Ý NGHĨA “LÌ XÌ” NGÀY TẾT

11/ 11/ 2017 15:33:36

Ý NGHĨA “LÌ XÌ” NGÀY TẾT

ThS.Thích Thiện Hạnh

Tết là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ trong vòng tuần hoàn bất tận của thời tiết, ở đây là bốn mùa trong năm. Đồng thời, là điểm khởi đầu cho một “chuyến hành trình” dài 365 ngày mới của trái đất trong vũ trụ, của con người trong thiên nhiên.

         Vì vậy Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mình và người thân được vui vẻ, hạnh phúc. Mọi việc làm, mọi lời nói đều hướng tới những điều tốt đẹp trong năm mới. Và đồng thời cũng là thời điểm để mỗi người định hướng cho công việc làm những tháng tiếp theo dựa trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá lại những thành đạt, thất bại của năm cũ. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên trong gia đình bày tỏ mong ước riêng. Người lớn, nhất là người cao tuổi, luôn mong muốn mình sống được lâu hơn để nhìn thấy con cháu trưởng thành. Trẻ con thì mong cho cha mẹ, ông bà khoẻ mạnh, mong cho mình mau khôn lớn và sớm thực hiện những mơ ước của mình. Từ đó tục mừng tuổi (lì xì) cũng xuất phát từ điều tốt đẹp đó. Tuy nhiên, ngày nay, tập tục tốt đẹp của dân tộc đang ngày càng bị thương mại hoá và trở thành gánh nặng cho nhiều người mỗi khi Tết đến.

  1. Ý nghĩa của phong bao lì xì

Nói đến lì xì, không thể không nhắc đến cái phong bao màu đỏ xinh xắn mà J.Chevallier, tác giả cuốn Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới nhận xét rằng: “Chiếc phong bao nhỏ nhắn và cách gói quà của người phương đông rất giàu ý nghĩa biểu tượng và nó thể hiện đẹp nhất ý nghĩa của đời sống con người.”

Trước đây, trong các gia đình quyền quý, lì xì bao giờ cũng được bỏ trong chiếc túi gấm, hoặc ít nhất cũng là túi lụa, túi vải màu đỏ. Ngày nay, phong bao được đơn giản hoá thành những chiếc túi giấy với những đường nét hoa văn tinh xảo.

Quả thực, phong bao lì xì của người phương Đông không chỉ đơn thuần là một cái túi đựng tiền mà cao hơn cả nó chính là một lời chúc được ẩn ý thông qua những hình tượng in bên ngoài. Người ta thường cho tiền lẻ vào phong bì màu đỏ bên ngoài có in hình phúc lộc thọ, hình em bé ôm trái đào, cành mai vàng… hoặc các chữ Hiếu, Thuận, Nhân, Hoà, Phú… Ý nghĩa của các chữ này cũng không nằm ngoài khát vọng vươn tới sự giàu sang, yên ổn.

Như vậy, nếu tiền lì xì là đồng tiền vốn may mắn tượng trưng cho yếu tố vật chất thì cái phong bao lì xì đựng chữ tượng trưng cho tri thức, cho yếu tố tinh thần. Hai yếu tố này bổ sung cho nhau tạo nên một lời cầu chúc cho sự may mắn, hoàn hảo trong năm mới.

  1. Phong tục đẹp của dân tộc

Từ “lì xì” còn có nghĩa là tục “mừng tuổi” đầu năm xuất phát từ Trung Hoa bắt nguồn theo việc này. Người xưa gọi tiền mừng tuổi là “Áp tuế tiền”, đó là những đồng tiền được xâu lại, cột bằng sợi chỉ đỏ theo hình con rồng hoặc thanh kiếm để ở chân giường hoặc cách gối với mục đích chống ma quái, bảo vệ giấc ngủ yên lành cho con trẻ. Về sau, những đồng tiền được gói trong giấy màu đỏ và trở thành phong tục không thể thiếu ngày đầu năm với ý nghĩa cầu mong sức khoẻ, niềm vui, may mắn cho tất cả mọi người.[1]

