VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CỐ ĐẠI ĐỨC HỮU NHEM CHÙA CAO DÂN – CÀ MAU

11/ 11/ 2017 14:37:39

VỀ CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CỐ ĐẠI ĐỨC HỮU NHEM  CHÙA CAO DÂN – CÀ MAU

 

                                                                             Nguyễn Mạnh Cường

                                                                        (Viện Nghiên cứu Tôn giáo)                                                                             

                                                                              Nguyễn Nghị Thanh

                                                                         (Trường Cao đẳng Nội vụ)

 

Trong chuyến công tác điền dã miền Tây Nam bộ tháng 1 năm 2002, chúng tôi ghé thăm chùa Cao Dân, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là một ngôi chùa có lịch sử khá lâu đời của đồng bào Khmer Nam bộ. Tìm hiểu về chùa, chúng tôi được biết trong chùa có một gian thờ một nhà sư Khmer cách mạng – đại đức Hữu Nhem. Tiếc rằng, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông ít được nhắc đến trong sách báo tạp chí. Vì vậy, chúng tôi muốn giới thiệu vài nét về người con ưu tú này của dân tộc Khmer cùng bạn đọc.

 

     Cuộc đời và sự nghiệp của cố đại đức Hữu Nhem

Đại đức Hữu Nhem sinh năm 1929, tại ấp Mũi Đước, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Ông là người dân tộc Khmer, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, làm tá điền cho bọn địa chủ thực dân phong kiến, phải chịu cảnh thiếu trước hụt sau, đói nghèo bệnh tật quanh năm suốt tháng. Cả gia đình phải làm thuê, làm mướn độ nhật nên nhiều người lâm vào cảnh bệnh tật, chết chóc. Vì thế gia đình phải rời quê hương về quê ngoại ở xã Phong Thạch Tây, huyện Giá Rai (nay là xã Tân Lộc, huyện Thới Bình). Như bao gia đình khác theo truyền thống người Khmer, gia đình ông theo Phật Nam tông Khmer. Tập quán của người Khmer, tu là để học, tu là để hiểu biết mở mang kiến thức, tu là để cầu phước cho mai sau và con trai khoảng 15, 16 tuổi là đến chùa tu một thời gian. Năm 1943, đại đức Hữu Nhem bước vào con đường tu học tại chùa Cao Dân, được đại đức Kim Cơ dìu dắt dạy bảo.

Cách mạng tháng Tám thành công, phong trào nổi dậy đánh đuổi thực dân và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân, đem lại ruộng đất cho nông dân. Trong cuộc nổi dậy của đồng bào Nam Bộ đó, các nhà sư cũng xuống đường tham gia cướp chính quyền. Đại đức Kim Cơ lúc này là ủy viên Hội Tương tế Việt Minh. Vừa tu hành vừa quan hệ với tổ chức, ánh sáng cách mạng đã làm sáng toả mục đích của cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, khí thế cách mạng lan rộng đến các vùng bị chiếm của thực dân Pháp và nhân dân hưởng ứng tiếng gọi của Việt Minh.

Được sự dạy dỗ tận tình của đại đức Kim Cơ và noi gương thầy, đại đức Hữu Nhem bắt đầu giác ngộ cách mạng, thấy được lợi ích của cuộc đấu tranh. Ông cũng ý thức được rằng trách nhiệm của các nhà sư không chỉ đọc kinh cầu phước, mà còn bằng hành động thiết thực để giải thoát chúng sinh khỏi cảnh đói nghèo áp bức. Từ đó mối quan hệ thầy trò trở nên càng thêm khăng khít. Ông ra sức học tập, giáo dục, thuyết phục trong giới, trong đồng bào mình từ nông thôn đến vùng bị chiếm, để đồng bào Khmer và sư sãi hiểu rõ đường lối của Đảng và chính sách đại đoàn kết của Việt Minh.

