VỀ GIẤC MƠ CỦA ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT VÀ MỘT MÔTIP NHÂN VẬT ĐỘC ĐÁO

13/ 11/ 2017 10:28:02

[i]VỀ GIẤC MƠ CỦA ĐẠI SƯ KHUÔNG VIỆT VÀ MỘT MÔTIP NHÂN VẬT ĐỘC ĐÁO

PGS, TS. NGUYỄN HỮU SƠN

Viện Văn học

Trong tiểu truyện về Đại sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu (933-1011) – người thuộc thế hệ thứ tư dòng thiền Vô Ngôn Thông – ngay ở phần truyện – tiểu sử có một đoạn ghi chép hết sức quan trọng như sau:

“Dưới triều vua Lê Đại Hành, sư đặc biệt được vua kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự. Sư thường đi chơi ở núi Vệ Linh, quận Bình Lỗ, thích nơi đây cảnh trí đẹp, thanh u, muốn dựng am để ở. Ban đêm sư chiêm bao thấy thần nhân mặc áo giáp vàng, tay phải đỡ ngọn bảo tháp, theo sau có hơn chục tên quân hầu dáng mạo hung dữ. Vị thần bảo sư rằng: “Ta là Tì-sa-môn Thiên vương, quân hầu theo ta đây đều là bọn quỷ Dạ xoa. Thiên đế có sắc chỉ sai ta đến nước này giữ cương giới để cho Phật pháp được hưng thịnh. Ta có duyên với ngươi nên đến đây để nhờ cậy”. Sư giật mình tỉnh dậy, nghe trong núi có tiếng gào thét thì lấy làm lạ. Khi trời sáng, sư vào núi thấy một cây cổ thụ cao chừng mười trượng, cành lá xum xuê tươi tốt, phía trên có đám mây lành che bóng. Sư nhân đó thuê thợ đốn cây ấy lấy gỗ tạc tượng thần theo đúng như đã thấy trong mộng để thờ phụng.

Năm Thiên Phúc thứ nhất (980), quân Tống sang xâm lược nước ta. Trước đó, vua đã biết chuyện này, bèn sai sư đến đền cầu đảo xin thần phù hộ. Quân giặc kinh sợ lui về giữ sông Hữu Ninh. Đến đây, bọn chúng lại thấy sóng gió nổi lên ùn ùn, giao long nhảy tung trên mặt nước, quân giặc sợ hãi tan chạy”(1)

Trong tiểu luận nghiên cứu Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana), Sóc Thiên vương và Phù Đổng Thiên vương trong tôn giáo Việt Nam thời trung cổ, tác giả Như Hạnh đặt vấn đề: “Câu chuyện trên đây nếu đọc trong khuôn khổ thuyên thích (hermeneutic) đúng đắn, khai mở cho chúng ta những dữ kiện quan trọng liên quan tới một số đề tài trong văn hóa sử Việt Nam. Tì-sa-môn Thiên vương là ai? Tại sao Khuông Việt lại nằm mơ thấy vị thần này? Giấc mơ của Khuông Việt có thể cho chúng ta biết được những gì về tầm quan trọng của vị thần này trong tôn giáo Việt Nam?”(2)

Nói một cách khác, vấn đề đặt ra ở đây là môtip nhân vật “thần nhân mặc áo giáp vàng” có nguồn gốc từ đâu mà lại xuất hiện được trong giấc mơ của Đại sư Khuông Việt? Điều gợi mở trước hết từ trong chính văn bản là vị “thần nhân mặc áo giáp vàng” này đã tự giới thiệu mình chính là Tì-sa-môn Thiên vương. Tóm tắt theo Từ điển Phật học Hán – Việt thì Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana) có nguồn gốc xa xưa từ Ấn giáo, thần thoại và Phật giáo Ấn Độ: “Đạo Bà-la-môn cổ gọi là Thần tài. Vị thần này trụ trì ở phía Bắc núi Tu-di, coi giữ mạn Bắc Diêm-phù-đề, cai quản về của cải tài sản, còn là vị thiện thần hộ trì Phật pháp”; “Còn gọi là Đa-văn-thiên, là một trong 4 vị Thiên vương hộ thế. Là vị thiện thần hộ pháp kiêm bố thí phúc trong Phật giáo. Hình tượng có nhiều loại. Tượng của Thai tạng giới Mạn-đồ-la thì mặc áo giáp, đội mũ trụ, tay trái cầm cây tháp, tay phải cầm gậy báu. Thường là tượng ngồi và tương truyền còn có cả tượng đứng”; sau này, theo sách Bắc phương Tì-sa-môn Thiên vương tuỳ quân hộ pháp chân ngôn mô tả: “Trong nền màu sặc sỡ không hài hoà, trên tấm thảm trắng có vẽ một vị thần Tì-sa-môn khoác áo thất bảo trang nghiêm, tay trái cầm kích, tay phải chống trên mạng sườn, dưới chân thần vẽ 2 quỉ Dạ-xoa, đều sắc đen. Thần Tì-sa-môn được vẽ thành bộ mặt rất đáng sợ, đôi mắt hung dữ trợn nhìn tất cả các ác quỉ…”(3).