Theo truyền thuyết xa xưa, có một con yêu quái thường xuất hiện vào đêm giao thừa, thích xoa đầu trẻ con đang ngủ ngon giấc khiến cho chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng. Và còn có một cặp vợ chồng ngoài 50 tuổi mới sinh được mụn con trai. Tết năm ấy, có 8 vị tiên dạo qua nhà, biết trước cậu bé này sẽ gặp tai họa với yêu quái liền hóa thành 8 đồng tiền đồng, ngày đêm túc trực bên bé. Sau khi chú bé ngủ say, hai vợ chồng lấy giấy đỏ gói những đồng tiền này lại, đặt lên gối con rồi đi ngủ. Nửa đêm, con yêu quái xuất hiện, vừa giơ tay định xoa đầu đứa trẻ thì từ bên chiếc gối lóe lên những tia vàng sáng rực khiến nó kinh hoàng bỏ chạy. Việc lấy giấy đỏ gói tiền được kể lại cho bà con làng xóm. Mọi người vui mừng, bắt chước làm theo và dần dần trở thành phong tục tiền “mừng tuổi” đầu năm.

Theo từ điển Tiếng Việt (Nguyễn Như Ý chủ biên) thì lì xì có nghĩa là tặng tiền ngày Tết cho trẻ em. Đó là một dạng mừng tuổi của người lớn đối với trẻ con để khích lệ chúng hay ăn chóng lớn, học hành chăm ngoan. Tuy nhiên, thực chất lì xì là một phong tục có xuất xứ từ Trung Quốc, có nghĩa là một món tiền mừng trong một dịp vui nào đó. Như vậy, lì xì không chỉ có trong dịp Tết mà còn ứng dụng trong những trường hợp khác chẳng hạn như: ngày em bé chào đời, ngày đầu tháng, ngày cưới, mừng cất nhà mới, mừng đám cưới đám hỏi, mừng bé ra đời, mừng thôi nôi… và tất nhiên là mừng tuổi nhau lúc giao thừa. Chữ “lì xì” chính là cách phát âm theo tiếng Quảng Đông của từ “lợi thị” nghĩa là tiền bạc, lợi lộc.

Lì xì nhằm cầu chúc người nhận gặp may mắn, phát đạt. Thường người Tàu bỏ tiền vào bao giấy màu đỏ. Người Việt Nam ta cũng làm tương tự, phổ biến ở miền Nam ngày Tết. Ở miền Trung thì ông bà cha mẹ, người tôn trưởng cho con cháu tiền mới vào dịp Tết gọi là “tiền mừng tuổi”. Không chỉ người lớn mừng tuổi con cháu, mà hồi xưa, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Sau giờ giao thừa, tới sáng sớm mùng một, con cháu bảo nhau tới nhà thờ để chúc Tết và lạy mừng ông bà, cha mẹ. Không chỉ lạy suông, cũng không thể muốn lạy mấy lạy thì lạy, mà theo nhà văn Toan Ánh, chỉ lạy hai lạy rưỡi. Lạy xong con cháu phải biết “thơm thảo” với đấng sinh thành bằng cách cung kính dâng lên những thứ bánh trái tươi ngon và một phong giấy hồng. Bên trong phong giấy thẳng thớm này có đặt một món tiền, để lên khay tươm tất và hoan hỷ, xin các cụ nhận cho, đó là “tiền mở hàng”. Tiền này không nhằm để cất cho nặng hầu bao, mà ngụ ý cầu chúc các cụ quanh năm sung mãn, may mắn. Tục mừng tuổi nay còn đó. Ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, cậu mợ lì xì lớp cháu, con. Bằng hữu thân quyến tới nhà ai chúc Tết lì xì trẻ con của nhà đó. Hoặc chủ nhà đón khách tới chúc Tết lì xì trẻ em. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà ở “tình”, tức ở lòng mong ước cầu chúc các cháu hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, còn phong bì nặng nhẹ nhiều ít (tiền) không phải là điều đáng để tâm lắm. Thậm chí không có một cắc bạc mà chỉ có… chữ. Chữ viết rõ to, đậm nét để “làm quà” mừng tuổi như câu chuyện dưới đây.

