Về địa danh Nhạn Tháp và hiện vật chim nhạn bằng đất nung đời Lí

13/ 11/ 2017 10:59:35

Về  địa danh Nhạn Tháp và hiện vật chim nhạn bằng đất nung đời Lí

Nguyễn Hùng Vĩ

1.Trong bài Tháp Nhạn – Một ngọn tháp Phật giáo độc đáo cổ nhất nước ta, GS Hoàng Xuân Chinh có đưa ra những truyền thuyết về tên địa danh này của dân gian và một trong những truyền thuyết đó đã được ghi lại vào năm 1920 trên tấm bia Nhạn tháp bi đình kí. Theo sự tương truyền đó thì có hai cách giải thích:

– Được gọi là Nhạn Tháp vì ngọn núi ở làng này giống hình một con chim nhạn, tháp xây trên đó. Vì thế mà thành địa danh.

– Tháp xây cao, có đàn chim nhạn thường đến đậu nên gọi là Nhạn Tháp, từ đó thành tên.

Nhưng với sự cẩn trọng của một nhà khoa học, GS còn cho rằng xuất xứ của cái tên Nhạn Tháp còn có thể phải bàn lại là vì Nhạn Tháp là tên gọi khá phổ biến của nhiều ngọn tháp Phật giáo. Ở Phật Tích (Bắc Ninh), ở Bình Định cũng có Tháp và làng mang tên Nhạn Tháp. Đồng thời ở Trung Quốc cũng có tháp Đại Nhạn và tháp Tiểu Nhạn. Đó là sự cẩn trọng đáng quý.

Thực ra, danh từ nhạn tháp vốn đã là để chỉ một loại tháp Phật giáo nói chung, nó đồng nghĩa với phù đồ, đổ ba, thốt đổ ba và đều có nghĩa là tháp (Stupa). Bên cạnh từ nhạn tháp để chỉ tháp Phật còn có từ nhạn đường, nhạn môn để chỉ chùa thờ Phật, cửa Phật, từ nhạn vương để gọi Phật. Về nguyên do tại sao lại có chữ nhạn (chim nhạn – ngỗng trời mái thì gọi là nhạn, ngỗng trời trống thì gọi là hồng) trong kết cấu danh từ nhạn tháp thì sách vở thường hay gắn nó với hai di tích nổi tiếng của Trung Hoa là Đại Nhạn tháp và Tiểu Nhạn tháp. Hai di tích này cũng có truyền thuyết về tên gọi Nhạn Tháp.

Từ điển Từ Nguyên giải thích rằng: Nhạn Tháp là tên ngọn tháp nay ở phía Nam thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Xưa có hai “nhạn tháp”: một ngọn là Đại Nhạn tháp và một ngọn là Tiểu Nhạn tháp.

a- Đại Nhạn tháp đặt ở chùa Từ Ân, xây dựng năm thứ tư niên hiệu Vĩnh Huy vua Đường Cao Tông (653), nhà sư Huyền Trang dùng nó để tàng trữ kinh Phật tiếng Phạn. Ban đầu tháp chỉ có 5 tầng. Trong những năm Trường An thời Võ Hậu (khoảng từ 701 đến 704), tháp bị đổ, khi được xây lại thì tăng lên thành 10 tầng. Ngày nay tháp có 7 tầng. Ban đầu, tháp có tên là tháp chùa Từ Ân (Từ Ân tự tháp). Do theo câu chuyện bên Phật giáo về việc Bồ Tát hóa thân thành chim nhạn rơi xuống xả thân bố thí nên gọi tháp là Nhạn Tháp. Dưới chân tháp có Thánh giáo tự bi là nơi đề danh tiến sĩ đời Đường.

b- Tiểu Nhạn tháp đặt tại chùa Tiến Phúc. Tháp được xây dựng trong những năm Cảnh Long đời vua Trung Tông (khoảng từ 701 đến 710), cao 15 tầng, đến năm Gia Tĩnh 34 đời Minh (1555), đỉnh tháp bị hủy hoại bởi động đất, nhưng thân tháp vẫn giữ được nguyên vẹn. Do qui mô nhỏ hơn nên gọi là Tiểu Nhạn tháp.

