Ý NGHĨA HAI CHỮ VU LAN VÀ BÁO HIẾU ĐỐI VỚI MẪU THÂN

06/ 12/ 2017 08:45:49

Ý NGHĨA HAI CHỮ VU LAN VÀ BÁO HIẾU ĐỐI VỚI MẪU THÂN

THÍCH THIỆN HẠNH

          1.Ý Nghĩa của mẹ trong ngày lễ Vu lan

Chữ “Vu Lan”, hay gọi đúng hơn là “Vu Lan Bồn”, phiên âm từ chữ Ulambana theo tiếng Sanskrit, người Trung Hoa dịch là Giải đảo huyền (Giải cái tội bị treo ngược). “Vu Lan Bồn” nghe không được êm ái dịu dàng bằng hai chữ “Vu Lan” nên người Việt chúng ta thích gọi ngày rằm tháng Bảy là ngày Vu Lan hơn. Ngày này ngoài ý nghĩa là ngày Phật hoan hỷ (vui mừng), ngày Tăng tự tứ[1] phát lồ sám hối lỗi lầm sau ba tháng an cư kiết hạ, còn mang xuất xứ từ câu chuyện của Ngài Mục Kiền Liên và mẹ mình là bà Thanh Đề, nên người Việt chúng ta lại có thêm cái tên nữa là ngày lễ Mẹ (Mother’s Day). Dịch ngày lễ này ra tiếng Anh cho người Mỹ hiểu, chúng ta chỉ có thể tạm dịch là “The Vietnamese Mother’s Day”, hoặc là “The Vietnamese Buddhist Mother’s Day”, chứ không thể bỏ đi chữ “Vietnamese”. Ý nghĩa của ngày Lễ Mẹ lồng trong ngày lễ Vu Lan có lẽ là nét đặc thù trong nền văn hóa Việt Nam chúng ta, đặc biệt là nền văn hóa Phật giáo. Ngoài Việt Nam ra, không có quốc gia nào xem ngày Vu Lan là ngày lễ Mẹ. Nét đẹp văn hóa đặc thù này đã có ở nước ta từ xưa chứ không phải từ ngày có bài “Bông hồng cài áo” của thiền sư Nhất Hạnh được người đời biết đến. Người mẹ Việt Nam thật vĩ đại; hay nói đúng hơn, lòng thương con và sự hy sinh của người mẹ đối với con vô bến bờ, làm xúc động không biết bao nhiêu con tim và rung động hàng vạn ngòi bút trên cõi đời.

Thứ nhất, chúng ta sống giữa cuộc đời có biết bao thứ để đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng mà cái đáng quý nhất, cái đáng trân trọng nhất là ta được làm thân người. Vì rằng, trong kinh đức Phật có dạy: ”thân người khó được mà dễ mất. Khó được mà được là phần lớn do ở cái ân sinh, dễ mất mà còn là phần lớn do ở cái ân dưỡng”. Vì vậy toàn bộ hành trang vào đời của chúng ta đều thuộc vào bố mẹ. Cho nên người xưa có nói:

“Phụ hề sinh ngã, Mẫu hề cúc ngã, Ai ai phụ mẫu,

Sinh ngã cù lao, Dục báo thâm ân, Hạo thiên võng cực”

“Cha sinh ta ra, Mẹ nuôi nấng ta, Thương thay cha mẹ

Nuôi ta nhọc nhằn, Muốn báo ơn dày,

Những công ơn cha mẹ. Như trời xanh cao rộng vô cùng”

Thứ hai, mẹ cưu mang mười tháng cực khổ khó nhọc. Quả đúng là:

“Công cha như núi thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Hay:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời,

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta”