Cho đến nay nhìn lại có thể khẳng định đã có cả một quá trình tìm hiểu về Tì-sa-môn Thiên vương trong bối cảnh văn hoá-văn học dân gian, cụ thể hơn là mối liên hệ với truyện Ông Dóng và hình ảnh giấc mơ của Khuông Việt trong sách Thiền uyển tập anh. Như ông Cao Huy Đỉnh đã diễn giải trong mục Cơ sở xã hội và quá trình phát triển của truyện Ông Dóng thì sự chuyển hoá thể loại của truyện Ông Dóng trong lịch sử “tiêu biểu cho sự chuyển hoá của cả loại hình tự sự dân gian Việt Nam nói chung”; “Hình tượng, cốt truyện, chủ đề và ý nghĩa của nó phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến tổng hợp qua quá trình phát triển lịch sử rất lâu dài của dân tộc”(4); ở đó vừa có cốt truyện mang tính nội sinh, bản địa, vừa có quan hệ giao thoa, hội nhập, bản địa hoá hình mẫu Tì-sa-môn Thiên vương. Một mặt, truyện Ông Dóng có nguồn gốc từ các truyền thuyết bộ lạc, thần thoại ông Đổng, truyền thuyết anh hùng Núi Sóc hay có khả năng như suy đoán của Nguyễn Đổng Chi trong Lược khảo thần thoại Việt Nam “là những lực sĩ anh hùng thời khuyết sử như Thánh Dóng chẳng hạn – sự tích của những thần đó, được đặt ra từ rất xưa, đặc biệt là từ thời nguyên thuỷ”(5), điều này được Cao Huy Đỉnh tán đồng và triển khai sâu rộng thêm. Một mặt khác, vai trò mối quan hệ Tì-sa-môn Thiên vương – Thánh Dóng, nói cho đúng hơn là sự hội nhập mẫu hình Tì-sa-môn Thiên vương vào hệ thống cốt truyện Ông Dóng cũng ngày càng được quan tâm và lý giải sâu sắc hơn. Với ý nghĩa là tác phẩm “bắc cầu”, Thiền uyển tập anh đã chứa đựng, dung nạp mẫu hình Tì-sa-môn Thiên vương. Trong công trình Người anh hùng làng Dóng, Cao Huy Đỉnh đã nhận ra điều này như một khả năng trầm tích yếu tố folklore (cùng với nhân vật ông Hống ông Hát): “Trong Việt điện u linh (phần tục biên), sau khi nói đến truyện thần núi Vệ Linh là Tì-sa-môn, vì âm phù cho Lê Đại Hành đánh tan giặc Tống, nên được vua này phong cho là Sóc Thiên Vương (Chú ý: có truyền thuyết nói rằng vị thần phù âm đó là anh em ông Hống ông Hát cũng là hai anh em sinh đôi từ trong cùng một bọc đã theo Triệu Quang Phục sau này-xem Thiên Nam vân lục liệt truyện), tác giả kể lại một truyền thuyết dân gian về một em bé anh hùng giống như truyện Ông Dóng, nhưng trong đó không có một tên riêng nào khác ngoài Sóc Sơn và Sóc Thiên Vương. Có lẽ đây là tiền thân của truyện Ông Dóng(6).

Ở một đoạn khác tác giả lý giải ngoài loại truyền thuyết dân gian (bản địa) còn có loại truyền thuyết thu nạp cả mẫu hình Tì-sa-môn Thiên vương trong giấc mơ của Đại sư Khuông Việt: “Truyền thuyết thứ hai nói về quan hệ ứng mộng của thần núi Vệ Linh (hay Sóc Sơn) với nhà sư Khuông Việt và quan hệ âm phù của vị thần này với vua Lê Đại Hành phá giặc Tống.