Đó là giải thích của Từ Nguyên, còn trên trang web china-culture, tác giả Dương Dương cho biết chùa Từ Ân được xây dựng từ năm 648 (năm Trinh Quán 22) do thái tử Lý Trị xây để tưởng niệm thân mẫu quá cố của mình là Văn Đức hoàng hậu, (do đó mang tên Từ Ân: ân đức mẹ hiền). Qui mô chùa rất lớn, đặc biệt, có mời nhà sư nổi tiếng đương thời là Đường Tam Tạng Huyền Trang đến lo việc trụ trì. Năm 652, nhà sư Huyền Trang cho dựng tháp ở phía Tây chùa, gọi là Từ Ân tự tháp (tháp chùa Từ Ân), dùng để chứa các kinh Phật mang từ Ấn Độ về. Còn tại sao lại gọi tháp này là Đại Nhạn thì Dương Dương cho biết, theo cuốn Từ Ân tự Tam Tạng pháp sư truyện viết rằng: Ở nước Ma-yết-đà có một ngôi chùa, một ngày có một con chim nhạn lạc đàn rớt xuống chết. Các sư tăng cho rằng con chim ấy là hóa thân của Bồ Tát, nên quyết định dựng một tháp cho chim nhạn nên gọi là Nhạn Tháp hay Đại Nhạn tháp.

Còn Từ điển Phật học Hán Việt (Giáo hội Phật giáo Việt Nam- Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản – Hà Nội – 1992 ) cho ta tư liệu rõ ràng hơn: Nhạn Tháp: (Đường tháp) Tây vực ký q.9: “Có ngôi thốt-đổ-ba, tên là Cắng-sa. Đời Đường gọi là Nhạn. Ngôi Già-lam này trước đây tu theo phái Tiểu thừa (tiệm giáo) nên dùng thịt tam tịnh mà vẫn không bị sa đà. Tuy vậy ngay cả thịt tam tịnh không phải lúc nào cũng có đủ. Có một tỳ khiêu đi qua, bỗng thấy đàn nhạn bay lượn, liền buông một lời nói đùa: Trong chúng tăng ngày hôm nay thịt cũng không có đủ mà ăn, xin Ma-ha-tát-đóa biết cho. Nói chưa dứt lời thì có một con nhạn bay giật lùi đến trước mặt thầy tăng, gieo mình tự vẫn. Tỳ khiêu nhìn thấy, nói lại với chúng tăng. Mọi người đều buồn rầu nói với nhau: Như Lai đặt pháp, dạy bảo tùy cơ, bọn ta ngu muội lại đi tuân theo tiệm giáo, phải biết rằng Đại thừa mới là chính lí. Từ đó mới thay đổi sự chấp trước trước đây để chăm lo ý thánh. Con nhạn kia để lại điều răn đúng là sự dẫn bảo sáng suốt, nên nêu lên đức hậu lưu truyền muôn thủa. Thế là các thầy tăng đã dựng tháp theo mẫu thức thời xưa và đem con nhạn chết kia chôn ở dưới tháp”.

Qua những ý kiến trên, chúng ta thấy rằng: Nhạn Tháp hay Đại Nhạn tháp không phải là tên gốc của tháp chùa Từ Ân do Huyền Trang xây dựng mà người ta gọi theo tên của loại tháp đã từng xây dựng ở nước Ma-yết-đà thuộc Tây Vực. Đó là cách gọi tên theo mô phỏng một kiểu tháp có trước. Từ đó, những tháp tương tự đều sẵn sàng được gọi là Nhạn tháp. Điều này thường xảy ra trong việc gọi tên. Và từ nhạn tháp dần dần trở nên thông dụng với tư cách là một danh từ chung. Điều này lí giải tại sao GS Hoàng Xuân Chinh viết: “Nhạn Tháp hay Tháp Nhạn là tên gọi khá phổ biến của nhiều ngọn tháp Phật giáo”.

Riêng với địa danh Nhạn Tháp ở Nam Đàn, ta có thể hình dung như sau: từ một danh từ chung để chỉ một loại tháp lớn nó đã trở thành danh từ riêng chỉ ngọn tháp được dựng ở đó rồi sau đó nó trở thành địa danh vùng đó. Sau khi trở thành địa danh, dân gian đã sáng tạo những truyền thuyết của mình, phù hợp với cảnh quan bản quán để lý giải, để tự hào về một danh lam thắng cảnh, đó là con đường sáng tạo thuộc về văn học dân gian phong phú, đầy mĩ cảm và truyền tải tâm hồn nhân dân cần được chúng ta tôn trọng và giữ gìn.