Ân nghĩa của cha mẹ là cao quý thiêng liêng, tình thương của cha mẹ là lẽ sống, nên sự đáp đền cao cả cần được người con kính trọng. Ai có phước duyên tuy đã lớn mà cha mẹ vẫn còn tại tiền. Ai kém phước duyên thì cha mẹ đã vĩnh viễn ra đi. Vì cuộc sống bôn ba, vì trần duyên ràng buộc, vì lo cho ta được nên người mà cha mẹ đã lỡ phạm nhiều ác nghiệp, giờ đây không biết thác sinh vào chốn nào, tiếng khóc ai oán trách hờn đau đớn ta có thấu chăng, sao nỡ đành bất hiếu! Vì vậy, trong kinh Tăng Chi I đức Phật có dạy: “Có hai hạng người không thể trả ơn được! Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng cha, một bên vai cõng mẹ làm vậy suốt đời, vừa đấm bóp hầu hạ, và dù tại đó cha mẹ vãi tiểu tiện cũng chưa làm đủ để đáp ơn mẹ cha”. Giờ có được phước duyên lành đi chùa lễ Phật, gần được thầy lành bạn tốt, có đọc sách Thánh hiền, suy ngẫm lời Phật dạy, thì cần phải biết rằng: “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” người sống trên đời làm trăm việc tốt nhưng phải lấy hiếu hạnh làm đầu. Để mà hồi đầu hướng thiện, bố thí cúng dường, nhằm hồi hướng phụng dưỡng đấng sinh thành.

Đức Phật đã dạy cho chúng ta biết rằng: “Hiếu Tâm tức là Phật Tâm, Hiếu Đạo vô phi Phật Đạo”, “Tâm hiếu là tâm Phật, đạo hiếu là đạo Phật” cho nên đạo Phật xác định “cùng cực điều thiện, không có gì hơn hiếu”. Trong nền giáo dục Việt Nam từ bao thế  hệ trước đây cũng đã đề cao chữ hiếu. Nền giáo dục của Nho giáo, Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo luôn luôn lấy Đức dục làm đầu rồi mới đến Trí dục và Thể dục. Do đó; mọi người trong lúc thiếu thời mới cắp sách đến trường đã được học thuộc lòng câu đầu tiên là: “Tiên học lễ, hậu học văn” hoặc những lời khuyên răng dạy bảo của Ông Bà, Cha Mẹ để lại là: “Có Học mà không có Hạnh, hoặc có Tài mà không có Đức, con người đó sống cũng vô dụng đối với gia đình và xã hội”. Chúng ta sinh ra đời không gặp Phật, thì khéo thờ cha mẹ chính là thờ Phật. Những lời Phật dạy đã phổ cập thành châm ngôn, tục ngữ, thành ngữ…, như câu nói cửa miệng hàng ngày.

  1. Tình mẫu tử

Trong đạo Phật, hình tượng người mẹ luôn là biểu tượng tỏa sáng của tâm nguyện, nhân cách và sự hy sinh. Tình thương của mẹ gồm thâu cả bốn loại tâm vô lượng từ, bi, hỷ và xả.

Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những vị thầy đầu tiên và cũng là người cao cả như Phạm Thiên, vị thần cao tột nhất trong huyền thoại Ấn Độ, do vậy người con phải luôn tưởng nhớ đến những thâm ân cao cả của cha mẹ mình. Văn học Phật giáo có kể lại rằng vì cảm niệm thâm ân của mẹ, Đức Phật đã đến cung trời Đao Lợi, nơi mẹ mình thác sinh sau khi lìa đời, để giảng pháp cho mẹ. Ngài cũng giảng pháp cho cha, giúp phụ vương liễu ngộ chân lý để thoát khỏi vòng luân hồi.