Ông còn tuyên truyền, vận động các binh sĩ và sĩ quan người Khmer trong quân đội, tháp đồn bót đóng gần  các chùa như: ở Cỏ Thum – Ninh Thành Lợi, Hồng Dân, chùa Rạch Cui, Khánh Bình Đông, chùa Tam Hiệp, Khánh Bình Tây – Trần Văn Thời, chùa Cao Dân, Rạch Giồng, Đầu Nai – huyện Thới Bình… Từ năm 1947 đến năm 1953, nhiều binh sĩ, sĩ quan đã bỏ hàng ngũ trở về với cách mạng. Ghi nhận thành tích này của ông, phái đoàn Ysarắt  đã về thăm và làm mít tinh tại chùa Cao Dân, đại biểu là các ông Sơn Ngọc Minh, Trịnh Thới Cang (Sáu Cang), Sà Rây Chí (Sáu Tùng), Lâm Minh Sang (Năm Sang)…

Đầu năm 1953, đại đức Kim Cơ hoàn tục giao chùa Cao Dân cho đại đức Hữu Nhem làm Tăng trưởng. Nhờ sự dạy bảo của đại đức Kim Cơ và quá trình hoạt động, uy tín của Đại đức Hữu Nhem được nâng cao trong phum sóc và ông liên tục hoạt động với hình thức là một tăng sĩ, liên hệ chặt chẽ với Đại đức Kim Cơ. Lúc này, ông Kim Cơ được ông Nguyễn Tấn Đạt (tức Sáu Già) phân công làm cán bộ Binh vận tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng, Đại đức  Hữu Nhem cùng đi hoạt động với hình thức hợp pháp.

Năm 1954 hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại, đây cũng là thời cơ tranh thủ vận động binh sĩ địch bỏ hàng ngũ trở về và được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và của Việt Minh. Thực hiện hiệp định Giơnevơ, ta chuyển quân tập kết ra Bắc, miền Nam thực dân Pháp chiếm đóng. Trước xu thế phát triển của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ đưa Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống, xây dựng quân đội thay lính viễn chinh Pháp và đàn áp phong trào cách mạng miền Nam. Đại đức Hữu Nhem tiếp tục hoạt động và đến năm 1957 ông bị địch bắt. Chúng loan tin Hữu Nhem hoạt động Việt Cộng. Trong quá trình hoạt động, đại đức Hữu Nhem đã thuyết phục được nhiều người trong hàng ngũ ngụy quân tay sai của Ngô Đình Diệm, nhờ đó mà họ phản đối sự vi phạm giới tu hành, nên đại đức Hữu Nhem được trả tự do, nhưng chúng cho mật vụ giám sát theo dõi các hoạt động của đại đức Hữu Nhem. Trong chuyến công tác ở Khánh Bình Tây bất ngờ chúng cho lính khám xét túi của Đại đức, trong đó có cuốn bài ca về Stalin, chúng bắt không cho đại đức dùng cơm hai ngày, giam trong khám tại bót Lò Heo, Cà Mau. Được tin này, số sĩ quan, binh sĩ người Khmer có cả thiếu tá Thạch Sung kéo đến đấu tranh. Thạch Sung đứng ra bảo lãnh và nói: cuốn bài ca này tôi lấy được của Việt Cộng, mở ra thấy giấy trắng còn nhiều nên cho ông cả đem về chùa chép kinh để học, nhờ đó chúng thả Đại đức một lần nữa. Về đến chùa được 13 ngày, theo lệnh của Quận trưởng, chúng lại cho quân đến bắt Đại đức Hữu Nhem và một số cán bộ cốt cán của ta như: cụ Liêm, ông Trần Sên, ông Suôl, ông Nhửm, ông Đào Vong, ông Thoại, ông Tuôi… Những người này do Đại đức triệu tập về để bàn công việc chuẩn bị cho đồng khởi năm 1960, nhưng với lý lẽ mời về bầu lại Ban quản trị chùa Cao Dân. Không đủ chứng cứ, chúng đành phải chứng nhận và Tỉnh trưởng cấp giấy hợp pháp cho 13 người này.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 15/6/1960, xã trưởng Hoài, thượng sĩ Cồ và đại đội Bảo An đã bắn 5 quả cối 81 ly từ đồn Tân Lộc vào chùa Cao Dân, làm 2 em bé chết, 7 vị sư và 16 tín đồ bị thương khi họ quy tụ về chùa để làm lễ nhập hạ. Khi dứt tiếng súng, ông Sáu Lương cán bộ tuyên huấn tỉnh, ông Chín Cứ huyện uỷ viên, ông Ba Phuông bí thư xã uỷ, chỉ đạo phối hợp Ban quản trị chùa đưa các  nạn nhân về thị xã Cà Mau biểu tình đấu tranh, buộc tên tỉnh trưởng Xuân phải đưa xe đến chuyển số bệnh nhân vào bệnh viện Cà Mau và bồi thường nhân mạng cho 2 em bé, chịu mọi chi phí điều trị cho các vị sư và đồng bào bị thương.