Thần này đã tỏ ra là rất thiêng khiến cho nhà sư phải kính nể và lập đền thờ. Về sau nhà sư đã cầu đảo thần này để cho thần này giúp vua Lê Đại Hành, làm nổi sóng to, gió cả, thuồng luồng và rắn lên khiến cho quân Tống sợ chạy tan tác và rút lui về nước.

Truyện này vạch ra cái xu hướng thu hút tín ngưỡng địa phương vào đạo Phật, là một quốc giáo để làm cơ sở cho vương quyền. Đây là hiện tượng đồng hoá giữa ba lực lượng tinh thần: vương quyền, đạo quyền và thần quyền địa phương trong những điều kiện lịch sử nhất định của nước ta, vào lúc nhà nước phong kiến mới hình thành (nhà Tiền Lê) đang cần được củng cố để bảo vệ sự thống nhất về lãnh thổ bên trong và thắng giặc xâm lược từ bên ngoài”(7)

Đồng thời, khi viết giáo trình văn học sử và tìm hiểu mối quan hệ Tì-sa-môn Thiên vương và Sóc Thiên vương – Thánh Dóng – Phù Đổng Thiên vương, Đinh Gia Khánh đã đi đến kết luận: “Ở đây có chi tiết liên quan đến Sóc Thiên vương, tức Thánh Dóng. Thánh Dóng hiện ra dưới hình thức Tì-sa-môn Thiên vương chỉ huy đạo quân Dạ-thoa. Rõ ràng là Thiền uyển tập anh đã phản ánh việc các thiền sư đem Phật giáo hóa truyền thuyết dân gian”(8). Qua những dòng nhận định ngắn gọn trên đây có thể hiểu rằng ông Đinh Gia Khánh xác nhận mối quan hệ này có nguồn gốc từ Phật giáo Ấn Độ đã có sự du nhập và bản địa hoá tại Việt Nam…

Trở lại với thiên khảo cứu hết sức công phu đã dẫn trên, nhà nghiên cứu Như Hạnh nhấn mạnh thêm con đường chuyển hoá của nhân vật Tì-sa-môn từ Ấn giáo lan truyền qua Khotan, vào Trung Quốc rồi tới Việt Nam (và cả Nhật Bản nữa). Ở đây xin dẫn lại một số nhận định quan trọng nhất:

“Nếu như chúng ta hoàn toàn dựa vào đoạn về giấc mơ của Khuông Việt trong tiểu sử của ông thì tục thờ Vaisravana (hay Tì-sa-môn Thiên vương trong tiếng Việt) bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng cuối thế kỷ thứ Mười. Tuy nhiên, sự kiện rằng Khuông Việt nằm mơ thấy Tì-sa-môn khiến chúng ta có thể dự đoán rằng Tì-sa-môn hẳn phải là một vị thần đã được biết đến và thờ phượng trong Phật giáo và tôn giáo Việt Nam nói chung rồi. Từ viễn cảnh lịch sử, khó mà chúng ta tin rằng tự dưng Khuông Việt lại nằm mơ thấy Tì-sa-môn được…

Câu chuyện về giấc mơ của Khuông Việt được chép lại trong các dị bản của hai bộ sách quan trọng trong văn hoá sử Việt Nam là Việt điện u linh tậpLĩnh Nam chích quái. So sánh những bản này với Thiền uyển tập anh, chúng ta thấy có những dị biệt có vẻ nhỏ. Tuy nhiên, những dị biệt ấy nói lên những biến chuyển rất quan trọng. Hơn nữa, chúng còn hàm chứa một số vấn đề mà chúng ta cần tìm hiểu…

Chúng ta lưu ý được rằng tất cả những bản này đều mở đầu với câu “Theo sách Thiền uyển tập anh…”. Rõ ràng là những tác gia này đã dựa vào những bản đi trước, và bản đầu tiên lại dựa vào Thiền uyển tập anh. Điều này cũng không có gì lạ bởi vì Thiền uyển tập anh được soạn sớm hơn cả Việt điện u linh lẫn Lĩnh Nam chích quái

Giấc mơ của Khuông Việt, được đề cập đến trong phần trước của bài viết, tượng trưng cho một nguyện vọng nhỏ bé của một cao tăng đưa Phật giáo vào việc xác nhận tính độc lập và tự trị của đất nước Việt Nam…

Nói tóm lại, câu chuyện về giấc mơ của Khuông Việt trong Thiền uyển tập anh cho chúng ta một ví dụ điển hình về những nỗ lực đầu tiên của giới lãnh đạo Phật giáo trong việc thiết lập nguồn gốc của quốc gia Việt Nam trong Phật giáo. Chúng ta thấy những nỗ lực này cũng phản ánh qua cả các hành động tiên tri của một số cao tăng khác như Định Không và La Quí cũng như một vài truyện khác được ghi chép trong Việt điện u linh Lĩnh Nam chích quái.

