi nghĩa vẫn còn dùng”), và đặt niên hiệu là Thái Bình. Niên hiệu thể hiện tư tưởng chiến lược của Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc xây dựng đất nước. Mời Sư Chân Lưu tham gia chính sự, Đinh Tiên Hoàng có nhiều kỳ vọng và cũng trao trọng trách cho sư, trọng trách của một mưu sĩ, quân sư. Nhà vua coi sư như một bậc thày. (Đây là một hiện tượng hãn hữu trong thời phong kiến Việt Nam), chắc chắn mong đợi ở sư thành quả của việc “khuông chính”, chỉ dẫn uốn nắn những gì còn chưa thành quy củ, phò giúp xây dựng một đất nước đàng hoàng – Đại Cồ Việt thái bình. Nhưng rồi chỉ 6 năm sau, Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn, người con lớn có đủ tài sức gánh vác công việc triều chính đã bị sát hại, chính sự lại rối bời. Không thấy sử sách, và cả Thiền uyển tập anh ghi chép gì về chính tích của sư dưới triều nhà Đinh. Nhưng khi nhà Tống nghĩ rằng “nước ấy sắp mất”, định nhân đó đem quân sang “đánh lấy”, Lê Hoàn với tư cách Tướng quân Thập đạo phải đứng ra tổ chức, điều hành cuộc kháng chiến, triều đình phần lớn ủng hộ việc Lê Hoàn thay vị trí của Đinh Toàn, sư chắc chắn cũng ở trong phái đa số ấy. Cho nên sau khi lên ngôi, Lê Đại Hành đối với sư “càng kính trọng hơn”, và lúc này sư mới thật sự tham gia chính sự, “phàm những việc quân quốc trọng đại sư đều được tham dự”. Sử sách ghi rất ít về vai trò của sư, nhưng Thiền uyển tập anh cho biết hai sự kiện quan trọng. Một là năm Thiên Phúc nguyên niên (981), quân Tống vào cướp, vua Lê Đại Hành sai sứ đến cầu đảo ở chùa của sư ở núi Vệ Linh, kết quả là “quân giặc kinh hãi rút về giữ sông Hữu Ninh, lại thấy sóng lớn cuồn cuộn, giao long nhảy vượt, giặc bèn tan chạy” (Thiền uyển tập anh).

Về sự kiện này, Đại Việt sử lược(3) Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi khá thống nhất: “Năm Tân Tỵ, Thiên Phúc năm thứ nhất, mùa xuân, tháng Ba, Hầu Nhân Bảo (ĐVSKTT ghi thêm tên Tôn Toàn Hưng) kéo sang Lạng Sơn. Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Vua tự làm tướng đem quân ra chống cự. Vua cho cắm cọc dưới lòng sông, Quân Tống lui về giữ mặt Ninh Giang (ĐVSKTT ghi là sông Chi Lăng). Vua sai người trá hàng để dụ Hầu Nhân Bảo. Quân Tống thua trận, Nhân Bảo bị bắt, bị chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin thất trận phải rút lui.”(4) (ĐVSL). ĐVSKTT ghi thêm: “Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Triệu Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư”(5).

Cứ theo TUTA mà suy ra thì trong sự kiện lớn lao này của đất nước Sư đã góp phần về phương diện tâm linh, có thể sau lễ cầu đảo, vua tôi Đại Cồ Việt vững niềm tin, tinh thần thêm phấn chấn, đã làm nên chiến thắng.