Theo Phật giáo, trên đời này có ba loại người con, đó là: người con kém hơn cha mẹ về mọi mặt; những người con có cùng khả năng như cha mẹ; và những người con siêu việt cha mẹ mình. Nếu người con biết sống hướng thượng, vượt hẳn những khả năng của cha mẹ thì đó là một niềm tự hào cho gia đình, bằng không người con phải cố noi gương cha mẹ chứ đừng bao giờ có điều gì yếu kém hơn cha mẹ vì đó là một điều tủi hổ cho mình và gia đình mình. Người con phải biết ơn cha mẹ mình, phải chăm sóc thật chu đáo. Nếu cha mẹ có làm gì sai, con cái phải giúp cha mẹ từ bỏ những tà nghiệp đó, phải khuyến hóa cha mẹ làm các việc lành. Nếu cha mẹ không có chính tín thì con phải làm sao để gieo niềm tin chân chính trong lòng cha mẹ. Nếu cha mẹ vô luân, người con phải khuyên cha mẹ sống theo luân lý đạo đức. Nếu cha mẹ không được học hỏi những lời giáo huấn quý báu thì người con phải tạo điều kiện cho cha mẹ. Nếu cha mẹ không rộng lượng, người con phải khuyên họ độ lượng. Nếu cha mẹ không hành thiền để tăng trưởng tuệ giác thì người con phải khuyến khích họ hành thiền. Nếu cha mẹ đang theo con đường thuần thiện thì người con phải theo gương ấy. Làm được như vậy, người con đã báo ân cha mẹ mình một cách ý nghĩa nhất trong cuộc đời này.

Trong kinh Tăng Chi, đức Phật thường khen ngợi những người biết ơn và biết báo ơn một cách chân chính. Ngài dạy rằng người biết ơn là hạng người hy hữu trong đời này: “Này các Tỳ-kheo, sự xuất hiện của ba hạng người trên thế gian này thật là hy hữu. Những gì là ba? Sự xuất hiện của đức Như Lai, bậc A La Hán, bậc Chính Đẳng Giác trên thế gian này thật là hy hữu; cũng vậy, người có thể tuyên thuyết pháp và luật mà đức Như Lai đã dạy; và người luôn chính niệm, biết ơn thì thật là hy hữu trên thế gian này.” Ngài còn dạy rằng một người cao thượng là người biết ơn và luôn ghi nhớ công ơn mà mình đã nhận từ người khác. Biết ơn và chính niệm là những đặc điểm của một người cao thượng.

Trong hàng đệ tử của Đức Phật, tôn giả Xá Lợi Phất là một người con hiếu trí kiêm toàn. Khi biết thọ mạng của mình không còn bao lâu nữa, Tôn giả liền xin phép đức Phật được trở về thăm quê và nhập diệt tại đó. Từ lâu mẹ Ngài vẫn còn tin theo Bà la môn giáo, dù gia sản đồ sộ, bà vẫn không quen thực hành hạnh bố thí, cúng dường và tu tập theo chính đạo. Khi trở về quê, Tôn giả thị hiện bệnh tật, Đế Thích và các thiên chúng khác đến vấn an, mong được chữa chạy, nhưng Tôn giả từ chối vì rằng xung quanh Ngài đã có nhiều pháp hữu chăm lo. Sau khi chư thiên từ giã Tôn giả, bà Xá Lợi liền vào hỏi thăm và được biết rằng trong số chư Thiên đó có cả người mà mình đang tôn thờ: Trời Đế Thích vẫn chỉ là một chúng sinh đang còn trầm luân, trí tuệ và đạo lực kém xa con mình. Bà vô cùng bất ngờ và sự kiện đó đã chuyển hướng cuộc đời của bà theo Chính pháp.

Hạnh hiếu là thánh hạnh của tôn giả Xá Lợi Phất, là Bồ tát hạnh của Bà la môn nữ, tiền thân của Đức Địa Tạng vương (kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện), là Phật hạnh của Thiểm Tử, tiền thân của Đức Phật Thích Ca (Kinh Bổn Sinh, kinh Phật thuyết Bồ tát Thiểm Tử). Gương hiếu của Thiểm Tử được đề cập khá nhiều trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Quốc và là một mẫu chuyện rất cảm động về đạo hiếu.