Huyền thoại là một trong những thành tố chính yếu trong việc tạo dựng tinh thần quốc gia, nhất là tinh thần quốc gia tôn giáo (religions nationalism). Giấc mơ của Khuông Việt có thể được xem là một nỗ lực nhỏ bé tạo dựng huyền thoại này”(9).

Trong suốt mấy thập kỷ qua, nhà nghiên cứu Hà Văn Tấn cũng hết sức quan tâm đến môtip giấc mơ Khuông Việt và chỉ ra vai trò của các nhân vật biểu tượng này trong quá trình khẳng định quốc gia, dân tộc: “Không phải ngẫu nhiên mà có thể vạch ra được cái vòng kín: Khuông Việt – Tỳ Sa Môn – Tán chi và dạ xoa – bài kệ – các cột Kinh Hoa Lư thời Đinh – Khuông Việt. Mối liên hệ dường như rời rạc này lại nói lên một điều chắc chắn: Khuông Việt, người cầm đầu Phật giáo thời Đinh và các nhà sư Thiền tông thế kỷ X đã chấp nhận – hay đúng hơn, đã tích cực tô vẽ – một thần điện mà giai cấp phong kiến thấy cần phải có”(10)

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ qua một dẫn chứng tiêu biểu này cũng thấy rõ khả năng tích hợp các yếu tố folklore ở truyện về Đại sư Khuông Việt trong tác phẩm Thiền uyển tập anh là một thực tế, biểu hiện chiều sâu văn hoá dân tộc và có tầm quan trọng đến như thế nào. Qua chiều dài thời gian, các thế hệ nhà nghiên cứu đã nỗ lực góp công kiếm tìm, giải mã câu chuyện “giấc mơ Khuông Việt”, giúp cho vấn đề ngày càng trở nên hấp dẫn và sáng tỏ hơn…

 

__________________

(1) Thiền uyển tập anh (Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga dịch, chú, giới thiệu). Phân viện Nghiên cứu Phật học và NXB Văn học, H., 1990, tr.43.

(2) Như Hạnh: Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana), Sóc Thiên vương và Phù Đổng Thiên vương trong Tôn giáo Việt Nam thời Trung cổ. Tạp chí Triết (San Jose), số 1-1995, tr.150-162. In trong Nghiên cứu Phật học, H., số 3-1998 và số 2-1999, tr.18-23 và 21-24.

(3)  Từ điển Phật học Hán-Việt, Tập II (Hòa thượng Kim Cương Tử chủ biên). Phân viện Nghiên cứu Phật học xuất bản, H., 1994, tr.1599-1600.

(4)  Cao Huy Đỉnh: Người anh hùng làng Dóng. NXB KHXH, H., 1969, tr.138-146.

(5)  Nguyễn Đổng Chi: Lược khảo thần thoại Việt Nam. Ban Văn Sử Địa xuất bản, H., 1956, tr.11.

(6) Cao Huy Đỉnh: Người anh hùng làng Dóng. Sđd, tr.41.

(7) Cao Huy Đỉnh: Người anh hùng làng Dóng. Sđd, tr.103.

(8) Đinh Gia Khánh: Chương VI- Văn tự sự, truyện ký đời Trần, trong sách Văn học Việt Nam (Thế kỉ X -nửa đầu thế kỉ XVIII). In lần thứ năm. NXB Giáo dục, H., 2001, tr.123.

– Xem thêm: Tạ Chí Đại Trường: Thần, người và đất Việt. Văn Nghệ xuất bản, California, 1989, tr.37-48, 156.

(9) Như Hạnh: Tì-sa-môn Thiên vương (Vaisravana), Sóc Thiên vương và Phù Đổng Thiên vương trong Tôn giáo Việt Nam thời Trung cổ. Tạp chí Triết (San Jose), số 1-1995, tr.150-162. In trong Nghiên cứu Phật học, số 3-1998 và số 2-1999, tr.18-23 và 21-24.

(10) Hà Văn Tấn: Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa Lư, trong sách Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1993. NXB KHXH, H., 1994. In lại trong sách Theo dấu các văn hóa cổ. NXB KHXH., 1997, tr.832.