Cuộc đấu tranh không dừng lại ở đó. Được tin, đại đức Hữu Nhem từ Rạch Cui trở về. Đại đức cùng một số phật tử mang đầu đạn pháo lên Cần Thơ, gặp bộ chỉ huy vùng bốn chiến thuật, tập hợp binh lính và đồng bào thành cuộc mít tinh tố cáo hành động tội ác của bọn ngụy và tay sai giết hại trẻ em, sư sãi và chùa chiền của người Khmer mà họ cho là người của Việt Cộng gốc Miên. Sau đó, Đại Đức lại tiếp tục lên Sài Gòn gặp Tổng thống Ngô Đình Diệm, đưa đầu đạn pháo cối 81 ly còn mang nhãn hiệu USA của Mỹ cho ông Diệm xem. Đại Đức thét to chính quyền các ông giết hại người Khmer, phá hoại Phật giáo, chứng cứ sờ sờ không thể chối cãi được. Trước khí phách của ông, Ngô Đình Diệm buộc phải cách chức tên tỉnh trưởng, đưa tên Ngô Xuân Nghị về thay và trung uý Min về thay thiếu tá Hảo là trưởng ty Miên vụ, đội pháo binh phải cạo đầu ăn chay 1 tháng.

Qua sự kiện trên, ảnh hưởng của Đại Đức đối với hoạt động chống Mỹ ngày càng rộng, nên ông khó giữ được thế hợp pháp. Ông liền giao lại việc trụ trì chùa cho đại đức Hữu Khum làm sư trưởng và đại đức Đào Minh Trí làm sư phó, rồi ông đến thường trú ở chùa Rạch Cui (Tam Hiệp) để tiếp tục hoạt động. Năm 1962, đại đức Hữu Nhem là uỷ viên Mặt trận dân tộc miền Nam Nam bộ. Năm 1963, Trung ương Mặt trận miền Nam cử ông lên dự đại hội, trong đoàn có 5 đại biểu ông Dương Văn Vinh làm chủ tịch Mặt trận dân tộc Miền Tây Nam bộ, ông Hữu Nhem uỷ viên Mặt trận dân tộc Miền Tây Nam bộ; ông Ngô Tâm Đao (Ba Giáo) phó chủ tịch Mặt trận dân tộc khu Tây Nam bộ; ông Thuần đoàn trưởng thanh niên Tây Nam bộ.  Đại hội đã bầu Đại đức Hữu Nhem làm phó chủ tịch Mặt trận dân tộc miền Nam Việt Nam bổ sung thay ông Sơn Vọng.

Năm 1963, ông sang Campuchia để mua máy đánh chữ bằng tiếng Khmer. Trên đường đi, ông ghé chùa Láng Cát (Kiên Giang) gặp tên Danh Bao, đại biểu dân cử ngụy quyền Sài Gòn. Hắn cho lính khám xét tịch thu máy đánh chữ và bắt ông. Nhưng ông xuất trình giấy tờ chứng nhận của Ngô Đình Diệm và đấu lý, cuối cùng chúng buộc ông phải ngủ lại tại chùa. Sau một đêm thấy tình hình không ổn nên ông tìm cách ra khỏi chùa lên tàu về Vĩnh Thuận rồi về Cà Mau. Về đến căn cứ, ông cùng với Mặt trận dân tộc giải phóng khu Tây Nam Bộ, Ban Khmer vận, Ban tôn giáo vận, Ban tuyên giáo mời đại diện sư sãi, Ban quản trị các chùa toàn khu Tây Nam bộ để phổ biến chủ trương của Mặt trận và tổ chức lễ cầu siêu cho Đại đức Sơn Vọng vừa từ trần, lễ tại kinh Kiểu Mẫu, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời. Ngoài chức vụ phó chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại đức Hữu Nhem còn được bầu làm cố vấn Hội đoàn kết sư sãi khu Tây Nam bộ.

