Vĩnh Nghiêm những chặng đường phát triển

11/ 11/ 2017 14:36:16

Vĩnh Nghiêm những chặng đường phát triển

Tỳ khưu Thích Giác Dũng

 

Tổ đình nơi đất Bắc

 

Tổ đình Vĩnh Nghiêm thuộc làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc  Giang, được xây dựng vào thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Đến đời nhà Trần, khi 3 dòng thiền lớn nhất là Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường được Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông hợp nhất thành một thiền phái duy nhất gọi là Thiền phái Trúc Lâm – một dòng Thiền mang đậm dấu ấn Đại Việt, Tổ đình Vĩnh Nghiêm trở thành trung tâm Phật giáo của thiền phái này. Đặc biệt, khi đệ nhị Tổ Pháp Loa (1284-1330) làm trụ trì, Ngài đã thiết lập trụ sở của giáo hội Trúc Lâm tại đây, đồng thời xây dựng nơi đây thành trung tâm đào tạo tăng tài, thuyết pháp giảng kinh, in ấn Phật điển v.v. Có thể nói, Tổ đình Vĩnh Nghiêm được phát triển huy hoàng dưới sự lãnh đạo của đệ nhị Tổ Pháp Loa và giai đoạn này cũng được xem là thời hoàng kim của Đạo pháp và dân tộc nói chung.

Đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, một bậc long tượng nữa lại xuất hiện nơi chốn Tổ Vĩnh Nghiêm. Đó là Hòa thượng Thích Thanh Hanh (1840-1936), một bậc mô phạm trong chốn tùng lâm, tròn đầy giới đức. Cũng như đệ nhị Tổ Pháp Loa, Ngài suốt đời tận tụy trong việc tiếp tăng độ chúng. Chính vì lẽ đó, khi phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Bắc bắt đầu khởi động, bốn chúng đã suy tôn Ngài lên ngôi vị Thiền gia Pháp chủ để làm tiêu bảng cho công cuộc phục hưng Phật giáo. Nhờ đó mà công cuộc Chấn hưng Phật giáo đạt được nhiều kết qủa khả quan.

 

Tự viện tại trời Nam

 

Một trong những sự nghiệp của công cuộc Chấn hưng Phật giáo là gởi tăng sĩ ra nước ngoài tu học. Do đó, năm 1952, Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973) và Hòa thượng Thích Thanh Kiểm (1920-2000) được Giáo hội Tăng già Việt Nam cử sang Nhật Bản du học [1]. Sau khi từ Nhật Bản trở về, năm 1964, với ý nguyện phát triển dòng Thiền Đại Việt tại trời Nam cũng như để tưởng nhớ công đức cao cả của chư vị Tổ sư Thiền phái Trúc Lâm, nhị vị Hòa thượng đã cùng chư tăng ni và Phật tử miền Bắc đang định cư tại miền Nam lúc bấy giờ đã đồng tâm hiệp lực xây dựng nên một ngôi chùa nằm trên một trong những đại lộ chính của đô thành, tọa lạc trên diện tích gần 1 héc-ta (địa chỉ hiện nay: 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh), lấy tên Vĩnh Nghiêm. Tổ Thanh Hanh được tôn thờ là sư Tổ của bản tự.

Ngay từ đầu, chùa Vĩnh Nghiêm trở thành tổ đình của tăng ni Phật tử Bắc việt, trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa Phật giáo của cả nước và được rất nhiều người trong cũng như ngoài nước biết đến. Hòa thượng thích Tâm Giác là vị tăng sĩ tích cực hoạt động trên mọi lãnh vực để đưa Phật giáo vào lòng dân tộc, làm sống lại tinh thần dòng Thiền Trúc Lâm. Với tư cách Chánh đại diện miền Vĩnh Nghiêm và cũng là vị trụ trì đầu tiên của chùa Vĩnh Nghiêm, Ngài cùng với Hòa thượng Thích Thanh Kiểm đã xây dựng được ngôi tháp Phật bảy tầng cùng ngôi chính điện nguy nga, mang đậm phong cách Đại Việt. Ngoài ra, Ngài còn kiến tạo Vĩnh Nghiêm Thiền Viện [2] tại thành phố Vũng Tàu vào năm 1966 và mua 11 héc ta tại Hóc Môn để xây dựng một trung tâm thiền học Vĩnh Nghiêm, trong đó có Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm [3] vào năm 1971.