Ngày xưa, có một nhà nọ, nghèo quá, sinh ba đứa con trai. Tết đến người cha không có tiền để lì xì. Chiều ba mươi, ông nghĩ ra một cách, lấy giấy đỏ làm 3 cái phong bì, bề ngoài trông thẳng thớm tươi tắn đỏ thắm như các phong lì xì khác. Nhưng bên trong không bỏ tiền, mà thay bằng 3 miếng giấy được ông viết 3 chữ nắn nót: “Phước – Lộc – Thọ”. Qua sáng mùng một, người cha gọi 3 đứa con trai đến trước bàn thờ, xoa đầu chúng, tươi cười mừng tuổi chúng bằng 3 cái phong bì nhẹ hẫng, sau khi đã giải thích Phước là gì[2]? Lộc là gì[3]? Thọ là gì[4]? Qua Tết, bước vào năm mới, chẳng ngờ nhà ông phát tài, tiền vô như triều cường. Thoắt cái, lại tới ba mươi tháng chạp. Ý chừng nhớ lại Tết xưa nghèo thiếu, đạm bạc, ông định bụng sẽ tái diễn cách “lì xì” bằng chữ để ba đứa “Phước Lộc Thọ”, đừng bao giờ quên rằng, chúng đã được ăn no mặc ấm từ một quá khứ đói rách gần đây. Ai đời, khi nhận phong bì xong, ba đứa con bóc ra, mỗi đứa đều thấy vỏn vẹn chữ Phước, còn hai chữ Lộc Thọ biến đâu mất. Người cha cũng ngạc nhiên không kém. Bốn cha con đang phân vân, bỗng một người từ đâu đến bảo: “Ta là phúc thần của đất này. Chữ Phước đó do ta ban cho. Chỉ cần có nó cũng gồm đủ cả ba: phước, lộc, thọ, vì có phước mới hưởng được lộc, mới thọ lâu. Vì thế chẳng cần phải cầu lộc, cầu thọ, chỉ một chữ phước để mừng tuổi đầu năm là đủ”. Nói rồi, biến mất. Nhìn lại phong lì xì, cả bốn cha con sửng sốt một lần nữa vì chữ phước cũng biến mất luôn, trên mặt giấy trống trơn, trắng toát.

Bấy giờ vị thần thứ hai hiện ra kể cho bốn cha con nghe một chuyện mừng tuổi xa xưa. Đó là câu chuyện nổi tiếng khắp châu Á, loan truyền qua Tây Tạng và dãy Hy Mã Lạp Sơn, đến cả lưu vực sông Hoàng Hà, Dương Tử của Trung Quốc, du nhập vào Việt Nam từ lâu đời, về một người cầu phước được phước, trở nên giàu có nhưng hết sức keo kiệt. Về già, ông ngã bệnh. Khi chết, linh hồn ông bị hũ vàng ám ảnh, đã quay lại nhà cũ, tìm cách chui vào xác chết cứng lạnh của mình, nhưng bất lực. Thấy vậy, một con chó gần nhà có linh tính đã nhường thể xác hèn mọn của mình cho kẻ giàu có kia trú vào, rồi bay lên không trung thoáng đãng. Còn ông nhà giàu thay thế làm chủ thể xác của con vật bốn chân, thỏa mãn được “sống” lại, dầu với tấm thân thuộc hàng súc sinh như chó. Con chó đó lạ thay suốt ngày không đi đâu cả, cứ nằm lì trước hiên. Mà chỉ nằm ở một nơi nhất định sát cửa ra vào. Người con (bây giờ đã là chủ nhà) đuổi đi, một lát không lâu nó lại quay về chỗ cũ, cứ như rời chỗ ấy là nó rời sự sống của nó vậy. Các phước quả mà nó hưởng là hũ vàng ngọc, giờ đây trở thành điều vô phước cột chặt nó vào tham si. Ngày nọ, một đại sư ngang qua, nói với đứa con rằng: “Này anh kia, anh có biết con chó đó là ai không?”. “Dạ thưa không”. “Ta nói cho biết, nó chính là cha của ngươi. Vì sao nó nằm lì suốt ngày đêm ở khoảnh đất sát cửa đó? Vì nó luyến tiếc của cải chôn dưới đất. Hãy đào lên”. Người con lấy làm lạ, cho đào thử chỗ con chó thường nằm, thì quả nhiên thấy hũ vàng bên dưới. Kể xong, vị thần bảo: “Đó là lý do vì sao ta phải xóa trắng chữ phước trong bao lì xì mừng tuổi của các ngươi. Nó chỉ có ý nghĩa tốt đẹp nếu sinh đôi cùng huệ, bằng không chỉ là động lực cho những cuộc thăng trầm bất tận. Giờ đây ngươi hãy nhìn xem”.  Bốn cha con thấy trên bao lì xì hiện lên hai chữ Phước Huệ. Hai chữ này để mừng tuổi cho mọi tâm hồn đã đi qua mùa đông để mở đầu một năm mới thăng hoa. Vậy lì xì, mừng tuổi đầu năm đã trở thành một phong tục tốt đẹp của dân tộc.