Vào ngày rằm tháng bảy, người ta thường về chùa để cầu nguyện cho mẹ cha, để dự lễ Bông Hồng Cài Áo, đó là những nghĩa cử thật cao đẹp và ý nghĩa để người con có thể sống với cha mẹ bằng trọn trái tim nhiệt thành của mình. Đôi khi người ta thường gắn thêm một chiếc nơ bên dưới bông hồng để làm biểu tượng cho cha, cha còn là nơ xanh, cha mất là nơ trắng. Bất hạnh cho những ai bỗng cảm tủi thân khi người ta cài lên áo mình một đoá hoa trắng, nơ trắng. Nếu là người được cài hoa hồng, nơ xanh, bạn hãy vui lên, hãy đặt trọn niềm tin vào những ước vọng tươi sáng vì bên cạnh chúng ta, trong trái tim chúng ta vẫn còn hiện hữu một dòng suối tình thương thật trong mát và ngọt ngào, một nguồn động viên thật mạnh mẽ, thâm sâu. Giữa những đa đoan của cuộc sống, chúng ta nên dành cho mình những giây phút trầm lắng để tiếp xúc với song thân, nhất là khi làn da mẹ trở nên nhăn nheo, khi từng sợi tóc của cha đã nhuốm bạc, khi vẻ đẹp của mẹ trong tuổi thanh xuân không còn nữa. Chính những khoảnh khắc đó, chúng ta thực sự sống với cha mẹ bằng niềm tri ân chân thành và ý nghĩa nhất. Có như thế, thì dẫu mai sau, dù sống ở phương trời nào đi nữa, dù đang vượt qua đoạn đường nào trong hành trình xa xăm của cuộc đời, chúng ta vẫn thấy trong trái tim mình, trong máu thịt mình một niềm an lạc miên trường, một tình thương và lẽ sống muôn phần cao quý.

Tình thương của cha mẹ đối với con là thứ tình thương không có bất cứ tình thương nào trên cõi đời này có thể so sánh được. Do đó, báo  hiếu cha mẹ chính là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng nhất, không có nghĩa vụ nào bằng. Mỗi người chúng ta chỉ có một cha, một mẹ sinh ra làm sao lại không biết công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đức Phật dạy rằng: “Từ  vô lượng kiếp đến nay, chúng ta lang thang trong nẻo luân hồi, bỏ thân này, nhận thân khác, sinh đi sinh lại bao lần”. Trong kinh Mục Liên Sám Pháp, Đức Phật đã nói.“Trong con người có mười hai thứ bệnh, bệnh căn sâu nặng không được thấy Phật. A Nan hỏi Phật: Đó là bệnh gì? Đức Phật dạy rằng: “Không kính cha mẹ, đó là một bệnh; ngu si tạo ác, đó là hai bệnh. Gian xảo điêu ngoa, đó là ba bệnh. Lời nói hại người, đó là bốn bệnh. Hay tìm lỗi người, đó là bệnh thứ  năm. Giết hại chúng sinh, căn bệnh thứ sáu. Không biết hổ thẹn, đó là bệnh thứ bảy. Ham mê sắc dục, đó là bệnh thứ tám. Kiêu ngạo khinh người, đó là bệnh thứ chín. Phạm tội không hối, là bệnh thứ  mười. Khen mình chê người, là bệnh thứ mười một. Không biết lợi hại, là bệnh thứ mười hai”…Chúng ta nên tâm niệm lời Đức Phật nêu trên, để lấy đó làm kim chỉ nam cho mình, tự tu sửa hàng ngày hầu loại trừ được những căn bệnh như lời Phật dạy thì chúng ta sẽ trở thành người tốt. Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã truyền lại, để nhắc nhở cho các con cháu của các thế hệ sau này phải lấy chữ “HIẾU” làm đầu, tục ngữ ca dao có câu:

“Ơn cha cao như núi thái sơn

Đức mẹ hiền sâu rộng bể khơi

Dù cho dâng cả một đời

Cũng không trả được ơn trời sinh ra”.

Hay

“Đố ai đếm đươc lá rừng

Đố ai đếm được mấy tầng trời cao

Đố ai đếm được những vì sao

Đố ai đếm được công lao mẹ hiền”.

Thời đại văn minh, thời đại công nghệ thông tin, truyền thống giữ gìn hiếu đạo vẫn phải được đề cao. Như một nhà khoa học đã từng nói: “Khoa học không lương tâm chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”.

