Ý NGHĨA CHỮ TRAI

11/ 11/ 2017 14:34:51

Ý NGHĨA CHỮ TRAI

 

Chữ “Trai” là một danh từ thông thường nhất, là tiếng nói từ cửa miệng của người Phật tử, bất cứ tại gia hay xuất gia.

Chữ “Trai” thường chỉ dùng nguyên âm, hoặc được dịch ra là “chay”, cùng có chung một ý nghĩa được mệnh danh là chay các thực vật hoặc các lễ nghi có tính cách thanh tịnh và trong sạch, thanh đạm, chuyên chú vào sự trong lặng, không rượu, không thịt cá v.v… đều được gọi là “trai”, như trai đàn là làm chay; trai giới là ăn chay, giữ giới; trai phòng là phòng thanh tịnh sạch sẽ; là chỗ cư ngụ của người tu hành; thiền trai là chỗ ngồi thiền định, tịch mịch và thanh tịnh; thư trai là nơi đọc sách và yên tĩnh.

Tuy nhiên người ta thấy ăn cơm cũng gọi là thọ trai, lập đàn tràng cúng bằng thức mặn như trâu, bò, heo, gà v.v… cũng gọi là trai, hay trai đàn. Do đó người ta không thể phân biệt được rõ ràng, minh bạch ý nghĩa chân chính của chữ  “trai”, cũng như cách thức cúng trai hay nghi thức lập đàn trai ra sao? Do đó nhân mùa An cư tại chùa Pháp Bảo, Sydney, chúng tôi mạo muội viết bài này cũng như trình bày chi tiết về chữ “Trai” để cùng học hỏi.

Ý nghĩa về chữ Trai, là được dịch nghĩa từ nơi chữ Phạn “upavassatha” được dịch âm là ô ba sa tha lại cũng có nơi viết chữ Phạn là Ố bộ sa na, lại cũng có nơi dịch nghĩa là chữ Phạn thời tức là đúng giờ, đến giờ; sở dĩ được dịch như vậy do viện cớ rằng “Trai” thực ra là không được ăn quá trưa, phải ăn trước giờ ngọ là trước 12 giờ trưa.

Trong giới luật đức Phật có phân định rõ ràng cách ăn chia ra hai thời; là “thời” và “phi thời” cho nên chữ “thời” thực ra là một sự phải ăn đúng giờ, còn phi thời là không nên ăn vào thời gian “ không nên ăn” là buổi chiều tối hay nói đúng hơn là sau giờ ngọ.

Cũng do quan niệm rộng rãi, sau này Bắc truyền Phật giáo, coi việc trì Trai là không được ăn thịt các loài sinh vật với mục đích nêu rõ lòng từ bi vô lượng của chư Phật, và đó cũng chính là phương pháp tiết giảm dục vọng cho hàng Phật tử vậy.

Tóm lại chữ Trai có nghĩa là ăn phải thời, ăn những thực vật thanh tịnh không có máu huyết hay những đồ tanh…

Trong kinh có dẫn chứng một đoạn“ Tam đức lục vị, cúng Phật cập Tăng, pháp giới hữu tình, phổ đồng cúng dường”, có nghĩa là các vật thực có tính chất nhu nhuyễn, ngon ngọt, tinh khiết và như pháp “ Tam đức cũng có đủ sáu vị thơm, ngọt, chua, cay, đắng, mặn v.v… đem dâng cúng Phật và cúng chư Tăng như thế là tất cả hữu tình trong pháp giới cũng được hưởng sự cúng dường như nhau. Do vậy, về trai soạn cúng dường nên cúng bằng các vật thực thanh tịnh thơm ngon và thời gian cần nên cúng trước giờ ngọ, về nghi thức, nên phải nhất mực kính tưởng niệm rằng, pháp giới hữu tình cũng được chung phước cùng hưởng phúc duyên và no đủ.