Vào nhưng năm đó, Mỹ mở rộng chiến tranh cục bộ ở Miền Nam. Một sự kiện quan trọng liên quan đến tình hình Miền Nam là Hoàng thân Nôrôđôm Xihanuc triệu tập cuộc hội nghị nhân dân Đông Dương ở Campuchia. Đoàn Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam gồm Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Cương, Mâhthông đi bằng con đường giao liên bất hợp pháp, còn Đại đức Hữu Nhem, Lâm Nuôi, Trần Trung Hiếu, Diệp Sinh đi bằng con đường hợp pháp từ Rạch Giá qua Hà Tiên sang Campuchia.

Đoàn đến Campuchia thì bị bọn Khmer Sê Rây bắt giữ ở đồn Phô Nun, huyện Côm Pông Trạch, tỉnh Campot gần 3 ngày, chúng nghi có đoàn sư sãi của miền Nam dự hội nghị Đông Dương đi cùng. Tuy nhiên, vì không tìm được chứng cớ nên chúng buộc phải cho Đoàn đi.

Sau khi đến điểm hẹn tại Nông Pênh, Đoàn đi dự hội nghị chia thành 2 điểm, đoàn sư sãi thì ở tại liêu số 32 của ông Huỳnh Cương tại chùa Na Lôm (chùa của vua sãi ở). Trong khi chờ đợi khai mạc Hội nghị, thám báo Campuchia theo dõi làm khó làm dễ, Đoàn cử đại đức Hữu Nhem đến gặp Đại sứ quán Trung Quốc để liên hệ về Hà Nội, báo cáo đoàn đã đến Campuchia. Chính phủ ta cử ông Ca Văn Thỉnh, đại diện thường trú tại Campuchia đến tiếp đoàn. Do tình hình không được yên ổn nên ông được đưa đến nhà ông Chà Oai Kinh ở Xiêm Riệp là ông già của cô út Sil, người đã có thời kỳ cùng công tác với ông cho đến khi khai mạc hội nghị mới trở lại thủ đô Nông Pênh dự họp. Trong suốt thời gian hội nghị, Xihanuc phải cử một tiểu đoàn bảo vệ ở tại Nắt Chòm Kamol. Cuối năm 1965, khi về đến Cà Mau, ông triệu tập các sư sãi về tại chùa Rạch Cui mở đại hội thành lập Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau. Ông Kiêm Vol được cử làm Hội trưởng, ông Thạch Huê làm hội phó, ông Lâm Nuôl làm tổng thư ký và cùng các ông Hữu Khum, ông Trần Si Quang, ông Lý Hoàng Chia và nhiều vị khác làm uỷ viên. Do nhu cầu của hội, ông Lâm Nuôl được cử về làm Sư cả chùa Tam Hiệp cũng là chùa vừa bị B52 đánh phá, quần chúng sợ chạy ra thị xã Cà Mau, chỉ còn lại một số sư sãi. Ngôi chùa này cũng là căn cứ mà Đại đức Hữu Nhem thường ở và hoạt động, do đó cần phải được sửa chữa.

Năm 1966 tình hình chiến tranh ác liệt, địch liên tục đổ quân đánh phá vùng giải phóng, cơ quan Mặt trận khu Tây Nam Bộ luôn phải di chuyển. Lúc này, cơ quan Mặt trận đang đóng quân ở Bào Dừa, xã Quách Phẩm, huyện Đầm Dơi. Do yêu cầu công tác và cũng đến mùa nhập hạ, Đại Đức Hữu Nhem phải về Rạch Cui, Tam Hiệp gặp ông Lâm Nuôl để bàn nội dung triển khai công việc và chỉ đạo nhập hạ làm biện pháp đối phó khi địch càn quét đánh phá để giữ dân. Khi về đến Rạch Cui trời đã chiều, đồng bào  muốn ông ở lại nghỉ đến sáng hôm sau sẽ về Tam Hiệp, nhưng do công việc phải bàn gấp, ông kiên quyết về chùa Tam Hiệp trong đêm. Đến nơi, trời gần sáng thì có tiếng máy bay L19 dùng loa phóng thanh kêu gọi các sư sãi và đồng bào phải di tản để máy bay B52 của Mỹ đánh bom tiêu diệt Việt Cộng. Liền sau đó, tiếng bom nổ vang động cả một vùng từ Chín Bộ đến Nhà Máy và chùa Tam Hiệp. Những đợt B52 đã trút hàng trăm tấn bom đã tàn phá vườn tược, hoa màu, đồng ruộng. Chưa đến 7 giờ sáng chúng đã cho 3 chiếc máy bay ném bom đến tiếp tục đánh phá các mục tiêu còn lại và đổ quân càn quét. Vì là ngày nhập hạ, sư sãi cùng bà con Phật tử tập trung đông nên phải chen nhau xuống hầm để tránh bom. Trước tình hình đó, Đại Đức sắp xếp những hầm gần cho bà con phật tử  xuống tránh bom, còn Đại đức và một số vị sư khác chạy đến chính điện, nơi cũng có một số hầm trú ẩn.  Một số người kịp xuống hầm còn đại đức vừa tới thì một quả bom rơi xuống ngay chính điện nổ tung các cây cối và hầm trú ẩn cũng bị đào nát. Đại Đức Hữu Nhem hy sinh, sư Quách Hên từ trần và các ông Trần Si Quang, Huỳnh Lợi bị thương. Đại đức Hữu Nhem hy sinh vào lúc 7 giờ 15’ ngày 10.7.1966 trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Lễ mai táng ông được tổ chức trọng thể tham dự gồm có Uỷ ban Mặt trận dân tộc Giải phóng tỉnh Cà Mau, hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Cà Mau, ban quản trị chùa và nhiều đồng bào và Phật tử tiễn đưa đại đức đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang ấp 12, kinh KiểuMẫu, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời.