III. Mất dần nét đẹp

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, “phú quý sinh lễ nghĩa”, tục lì xì bị “thương mại hoá” thành hình thức hối lộ được nguỵ trang. Ngày Tết trở thành dịp để quà cáp, biếu xén, nhân viên lo quà cho sếp, sếp lo quà cho sếp cao hơn, sếp cao hơn lo quà cho sếp cao hơn nữa… Ngày Tết bỗng trở thành mối lo quà cáp của nhiều người.

Những đồng tiền mừng tuổi bị “thương mại hoá” không còn mang tính tượng trưng nữa mà là những đồng tiền có giá trị thực, thậm chí là giá trị rất cao tuỳ theo công việc mà cấp dưới muốn nhờ cấp trên, muốn cấp trên lưu ý. Muốn có việc làm, muốn được thăng quan tiến chức, muốn mua nhà giá rẻ, muốn được thông qua dự án… Bên cạnh chai rượu, hộp bánh, bó hoa thế nào cũng có những chiếc phong bì xanh xanh đỏ đỏ. Nhưng giờ đây chuyện lì xì, mừng tuổi đã biến tướng đi khá nhiều. Tất cả các hình thức phong bao (mừng tuổi, mừng thọ, mừng nhà mới, mừng lên chức, lên lương, mừng sinh nhật,…) người ta đều lì xì hết (và rõ ràng, nếu dùng từ mừng tuổi sẽ hẹp hơn nhiều về phạm vi sử dụng). Vì vậy, cái bao lì xì  đỏ chói, in hình ông Phúc, ông Thọ hay chú hài đồng bằng nhũ vàng kia theo thời gian đã mất dần ý nghĩa nhân văn thiêng liêng của nó. Chả nói gì các sếp, tuy tay đỡ gói quà nhưng mắt vẫn liếc nhanh về phong  lì xì đặt ý tứ cạnh chai rượu, tấm thiếp. Trẻ con bây giờ cũng chả kém cạnh gì. Mỗi khi vào dịp Tết đến xuân về. Mỗi khi có khách đến nhà ai chúc Tết là bọn trẻ lại chờ đợi “tiết mục” lì xì. Chúng háo hức đến mức bỏ ăn bỏ chơi, chỉ mong sao khách đừng lơ đãng mà “quên” mình. Chúng nhanh chóng xếp hàng chào khách (không thiếu một ai) và sau đó nhanh chóng lui về chỗ khuất để “kiểm kê” tài sản. Tục lì xì ngày nay còn lắm chuyện đáng để nói…

 

  1. Dạy trẻ em cách nhận tiền lì xì

Trong dịp tết, con cháu chúng ta thường có một món tiền lì xì. (chúng ta là bậc cha, mẹ đã có hướng giúp trẻ sử dụng món tiền đó thế nào cho hữu ích chưa?) Nếu chúng ta để cho trẻ “toàn quyền sử dụng” thì phải luôn để mắt đến, nếu không chính điều này đôi khi cũng đưa đến những rắc rối khiến chúng ta phải xử lý mất thời gian và có khi ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Dạy cho trẻ em nhận thức được ý nghĩa của phong tục mừng tuổi (lì xì) đầu năm. Lì xì là một tên gọi của tục lệ mừng tuổi trẻ em trong dịp Tết Nguyên đán ở Việt Nam, đó là lệ đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ có trang trí màu vàng son rực rỡ để mừng tuổi trẻ em. Điều này khiến cho mỗi dịp Tết về là thêm một niềm hân hoan, háo hức cho trẻ nhỏ mỗi khi được người lớn mừng tuổi.