Theo thông lệ trong các chùa, viện, một buổi ngọ phạn trong thời trai một chú điệu chấp sự đánh khánh một hồi 3 tiếng để báo hiệu cho chư tăng ni đều phải mặc pháp phục đàng hoàng“ áo ca sa năm điều”, đi vào trai đường phân ngôi trên dưới tùy theo tuổi hạ mà an tọa, khi an tọa xong, vị Duy na chấp hiệu cúng trai trước hết là dâng cúng chư Phật chư Tổ rồi phổ nguyện cho tất cả chúng sanh, lễ cúng vừa xong, một vị ra trước trai đường mà bạch rằng: bạch chư Tăng ni thọ trai khi ấy chư tăng ni mới bắt đầu cầm muỗng hay đũa trong khi ăn không được trò chuyện, bởi chư Tổ đã dạy: Phật chế chúng Tăng thực tồn ngũ quán, tán tâm tạp thoại tín thí nan tiêu. Có nghĩa là khi ăn phải quán niệm tưởng niệm đến năm phép quán, nếu nói chuyện trò, ý rằng khó tiêu được cơm đàn na tín thí, tức là khi ăn phải luôn luôn tâm niệm đến tín thí mười phương cúng dâng cho mình mà hồi hướng công đức cho họ. Vì vậy những ai thành tâm cúng chư Tăng ni đều hưởng phước bố thí, có nghĩa là đã làm được một việc quý hóa trên phương diện phát khởi tín tâm như vậy.

Tóm lại, khi cúng Trai lên chư Phật, hay cúng trai chư tăng ni là nên tổ chức cúng dường trước giờ ngọ và nên cúng dâng những thức ăn chay lạc đặng nêu cao tinh thần trai giới và lòng thành kính cúng dường.

Chúng ta tìm hiểu rộng ra thêm, còn thấy thêm việc trì trai phải chọn ngày chọn tháng v.v…người ta gọi là trai nhật hay trai nguyệt cũng như lục trai một tháng ăn chay 6 ngày, thập trai một tháng ăn chay mười ngày và đôi khi ăn chay cũng vào các tháng, tháng giêng, tháng bảy và tháng mười trong năm, người ta gọi ba tháng đó là “tam trường trai nguyệt” hoặc có người phát tâm trường trai là ăn chay suốt đời; trong y học cũng khuyến khích ăn chay là một phương thuốc vô cùng an toàn, giúp cho cơ thể khỏe mạnh giảm bớt lượng đường trong máu, làm sạch đường ruột, giúp giảm cân, các tôn giáo khác cũng có tháng ăn chay. Ví dụ như Hồi giáo có tháng ăn chay Ramandan. Ki tô giáo thứ tư lễ Tro, thứ sáu tuần Thánh cũng là ngày chay… ăn chay cũng có thể ngăn ngừa căn bệnh ung thư v.v…

Trong kinh Thập Thiện đức Phật có dạy: ăn chay được hưởng mười điều lợi ích:

1-    đối với các loài sinh vật thì không sợ hãi

2-    khởi lòng đại từ bi

3-    diệt sạch những sự giận hờn

4-    thân không tật bệnh

5-    mạng sống lâu dài

6-    thường được mọi người hỗ trợ

7-    thường không ác mộng, giấc ngủ ngon lành

8-    diệt trừ oán thù tự giải

9-    không sa vào đường dữ

10-khi mất được sanh lên cõi trời

Trong kinh Ương quật ma, ngài Văn Thù bồ tát thưa; bạch đức Thế Tôn, phải chăng nhân vì Như lai tạng, nên chư Phật không ăn thịt?

Đức Phật day: này Văn Thù! Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, sống chết luân hồi, từng làm lục thân quyến thuộc, thay đổi vô thường cũng như trò hát. Thân mình và thân loài khác đồng là huyết nhục, vì thế nên chư Phật không ăn thịt. Lại nữa chúng sanh giới tức là ngã giới, thịt loài khác chính là thịt của mình, nên chư Như Lai không ăn thịt.

Do vậy ăn chay được coi là một phương pháp giữ giới, tạo dựng công đức, tăng trưởng lòng từ bi và giữ sạch được ba nghiệp, dễ dàng trong việc tiến tu đạo nghiệp.

Mùa an cư kiết hạ lần thứ mười năm 2009

Thượng Tọa Thích Nguyên Trực