  1. Những gương hiếu tử xưa nay được đời xưng tụng

Mẹ là nguồn ngọn của mọi tình thương trên cõi đời, nên rất phù hợp với chân lý của mọi tín ngưỡng, đều lấy nhân hiếu làm căn bản xử thế và hành đạo.

Trong chúng ta, ai cũng có những thứ bậc của tình phụ tử, tình mẫu tử. Hiếu đạo là chuẩn mực đạo đức có giá trị chung cho toàn thể nhân loại. Giáo dục hiếu đạo góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định trật tự xã hội. Những biểu hiện suy thoái đạo đức từ căn bản bất hiếu mà ra. Con cháu không phụng dưỡng Ông bà cha mẹ, học trò chửi mắng thầy cô giáo, đệ tử nói xấu thầy đều là biểu hiện hành vi vô đạo đức. Chúng ta không biết ơn thì không bao giờ nghĩ đến việc báo ơn. Chúng ta ai cũng chịu cái ơn liên hệ của cộng đồng xã hội theo lý duyên sinh. Vì ý thức sâu sắc sự liên hệ hỗ tương duyên sinh mà nhà Phật đề cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Chính hai nhân tố này nói lên phẩm cách giá trị của một con người. Nếu cha mẹ lo cho chúng ta về phần thể xác, thì thầy cô giáo cũng chính là cha mẹ chăm sóc nâng đỡ mình trong công tác văn hóa, tri thức. Còn thầy dạy đạo tạo dựng cho mình hành trang vững vàng trên lộ trình tâm linh. Do vậy, ân nghĩa thế gian và ân nghĩa xuất thế gian người Phật tử ai cũng cưu mang và tìm cách đáp đền. Chính ngày Vu lan và nội dung báo hiếu đã góp phần trong công tác văn hóa tư tưởng, thúc đẩy xã hội phát triển hòa nhịp giữa vật chất, đạo đức và tri thức. Cũng vì thế, hiếu đạo được xem là nền móng giáo dục căn bản của kinh điển nhà Phật. Các vị Bồ tát vào đời giáo hóa chúng sinh là nêu cao tinh thần biết ơn và đền ơn. Vì thấu tột lý duyên sinh mà các ngài phát đại nguyện độ khắp muôn loài chúng sinh. Trong kinh Vu Lan Bồn Sớ có bốn câu kệ:

“Khể thủ tam giới chủ,

Đại hiếu Thích Ca Văn
Luỹ kiếp báo thâm ân,

Tích nhân thành Chính giác”.

Tạm dịch:
Cúi đầu đảnh lễ Bậc Giáo chủ ba cõi,

Ngài là Bậc Đại hiếu Thích Ca Văn
Đã trải qua nhiều kiếp báo thâm ân,

Do nhân duyên đó nay thành Chính giác.

Như vậy, tiền thân quá khứ của Đức Phật Thích Ca đã thể hiện vô số công hạnh hiếu đạo, nay đủ thời tiết nhân duyên mới thành chính giác. Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật nhìn thấy tất cả chúng sinh trong quá khứ, hiện tại đều là cha mẹ của nhau. Hiểu được điều này, thì dù chúng ta phải bôn ba, ngược xuôi với dòng đời để kiếm tìm từng miếng cơm manh áo, tạo dựng sinh kế, lo những điều phải lo, làm những điều phải làm, hãy thu xếp thời gian để sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ, đáp đền ơn sâu. Sự hiện diện của cha mẹ là một niềm hạnh phúc, việc đền đáp ân sâu nghĩa nặng của cha mẹ là điều may mắn hạnh phúc không gì hơn. Ngày nay trong xu thế khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức đang được quan tâm, thì tự nhiên ngày Lễ hội Vu lan có tác động rất lớn đến quan điểm về cuộc sống nhân sinh trong tinh thần biết ơn và đền ơn. Việc giữ gìn giềng mối đạo đức, nêu cao hiếu đạo vốn là căn bản đạo đức của đạo làm người, mang đậm tính nhân văn. Chúng ta sống như thế nào để ngày nào cũng là ngày Vu lan, chứ không riêng chỉ có rằm tháng Bảy.