Mừng tuổi cho trẻ lâu nay trở thành lệ với ý nghĩa chúc cho đứa trẻ hay ăn chóng lớn, ngoan ngoãn, học giỏi, gặp nhiều điều lành, điều may nhân dịp đầu xuân năm mới… những ý nghĩa cao đẹp này,  ngày nay con người đã  biến nó trở thành phương tiện để người lớn viện vào thực hiện những mục đích khác qua phong bao lì xì, xem đó là cơ hội “biếu xén” cho bố mẹ khiến cho việc mừng tuổi cho trẻ nhỏ bị biến tướng, mất hết ý nghĩa, bản chất của tục lệ lì xì đầu năm.

Hiện nay, rất nhiều người lớn quan niệm rằng lì xì cho trẻ được vài nghìn thì rất “ngượng” với bố mẹ chúng, cứ phải vài chục, có khi lên đến cả trăm nghìn mừng tuổi. Nhiều khi, họ mừng tuổi theo kiểu phong trào, nhà kia mừng thế nào mình cũng phải mừng lại thế thậm chí phải mừng nhiều hơn mới “oai”. Vì thế, ngay người mừng tuổi phải thay đổi quan niệm, phải nhận thức rằng việc mừng tuổi là một phong tục truyền thống của dân tộc ta từ xa xưa. Bên phía người nhận là trẻ em nhưng thực chất chính là bố mẹ bởi trẻ nhỏ chưa được tiêu tiền nên phần lớn số tiền mừng tuổi của trẻ đều do cha mẹ cất giữ. Song nhiều nhà khi con nhận được lì xì thì ngay lập tức hỏi xem con được lì xì bao nhiêu, có khi họ thẳng thừng nói trước mặt con “nhà này kiệt, giàu thế mà mừng tuổi rất ít”… vậy là đứa trẻ đã có khái niệm không hay về ít và nhiều. Vì vậy, bản thân bố mẹ, ông bà cần tránh bàn luận việc phong bao lì xì có bao nhiêu tiền mà cần giáo dục trẻ thái độ vui vẻ khi được nhận lì xì và định hướng cho con biết sử dụng những đồng tiền lì xì ấy có nhiều ý nghĩa. Lì xì cho con trẻ là chuyện không hề nhỏ bởi tất cả những ứng xử của người lớn đều ảnh hưởng đến trẻ. Thực chất, thái độ, hành vi của một đứa trẻ khi nhận tiền lì xì ra sao phản ảnh được những gì chúng đã được tiếp thu, được dạy dỗ từ gia đình và nền tảng giáo dục con cái chính là sự nêu gương của cha mẹ. Một đứa trẻ 3,4 tuổi biết chọn đồng tiền to, tiền nhỏ để đòi hỏi không phải do chúng biết được giá trị thực của đồng tiền mà điều đó phần lớn do bố mẹ nhiều khi chỉ nghĩ là trêu đùa nhưng đã vô tình dạy đứa trẻ. Đơn giản như khi cha mẹ nói vui, tán tếu: “Con bảo chú là cháu thích tờ kia cơ”, “Con chọn tờ màu xanh đi”… thế là lần sau nếu ai đưa tiền, đứa bé đều chọn tờ tiền đó. Ngày nay rất nhiều trẻ nhỏ sau khi nhận được tiền lì xì đã dùng nó vào những việc vô bổ như chơi điện tử, mua đồ chơi, tiêu phung phí và những đồng tiền lì xì khi đó lại có thể làm hư trẻ. Bởi vậy, với số tiền lì xì mà trẻ nhận được cha mẹ cần dạy cho trẻ cách tiêu những đồng tiền ấy cho có ích, tiết kiệm nhất và cần để mắt đến việc tiêu tiền của con. Khi trẻ nhận phong bao lì xì, cha mẹ cần dạy con có thái độ trân trọng, biết nói lời cảm ơn và chúc Tết. Cần để trẻ hiểu rằng, mỗi một phong bao lì xì là một lời chúc năm mới đến trẻ chứ không phải việc đánh giá tiền ít, hay tiền nhiều trong mỗi phong bao. Giáo dục trẻ cách tiêu những đồng tiền lì xì sao cho có ích cũng chính là nền tảng của giáo dục gia đình mà cha mẹ cần phải là tấm gương. Và đó chính là phát huy tinh thần và ý nghĩa của phong tục lì xì một cách thiết thực nhất.