Năm 1973, Hòa thượng Thích Tâm Giác viên tịch[4], Hòa thượng Thích Thanh Kiểm được chư tăng ni và Phật tử miền Vĩnh Nghiêm suy cử lên ngôi vị Chánh Đại diện miền và là vị trụ trì đời thứ hai của Vĩnh Nghiêm. Ngài là vị mô phạm trong rừng thiền, giới hương tỏa ngát, học vấn uyên thâm nhưng lại rất khiêm cung hòa nhã. Tiếp tục sự nghiệp của vị tiền nhiệm, Hòa thượng Thích Thanh Kiểm tiếp tục xây dựng thêm một số công trình như bảo tháp xá lợi cộng đồng, Thiền đường, khách đường, thanh trai đường, Tăng xá Đông đường. Năm 1989, Trường Trung cấp và Cao đẳng Phật học được Thành hội Phật giáo khai trường tại đây, Hòa thượng làm Phó Hiệu trưởng. Tuy nhiên, Ngài vẫn mong muốn hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia có cơ sở tu tập, thực hiện con đường thực nghiệm tâm linh, đem lại giải thoát, an lạc thật sự cho bản thân nên năm 1993 Ngài đã đệ đơn xin xây dựng một tu viện trên mảnh đất còn lại của nghĩa trang. Nhân duyên chưa hội đủ, ý nguyện chưa được hoàn mãn, năm 2000, Hòa thượng thị tịch giữa lời kinh trợ niệm của môn nhân bốn chúng.

 

Sau khi Hòa thượng Thích Thanh Kiểm viên tịch, Đại đức Thích Thanh Phong tiếp nối đèn Thiền, trở thành vị trụ trì đời thứ ba của chốn Tổ, đã xây dựng thêm tăng xá Tây đường, bảo tháp xá lợi cộng đồng thứ hai v.v. Thầy là vị tăng sĩ trẻ dấn thân một cách không biết mệt mỏi trong mọi công việc Giáo hội cũng như từ thiện xã hội. Nhờ đó, tên tuổi Vĩnh Nghiêm lại trở nên thân thương và được nhiều người trong cũng như ngoài nước biết đến. Trong nhiều chục năm qua, chùa Vĩnh Nghiêm là điểm đến để chiêm bái, thăm viếng của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều đoàn khách quốc tế cũng như trong nước. Đặc biệt, Ngày 15 tháng 8 năm 2009, chùa hân hạnh đón tiếp ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng phu nhân đến viếng chùa và trồng cây Bồ đề lưu niệm [5].

 

Di huấn của Tiền nhân

Tuy bận rộn với trăm công ngàn việc như điều hành tổ đình, sinh hoạt Giáo hội, tổ chức từ thiện v.v các đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thanh Kiểm mà đứng đầu là Đại đức Thích Thanh Phong không bao giờ quên di huấn của Thầy Tổ: xây dựng tu viện làm chỗ tu học cho bốn chúng. Ngay từ năm 2004, Thầy đã bắt đầu thực hiện các thủ tục xin phép xây dựng tu viện mang tên Vĩnh Nghiêm. Sau hơn 5 năm ròng rã, trải qua nhiều cuộc họp giữa các ban ngành liên quan, cuối cùng, ngày 21 tháng 8 năm 2009, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp Giấy phép xây dựng số 140/GPXD, cho phép chùa Vĩnh Nghiêm xây dựng Tu viện Vĩnh Nghiêm tại phường Hiệp Thành, quận 12. Lễ Khởi công xây dựng Tu viện Vĩnh Nghiêm sẽ được tổ chức vào ngày 26 tháng 9 năm 2009 (8 tháng 8 năm Kỷ Sửu). Trên diện tích 15.209m2­­­­­­, chánh điện, tổ đường, tháp chuông, tăng đường, phương trượng, văn phòng, tứ ân đường, khách xá, tam quan, nhà bếp, tổng cộng 10 hạng mục công trình sẽ được xây dựng. Sau khi xây dựng xong, Tu viện Vĩnh Nghiêm sẽ là nơi tu tập theo truyền thống giáo dục của dòng thiền Trúc Lâm: Tăng chúng tu tập nội trú, lấy việc chuyên tu làm mục đích chính trong lộ trình giải thoát. Đây cũng là nơi qúy Phật tử tại gia tìm về tu tập trong một thời gian ngắn, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mỗi người. Mong sao di huấn của Tiền nhân sớm trở thành hiện thực./.

 Vĩnh Nghiêm, ngày 23 tháng 8 năm 2009

 

 

 

 

[1] Cùng được cử sang Nhật Bản du học trong dịp này còn có Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thượng Thích Nhật Liên. Hòa Thượng Thích Minh Châu, Hòa Thượng Thích Trí Không, Hòa Thượng Thích Phúc Tuệ và Hòa Thượng Thích Quảng Độ thì được cử sang Ấn Độ du học.

[2] Vĩnh Nghiêm Thiền Viện tọa lạc tại số 64, đường Lê Ngọc Hân, phường 1, thành phố Vũng Tàu, hiện nay do Đại Đức Thích Phúc Hải, pháp tử của cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, trụ trì.

[3] Sau năm 1975, do yêu cầu của chính quyền địa phương, Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm đã hiến cho địa phương 8 héc ta để xây dựng hai trường học và một số nhà cho cán bộ địa phương. Do đó, Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm ngày nay còn khoảng 3 héc ta và thuộc Tổ 5, khu phố 1, phường Hiệp Thành, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

[4] Bảo tháp của Ngài được xây dựng trong khuôn viên Nghĩa trang Vĩnh Nghiêm.

[5] Cây Bồ đề này do chính Thủ Tướng thỉnh từ Bồ Đề Đạo Tràng, nơi đức Phật thành Đạo, trong chuyến công tác tại Ấn Độ vào năm 2007.