Sự việc thứ hai là công tích của sư trên phương diện bang giao. Năm Thiên Phúc thứ 7 (ĐVSKTT ghi là thứ 8), 987, sứ nhà Tống là Lý Giác sang lần thứ hai, không rõ có mục đích gì, lần thứ nhất sang năm 986 phong vương và “ban” cờ, gươm, giáo. Lần này Lê Đại Hành muốn khoe nền văn hóa của nước Việt mới sai Đỗ Pháp Thuận làm người “Giang lệnh” đón sứ. Trong cuộc đón tiếp, bằng việc đối đáp thơ, Pháp Thuận đã gây được ấn tượng tốt với Lý Giác, vị sứ giả này tặng ông một bài thơ, với tinh thần khá hữu nghị. Tuy vậy trong đó có một câu khiến cho Lê Đại Hành băn khoăn. “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu”. Đối với Trung Quốc thì chỉ có họ mới là thiên tử, thiên triều, vậy thì cái cõi “trời ngoài trời” ấy ám chỉ điều gì? Nhấn mạnh cái ý của Thiên triều “một phương này đã lấy gì làm xa! Cái cõi “ngoài trời ấy” dẫu xa trời vẫn chiếu đến, để răn đe chăng? (Bởi vì năm trước Lý Giác mang sắc sang phong vương, Lê Hoàn đã thết đãi bày biện để khoe giàu, khoe mạnh, lại có ý khuyên sứ giả đừng đến nữa “Nước tôi bé nhỏ, sông núi xa xôi, nghìn dặm cách trời, ở lánh góc đất, sứ thần đi lại, lặn lội núi sông, há chẳng khó nhọc lắm ư?” – ĐVSKTT, tr.220-221). Hay coi An Nam cũng là một cõi trời ngoài trời (ngang với Trung Quốc)? Điều này có vẻ khó xảy ra, bởi với tư tưởng Đại Hán cố hữu, nhà Tống chắc sẽ khó mà chấp nhận. Chính vì vậy có ý kiến đã đoán rằng Lý Giác rất thâm, hai câu cuối bài thơ, Lý ám chỉ, chê khéo thân hình vua Lê thô kệch. Cũng chỉ là phỏng đoán! Và Khuông Việt đã giải tỏa nỗi thắc mắc của vua bằng một lời lý giải tốt đẹp: “Sứ giả có ý tôn trọng bệ hạ như vua của họ”. Có thể Khuông Việt đã chọn một giải pháp tích cực để không làm mất hòa khí trong quan hệ giữa hai nước vừa được thiết lập mới có hai năm (năm 985 Lê Đại Hành sai sứ sang triều cống, năm 986 nhà Tống mới sai sứ sang phong vương), điều đó bấy giờ là rất cần thiết. Huống nữa, thái độ của Lý Giác là thân thiện, không hề tỏ vẻ hống hách, trịch thượng, vậy hãy cứ để cho cái ẩn ý của Lý (nếu có) chìm đi cũng là điều hay. Khuông Việt Đại sư đã chọn giải pháp ấy và ông tiếp tục buộc đối phương phải thật sự tôn trọng “cõi ngoài trời” này bằng bài từ trong buổi tiễn đưa, tác phẩm mà Lê Quý Đôn phải khen “Câu thơ của sư Thuận làm cho sứ  thần nhà Tống phải kinh phục, văn từ của Chân Lưu vang tiếng trong một thời”(6). Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí còn nhấn mạnh tác động của tác phẩm, cùng vai trò của tác giả trong ngoại giao, đó là khiến cho quốc thể được nâng cao và coi đây là tác phẩm mở đầu của dòng văn thơ bang giao.

Sau đó không lâu, sư không tham gia chính sự nữa, Thiền uyển tập anh ghi là “ít lâu sau, sư lấy cớ già yếu xin nghỉ quan, về dựng chùa ở núi Du Hý trụ trì”. TUTA không ghi rõ năm, nhưng khi tiếp sứ nhà Tống Lý Giác, sư cũng mới khoảng 45 tuổi và nếu sau đó không lâu sư đã xin nghỉ quan thì lý do “già yếu” mà sư viện ra có thể chỉ là cái cớ chứ không phải lý do đích thực, bởi lẽ sư thọ đến 79 tuổi (1011). Có thể thấy sư chủ động rút lui khỏi chính trường, vì lý do bất đồng quan điểm hay do sư thấy cần tập trung hơn cho công việc xây dựng nền Phật học nước nhà, hoặc vì nhiều lý do khác…? Nhà Tiền Lê vẫn còn tiếp tục phát triển hùng mạnh cho đến khi Đại Hành băng hà (1005), nhưng tiếp liền đó là thời kỳ suy thoái, rối loạn rồi chuyển sang nhà Lý. Sư đứng ngoài tất cả những sự kiện này, nhưng sư đã hoàn thành chức trách một lãnh tụ Phật giáo đuơng thời, cũng theo TUTA “học trò sư rất đông”, cuối cùng sư đã chọn, đào tạo được Đa Bảo là học trò thân tín. Và dưới triều nhà Lý, người học trò xuất sắc ấy đã tiếp nối được vai trò của thày, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ “nhiều lần vời đến cửa khuyết hỏi về tôn chỉ đạo Thiền, ân lễ rất hậu, cả đến những việc chính sự trong triều sư cũng được tham gia quyết định”(7).

Như vậy, dù tài liệu về Ngô Chân Lưu ít ỏi, tác phẩm Đại sư để lại không nhiều, song có thể thấy, vai trò “Khuông Việt” của Đại sư trong thời kỳ đầu đất nước mới giành độc lập, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị, văn hóa rất quan trọng. Cũng phải nói thêm rằng hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành quả là những bậc vua sáng suốt, đã biết lựa chọn và trọng dụng nhân tài.

(1). Bản thảo Thơ văn Lý Trần, Tập II, quyển hạ của Viện Văn học, Trần Thị Băng Thanh dịch, chưa xuất bản. Những dẫn chứng từ Thiền uyển tập anh (xin viết tắt là TUTA) đều theo văn bản này.

(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, Tập I, Tr. 205.

(3) Đại Việt sử lược (viết tắt ĐVSL), Nxb. TP Hồ Chí Minh – Bộ môn Châu Á học, Đại học Tổng hợp TP Hồ hí Minh, 1993.

(4) ĐVSL, Sđd, Tr. 98.

(5) ĐVSKTT, Sđd, Tr. 217.

(6) Kién văn tiểu lục, Nxb. Văn hóa – Thông tin, 2007, Tr.454, Quyển  IX, Thiền dật.

(7) Truyện Thiền sư Đa Bảo, TUTA đã dẫn