Chúng ta tụng kinh Vu Lan, là để biết rõ người tiêu biểu cho tâm đại hiếu, hạnh đại hiếu chính là Ngài Mục Kiền Liên. Ngài là A la hán khơi dậy tinh thần báo hiếu và làm duyên khởi cho Đức Phật. Trong mùa an cư, Mục Kiền Liên nỗ lực tu tập và thâm nhập trí tuệ Như Lai, đắc được lục thông, thấy được chúng sinh trong sáu đường sinh tử. Ngài cũng biết rõ tất cả thân bằng quyến thuộc và những người liên hệ với Ngài từ địa ngục A tỳ cho đến Trời Sắc cứu cánh, đồng thời cũng thấy rõ những người thù oán với Ngài trong nhiều kiếp.

Cũng trong kinh Vu Lan Bồn có kể chuyện Mục Kiền Liên, xuống điạ ngục cứu mẹ Theo Phật sử, Mục Kiền Liên Bồ Tát là đệ tử của Phật Tổ Như Lai, tuy đã đắc thành chính quả nhưng ngài vốn là một hiếu tử, nên lòng vẫn xót xa đau nhói, vì mẹ ruột là Thanh Đề, hiện đang bị quỷ sứ giam giữ hành tội tại ngục A Tỳ. Theo truyền thuyết, Mục Liên đã nhờ bình bát và gậy phép (ngày nay gọi là tích trượng) của Phật để vượt qua các tầng địa ngục thăm mẹ. Nhưng vì do lòng hiếu tử của Mục Liên đã làm cảm động tới Trời đất, nên Bồ tát chẳng những cứu được mẹ già mà còn giải thoát được những oan hồn uổng tử đang bị đọa đày nơi địa ngục. Nhân đó, Mục Liên xin mẹ thành tâm ăn năn sám hối, quyết lòng tu niệm để giải trừ nghiệp chướng tội lỗi đã trót gây ra. Nhờ vậy mà bà Thanh Đề sau này cũng đắc thành chính quả.

Nho giáo dạy về Nhân đạo nên lấy chữ HIẾU làm căn bản: Khai nhân tâm tất bổn ư đốc thân chi Hiếu). Người không hiếu với cha mẹ thì nhất định không đạo đức, không dùng được.

Do ý nghĩa trên, hằng năm đúng vào ngày này, các tín đồ Phật giáo đã lập hội Vu Lan Bồn. Tại Trung Hoa, thời Nam Bắc Triều, chính vua Lương Vũ Đế là người đầu tiên khai Hội Vu Lan. Kể từ khi Phật Giáo Đại Thừa được truyền từ Ấn Độ vào Trung Quốc, Vu Lan Bồn ngoài việc bầy tiệc chay cúng dường Tăng, Ni, còn cử hành thêm Thủy Lục Đạo Tràng và Phóng Diệm Khẩu, để bố thí cho các oan hồn uổng tử, không thân nhân cúng quẩy thừa tự.

 

Sách Tham Khảo

1.Từ điển Phật học, Nxb Khoa học Xã hội, (tr.1546-1547).

  1. Dẫn lại kinh Vu Lan-Trí Quang dịch-Tr52
  2. Theo Báo Giác Ngộ số 408 & 409
  3. Trần Quốc Vượng: Việt Nam: 100 năm giao thoa văn hóa Đông-Tây,

    Trong cõi, NXB Trăm Hoa, 2003, tr.204.
5. Xem Huỳnh Ngọc Trảng: “Sự hỗn dung văn hóa trong tín ngưỡng thờ cúng tổ    

    tiên ở Nam Bộ”. Nguyệt san Giác Ngộ, số 116, 11-2005, tr.24-38.

  1. Phong tục tập quán VN của Toan Ánh và Phan Kế Bính
  2. Thành ngữ và điển tích của Trịnh Văn Thành
  3. Phật Giáo Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần
  4. Thế giới động vật của V.J.Stanet.. Xóm Cồn , mùa Vu Lan 2005.