Có điều lý thú là với ngọn tháp Nhạn Tháp ở Nam Đàn, các nhà khoa học Pháp đã tìm ra và đặc biệt lưu ý đến viên gạch có niên hiệu Đường Trinh Quán lục niên: Năm thứ 6 đời Trinh Quán nhà Đường, tức năm 632. Nếu như năm sản xuất viên gạch cũng là năm xây dựng tháp thì tháp này đã xây dựng trước Đại Nhạn tháp nổi tiếng Trung Hoa những 20 năm. Điều này đặc biệt quan trọng với việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo, lịch sử văn hóa Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi đặt vấn đề “nếu như” vì hiểu rằng, con đường khảo cổ học là rất phức tạp, lắm vấn đề khi đưa ra một nhận định. Nhạn Tháp vẫn kêu gọi chúng ta nghiên cứu, vẫn cần những cuộc khai quật mới.

Một vấn đề nữa là: Vậy từ khi ra đời, cái tên Nhạn Tháp đã được gọi ngay cho ngọn tháp này chưa? Kí tự thời Bắc thuộc để lại cho đến ngày nay quả là hiếm hơn vàng.Tuy nhiên, với sự tương hợp của viên gạch đời Đường và các từ điển đều thống nhất cho rằng cái tên nhạn tháp cũng bắt đầu có từ đời Đường, chúng ta mạnh dạn suy ra rằng, địa danh Nhạn Tháp cũng đã xuất hiện từ thời đó. Vậy đây sẽ là một địa danh ở Nam Đàn được xác định từ rất sớm, mách cho ta về một vùng cư dân đã ổn định từ thủa xa xưa, hứa hẹn những tìm tòi trong tương lai những nền văn hóa trước đó ở vùng này, như văn hóa Đông Sơn chẳng hạn. Đồng thời, việc nghiên cứu kĩ càng Tháp Nhạn ở Nam Đàn cũng sẽ giúp chúng ta hiểu thên những ngọn tháp tương tự khác mà thời điểm xây dựng, phong cách nghệ thuật vẫn chưa có sự nhất trí giữa các nhà khảo cổ học Pháp thời Viễn đông bác cổ và các nhà nghiên cứu mĩ thuật Việt Nam gần đây (tháp Bình Sơn [tháp Then] ở Lập Thạch là một ví dụ). Hy vọng một sự may mắn đặc biệt nào đó để chúng ta giải quyết vấn đề này.

  1. Ở đây cũng nói thêm, thuật ngữ Phật giáo còn có những khái niệm liên quan đến nhạn giúp ích cho việc nghiên cứu khảo cổ học và mĩ thuật Phật giáo, điều đang được ít người quan tâm.

Ngũ bách nhạn quần văn Phật pháp sinh thiên: (Thuyết). Phật thuyết pháp cho đại chúng ở nước Ba La Nại lúc đó trên không trung có năm trăm con nhạn nghe tiếng nói của Phật, vui mừng sà xuống nơi Ngài. Vừa lúc đó có người thợ săn đặt lưới. Năm trăm con nhạn mắc phải lưới bị thợ săn giết chết. Do có công đức nghe thuyết pháp mà đàn nhạn được sinh vào cõi trời Đao Lị.

– Ngũ  bách nhạn vi ngũ bách La Hán (Bản sinh). Báo ân kinh; q.4: “Ngày xưa có một quốc vương muốn ăn thịt nhạn, sai thợ săn đi bắt nhạn. Lúc đó có năm trăm con nhạn bay qua bầu trời. Vua nhạn chẳng may rơi vào lưới. Thợ săn rất mừng định giết nó, thì có con nhạn kêu khắc khoải lao tới nơi vua nhạn. Năm trăm con nhạn cũng bần thần… không nỡ bay đi. Thợ săn nhìn thấy không nỡ giết vua nhạn… Quốc vương nghe chuyện đó bèn thôi không ăn thịt nhạn nữa. Quốc vương lúc đó tức là A Xà Thế Vương, vua nhạn chính là đức Phật, con nhạn lao tới chính là ngài A Nan, còn năm trăm con nhạn kia chính là năm trăm vị La Hán.”

Xem thế, chúng ta thấy rằng, ở những di tích kiến trúc đời Lý, ta gặp nhiều di vật chim nhạn bằng đất nung (Lãm Sơn, Hoàng Thành vv…) mà các nhà nghiên cứu gọi là uyên ương, thì đó chính là nhạn, tượng trưng cho các vị La Hán thỉnh kinh được hình tượng hoá gắn lên diềm mái các ngôi chùa. Thuyết lí Phật giáo không chỉ qua sách vở mà còn nằm ngay trên di vật văn hoá vật thể này. Cách gọi uyên ương dù đã quen nhưng không có điển tích Phật giáo để lí giải. Chúng tôi đề nghị thay đổi khái niệm này.