Các bậc cha mẹ là người hiểu rõ vấn đề, lì xì là mỹ tục của người xưa bao đời để lại, nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp mà thế hệ trẻ nên trân trọng gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, cũng cần sáng suốt để nhận diện và tránh xa ra những biến tướng của lì xì để lòng người được thanh liêm và xã hội thêm thanh minh.

Ngày Tết không phải là dịp để con trẻ “làm tiền” người lớn mà đó là dịp để mọi người bày tỏ sự quan tâm và cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Đó cũng là nguồn trợ lực vô giá về tinh thần cho hết thảy mọi người lấy đà phấn đấu trong chặng đường của một năm tiếp theo. Và ngày Tết chỉ thực sự là niềm vui, niềm hy vọng của trẻ con khi chúng nhận được những phong bao lì xì đúng với bản chất và ý nghĩa của nó.

 

[1] Tham khảo tài liệu của  Phan Kế Bính,  “Việt Nam phong tục”.

[2]Ý nghĩa của chữ Phúc là: Chữ Phúc tiêu biểu cho sự may mắn sung sướng, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Khi người đó có Phúc phận trong giòng họ  nói chung và phúc bãn thân nói riêng thì cuộc đời thật là êm đẹp , vui suớng , thanh nhàn biết bao , sự may mắn cứ đến nhiều khi ko chủ ý mà vẫn đựoc hưởng . Nếu không có phúc quả là một đại họa cứ hết chuyện nầy kéo qua chuyện khác mà chính mình bất lực không thể giải quyết đựoc. Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục.

Từ đời nhà Minh (1368-1644), người ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi hạnh phúc tới nhà, đúng như lời cầu mong của người Trung Quốc: 福 星 高 詔, “phúc tinh cao chiếu”, nghĩa là sao phúc từng cao chiếu xuống hay câu: 多 福 多 壽 , “đa phúc đa thọ”, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc nhau. Ngoài hình con giơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật thủ hay tranh ảnh vị phúc thần và vị môn thần dán trên cửa hay khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự

[3]Ý nghĩa của chữ Lộc: nhiều người vẫn hiểu là ý chỉ về tiền bạc nhưng chắc  hẳn ít người hiểu sao gọi là lộc. Lộc tức là quan , khi xưa vua ban phẫm vật , tiền bạc để ghi nhận bầy tôi chí công vô tư thay vua cai quản dân chúng dưới quyền ,còn dân thì đem kính biếu quan để bày tỏ lòng biết ơn về công việc nào đó, Nói chung lộc chính là sự ghi nhận công lao của quan , đối với dân, với vua với nuớc nên có công lao  thì có lộc  dân gian đã quen với người đời khi tiền đến tay một cach dễ dàng ta hay nói lộc trời cho, hoặc được người biếu xén  chút quà,  hay mời ăn uống ta cũng nói là có lộc, nêu như công việc làm ăn ko thưận lợi, tiền tài khó kiếm, cứ đầu tắt mặt tối ăn bửa nay  lo cày bửa mai vì ko có phúc nên ko có lộc thật cũng khổ sở vô cùng.

[4]Ý nghĩa của  chữ  Thọ:  có nghĩa là sống lâu trăm tuổi,ai cũng ước mong có một cuộc kéo dài  tới  đời con cháu ,và hưởng một cuộc sống hạnh phúc bên cháu chắt  nhưng nếu vì vô phúc gặp con cháu bất hiếu tử chỉ xem cha mẹ là của nợ  thì thật oan khiên vô cùng .Chử phúc luôn đứng đầu vì nếu có phúc bạn mới gặp nhiều may mắn , công việc trôi chảy , hạnh thông  và thọ sống già  để huởng trọn quả phúc đó. Trong cuôc sống hiện tại chưa thấy ai hưởng trọn muời phân vẹn muời Phúc Lộc thọ cả.