Sau hy sinh của Đại Đức Hữu Nhem, bọn gián điệp đã báo cáo và ngụy quyền Sài Gòn loan tin là B52 đã đánh trúng cơ quan đầu não của Việt Cộng và tiêu diệt người lãnh tụ tôn giáo của dân tộc Khmer. Chúng cho đó là một chiến công. Đối với chúng ta, đó là một sự mất mát lớn lao. Một người con thân yêu của dân tộc Việt Nam, một Phật tử luôn luôn thể hiện vì đạo pháp dân tộc, suốt cuộc đời tận tụy vì lợi ích nhân dân, lợi ích thiết thực của đồng bào mình đã cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bởi cương vị của đại đức Hữu Nhem là Phó chủ tịch Mặt trận dân tộc Giải phóng niềm Nam Việt Nam và nhiều cương vị khác nên khi hay tin ông chết, địch tổ chức đổ quân để cướp xác ông nhằm minh chứng cho việc đàn áp phong trào đấu tranh của giới sư sãi và đồng bào Khmer. Tuy âm mưu của địch đầy rẫy  thủ đoạn, nhưng không che lấp được tội ác. Tối ngày 10.7.1966 thi hài của sư Quách Hên được đưa lên Cà Mau tiếp tục đấu tranh, bọn chúng cũng đoán được nên tỉnh trưởng An Xuyên đã cho cảnh sát bọn Kiên vụ ngăn chặn buộc phải đưa thi hài của ông Quách Hên về chùa phường I, thị xã Cà Mau cầu phước rồi hoả táng. Chúng còn nghi ngờ đây là thi hài của đại đức Hữu Nhem, đòi khui hàng (giống như quan tài của người Việt) để nhìn mặt nhưng lực lượng và nhân dân đấu tranh nên chúng không thực hiện được. Ngày 12.7.1966 ta tổ chức một cuộc đấu tranh chống B52 oanh tạc sát hại sư sãi và đồng bào, làm gẫy đổ tượng phật, hư sập chùa chiền… tại dinh tỉnh trưởng An Xuyên. Chúng cho lực lượng đàn áp, bắt đưa về phường I và giam từng người qua khám để điều tra, trong đó có cô út Sa Phol, cô tư Cương và nhiều vị khác nhưng không khai thác được gì. Chúng rất hằn học nhưng đành phải cho lực lượng đấu tranh ra về.

Cuộc đời tu học và sự nghiệp yêu nước của đại đức Hữu Nhem đã để lại trong giới sư sãi và đồng bào Khmer một niềm tiếc thương vô hạn, một tấm gương trong sáng tận tuỵ với công việc phật pháp và luôn nêu cao tinh thần yêu nước. Để tưởng nhớ đến công ơn Đại Đức, đồng bào phật tử và các nhà sư cùng cơ quan chính quyền đã đưa hài cốt ông về hoả táng tại chùa Cao Dân và thờ phụng tại đó, nơi mà Đại Đức lớn lên và trưởng thành.